Giải tán phòng giáo dục có những lợi ích gì?

16/12/2017 07:51
Nguyễn Nguyên
(GDVN) - Phòng giáo dục tồn tại thì những hiệu quả công việc cũng mờ nhạt, lại tốn kém. Vì thế, các cơ quan chức năng cần xem và điều chỉnh các văn bản hiện hành.

LTS: Xung quanh đề xuất giải tán phòng giáo dục và đào tạo cấp quận huyện của thầy giáo Bùi Nam, thầy giáo Nguyễn Nguyên có bài viết phân tích thêm các lợi ích nếu cắt giảm được bộ phận trung gian này, theo góc nhìn của mình.

Tòa soạn trân trọng mời quý thày cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục, các nhà nghiên cứu có bài viết phân tích, làm sáng tỏ vấn đề này. Bài viết xin gửi về địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn.

Văn phong và nội dung bài viết thể hiện quan điểm của tác giả. Trân trọng mời quý bạn đọc theo dõi!

Chưa bao giờ cụm từ “tinh giản biên chế” được Đảng và Nhà nước ta nói nhiều đến thế. Trung ương Đảng  ra cả Nghị quyết và hàng loạt các văn bản của Chính phủ về tinh giản biên chế. 

Thế nhưng, mọi thứ gần như đứng yên một chỗ, điều này đã được thể hiện rõ tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về học tập, quán triệt các nghị quyết Trung ương 6 khoá 12. 

Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính dành cả buổi sáng để phân tích Nghị quyết số 18 về “một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”

Hình minh họa, nguồn: Báo Tuổi Trẻ.
Hình minh họa, nguồn: Báo Tuổi Trẻ.

Trong Hội nghị này, ông Phạm Minh Chính đã thẳng thắn chỉ rõ:

“30 năm đổi mới, chúng ta đổi mới kinh tế đi đôi với hệ thống chính trị. Việc đổi mới hài hoà các yếu tố góp phần thúc đẩy đất nước phát triển trên mọi mặt. 

Tuy nhiên, tổ chức bộ máy còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối, nhất là số đầu mối bên trong của các cơ quan trong hệ thống chính trị ngày càng phình ra, hiệu lực hiệu quả chưa đáp ứng yêu cầu.” [1]

Trong số những người đang hưởng lương từ ngân sách nhà nước thì đội ngũ công chức, viên chức ngành giáo dục chiếm số lượng áp đảo nhất. 

Việc thực hiện tinh giản biên chế từ nay đến năm 2021 là 10% theo Nghị quyết của Trung ương Đảng bắt đầu từ đâu? Theo chúng tôi phải bắt đầu từ bộ máy lãnh đạo của ngành giáo dục từ Bộ xuống đến cơ sở. 

Chỗ nào cũng được cơ cấu đầy đủ các chức danh, cấp nào cũng đông đảo, cũng thừa nhưng thực hiện công việc thì chồng chéo, nhiều cấp đơn thuần mỗi việc chỉ đạo chuyên môn nhưng chưa sáng tạo mà cấp dưới chờ cấp trên. 

Những kế hoạch được ban hành từ Bộ xuống rồi qua từng cấp chỉnh sửa vài chữ, vài chỗ rồi chuyển dần xuống cơ sở. Vì thế, nhiều văn bản chỉ đạo và thực hiện không thống nhất. 

Nhiều cấp quản lý chỉ làm phức tạp, rắc rối thêm và đẩy nỗi khổ cho giáo viên dưới cơ sở. Đó là chưa kể càng nhiều cấp lãnh đạo càng nhiều nhũng nhiễu, tiêu cực, gây bất bình cho dư luận. 

Điều này được thể hiện rõ nhất ở cấp trung gian là phòng giáo dục và đào tạo cấp quận huyện.

Phòng giáo dục nhìn từ những con số và văn bản pháp quy

Hiện nay, cả nước 14.203 trường mầm non, 15.277 trường tiểu học, 10.878 trường trung học cơ sở.

