LTS: Việc cấm tặng quà Tết cho cấp trên đã được quy định trong nhiều văn bản chỉ thị.
Tuy nhiên, hằng năm, việc biếu Tết Hiệu trưởng và lãnh đạo các đơn vị quản lý trong ngành giáo dục đã trở thành thông lệ.
Tác giả Trần Vũ cho rằng, đa phần những người đi biếu Tết Hiệu trưởng đều là những người được “chịu ơn”, vì thế, để làm trong sạch ngành giáo dục, việc cấm Hiệu trưởng nhận quà Tết cũng là hợp lý.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!
Chỉ thị số 11-CT/TW, ngày 20/12/2016 của Ban Bí thư TW Đảng về việc tổ chức Tết Nguyên đán Đinh Dậu năm 2017 nêu rõ: “Nghiêm cấm tặng quà Tết cho cấp trên dưới mọi hình thức”.
Trong Nghị quyết phiên họp Chính phủ tháng 11/2016, Thủ tướng chính phủ yêu cầu: “Không tổ chức chúc Tết, tặng quà trong toàn bộ hệ thống hành chính nhà nước dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017”.
Quán triệt Chỉ thị của Ban Bí thư và Nghị quyết của Chính phủ, nhiều địa phương đã ban hành văn bản yêu cầu các cơ sở trường học không tổ chức đi chúc Tết, tặng hoa, quà cho lãnh đạo các cấp.
Nên cấm Hiệu trưởng nhận quà Tết? (Ảnh minh họa: Thanhnien.vn) |
Đơn cử như Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa đã ban hành Công văn hướng dẫn thực hiện tổ chức đón Tết Nguyên đán Đinh Dậu năm 2017, chỉ rõ: "Cấm tặng quà Tết cho cấp trên dưới mọi hình thức".
Còn Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hồ Chí Minh, trong hướng dẫn về tổ chức đón Tết Đinh Dậu năm 2017, yêu cầu: “Các trường không tổ chức đi chúc Tết, tặng hoa, quà cho lãnh đạo các cấp”.
Trong ngành Giáo dục, việc đi chúc Tết và tặng quà hằng năm cho lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo là Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo, Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông, Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên và Kế toán của đơn vị.
Còn Hiệu trưởng trường Trung học cơ sở, Tiểu học, Mầm non và kế toán đơn vị đi chúc Tết và tặng quà cho lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo.
Đâu có giáo viên bình thường được hân hạnh đi chúc Tết và tặng quà Tết cho cấp trên, trừ giáo viên có quan hệ thân thiết với lãnh đạo Sở, Phòng Giáo dục và Đào tạo.
Số giáo viên này không nhiều và không phải hằng năm họ đều đi tặng quà Tết.
Cục trưởng Cục chống tham nhũng dặn vợ con không nhận quà Tết trái quy định |
Vì vậy, thiết nghĩ trong văn bản chỉ đạo về tổ chức đón Tết Nguyên đán, các Sở Giáo dục và Đào tạo nên nói rõ hơn:
Cấm lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo (Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo, Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông, Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên) đi chúc Tết và tặng quà cho Ban giám đốc và lãnh đạo các phòng, ban Sở Giáo dục và Đào tạo;
Cấm lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Phòng Giáo dục và Đào tạo (Hiệu trưởng trường Trung học cơ sở, Tiểu học, Mầm non) đi chúc Tết và tặng quà cho lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo;
Đồng thời, cấm lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo và lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Phòng Giáo dục và Đào tạo nhận quà Tết của giáo viên và của phụ huynh học sinh.
Từ xa xưa, trong dân gian đã có câu: “Mồng một Tết Cha, mồng ba Tết Thầy”.
Thế nên, việc tặng quà cho Thầy trong ngày Tết là không thể thiếu, món quà là sự thể hiện lòng “Tôn sư trọng đạo” của người học để ghi nhớ công ơn dạy dỗ của Thầy.
Hơn ba mươi năm nay, thầy cô giáo (cả lãnh đạo các đơn vị) đã có ngày Nhà giáo Việt Nam, được ví như ngày Tết của thầy cô giáo.
Hằng năm, trong ngày 20/11 cha mẹ học sinh đã tặng hoa và quà chúc mừng thầy, cô rồi nên ngành Giáo dục cấm lãnh đạo các đơn vị nhận quà Tết của giáo viên và của phụ huynh học sinh là điều hợp lý.
Việc này là để giữ gìn môi trường sư phạm trong sáng và hạn chế những tiêu cực, nhũng nhiễu và lãng phí trong các cơ sở trường học.
Thông thường, trong những ngày trước Tết và ngày mồng 3 Tết hằng năm, thầy cô giáo và phụ huynh học sinh đến nhà riêng của Hiệu trưởng, của lãnh đạo các đơn vị để chúc Tết và tặng quà.
