Thông tư 32/2015/TT-BGDĐT có hiệu lực từ 1/2/2016 quy định: Quy mô sinh viên chính quy tối đa của cơ sở giáo dục đại học không quá 8.000 sinh viên đối với các cơ sở giáo dục đại học thuộc khối ngành VI (khối ngành sức khỏe); không quá 5.000 sinh viên đối với các cơ sở giáo dục đại học thuộc khối ngành II (khối ngành nghệ thuật); không quá 15.000 sinh viên đối với các cơ sở giáo dục đại học thuộc khối ngành I, III, IV, V, và VII.
Quy định này có gây ra xáo trộn trong hoạt động giáo dục và đào tạo không, và ảnh hưởng của nó tới xã hội như thế nào? Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với GS.TS Nguyễn Minh Thuyết – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.
Bộ Giáo dục vẫn "nhẹ tay" khi giảm số lượng sinh viên đại học
Giáo sư có ủng hộ việc Bộ Giáo dục và Đào tạo thu hẹp quy mô đào tạo đại học chính quy?
GS.Nguyễn Minh Thuyết: Việc phát triển đại học theo xu hướng mở rộng quy mô mà ít chú ý tới chất lượng đã khiến các chuyên gia giáo dục, báo chí và dư luận lên tiếng phê bình rất mạnh trong những năm qua. Điều đặc biệt đáng suy nghĩ là hiện nay mỗi năm có đến cả trăm nghìn cử nhân thất nghiệp.
Vì vậy, tôi cho rằng việc Bộ Giáo dục và Đào tạo ra Thông tư 32 điều chỉnh tuyển sinh đại học là hoàn toàn đúng đắn.
Thực ra thì thông tư này chỉ cụ thể hóa quy định về số lượng sinh viên tại các trường đại học đã được nêu trong Nghị định 37 của Chính phủ năm 2013 về việc điều chỉnh lại mạng lưới quy hoạch các trường đại học và cao đẳng.
Theo tôi, nếu tính trên quy mô của từng trường thì số lượng sinh viên quy định ở từng ngành vẫn còn khá lớn. Cụ thể, đối với các ngành chăm sóc sức khỏe, số lượng sinh viên tối đa của một trường không quá 8.000, nghĩa là mỗi năm trường có thể tuyển tới 2.000 người (cử nhân Y khoa tương lai cũng chỉ học 4 năm).
Số sinh viên khối nghệ thuật của một trường tối đa không quá 5.000, nghĩa là mỗi năm có thể tuyển hơn 1.000 người.
Số sinh viên các ngành còn lại của một trường tối đa không quá 15.000; nghĩa là mỗi năm có thể tuyển 3.750 người; giả sử một trường có 37 ngành thì mỗi ngành cũng tuyển hơn 100 người/năm.
Thế mà, hiện nay có trường quy mô đào tạo tới gần 50.000 sinh viên, nghĩa là mỗi năm tuyển và cho tốt nghiệp đến hơn 10.000 người. Tôi không hiểu đào tạo làm gì nhiều thế? Chỉ một cơ sở đào tạo đã đưa ra thị trường lao động cả vạn cử nhân/năm như vậy thì số cử nhân ra trường từ ngót 500 trường đại học, cao đẳng mỗi năm làm sao thoát khỏi cảnh dư thừa?
GS.Nguyễn Minh Thuyết: Để nâng cao trình độ đào tạo đại học, Bộ Giáo dục cần sớm có quy định bắt buộc nâng cao trình độ giảng viên. ảnh: Ngọc Quang. |
Nhưng tiêu chí thứ hai là tỷ lệ diện tích mặt sàn/số sinh viên thì cần phải được làm rõ hơn. Nếu chỉ cộng tổng diện tích rồi chia cho số sinh viên thì không đúng, mà phải tùy vào lĩnh vực đào tạo của từng trường để quy đổi. Ví dụ, với các ngành y, kỹ thuật... thì điều quan trọng là phải có phòng thí nghiệm, có nơi để thực hành.
Nếu diện tích phòng học lớn nhưng phòng thí nghiệm kém thì không thể đào tạo tốt được.Nói thực tình thì cách tính chỉ tiêu tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong thông tư này vẫn còn nương nhẹ. Về tiêu chí 1 (tỷ lệ số thầy cô/số sinh viên) quy định 1/25 là đúng.
Như vậy, việc giảm chỉ tiêu đào tạo đại học là một quyết định đúng, nhưng trên thực tế vẫn gặp phản ứng từ nhiều trường?
GS. Nguyễn Minh Thuyết: Theo tôi, khi đưa ra con số trần tuyển sinh của từng khối ngành ở từng trường thì nên dựa trên một dự báo về phát triển nguồn nhân lực.
Trong dự báo của nguồn nhân lực thì có lẽ dự báo cho ngành sư phạm dễ chính xác hơn cả. Bởi vì hiện nay cả nước có bao nhiêu trường, bao nhiêu lớp, bao nhiêu giáo viên, bao nhiêu bộ môn đều có số liệu chính xác. Mỗi năm số lượng trẻ sinh ra bao nhiêu cũng biết rõ. Vì vậy, xác định số lượng đào tạo ngành sư phạm là hoàn toàn có thể làm được.
