Thảo luận về Luật Giáo dục tại Quốc hội chiều 11/6, Đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) bày tỏ lo lắng về vấn đề chọn sách giáo khoa.
Điều 29 khoản 2 có viết "mỗi môn học có thể có nhiều sách giáo khoa, thực hiện xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa, cơ sở giáo dục được lựa chọn sách giáo khoa để sử dụng ổn định trong giảng dạy và học tập".
Đại biểu Trí cho biết: "Quy định này mới đọc thì cho rằng đúng, nhưng rất khó có thể thực hiện đại trà cho một nền giáo dục như ở Việt Nam, gây ra sự lộn xộn lớn trong biên soạn, lựa chọn, mua sắm, sử dụng sách giáo khoa, quản lý, thi cử, đánh giá trình độ người dạy, người học.
Thêm nữa, quy định này mâu thuẫn với ngay chính đoạn đầu của khoản 2 Điều 29 này. Vì vậy, tôi đề nghị cần sửa lại hệ thống giáo dục phổ thông chỉ có bộ sách giáo khoa theo chuẩn quốc gia thống nhất và phù hợp cho các cấp, các lớp phổ thông trong toàn quốc ổn định trong nhiều năm".
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí đề nghị cần có một bộ sách giáo khoa thống nhất toàn quốc sử dụng ổn định nhiều năm. ảnh: Trung tâm thông tin Quốc hội. |
Cũng bày tỏ băn khoăn về vấn đề này, Đại biểu Dương Minh Tuấn (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết, quy trình từ khi biên soạn đến đưa sách giáo khoa đến nhà trường là chặt chẽ nhiều giai đoạn, từ đề cương góp ý, biên soạn, thẩm định, trưng cầu, chỉnh sửa, phê duyệt và tập huấn.
"Khi có nhiều bộ sách giáo khoa thì ai được quyền chọn sách giáo khoa cho từng lớp, từng cấp học, từng môn, e rằng việc chọn nhiều sách dẫn đến "đa thư loạn mục", không đảm bảo tính thống nhất và ăn khớp của toàn nền giáo dục.
Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu thêm, nếu mỗi trường chọn một bộ sách giáo khoa thì ngành giáo dục có đảm đương nổi nhiều công việc, trong đó có việc tập huấn cho giáo viên của từng trường hay không?
Theo tôi Bộ Giáo dục và Đào tạo phải khảo sát và có sách giáo khoa chuẩn theo vùng, miền, khu vực", ông Tuấn nêu.
Đại biểu Dương Minh Tuấn đồng thời đề cập đến vấn đề mà dư luận xã hội quan tâm thời gian quan là giá sách giáo khoa.
Ông Tuấn nêu: "Tôi xin điển hình như sách giáo khoa lớp 6 giá thị trường đang bán là 14.500 nhưng cơ sở giáo dục chọn một giáo trình khác về môn Anh văn cũng lớp 6 mà có trường không dạy, dạy chương trình ilearn smart world gồm 2 cuốn, một cuốn 96.000, một cuốn 93.000 tổng là 160.000 so với bên này là gấp 10 lần.
Như vậy, cả 2 trường ở gần nhau, cùng một địa bàn mà một bên chọn trường này, con em có một môn phải chọn là 14.000, bên kia phải chọn 160.000. Như vậy, người ta có thắc mắc về vấn đề này hay không?
Ví dụ, chương trình VNEN, tôi đặt vấn đề ban đầu một quyển sách lớp 4 trị giá 10.900 đồng. Tuy nhiên, sử dụng VNEN bên này dùng một cuốn cũng 1 năm nhưng bên kia môn toán dùng 4 quyển, mỗi quyển 16.000, tổng 4 quyển là 64.000, như vậy đắt gấp 5 lần cuốn sách này.
Như vậy, giá sách 2 bên rất chênh lệch nhau, tôi đề nghị Quốc hội, Ban Soạn thảo thiết kế như thế nào đó nói được trong luật rằng giá trị của những quyển sách giáo khoa không lệch nhau quá tỷ lệ %, ví dụ không lệch 10% hay 20%, như vậy mới đảm bảo hài hòa ổn thỏa trong các trường học ở địa phương".