Chương trình nhằm đào tạo các chuyên gia có kiến thức toàn diện, chuyên sâu về quản trị nhà nước và phòng chống tham nhũng cho các cơ quan, tổ chức có nhu cầu nhân lực về lĩnh vực này ở Việt Nam.
Theo đó, đối tượng được dự tuyển để theo học chương trình này là những người có bằng cử nhân Luật học, tất cả các chuyên ngành trong và ngoài Việt Nam, người có bằng cử nhân các ngành gần ngành Luật như: Quản lý Nhà nước, Quản lý công, Khoa học quản lý, Chính trị học…
Chương trình đào tạo Thạc sĩ Quản trị Nhà nước và Phòng chống tham nhũng được đào tạo 2 năm, với kết cấu 64 tín chỉ tương đương 16 học phần.
Điều kiện dạy học của chương trình được trang bị đầy đủ các thiết bị kỹ thuật giảng dạy trong đó có thư viện lớn của Đại học Quốc gia Hà Nội.
Về đội ngũ giảng dạy, nòng cốt là các giáo sư, tiến sĩ đang là giảng viên của khoa Luật (Đại học quốc gia Hà Nội), ngoài ra còn có các giáo sư nước ngoài, các giáo sư, tiến sĩ giảng viên của các trường đại học khác tại Việt Nam, các chuyên gia đang làm việc cho các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, tổ chức quốc tế, doanh nghiệp.
Phó giáo sư Nguyễn Thị Quế Anh - Chủ nhiệm khoa Luật (Đại học Quốc gia Hà Nội) phát biểu tại buổi lễ (Ảnh: Thanh Chuyên) |
Chia sẻ tại buổi lễ, Phó giáo sư Nguyễn Thị Quế Anh - Chủ nhiệm khoa Luật (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho hay:
“Phòng chống tham nhũng, được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, do đó công tác giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức và đào tạo nguồn nhân lực là biện pháp nền tảng lâu dài có ý nghĩa rất quan trọng trong công tác phòng chống tham nhũng.
Khoa Luật là cơ sở đào tạo đại học đầu tiên, tổ chức giảng dạy, nghiên cứu về phòng chống tham nhũng một cách chính thức có hệ thống, do đó, ngày hôm nay chúng tôi tiến hành triển khai Lễ công bố Chương trình đào tạo Thạc sĩ Luật học về Quản trị nhà nước và Phòng chống tham nhũng".
Cũng tại buổi lễ công bố, bà Cait Moran - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Ai-Len tại Việt Nam cho hay:
“Quản trị tốt và phòng chống tham nhũng không chỉ là công việc của các luật gia mà còn là công việc của toàn xã hội. Vì yêu cầu về tính minh bạch, giải trình chống tham nhũng và cải tạo nên cả một nền văn hoá chống tham nhũng là công việc của toàn xã hội.
Vì thế tôi hi vọng chương trình không chỉ đào tạo ra các chuyên gia trong lĩnh vực đó mà các chuyên gia sau khi được đào tạo sẽ truyền tải kiến thức đó rộng rãi hơn cho toàn xã hội”.