Ngoài ra, trước khi ấn định con số, ban hành thông tư thì Bộ Giáo dục nên tổ chức hội nghị với các trường, để nghe các ý kiến, qua đó có sự điều chỉnh cho thật hợp lý.
Bài học từ Singapore
Thưa Giáo sư, trong cả một thời gian dài, chúng ta phát triển đại học ồ ạt, cả đại học công lập và tư thục có mấy trăm trường. Vậy bây giờ siết chặt số lượng tuyển sinh có thể sẽ gây khó khăn về tài chính cho nhiều trường?
GS. Nguyễn Minh Thuyết: Đấy là một thực tế cần lưu tâm, vì hiện nay nhiều trường đang có số lượng sinh viên vượt xa chuẩn. Cần có một lộ trình nhất định để đưa số lượng sinh viên ở các trường này về đúng chuẩn.
Ai cũng biết hạn chế số lượng sinh viên thì trường có thể gặp khó khăn về tài chính. Các trường chỉ có thể giải quyết khó khăn này bằng cách tăng học phí. Nhưng tăng học phí phải đi kèm với việc cải thiện điều kiện đào tạo và nâng cao chất lượng.
Khống chế đại học tuyển không quá 15.000 sinh viên vì lo ...ế cử nhân |
Nghĩa là bản thân các trường không còn cách nào khác là phải tự vận động, cố gắng, bởi vì xã hội ngày càng phát triển thì càng có sự sàng lọc. Trường nào đào tạo kém thì sẽ không có người học.
Chúng ta đang có hàng trăm nghìn cử nhân thất nghiệp mỗi năm. Bây giờ, thị trường ASEAN mở đã mở ra cơ hội giải quyết nạn thất nghiệp, với điều kiện cử nhân đào tạo ra có trình độ chuyên môn tốt và thông thạo tiếng Anh.
Nhưng nhìn ở chiều ngược lại, nếu nguồn nhân lực ở Việt Nam không tốt thì thậm chí ngay trên sân nhà chúng ta sẽ có nhiều người nước ngoài đến làm việc, cơ hội việc làm của người Việt sẽ ít đi.
Gia nhập ngôi nhà chung Asean là cơ hội nhưng cũng là thách thức với giáo dục Việt Nam. ảnh: vnexpress. |
Trở lại với câu chuyện chất lượng đào tạo ở nhiều trường quá yếu kém là nguyên nhân khiến hàng nghìn cử nhân thất nghiệp, chúng ta lại phải quay lại với bài toán người thầy. Thế nhưng mấy năm qua đầu vào sư phạm thấp, chúng ta làm sao có những thế hệ kế cận tốt, để nâng được trình độ cử nhân?
GS. Nguyễn Minh Thuyết: Thực tế hiện nay không riêng ngành sư phạm mà nhiều ngành tuyển sinh dễ dãi, đào tạo cũng dễ dãi, cứ vào được là ra được: 4 năm nghiễm nhiên có bằng cử nhân, thêm 2 năm có bằng thạc sĩ và thêm 2 năm nữa là có bằng tiến sĩ. Dễ dãi lắm thì thất nghiệp nhiều. Thầy yếu thì trò càng ngày càng kém.
Giả sử chúng ta nâng cao yêu cầu đào tạo, ví dụ, ngoài yêu cầu khắt khe hơn về chuyên môn, người tốt nghiệp Đại học còn phải đạt điểm số EILT 5.0 trở lên thì hẳn là trình độ cử nhân của Việt Nam sẽ được nâng lên đáng kể.
Đối với giảng viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cần ban hành các tiêu chuẩn rõ ràng hơn và cao hơn trước. Ví dụ, một giảng viên đại học thì trong 1 năm phải dạy bao nhiêu giờ, hướng dẫn bao nhiêu sinh viên làm khóa luận tốt nghiệp, bao nhiêu học viên sau đại học làm luận văn thạc sĩ, bao nhiêu nghiên cứu sinh làm luận án tiến sĩ?
Có bao nhiêu bài nghiên cứu, trong đó số lượng bài nghiên cứu công bố ở hội thảo/tạp chí quốc tế là bao nhiêu, bài nghiên cứu ứng dụng vào thực tế là bao nhiêu?
Con gái tôi dạy Đại học ở Singapore, tôi thấy bạn ấy vất vả lắm. Suốt ngày đầu tắt mặt tối. Năm nào cũng lo chuẩn bị báo cáo cho đủ thứ hội nghị, hội thảo trong nước và quốc tế.
Tôi có hỏi, sao lại vất vả thế? Con gái tôi nói, trong một năm ít nhất phải có 1 lần dự hội thảo quốc tế (dĩ nhiên dự là phải có báo cáo khoa học), còn nếu không làm được thì sẽ bị coi là không hoàn thành nhiệm vụ, thậm chí còn có khả năng bị đưa ra khỏi danh sách giảng viên.
Tiêu chuẩn đối với giảng viên của họ khắt khe như vậy lý giải vì sao các trường Đại học ở Singapore xếp thứ hạng cao trên thế giới. Còn ở ta, quá nhiều thứ dễ dãi, thế nên thật đáng lo ngại cho thế hệ tương lai.
Trân trọng cảm ơn Giáo sư!