Thành ủy và UBND TP.Hồ Chí Minh vừa có văn bản chấn chỉnh công tác quản lý dạy thêm học thêm trên địa bàn trong thời gian sắp tới.
Theo đó, việc dạy thêm học thêm tổ chức bên trong nhà trường cần phải được thực hiện trên cơ sở, tinh thần tự nguyện của học sinh và phụ huynh.
Các trường tiểu học, các trường đã học 2 buổi/ngày thì không được phép tổ chức dạy thêm học thêm trong nhà trường.
Tự nguyện hay là ép buộc tự nguyện?
Tuy nhiên, trên thực tế, vấn đề học thêm tự nguyện được đặt ra trong văn bản chỉ đạo mới nhất của TP.Hồ Chí Minh, đã làm cho rất nhiều Hiệu trưởng và phụ huynh lúng túng.
Anh Nguyễn Văn Tấn (nhà ở quận 3) cho biết, con trai của anh học lớp 11 ở trường trên địa bàn quận. Vào năm ngoái, khi đi họp phụ huynh, cô giáo chủ nhiệm có thông báo về việc học thêm trong nhà trường, nhằm bổ sung kiến thức cho các em.
Tuy nhiên, khi phổ biến chủ trương này, thì gần như toàn bộ phụ huynh trong lớp đều giơ tay đóng tiền đầy đủ. Như vậy, nếu gọi là tự nguyện thì con trai của anh Tấn có thể không đóng tiền học thêm được không?
“Liệu con trai tôi có còn được yên ổn trong lớp, chắc chắn là không bị đì, nếu không đóng tiền học thêm trong lớp hay không, vì tất cả gần như đều đăng ký hết” – anh Nguyễn Văn Tấn nói tiếp.
TP.Hồ Chí Minh vừa cho phép thực hiện lại việc dạy thêm học thêm trong nhà trường (ảnh: P.L) |
Chị Bạch Vân – một phụ huynh của Trường trung học phổ thông Mạc Đĩnh Chi, quận 6 thì nêu thắc mắc: Cơ sở nào để xác minh được là tự nguyện học thêm, hay là đi học thêm do o ép.
Nếu học sinh mà học thêm giáo viên học chính khóa ở lớp thì có gọi là tự nguyện được không?
Chị Nguyễn Thị Thu Tuyết, một phụ huynh khác của Trường Tây Thạnh, quận Tân Phú thì khẳng định, không bao giờ có chuyện tự nguyện đi học thêm, mà chỉ có thể gọi là o ép tự nguyện.
Trong thời gian ngắn sắp tới, chị Thu Tuyết nói rằng sẽ có tình trạng các trường in và phát sẵn một mẫu đơn xin tự nguyện học thêm, đưa học sinh mang về cho phụ huynh xem, ký xác nhận.
Tình trạng dạy thêm học thêm có thể sẽ tái phát còn mạnh hơn trước khi có chủ trương cấm trước đây.
Phụ huynh và học sinh ký tên, được chọn giáo viên là tự nguyện
Một nữ Hiệu trưởng trường trung học phổ thông chuyên của TP.Hồ Chí Minh đã chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam rằng, nếu muốn gọi là tự nguyện thì tuyệt đối không để cho học sinh học thêm giáo viên chính khóa, và phải cho các em được chọn giáo viên mình thích học, muốn học.
Hiệu trưởng một trường trung học phổ thông khác trên địa bàn quận Bình Thạnh, TP.Hồ Chí Minh cũng đồng tình với quan điểm này, và nói nên cho phụ huynh làm đơn, học sinh được phép chọn giáo viên để học.
“Quản lý chặt chẽ việc dạy thêm học thêm là rất khó, nhưng cứ để cho phụ huynh la, học sinh phản ứng thì chắc chắn nhà trường phải hiểu là có vấn đề rồi” – vị Hiệu trưởng này cho biết.
Cũng một Hiệu trưởng trường trung học phổ thông khác tại quận Bình Thạnh thì đưa ra ví dụ: tại ngôi trường này, việc tự chọn môn học năng khiếu cũng thực hiện theo tự nguyện
Trong kỳ họp phụ huynh đầu năm, phụ huynh được giáo viên chủ nhiệm phát mẫu về xác nhận, cùng với học sinh ký tên vào. Nếu trường hợp nào chỉ có phụ huynh hay học sinh ký, thì giáo viên chủ nhiệm cần phải tìm hiểu lại.
Hiệu trưởng này nói thêm, nếu phụ huynh hay học sinh đã ký xong, muốn rút lại không học nữa thì nhà trường vẫn sẵn sàng chấp nhận, trả lại tiền, vì đây là đăng ký tự nguyện, chứ không ép buộc.
Tinh thần tự nguyện được thể hiện rõ là ở trường này, có những môn chỉ có vài học sinh chọn học, mà nhà trường vẫn dạy thì đã là chính xác nhất.
“Dù TP.Hồ Chí Minh đã cho phép dạy thêm lại trong nhà trường, nhưng hiện trường đã chuyển sang học 2 buổi, vẫn nhất quyết không chuyển sang lại trường 1 buổi để được dạy thêm học thêm, mà sẽ tiếp tục thực hiện đến hết năm học này, để xem, rút kinh nghiệm cái được, chưa được của buổi 2” – Hiệu trưởng này kết luận.