Trao đổi với PV Báo Giáo dục Việt Nam, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo và Đào tạo thẳng thắn cho biết, ông chưa yên tâm với cả 3 phương án mà Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu ra cho một kỳ thi quốc gia vào năm 2015.
Nếu chỉ thi 4 môn, học sinh sẽ học đối phó
Phương án 1 là thi 8 môn gồm: Toán, Văn, Lý, Hoá, Sinh, Sử, Địa và Ngoại ngữ. Có 8 buổi thi trong 4 ngày, mỗi buổi thi một môn. Để được xét công nhận tốt nghiệp, mỗi thí sinh phải dự thi 4 môn gồm 3 môn bắt buộc là Toán, Văn, Ngoại ngữ và một môn do thí sinh tự chọn trong số các môn Hoá, Lý, Sinh, Sử, Địa.
Kết quả của bốn môn thi tối thiểu được sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp THPT, kết quả 4 môn thi này cũng được sử dụng để đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ có các môn thi phù hợp với ngành đào tạo.
Bộ Giáo dục cho rằng, ưu điểm của phương án này là tạo thuận lợi cho việc ra đề thi, đảm bảo đánh giá được mức độ học vấn phổ thông và phân hoá tốt hơn trình độ thí sinh, phân luồng mạnh đối với người học sau THPT, giúp các trường ĐH, CĐ lựa chọn được thi sinh phù hợp với ngành đào tạo.
Tuy nhiên, PGS Nhĩ phân tích: “Đối với phương án 1 chẳng khác gì với kỳ thi tốt nghiệp PTTH vừa qua, với 2 môn thi bắt buộc và 2 môn tự chọn. Kết quả thi tốt nghiệp đạt tới 99% như vậy thì chẳng sàng lọc được gì cả. Vì vậy, tôi thấy phương án này không có gì mới mà đi lại con đường cũ vừa rồi, không đánh giá được thực chất học sinh. Thi mà đỗ tới 99% thì thi để làm gì? Theo tôi, Bộ Giáo dục phải làm thế nào để chỉ đỗ 70% thôi thì chất lượng đầu vào đại học sẽ được nâng cao”.
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng ngoài công lập Việt Nam. |
Cũng theo PGS Trần Xuân Nhĩ, nếu chọn phương án 1 thì tình trạng học lệch sẽ ngay lập tức xảy ra, trong khi chúng ta đang hướng các em tới một nền tảng kiến thức toàn diện.
“Học sinh sẽ tiếp tục không lựa chọn một số môn xã hội như Sử, trong khi những môn học này rất cần cho các em củng cố tư duy và chắc chắn sẽ xảy ra tình trạng học lệch ngay từ lớp 10, một số môn các em không chủ định thi thì học đối phó. Tôi tin rằng sẽ còn rất nhiều chuyên gia khác đồng tình với tôi là phải loại phương án 1”, PGS Nhĩ nói.
PGS Nhĩ cũng nêu quan điểm, ông đồng tình với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam là trong sự đổi mới phải thật chú trọng tới ngoại ngữ, đó là yếu tố rất cần thiết để học sinh học tập và hội nhập tốt với thế giới.
“Có những ý kiến cho rằng ở một số nơi, nhất là nông thôn, vùng sâu, vùng xa học sinh kém ngoại ngữ, do đó không nên thi. Tuy nhiên, tôi cho rằng, vẫn phải thi, có thể với những khu vực đó thì mức độ ra đề nhẹ hơn và dần dần sẽ nâng lên”, PGS Nhĩ nêu quan điểm.
Phải thi đủ kiến thức của 8 môn
PGS Trần Xuân Nhĩ đánh giá, phương án thứ 2 là khả quan hơn cả, nhưng nếu giữ nguyên như đề xuất của Bộ Giáo dục hiện nay thì không hoàn chỉnh.
PGS Nhĩ chia sẻ: “Bộ bắt buộc thi Toán, Văn, Ngoại ngữ. Nhưng với hai bài còn lại là tự nhiên (lý, hóa, sinh) và xã hội (sử, địa) lại chỉ chọn một bài là không ổn, cho nên theo tôi thì phải chọn cả 5 môn còn lại là Lý, Hóa, Sinh, Sử, Địa. Hiện nay, Bộ Giáo dục có ý rằng ở một số môn học phổ thông đang đưa kiến thức ở đại học xuống cho nên quá tầm học sinh, vậy thì ngay trong năm học mới này Bộ nên mời các chuyên gia góp ý, cái gì không cần thiết thì bỏ bớt đi, mà đó cũng là việc cần thiết khi đổi mới toàn diện. Qua đó, học sinh cũng thấy việc học và thi thoải mái hơn, chứ không nặng nề như vừa rồi”.
Bộ Giáo dục lý giải cách làm ở phương án 2 là để phân hóa sàng lọc cho đại học, nhưng theo PGS Trần Xuân Nhĩ thì chỉ thực sự phân hóa được và đạt hiểu quả tốt khi phân luồng, phân ban ngay từ cấp THCS.
“Học sinh có lựa chọn theo khối khoa học tự nhiên thì cũng phải có đủ kiến thức nền cần thiết ở khắp các lĩnh vực xã hội. Nếu học sinh chỉ chăm chăm học tủ ban A để thì vào các khối kinh tế mà không biết địa lý thế giới thế nào, lịch sử địa lý và biển đảo của Việt Nam ra sao, thì anh đâu phải là người có kiến thức phổ thông cơ bản toàn diện? Nói tóm lại, tôi cho rằng cả 8 môn học đều phải bắt buộc thi hết, chỉ có cách làm thế nào để không nặng nề thôi”, PGS Nhĩ nhấn mạnh.
Còn với phương án thứ ba 3 thì phải gắn với chương trình dạy tích hợp, PGS Trần Xuân Nhĩ chỉ rõ: “Ở đây dù gọi là tích hợp nhưng thực chất chỉ là tổng hợp các phần của mỗi môn thôi chứ không phải tích hợp”.
Theo PGS Nhĩ, với một kỳ thi quốc gia quan trọng như vậy thì không nên nặng nề vấn đề kinh phí ở phương án nào, mà điều quan trọng là phải thống nhất được phương án nào tích cực nhất, dù có tốn kém nhưng nếu thực sự thay đổi được tương lai nền giáo dục quốc gia thì vẫn phải làm.
"Nhiều năm qua, chúng ta loay hoay với đổi mới giáo dục phổ thông, tốn rất nhiều tiền của nhưng vẫn chưa tìm ra chương trình - sách giáo khoa chuẩn. Với việc lựa chọn một phương án thi mới, Bộ Giáo dục cũng phải nhanh chóng thúc đẩy quá trình đổi mới chương trình - sách giáo khoa, theo tôi thì cần huy động kinh nghiệm, tri thức của nhiều nhà khoa học, chuyên gia hàng đầu để thiết kế được một chương trình chuẩn, hội nhập được với các nền giáo dục tiên tiến, chứ không thể để xảy ra chuyện vài năm nữa lại thay đổi, gây lãng phí tiền của nhân dân", PGS Nhĩ bày tỏ.
Tiếp tục cuộc trao đổi với PV Báo Giáo dục Việt Nam, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ chia sẻ lo lắng về những tiêu cực trong thi cử ở bậc PTTH sẽ là rào cản cho đào tạo đại học, dẫn tới nguồn nhân lực tương lai của quốc gia có chất lượng thấp, thất nghiệp tràn lan và trở thành gánh nặng cho xã hội.