Số lượng học sinh 2017-2018 là: tiểu học 7,8 triệu; học sinh trung học cơ sở 5,2 triệu; mầm non, 5,1 triệu. Giáo viên trực tiếp quản lí các cấp học này có khoảng 316.600 giáo viên mầm non, 397.100 giáo viên tiểu học, 311.000 giáo viên trung học cơ sở. [2] 

Cả nước có 713 đơn vị hành chính cấp huyện (quận, thị xã, thành phố), điều này cũng đồng nghĩa sẽ có 713 phòng giáo dục ở các địa phương. 

Giải tán phòng giáo dục có những lợi ích gì? ảnh 2

Thầy giáo Bùi Nam đề xuất giải tán Phòng giáo dục ở các quận, huyện

Nếu như nhìn vào số lượng học sinh, số lượng giáo viên, số lượng trường học thì 713 phòng giáo dục quản lí thấy cũng có lẽ nhiều người nói là quá tải. 

Nhưng theo cách quản lí phân cấp hiện nay thì phòng giáo dục chủ yếu quản lí, chỉ đạo về chuyên môn. Quản lí nhà nước thuộc quyền uỷ ban nhân dân cấp quận, huyện hoặc phường - xã. 

Con người thì cũng do uỷ ban nhân huyện tuyển dụng, bổ nhiệm. Tài chính cũng do uỷ ban quản lí, phân bổ. Trường học thì ban giám hiệu quản lí và điều hành.

Vậy phòng giáo dục đang làm những gì, tồn tại có lợi gì và giải tán thì bất lợi ra sao?

Nếu nói giải tán ngay thì rõ ràng chúng ta đang vướng với hệ thống văn bản của nhà nước đang còn hiệu lực.

Ngoài Luật Tổ chức hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân năm 2001 đang còn hiệu lực, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 chưa có hiệu lực, còn có các văn bản dưới luật quy định khá cụ thể:

Thông tư liên tịch số 47/2011/TTLT-BGDĐT-BNV Hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và biên chế của Sở Giáo dục và Đào tạo thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Phòng Giáo dục và Đào tạo thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. 

Thông tư liên tịch Số: 11/2015/TTLT-BGDĐT-BNV Hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của sở giáo dục và đào tạo thuộc ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trược thuộc trung ương, phòng giáo dục và đào tạo thuộc ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.

Theo 2 thông tư này, phòng giáo dục được thành lập, hoạt động đúng chức năng, nhiệm vụ của pháp luật hiện hành.

Nếu nhìn từ các văn bản pháp quy thì phòng giáo dục đang làm đúng nhiệm vụ của mình. Nhưng nhìn vào thực tế mới thấy duy trì cấp phòng đang lãng phí và bất cập.

Sự lãng phí về nhân sự và cơ sở vật chất

Trước tiên, chúng ta thấy sự tồn tại của 713 phòng giáo dục trong cả nước là một bộ máy lãnh đạo trung gian khá cồng kềnh.

Nếu tạm tính ở mức trung bình hiện nay, mỗi phòng giáo dục có 15 người thì 713 phòng giáo dục sẽ có 10.695 biên chế lãnh đạo, chuyên viên. 

Giải tán phòng giáo dục có những lợi ích gì? ảnh 3

Quan ơi, sao nhiều thế?

Đây chỉ là còn số “tạm tính”, thực tế con số biên chế nhân sự còn có thể cao hơn rất nhiều. 

Website của Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Cà Mau hiện hữu đến 24 lãnh đạo và chuyên viên; Phòng giáo dục Đô Lương (Nghệ An) có 18 người…

Đó là chưa kể nhiều phòng giáo dục hiện nay thực hiện kiểu “biên chế gửi” là giáo viên được điều lên làm chuyên viên nhưng lại nhận lương ở trường và một đội ngũ cộng tác viên thanh tra, hội đồng bộ môn của mỗi môn, mỗi khối học lên đến vài chục người.

Ngoài nhân sự cồng kềnh thì phần lớn các phòng giáo dục đều có trụ sở làm việc riêng. 

Thường thì các phòng thuộc ủy ban nhân dân huyện quản lí làm việc trong trụ sở của ủy ban huyện, nhưng phòng giáo dục luôn được ưu ái có một trụ sở làm việc riêng.

