LTS: Đánh giá cao sự cần thiết của công tác thanh tra, tác giả Kiên Trung cho rằng một số giáo viên cũng như nhà trường thường chỉ mang tâm lý đối phó với thanh tra chứ chưa thực sự có ý thức làm tốt nhiệm vụ của mình.
Bởi vậy, theo tác giả, có đi kiểm tra đột xuất thì mới kiểm chứng và phát hiện được sự thật đằng sau những thông tin được báo cáo lên cấp trên.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Mấy năm trước, đi làm công tác thanh tra tại các trường trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh, ngoài kiểm tra, đánh giá hồ sơ, sổ sách, giáo án của tổ chuyên môn, các giáo viên bộ môn, tôi còn phải đi dự giờ đến mấy chục tiết dạy của thầy cô giáo ấy, tổ bộ môn càng đông, dự giờ càng nhiều, càng thêm mệt.
Từ khi Thông tư số: 39/2013/TT-BGD & ĐT ngày 04 tháng 12 năm 2013 về thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực giáo dục ban hành, có hiệu lực, Đoàn thanh tra cấp trên chỉ kiểm tra về hồ sơ, sổ sách quản lý của Ban Giám hiệu, các tổ trưởng chuyên môn, các trưởng ban đầu ngành, các loại sổ sách, giáo án của giáo viên, còn hoạt động sư phạm nhà giáo: dự giờ, thăm lớp giao lại cho nhà trường, tôi cảm thấy nhẹ nhàng, thoái mái hơn hẳn mỗi khi được Sở Giáo dục và Đào tạo rút đi thanh tra.
Có thanh tra mới đảm bảo nhà trường và giáo viên thực hiện đúng quy định. (Ảnh minh họa trên Chinhphu.vn) |
Không đánh giá, soi xét các tiết dạy trên lớp, các giáo viên rất phấn khởi, vì đỡ áp lực, căng thẳng, mệt mỏi.
Nhưng vai trò, chức năng quản lý, lưu trữ hồ sơ, sổ sách của lãnh đạo đơn vị, các tổ trưởng chuyên môn, trưởng ban đầu ngành lại càng lớn.
Đoàn thanh tra cứ kiểm tra hồ sơ, sổ sách, kết quả những việc đã làm là có thể hình dung, biết được phần nhiều năng lực quản lý, xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện, lãnh, chỉ đạo, đôn đốc kiểm tra, nhắc nhở của họ như thế nào rồi.
Điều mà lãnh đạo nhà trường lo, sợ nhất là thanh tra về tài chính, tiền bạc, mua sắm… nhỡ có sai sót gì dễ bị xuất toán, thu hồi và nghiêm trọng hơn là kỷ luật, chuyển hồ sơ qua bên công an…
Còn những sai sót, hạn chế về quản lý chuyên môn thì thường chỉ dừng lại ở mức nhắc nhở, phê bình sơ sơ, có thể khắc phục, điều chỉnh.
Chính vì vậy, một số Ban Giám hiệu rất mong muốn đoàn thanh tra về soi kỹ, đánh mạnh vào hồ sơ chuyên môn của tổ trưởng, giáo án của giáo viên.
Là chỗ thân tình, có thầy Hiệu trưởng, trường nọ bộc bạch: “Ở trường, mọi công việc, hoạt động, chúng tôi triển khai, yêu cầu, quy định và nhắc nhở thường xuyên nhưng một số bộ phận, giáo viên lại chậm chạp, bê trễ, thường để “nước đến chân mới nhảy” như dọn dẹp nhà vệ sinh, vào điểm, soạn giáo án…
Cũng may nhờ có các anh về kiểm tra, họ mới sốt sắng, tật bật làm hùng hục mấy ngày nay, phòng ốc, nhà vệ sinh, hồ sơ, giáo án mới được như thế này.”
Tình trạng đối phó với cấp trên cũng đang là căn bệnh phổ biến ở các cơ sở giáo dục trên vi phạm cả nước hiện nay.
Bên cạnh, cán bộ quản lý, thầy, cô giáo, nhân viên làm việc trách nhiệm, nhiệt tình, bài bản, ngăn nắp, mọi thứ đâu ra đó thì vẫn còn đó, một bộ phận không nhỏ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên làm việc thiếu ý thức, cầm chừng, ỳ ạch, mang nặng tính đối phó, hình thức…
Nếu không có thanh tra, kiểm tra thì nhà trường càng bị khổ sở về họ, làm cản trở, ảnh hưởng đến công việc chung của nhà trường.
Có việc, một vài người ỳ ạch, chậm trễ, sai lên sai xuống là đủ “chết” nhà trường rồi.
Có ai đó vẫn còn ghét, dị ứng với thanh tra, vì thanh tra đến là ai đó sẽ phải mệt, phải lo lắng, tốn kém, vì thanh tra có người chưa công tâm, khách quan, chuyên “vạch lá tìm sâu”, hay vẽ vời, đòi hỏi thế này, thế kia, vì cho rằng thanh tra “cưỡi ngựa xem hoa”, chiếu lệ, hình thức… chẳng đem lại lợi ích gì.
Thực tế, có những biểu hiện đúng như vậy thật.
Nói cho công bằng, nhiều công việc, hoạt động của nhà trường nếu không có thanh tra, kiểm tra, khảo sát của cấp trên thì không thể được, ví dụ như công nhận trường đạt chuẩn, kiểm định chất lượng giáo dục (đánh giá ngoài), xây dựng cơ sở vật chất…
Con ước ngày nào cũng có thanh tra để không phải đi học thêm |
Để cho lãnh đạo, giáo viên nhà trường tự tung, tự tác, làm mưa, làm gió… biết bao nhiêu hệ lụy sẽ xảy ra.
Có đi kiểm tra đột xuất, lãnh đạo Phòng, Sở Giáo dục và Đào tạo địa phương nọ mới biết được, Ban Giám hiệu trường tiểu học A, hôm đó, chẳng có ai trực trường, có hiệu trống vào lớp được 20 phút rồi mà các cô giáo vẫn tụ tập tại phòng hội đồng tán ngẫu; có đi kiểm tra thực tế, mới biết được, lớp thầy B có 5 em chưa biết đọc, biết viết chứ không phải 2 trường hợp như đã báo cáo gửi lên trước đó.
Theo tôi thiết nghĩ, các cơ sở giáo dục đều làm tốt, trung thực, đúng tiến độ thì chẳng có gì phải lo nghĩ, sợ hãi về chuyện thanh tra, đoàn thanh tra về mình tiếp đón bình thường, họ yêu cầu kiểm tra loại hồ sơ, giấy tờ nào theo quy định, mình đều đầy đủ, có cả.
Họ có dám làm khó mình không? Tất cả phụ thuộc vào năng lực quản lý của lãnh đạo nhà trường và ý thức, tác phong làm việc của đội ngũ nhà giáo, nhân viên.
Bao giờ, ở các cơ sở giáo dục đạt chuẩn hóa, thông thạo, chuyên nghiệp trong mọi hoạt động, nhiệm vụ? Một câu hỏi không dễ có lời giải trong điều kiện, tình hình thực tế hiện nay.