LTS: Nhân câu chuyện về điểm đầu vào các trường sư phạm cũng như xuất phát từ nhu cầu tìm hiểu của nhiều người, cô giáo Đinh Thu Hồng, một cô giáo người Việt, đang giảng dạy ở Mỹ chia sẻ bài viết giới thiệu việc đào tạo giáo viên ở Mỹ.
Cô Thu Hồng nhấn mạnh ở Mỹ không có trường đại học sư phạm mà chỉ có các khoa đào tạo giáo viên trực thuộc trường đại học.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Dịp về Việt Nam tháng 6 vừa rồi, cũng như qua trao đổi với các bạn ở Việt Nam, tôi thấy nhiều người quan tâm đến việc giáo viên ở Mỹ được đào tạo như thế nào, hay làm thế nào để trở thành giáo viên ở Mỹ.
Đúng dịp dư luận trong nước xôn xao việc điểm chuẩn vào trường Sư phạm quá thấp, tôi cũng xin chia sẻ bài viết này.
Đây cũng là dịp ôn lại chặng đường gần 10 năm trước khi tôi chập chững sang đây và theo đuổi con đường trở thành nhà giáo.
Có những điểm lưu ý sau:
- Ở đây không có cái gọi là trường đại học sư phạm. Tất cả các khoa có chương trình đào tạo giáo viên (teacher education program) đều trực thuộc một trường đại học nào đó.
Cô giáo Thu Hồng trên bục giảng. (Ảnh tác giả cung cấp) |
- Muốn được học chương trình đó để ra làm giáo viên thì cần 2 điều kiện sau:
+ Phải có Bằng cử nhân của một ngành nào đó. Ví dụ phải có Bằng cử nhân Luật hay Kinh tế hay Triết học hay Quản trị Kinh doanh...
Khi ở Việt Nam, tôi có hai Bằng cử nhân: Khoa Báo chí trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn và khoa Anh trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội.
Tôi chuyển bảng điểm của trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ qua tổ chức WES (World Education Services) để thẩm định và đủ điều kiện quy đổi ra 96 tín chỉ/credits - tương đương bằng cử nhân bên này.
+ Phải thi đỗ được vào chương trình đào tạo giáo viên qua kỳ thi Praxis I.
Praxis I là kì thi kiểm tra kiến thức 3 môn cơ bản của tiểu học là Đọc, Viết và Toán (Reading, Writing & Math).
Tôi nhớ hồi ôn thi cho Praxis I (tài liệu hay sách ôn thi bán rất nhiều trên mạng hay ở hiệu sách), môn Reading không khó lắm vì ở Việt Nam tôi cũng đi học thêm Tiếng Anh nhiều, rồi luyện IELTS, TOEFL.
Chỉ môn Viết và Toán hơi khó vì vốn từ vựng, nhất là môn Toán, còn thiếu nhiều. May quá thi lần đầu đỗ luôn, nếu không đỗ sẽ tốn tiền thi lại và phải dời ngày nhập học.
Để trở thành giáo viên bên Mỹ, bạn phải thi đỗ được vào chương trình đào tạo giáo viên qua kỳ thi Praxis. (Ảnh tác giả cung cấp) |
- Thông thường thời gian của chương trình đào tạo giáo viên, nhất là giáo viên cấp 1, là 2 năm, cả thời gian học trên lớp và thời gian đi thực tập (field work).
Nếu ai muốn dạy cấp 2 hay cấp 3 thì phải học thêm vài môn nữa cho chuyên môn mình dạy. Ví dụ dạy Vẽ, dạy Sử hay dạy Toán thì học thêm môn Vẽ, Sử hay Toán.
- Thông thường có ít nhất 3 Field work /lần đi thực tập: thường mọi người chọn trường gần nhà hay trường có người quen biết hay trường ở quận (school district) tốt.
Lần thực tập đầu chỉ quan sát hoàn toàn, ghi chép tìm hiểu. Không nhất thiết phải là cấp mình định dạy.
Lần thực tập này chủ yếu cho mình khái niệm là làm việc trong trường học nói riêng và môi trường sư phạm nói chung ra sao.
Lần 1 này tôi thực tập ở lớp 7, tiết Văn/ELA, ở trường gần nhà.
Lần hai, tôi bắt đầu tham gia vào quá trình hay ngày làm việc thực sự của cô giáo, như giúp cô về giấy tờ, phụ giảng.
Lần này tôi thực tập ở một trường cấp 1 cũng khá gần nhà vì đến giờ đã xác định chắc chắn là chỉ muốn dạy cấp 1.
Tôi nhớ như in đợt thực tập này vì nó dạy cho mình nhiều thứ.
Từ Việt Nam qua, không hề đi học ở bên này nên tôi bơ ngỡ đủ thứ: không biết gì về Specials tức là học mấy môn phụ, ngày học diễn biến ra sao, không biết cả dismissal là gì ...
Ở Mỹ, giáo viên có dạy thêm không? |
Nhưng nhớ nhất là lần tôi viết bảng, viết chữ cursive (chữ thảo) các bạn nhỏ không đọc được vì không được học.