Trong số họ rất ít người đi tặng quà vì “ngưỡng mộ” tài năng quản lý của Hiệu trưởng hoặc lãnh đạo các đơn vị.
Ở trường phổ thông, trừ một số người có quan hệ thân thiết, còn phần lớn phụ huynh học sinh (có cả người lao động giản đơn có thu nhập thấp) đi tặng quà Tết là để “tạ ơn”, khi con họ được Hiệu trưởng tiếp nhận hoặc giới thiệu chuyển trường, chuyển lớp, học trái tuyến hoặc thi lại được lên lớp hoặc xét hạnh kiểm được lên lớp, được dự thi tốt nghiệp…
Tương tự như thế, giáo viên và nhân viên trong đơn vị đi tặng quà Tết cũng là những người “chịu ơn”.
Lý do họ đi tặng quà Tết vì họ hoặc con em của họ được Hiệu trưởng tiếp nhận về trường hoặc họ được Hiệu trưởng bổ nhiệm các chức vụ như Tổ trưởng, Tổ phó.
Trường nào dám không đi Tết từ lãnh đạo huyện đến Giám đốc Sở? |
Cũng có thể là bởi họ được quy hoạch các chức danh lãnh đạo trong đơn vị hoặc cho phép dạy thêm ở ngoài nhà trường hoặc “làm ngơ” để họ dạy “chui” ở nhà riêng.
Hoặc họ cùng “nhóm” với Hiệu trưởng, được Hiệu trưởng “nhẹ tay” bỏ qua những sai sót về chuyên môn, vi phạm đạo đức nhà giáo hoặc họ được Hiệu trưởng xét cho bán căn-tin, giữ xe học sinh trong trường…
Tuy nhiên cũng có trường hợp thầy cô không phải “chịu ơn”, nhưng họ “sợ” Hiệu trưởng “điểm danh” khi không có quà chúc Tết.
Giáo viên tặng quà Tết cho Hiệu trưởng, chắn chắn sẽ được ưu ái trong phân công công tác, trong việc xem xét các danh hiệu thi đua, đánh giá xếp loại viên chức, nâng lương trước thời hạn….
Còn những thầy cô “ngày tư, ngày Tết” không có quà cho Hiệu trưởng chắc chắn sẽ không yên thân, bởi họ sẽ được Hiệu trưởng “chiếu cố” và thường xuyên nhắc nhở trong các cuộc họp của nhà trường dù chỉ với sai sót nhỏ khi thực hiện công việc được giao.
Tôi tin rằng, chỉ có những Hiệu trưởng không có lòng tự trọng, không có đủ phẩm chất và đạo đức nghề nghiệp mới nhận quà Tết của phụ huynh học sinh, của giáo viên và của các đơn vị liên kết cung cấp các dịch vụ mua sắm thiết bị, văn phòng phẩm cho nhà trường, của các đơn vị xây dựng và sửa chữa trường học, của các đại lý bảo hiểm hợp đồng với nhà trường…
Đáng nói hơn, là để có người “chịu ơn” và phải “trả ơn” như thế, có Hiệu trưởng phải làm trái với Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Quy chế thực hiện dân chủ trong nhà trường, Quy định về thi đua, khen thưởng của ngành giáo dục, Quy chế chi tiêu nội bộ và nguyên tắc tài chính…
Do đó, thiết nghĩ ngành Giáo dục không những “cấm” Hiệu trưởng các đơn vị trường học tổ chức đi chúc Tết, tặng hoa và tặng quà cho lãnh đạo cấp trên, mà còn phải “cấm” Hiệu trưởng nhận “quà Tết” của phụ huynh học sinh, của giáo viên và các đối tác liên kết với nhà trường.
Bởi lẽ, những Hiệu trưởng nhận quà “trả ơn” trong dịp Tết là họ đã đánh mất lòng tự trọng và danh dự cá nhân, cả uy tín của ngành giáo dục.
Họ chắc chắn không còn được phụ huynh và giáo viên tôn trọng, thế thì làm sao họ công tâm, ngay thẳng trong công tác quản lý trường học, trong việc giáo dục thế hệ trẻ mà ngành giáo dục tin tưởng và giao phó.
Để nhà trường thật sự là môi trường giáo dục lành mạnh, để người lãnh đạo đơn vị là tấm gương sáng về đạo đức cho thầy cô giáo và học sinh noi theo, nên chăng, ngành giáo dục cần xem xét lại phẩm chất, đạo đức của những người vì tư lợi cá nhân mà “vô tư” nhận quà Tết của phụ huynh học sinh và của giáo viên, đang làm lãnh đạo ở các đơn vị trường học.