LTS: Thời điểm nghỉ hè đáng lẽ học sinh được thoải mái vui chơi, rèn luyện những kỹ năng sống thì nhiều bậc phụ huynh lại bắt ép con đi học thêm bởi bệnh sính thành tích.
Tác giả Sông Trà cho rằng các bậc cha mẹ nên thay đổi quan niệm của mình để các con được sống và học tập một cách đúng nghĩa.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Năm học sắp kết thúc, mùa nghỉ hè đối với giáo viên và học sinh sắp đến gần.
Mùa hè gắn với mùa nghỉ ngơi, tham gia các hoạt động xã hội, văn hóa, rèn luyện các kỹ năng sống cho con trẻ ở tại nhà, tại địa phương.
Nhưng, thực tế, nhiều học sinh của chúng ta lại không được vậy, tiếp tục bị áp lực, căng thẳng, nhồi nhét, thậm chí gặp “ác mộng” với vô số lớp học thêm trong suốt thời gian ấy.
Vì đâu mà các em bị nên nỗi này? Chính là do nhiều phụ huynh suy nghĩ, nhìn nhận chưa đúng đắn về sự phát triển toàn diện của con em mình.
Các bậc cha mẹ đừng biến kỳ nghỉ hè của con thành "cơn ác mộng". (Ảnh minh họa: Tuoitre.vn) |
Cha mẹ chạy đua theo phong trào, thời thượng, thấy con nhà người ta đi học lớp nọ, lớp kia nên đứng ngồi không yên, tìm mọi cách ép buộc con em phải theo bằng được, dù có em không muốn.
Mặc dù, trong thời gian qua, ngành giáo dục đã ban hành nhiều văn bản, quy định về dạy học thêm, kể cả cấm dạy thêm ở bậc tiểu học, một số nơi từng tăng cường công tác kiểm tra, xử lý những sai phạm về vấn nạn này.
Tuy nhiên tình hình, kỷ cương vẫn không có chuyển biến, tiếp tục gây bức xúc trong phụ huynh và dư luận.
Trong một cuộc họp báo, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng thừa nhận thực trạng dạy học thêm hiện nay chưa được giải quyết triệt để trong năm học cũng như trong thời gian nghỉ hè.
Vấn nạn dạy học thêm nằm ngoài khả năng của ngành giáo dục.
Cựu Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển từng cho rằng muốn giảm dạy thêm, phụ huynh cần thay đổi quan điểm về việc học.
Ông chỉ rõ: “Phải tuyên truyền lại chất lượng giáo dục là thế nào. Học sinh không chỉ cần các môn Toán, Tiếng Việt điểm cao mà còn nhiều yếu tố khác, cần giáo dục toàn diện.
Giáo dục không chỉ đến trường mà ở mọi lúc, mọi nơi, chơi cũng là học, học trong từng câu chuyện hàng ngày.
Chẳng hạn, bà ngồi kể chuyện cho cháu nghe cũng là giáo dục. Nếu quan niệm thay đổi thì học thêm sẽ ít đi.
Để giải quyết dạy thêm không chỉ bằng biện pháp hành chính mà phải kết hợp nhiều giải pháp khác nhau”.
Chúng tôi cho rằng nhận định, phân tích trên của Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo là hoàn toàn xác đáng.
Một trong các biện pháp căn cơ để giải quyết được tình trạng dạy học thêm tràn lan, nhất là bậc tiểu học hiện nay, nằm ở nhận thức, hiểu biết của các bậc phụ huynh.
Đúng, phụ huynh cần thay đổi quan điểm về học của con em.
Tâm lý phổ biến của hầu hết phụ huynh luôn muốn con mình phải học nhiều, phải tiến nhanh hơn các bạn cùng trang lứa, mới cảm thấy yên tâm, hài lòng, cần được gỡ bỏ.
Thay vào đó là tư tưởng, quan điểm để con trẻ phát triển tự nhiên, tự giác và hướng đến sự giáo dục toàn diện, kiến thức có thể tích lũy, học tập ở mọi lúc, mọi nơi.
Theo chúng tôi, nhà trường, thầy cô giáo và truyền thông báo chí là những đối tượng trụ cột phải làm tốt chức năng tuyên truyền, tác động bằng nhiều hình thức đến mọi phụ huynh học sinh để họ hiểu được việc học, tương lai của con em không phụ thuộc quá lớn vào chuyện ngày đêm, liên tục đi học thêm ở thầy cô giáo.
Trong thời gian nghỉ hè, phụ huynh không cho, không ép con em đi học hè đủ chỗ thì nhà trường, thầy cô giáo nào dám làm gì với con em?
Thời điểm này, thời gian chuẩn bị cho năm học mới còn rất dài thế mà nhiều trường học thuộc bậc tiểu học, trung học cơ sở ở các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh đã rục rịch, nóng lên từng ngày cuộc chạy đua của các bậc phụ huynh đăng ký, lựa chọn cho con em vào lớp 1 và lớp 6, tại các trường “điểm”, các trường được đánh giá là có chất lượng dạy, học tốt.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cấm thi tuyển sinh vào lớp 6 từ năm 2015.
Mấy năm nay, nhiều trường trung học cơ sở ở thành phố lớn, ngoài quy định đối tượng phải đúng tuyến, kết quả giáo dục 5 năm trong học bạ còn thêm những tiêu chí, thành tích khác (để cộng điểm ưu tiên, khuyến khích) từ các cuộc thi về văn hóa, thể dục, thể thao…
Nhiều phụ huynh ở đây, nhất là diện trái tuyến, lại đẩy con em vào những cuộc thi tiếng Anh, toán… liên miên trên internet để mong có cơ hội cạnh tranh vào các trường, lớp như mong muốn.
Căn bệnh "sính thành tích", thích khoe mẽ, thích trường “xịn” nhất… đã thấm vào máu, thịt của nhiều phụ huynh khiến nhà trường, giáo viên căng thẳng, áp lực, khó khăn khi xét tuyển sinh vào lớp 1 và lớp 6 và đặc biệt “hành xác” các em học sinh.
Đã đến lúc, các bậc cha mẹ ở các thành phố nên có nhìn nhận, đánh giá lại chính mình, bớt đi những cuộc chạy đua, tranh giành về trường điểm, lớp chọn, bớt đi những áp lực về học hành đối với con trẻ, để các em phát triển tự nhiên theo khả năng của mình, để môi trường giáo dục lành mạnh hơn.