Các bạn ý chỉ viết và đọc được chữ dạng in/print.
Ở Việt Nam từ bé các bạn đã được viết chữ hoa/cursive.
Ở bên này thường lớp 3 trở lên mới được học viết cursive.
Việc dạy viết cursive cũng không thống nhất giữa các trường, quận và tiểu bang. Chủ yếu dạy hay không là do cô giáo hay hiệu trưởng quyết định.
Lần 3: Student teaching.
Đây là lần cuối cùng và quan trọng nhất vì là một phần điểm tổng kết và là bước quan trọng trong việc mình có hợp và có làm được nghề giáo không.
Ở giai đoạn này tôi thực tập 15 tuần, như một cô giáo thực thụ - chuẩn bị bài, chấm bài, đi họp, tham gia các hoạt động của trường, đi tham quan...
Khi thực tập dạy sẽ có cô giáo của lớp (cooperative teacher) và thày giáo ở trường đại học (college supervisor) đến quan sát, chỉ bảo, chấm điểm, giúp đỡ, nhận xét.
Tôi nhớ như in những kỷ niệm với học sinh lớp 3 mình đến thực tập ngày đó, các em coi mình như cô, như mẹ, như chị gái. Tình cảm và chân thực.
Ngày cuối cùng cô trò cùng khóc. Giờ các bạn ý đều vào cấp 3 cả rồi.
- Trong quá trình thực tập hoặc kỳ cuối trước khi ra trường có thể xin đi làm lấy kinh nghiệm: làm giáo viên dạy thế (substitute teacher). Thường mỗi ngày được khoảng 75-95 đô la Mỹ tùy từng school district.
Lúc làm giáo viên dạy thế là cơ hội tuyệt vời để học nghề, gây dựng quan hệ, tạo ấn tượng với trường và hiệu trưởng.
Đối tượng làm giáo viên dạy thế không chỉ có học sinh ngành Giáo dục mà còn là nhà giáo nghỉ hưu hay những người phụ huynh, làm thêm... miễn là làm hồ sơ xin việc.
- Thực tập xong rồi chuẩn bị hồ sơ tốt nghiệp/xin việc (portfolio) cũng sẽ có giáo viên hướng dẫn.
Mọi người hãy tìm cách cứu ngành sư phạm, đừng trách móc, kêu than nữa |
Thường những giáo viên hướng dẫn hay những thày cô dạy trong khoa của mình là những người đang là nhà giáo, hiệu trưởng hoặc trưởng phòng giáo dục.
Sau đó phải thi đầu ra, tức là thi Praxis II - content knowledge. Đại khái là nếu dạy cấp 1 thì thi kiến thức tổng hợp của các môn Đọc, Viết, Khoa học và Xã hội (Reading, Writing, Science & Social Studies).
Nếu dạy toán cấp 2 thì thi như thi cho giáo viên cấp 1 cộng với thi Toán.
Các bạn Mỹ thường chủ quan, nghĩ là vẫn còn nhớ những gì đã được học từ cấp 1 nên không ôn mấy. Nhiều bạn bị trượt phải thi lại.
- Sau khi thi đỗ Praxis II, thực tập đủ giờ của student teaching và ít nhất được điểm B trở lên, thì trường sẽ làm hồ sơ để xin giấy phép dạy học (ở Mỹ nghề nào cũng phải có giấy phép/license).
Cũng tuỳ từng tiểu bang mà yêu cầu thêm ngoài thi Praxis; các kỳ thi, môn thi, nội dung thi có thể khác nhau.
Có những tiểu bang chỉ yêu cầu teaching license, nhưng có những tiểu bang như Virginia hay vài trường của Georgia thì ngoài giấy phép dạy học, ứng viên còn phải có chứng chỉ về sơ cấp cứu (First aid/CPR certificate).
Giữa các tiểu bang muốn chuyển giấy phép nhiều khi phải thi lại.
Học viên phải hoàn thành các kì thực tập tại trường học. (Ảnh tác giả cung cấp) |
Cách để trở thành giáo viên ở Mỹ mà tôi vừa trình bày trên đây là đi theo con đường truyền thống, chính ngạch (traditional route).
Còn cách khác để trở thành giáo viên là đi theo alternate route, tức là tay ngang, chuyển ngành, làm một nghề khác rồi mới xin vào làm trong trường học, không /chưa học qua chương trình đào tạo giáo viên.
Những người này thường là người làm trong lĩnh vực tâm lý học, xã hội học, hay có khi biết giỏi ngoại ngữ như Tây Ban Nha...
Những người theo alternate route thì sau khi được nhận vào làm tại trường sẽ phải đi học để lấy đủ chứng chỉ tương đương như chương trình đào tạo giáo viên theo kiểu truyền thống.
Nghĩ lại cũng chẳng hiểu sao mình có thể vượt qua mọi rào cản về văn hóa, kiến thức, định kiến, quan niệm; vượt qua những khó khăn vất vả về thời gian, cuộc sống, hòa nhập để trở thành giáo viên ở Mỹ.