Đại biểu hỏi có tội phạm tinh vi xảy ra ở kỳ thi quốc gia các năm trước không?

14/11/2018 06:49
Đỗ Thơm
(GDVN) - Đây là vấn đề được đại biểu Triệu Thị Thu Phương - đoàn Bắc Kạn nêu ra tại nghị trường Quốc hội ngày 13/11.

Ngày 13/11, Quốc hội đã tiến hành thảo luận ở hội trường về các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018.

Phát biểu thảo luận tại hội trường, đại biểu Triệu Thị Thu Phương - đoàn Bắc Kạn bày tỏ lo ngại về tội phạm xuất hiện ở khu vực áp dụng công nghệ cao như tổ chức đánh bạc diễn ra công khai trên mạng internet, lôi kéo nhiều người tham gia.

Đại biểu Triệu Thị Thu Phương. Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Triệu Thị Thu Phương. Ảnh: Quochoi.vn

“Việc lợi dụng mạng xã hội để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản bằng nhiều thủ đoạn vẫn diễn ra tràn lan nhưng chưa được ngăn chặn hiệu quả.

Đặc biệt là trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia vừa qua đã phát hiện những sai phạm nghiêm trọng, tinh vi được thực hiện có tổ chức trong chấm thi, quản lý đề thi, bài thi, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Đồng thời, cũng đặt ra câu hỏi, liệu có hay không đã xảy ra loại tội phạm này ở những năm trước đây”, đại biểu nêu.

Tuy nhiên, chưa được phát hiện ra và lỗ hổng do pháp luật hay do công tác quản lý để dẫn đến sự việc xảy ra.

“Các báo cáo cũng chưa nói rõ nguyên nhân từ quy định kẽ hở của pháp luật hay từ tổ chức bộ máy, công tác kiểm tra, giám sát về mặt chuyên môn”, đại biểu đánh giá.

Cũng liên quan đến loại tội phạm sử dụng công nghệ cao, đại biểu Nguyễn Thị Thủy - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nêu, nếu như 5 -10 năm trước đây, khi các tổ chức quốc tế khuyến cáo chúng ta về sự gia tăng nhanh chóng cũng như tác hại của tội phạm này đối với nền kinh tế và người dân, chúng ta chưa thể hình dung hết.

Đến nay, sau hàng loạt các vụ án, vụ việc thấy rằng khi công nghệ cao đã trở thành phương tiện đa năng, hữu ích, không thể thiếu của cuộc sống con người thì các đối tượng phạm tội cũng đã lợi dụng triệt để thành tựu này vào hoạt động phạm tội.

Đại biểu lấy ví dụ, như vụ sửa kết quả về kỳ thi phổ thông trung học quốc gia vừa qua. Khi thao tác lại hành vi phạm tội với các tiện ích của máy tính, đối tượng chỉ mất 6 giây để sửa một bài thi.

Nó cho thấy loại tội phạm này phạm tội nhanh đến thế nào.

Chính trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp về công tác phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm do Chủ nhiệm Ủy ban Lê Thị Nga trình bày trước Quốc hội đã nhấn mạnh một nội dung liên quan đến gian lận tại một số địa phương trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia vừa qua.

Báo cáo nhấn mạnh, một số đối tượng lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và sơ hở trong quy trình tổ chức kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2018 để sửa điểm, làm sai lệch kết quả thi ở các tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình, gây bất bình trong xã hội, làm mất lòng tin của người dân, nhất là học sinh về sự công bằng, nghiêm minh, khách quan của kỳ thi.

Đỗ Thơm