Lựa chọn “chuyến tàu” nào?
Đánh giá lại công tác nhiệm vụ năm học 2013-2014, ông Phạm Vũ Luận nhấn mạnh tới việc đổi mới trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, theo đó khác với những năm trước thay vì Bộ GD&ĐT chọn môn thi thì năm vừa rồi học sinh tự chủ động được chọn môn thi. Điều đó thể hiện sự tôn trọng học sinh, coi học sinh là chủ thể, là mục tiêu của giáo dục cơ bản.
Theo đánh giá của nhiều người, điều đó cũng là để cho học sinh được phát triển toàn diện trên nền tảng của giáo dục THCS.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận thích làm theo phương án 3: Kỳ thi, 11 môn học ở lớp 12 THPT gồm: Toán, Ngữ văn, Vật lí, Hoá học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí, Ngoại ngữ, Tin học, Công nghệ và Giáo dục công dân được chọn để tổng hợp thành 4 bài thi . |
Qua hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học vừa qua, theo ông Luận hai kỳ thi được đánh giá là nghiêm túc hơn các năm trước, đặc biệt là kỳ thi tốt nghiệp THPT với việc ra đề mở ở các môn xã hội. Theo đánh giá của nhiều nhà giáo dục, việc ra đề như vậy tất yếu sẽ phải thay đổi các học, cách dạy ở phổ thông.
Ông Luận cũng thừa nhận, mỗi khi tổ chức các kỳ thi có nhiều nỗi lo. Lo đề ra có sát chương trình, có sai sót, có lộ đề không? Lo có clip phản ánh thi cử, nhiều lần Bộ GD&ĐT ở tâm thế bị động về việc này, nhưng năm vừa qua tuy cũng có lo nhưng đã chủ động hơn.
Qua hai kỳ thi vừa qua lãnh đạo Bộ GD&ĐT cũng nhìn nhận, kỳ thi đã tạo ra cách học, cách thi cử cho năm học 2014-2015 sẽ phải được thực hiện sâu hơn. Muốn thực hiện được sâu phải có sự nhiệt tình thực sự của các thầy cô giáo.
Kỳ thi quốc gia: Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói gì?
(GDVN) - Chỉ đạo định hướng Hội tổng kết năm học và triển khai năm học mới trong sáng nay, PTT Chính phủ Vũ Đức Đam đã lưu ý Bộ GD&ĐT nhiều điểm về kỳ thi quốc gia.
Trao đổi thêm về ba phương án thi THPT quốc gia, ông Phạm Vũ Luận cho rằng thực chất 3 phương án này là giống nhau, chỉ khác nhau ở mức độ: “Mượn hình ảnh thì phương án 1 giống như đi từ ga Hàng Cỏ vào tới Vinh, phương án 2 tới Đà Nẵng, phương án 3 đến Nha Trang, mục tiêu là TP. HCM, từ đó vào tới TP. HCM còn một khoảng nữa, đây là hành trình để đi đến cách thức thi cử theo cách đánh giá năng lực phẩm chất của học sinh. Chúng ta làm không được giật cục, giật cục học sinh sẽ không thi được”ông Luận nói.
Ông Phạm Vũ Luận cũng thẳng thắng bày tỏ quan điểm cá nhân rằng, ông thích làm theo phương án 3, bởi phương án này giúp về tới đích nhanh hơn. Tuy nhiên, lựa chọn phương án nào cũng cần phải tính tới điều kiện chung của đất nước, của địa phương.
Thi Ngoại ngữ bắt buộc như là một thông điệp
Có thể nhận thấy trong 3 phương án tổ chức thi THPT quốc gia vào năm tới mà Bộ GD&ĐT đang xin ý kiến xã hội đều đưa môn Ngoại ngữ là môn bắt buộc, điều đó cho thấy tầm quan trọng của việc học ngoại ngữ trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Ngay tại Dự thảo của Bộ GD&ĐT về tăng cường triển khai thực hiện nhiệm vụ đổi mới dạy học ngoại ngữ cũng đã đặt vấn đề để triển khai tốt việc này cần có sự đổi mới trong việc dạy và học ngoại ngữ. Theo đó, chuyển định hướng chương trình từ dạy ngôn ngữ sang dạy học giao tiếp với nhiệm vụ trọng tâm là nâng cao năng lực tiếng và phương pháp dạy học.
Tương lai gần sẽ thành lập và đưa Trung tâm đánh giá năng lực ngoại ngữ quốc gia vào hoạt động.
Tại Hội nghị tổng kết năm học ngày hôm qua, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, việc có ý kiến nói rằng có những năm ngoại ngữ thành môn thi bắt buộc, có những năm lại không bắt buộc. Tuy nhiên, Phó thủ tướng lưu ý một điều: thi ngoại ngữ bắt buộc là một thông điệp cho toàn xã hội rằng, từ hôm nay tất cả các em, các cháu phải nhớ rằng ngoại ngữ cũng có yêu cầu quan trọng không kém các môn như Toán, Văn.
“Chúng ta không được quên bây giờ Việt Nam thực chất là một bộ phận của nền kinh tế thế giới. Chúng ta đảm bảo con em chúng ta phải là công dân toàn cầu. Có những người ví von bây giờ mà không biết ngoại ngữ giống như ra trận mà không có súng. Chúng ta phải định hướng để con cháu chúng ta học. Không có nghĩa là bắt thi ngoại ngữ là bắt ngay các cháu ở miền núi cũng thông thạo như các cháu ở Hà Nội hay TP HCM” Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Nhấn mạnh lại khâu đột phá trong đổi mới giáo dục là thi cử, Phó thủ tướng cho rằng mặc dù thi là khâu đột phá nhưng cũng không thể tách rời việc thiết kế lại chương trình, sách giáo khoa trên cơ sở hệ thống được xem xét, thi cử ngoài việc mang tính chất là khâu đột phá còn làm nhiệm vụ kích thích các khâu khác đi theo trên tinh thần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Ba phương án thi THPT quốc gia từ năm 2015
Phương án 1: Thi 8 môn, gồm: Toán, Ngữ văn, Vật lí, Hoá học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí và Ngoại ngữ; có 8 buổi thi trong 4 ngày, mỗi buổi thi 1 môn.
Phương án 2: Thi 8 môn học ở lớp 12 THPT gồm: Toán, Ngữ văn, Vật lí, Hoá học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí và Ngoại ngữ được chọn để tổng hợp thành 5 bài thi gồm:
- Bài thi Toán
- Bài thi Ngữ văn
- Bài thi Ngoại ngữ
- Bài thi Khoa học Tự nhiên (gồm Vật lí, Hóa học và Sinh học)
- Bài thi Khoa học Xã hội (gồm Lịch sử và Địa lí)
Có 5 buổi thi trong 2,5 ngày, mỗi buổi thi 1 bài thi.
Phương án 3: Thi 11 môn học ở lớp 12 THPT gồm: Toán, Ngữ văn, Vật lí, Hoá học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí, Ngoại ngữ, Tin học, Công nghệ và Giáo dục công dân được chọn để tổng hợp thành 4 bài thi gồm:
- Bài thi Toán – Tin (gồm các môn Toán và Tin học);
- Bài thi Khoa học Tự nhiên (gồm Vật lí, Hóa học, Sinh học và Công nghệ);
- Bài thi Khoa học Xã hội (gồm Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí và Giáo dục công dân);
- Bài thi Ngoại ngữ;
Có 4 buổi thi trong 2 ngày, mỗi buổi thi 1 bài thi.