Đâu phải chuyện gì cũng có thể cấm được?

24/01/2017 07:34
Phan Tuyết
(GDVN) - Ai là người có thể kiểm soát được chuyện tặng và nhận quà Tết hay không? Nếu ai đó đã muốn tặng thì có vô vàn cách để tặng mà chẳng ai có thể biết để làm khó.

LTS: Sau khi đọc bài viết “Nên cấm hiệu trưởng nhận quà Tết” của tác giả Trần Vũ đăng trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 15/1, cô giáo Phan Tuyết chia sẻ một vài ý kiến của mình về việc này.

Cô cho rằng dù có cấm thì các Hiệu trưởng vẫn có thể tìm cách "lách luật" nếu muốn. Điều quan trọng là ở cái tâm của mỗi Hiệu trưởng, mỗi lãnh đạo.

Những Hiệu trưởng tốt sẽ tạo được sự công tâm và thoải mái cho các thầy cô giáo cũng như phụ huynh, học sinh trong trường.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!

Mới đây, Ban Bí thư TW Đảng đã ra Chỉ thị số 11 – CT/TW về việc tổ chức Tết Nguyên đán Đinh Dậu năm 2017 nêu rõ “Nghiêm cấm tặng quà Tết cho cấp trên dưới mọi hình thức

Hưởng ứng chủ trương đúng đắn ấy, nhiều địa phương đã ban hành văn bản yêu cầu các cơ sở trường học không tổ chức đi chúc Tết, tặng hoa, quà cho lãnh đạo các cấp.

Trong bài viết đăng trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam mới đây nhất của mình, tác giả Trần Vũ cũng đã đề xuất một phương án khác “Nên cấm hiệu trưởng nhận quà Tết”.

Có nhiều cách để tặng quà

Từ thực tế, tôi nhận thấy, chẳng có Chỉ thị hay văn bản nào có thể cấm được chuyện đi Tết, tặng quà cấp trên khi lòng mình đã muốn. Bởi nhiều lẽ:

Ai là người có thể kiểm soát được chuyện này? Nếu ai đó đã muốn tặng thì có vô vàn cách để tặng mà chẳng ai có thể biết để làm khó.

Này nhé, bỏ tiền vào thiệp chúc mừng, có ai cấm nhận thiệp chúc mừng đâu? Nhét phong bì vào giỏ hoa, giỏ quà nhờ người mang tới.

Việc nhận quà hay không chủ yếu vẫn ở cái tâm của từng người. (Ảnh minh họa trên báo Danviet.vn)
Việc nhận quà hay không chủ yếu vẫn ở cái tâm của từng người. (Ảnh minh họa trên báo Danviet.vn)

Không đi tặng công khai ban ngày mà đi vào các buổi tối hay có thể chuyển khoản (cách này vừa kín đáo, tế nhị vừa hiệu quả)…

Và trong thực tế đã có không ít người bật mí mình đã từng áp dụng cách này mà chẳng ai biết được.

Nếu một người lãnh đạo luôn có tư tưởng nặng về chuyện vật chất, ắt sẽ có hàng chục cách để họ nhận quà mà chẳng lo ai đó phát hiện. 

Vậy nên với những đối tượng như thế này, công văn hay Chỉ thị kia ban hành liệu có tác dụng triệt để không? 

Khi chữ “tâm” lên đầu

Trong cuộc sống, không phải cấp trên nào cũng thích nhận quà của cấp dưới. Không ít hiệu trưởng tự đề ra cho mình một nguyên tắc rất rõ ràng “Không bao giờ nhận quà cáp dưới mọi hình thức”.

Họ cương quyết không nhận quà chẳng phải vì cái lệnh cấm nêu trên mà vì lòng ngay thẳng, công tâm, sự đồng cảm sâu sắc với cấp dưới của mình. 

Đâu phải chuyện gì cũng có thể cấm được? ảnh 2

Nên cấm Hiệu trưởng nhận quà Tết?

Tôi đã từng làm việc và từng biết một số hiệu trưởng ở địa phương mình công tác không có thói quen nhận quà biếu xén của giáo viên và phụ huynh.

Có người thì thẳng thừng trả lại những món quà khi mọi người mang đến tận nhà để tặng.

Có hiệu trưởng tế nhị hơn khéo léo nhắc nhở giáo viên không được làm thế.

Bởi vậy, dù là ngày 20/11, ngày Tết Nguyên đán, những giáo viên chúng tôi chẳng bao giờ bận tâm phải mua quà để đi biếu sếp. Nhờ thế, chúng tôi luôn có tư tưởng thoải mái vô cùng.

Thế mới nói khi người lãnh đạo không có tâm thì mọi điều cấm cũng trở nên vô nghĩa.

Phan Tuyết