Đừng nghĩ dốt mới đi học nghề, giỏi sao không vào đại học

23/01/2019 06:46
Thanh Sơn
(GDVN) - Thứ trưởng Lê Quân thông tin, không phải ngành nghề nào cũng cần đến trình độ cao đẳng, do đó hệ trung cấp thực hành tốt, các em học vẫn có việc làm tốt.

Ngày 18/1, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2019 của ngành Lao động, Thương binh và Xã hội. Tại đây, Phó Thủ tướng điểm ra một số việc trọng tâm như trong quá trình biên soạn Luật Giáo dục sửa đổi cần thảo luận vấn đề rút ngắn thời gian đào tạo bậc cao đẳng, đại học như xu hướng quốc tế;

Tiêu chuẩn đầu vào cao đẳng có thể bắt đầu từ tốt nghiệp Trung học cơ sở thay vì tốt nghiệp Trung học phổ thông;

Đừng nghĩ dốt mới đi học nghề, giỏi sao không vào đại học ảnh 1Góp ý chính thức của Hiệp hội về dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi)

Và đây cũng là ý kiến của Đại biểu Quốc hội - Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội - Lê Quân đã phát biểu đề xuất đưa vào Luật Giáo dục (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 6 tháng 10/2018 vừa qua.

Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã liên hệ với Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội – Lê Quân thì được Thứ trưởng cho biết, thời gian qua việc góp ý cho Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) trong đó có nội dung tiêu chuẩn đầu vào cao đẳng có thể bắt đầu từ tốt nghiệp trung học cơ sở đã nhận được nhiều ý kiến.

Thứ trưởng Lê Quân thông tin, không phải ngành nghề nào cũng cần đến trình độ cao đẳng, do đó hệ trung cấp thực hành tốt, các em học vẫn có việc làm tốt. Bộ Luật Lao động cũng chỉ hạn chế lao động dưới 18 tuổi đối với một số ngành nghề.

Hơn nữa, nhiều ngành nghề, đặc biệt kỹ thuật công nghệ cần thời gian dài hơn để đào tạo. Do trình độ trung cấp hiện nay ngắn chưa đủ; việc cắt khúc trung cấp và cao đẳng đi liền với thiết kế chương trình thiếu liên thông dẫn đến chất lượng học liên thông không đảm bảo. 

Do đó thiết kế chương trình 4-5 năm dành cho Trung học cơ sở sẽ đảm bảo chương trình tổng thể từ văn hoá đến các kiến thức, kỹ năng, phẩm chất nghề. Mô hình này các nước làm tốt và thu hút được nhiều học sinh khá giỏi.

Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội - Lê Quân thông tin, không phải ngành nghề nào cũng cần đến trình độ cao đẳng, do đó hệ trung cấp thực hành tốt, các em học vẫn có việc làm tốt. (Ảnh: quochoi.vn)
Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội - Lê Quân thông tin, không phải ngành nghề nào cũng cần đến trình độ cao đẳng, do đó hệ trung cấp thực hành tốt, các em học vẫn có việc làm tốt. (Ảnh: quochoi.vn)

“Đổi mới chương trình giúp các trường cao đẳng thu hút được người học sớm, phân luồng sớm, thu hút được cả học sinh phù hợp chứ không chỉ trượt trung học phổ thông. Ví dụ các em theo học Cao đẳng Anh ngữ thì hoàn toàn đạt chuẩn IELTS cao khi tốt nghiệp... 

Hướng học sinh vào trường cao đẳng là nơi có điều kiện đảm bảo chất lượng tốt hơn do đó chất lượng đảm bảo hơn, phụ huynh yên tâm hơn”, Thứ trưởng Lê Quân nhấn mạnh. 

Ngoài ra, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho hay, bản chất và mục đích để phân luồng tránh chạy theo bằng cấp; đào tạo ra người lao động kỹ năng tốt.

Bởi lẽ dạy nghề tập trung phát triển kỹ năng và chuẩn đầu ra kỹ năng nghề được xác định rõ ràng là học gắn với hành, những năm cuối thời lượng thực hành chiếm từ 50-70% nên cơ hội việc làm cao, sự tham gia của doanh nghiệp cũng đóng vai trò quan trọng.

Đừng nghĩ dốt mới đi học nghề, giỏi sao không vào đại học ảnh 3Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: "Cần nguồn nhân lực tốt cho cách mạng 4.0"

Hơn nữa, thực hiện Nghị quyết 19 của Trung ương, sắp tới nhiều trường trung cấp sáp nhập vào cao đẳng, nên việc thực hiện thiết kế chương trình cũng thuận lợi hơn.

Do đó, thời gian tới Bộ sẽ thiết kế chương trình đảm bảo không tách rời học văn hoá với học nghề.

Bản chất giai đoạn 1 các em học trung học phổ thông nghề, giai đoạn 2 đi sâu vào kỹ năng nghề gắn với thực hành nhiều hơn. Chuẩn đầu ra kỹ năng nghề bậc 3 bậc 4 cùng chuẩn ngoại ngữ sẽ giúp việc làm tốt.

Đặc biệt, việc triển khai thực hiện tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu chứ không đại trà; và cũng thực hiện hợp tác với các đại học uy tín để đảm bảo liên thông tiếp theo có chất lượng. 

Hơn nữa, chương trình được thiết kế theo mô-đun và tín chỉ cho phép tăng dần thời lượng thực hành, cho phép người học có quyền lựa chọn theo học để lấy bằng cao đẳng ngay hoặc đi làm sớm hơn. 

Chính vì vậy, Bộ kỳ vọng chương trình sẽ thu hút được người học có năng lực và xóa bỏ quan điểm “dốt đi học nghề” nhằm xây dựng quan điểm chọn nghề phù hợp với năng lực, sở thích và hoàn cảnh của từng học sinh, gia đình. 

Vị này cũng nói thêm: “Nếu 200 trường cao đẳng có điều kiện đảm bảo chất lượng tốt, mỗi trường bình quân tuyển 1.000 chỉ tiêu/ năm thì việc phân luồng sẽ sớm hoàn thành”. 

Thanh Sơn