Điều này cũng đồng nghĩa với hàng chục trụ sở làm việc ở mỗi tỉnh dành riêng cho các phòng giáo dục.

Phòng giáo dục đang thực hiện nhiệm vụ gì?

Về chuyên môn các phòng thường bám vào các kế hoạch của sở giáo dục để chỉ đạo và thực hiện. Vì thế, sở ra kế hoạch năm học, thi cử thì phòng chỉnh sửa vài chữ rồi gửi đến các đơn vị cơ sở. 

Đầu ra của của học sinh cấp phòng giáo dục quản lí thì khi học sinh tốt nghiệp lớp 9, sở giáo dục cấp bằng, thi tuyển sinh 10 thì sở chủ trì và tổ chức thi. 

Khen thưởng các danh hiệu giáo viên thì ủy ban nhân dân huyện, tỉnh công nhận và ra quyết định. Đầu tư xây dựng thì ủy ban huyện làm chủ đầu tư. 

Khi bổ nhiệm các thành viên ban giám hiệu nhà trường thì chủ tịch ủy ban nhân dân huyện kí. Khi tuyển dụng giáo viên cũng là kế hoạch của ủy ban nhân dân huyện ra thông báo và tổ chức tuyển dụng. 

Phòng giáo dục chỉ có việc tổng hợp số liệu từ các trường báo lên hàng năm. Như vậy, phòng giáo dục chỉ có nhiệm vụ tham mưu và tổng hợp. 

Việc này, các ban giám hiệu trường có thể làm việc trực tiếp với ủy ban nhân dân cấp quận huyện, khỏi thêm bước trung gian, thêm tiêu cực.

Các cuộc thi của giáo viên và học sinh thêm cấp phòng thì lại thêm tốn kém. 

Giải tán phòng giáo dục có những lợi ích gì? ảnh 4

Đội ngũ “cầm tay chỉ việc” giáo viên từ phòng lên bộ có nên cắt bỏ?

Nghị định 56 của Chính phủ quy định sáng kiến kinh nghiệm của giáo viên chỉ cần cấp cơ sở công nhận là được xét thi đua, công chức. Đưa lên phòng thêm một lần chấm và công nhận giải. 

Thông tư 35 của Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn khi xét danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở chỉ cần giáo viên giỏi cấp trường, thêm cấp huyện tất nhiên lại thêm một lần tốn kém…

Rõ ràng, việc thêm cấp phòng giáo dục đang tạo thêm nhiều áp lực cho cơ sở và thêm tốn kém rất nhiều. 

Đó là chưa kể việc mua sắm trang thiết bị dạy dạy học các trường phải làm tờ trình xin phép phòng giáo dục. Và tất nhiên, kinh phí, hoa hồng bao giờ cũng “nằm lại” ở phòng một số phần trăm nhất định.

Thêm cấp phòng thêm phiền toái

Mỗi năm học sinh có 2 kì thi, nhưng nhiều cấp chỉ đạo nên thành ra giáo viên lãnh đủ. 

Sở, phòng quy định đề thi kết hợp giữa trắc nghiệm khách quan và tự luận.

Thế nhưng, nhiều môn học Hội đồng bộ môn tập huấn là không có trắc nghiệm như môn Ngữ văn, thành thử, giáo viên chẳng biết nghe ai. 

Về trường thì ban giám hiệu căn cứ vào công văn của sở, phòng. Nhưng khi thanh tra, các thành viên Hội đồng bộ môn lại bắt bẻ là ra đề theo tinh thần tập huấn của Hội đồng bộ môn. Đúng là chuyện “lắm thầy nhiều ma”…

Đầu năm học, hàng loạt các trường lạm thu nhưng thanh tra phòng giáo dục không phát hiện ra bởi phần nhiều thanh tra đi là báo trước. 

Có những đơn tố cáo, khiếu nại của giáo viên gửi lên phòng giáo dục nhưng khi phòng về thanh tra là điện trước cho hiệu trưởng để chuẩn bị.

Thành thử, thanh tra về trường là giáo viên “chết vì tội vu khống” còn hiệu trưởng bình chân như vại. 

Nhiều nơi, đơn tố cáo của giáo viên lại gửi ngược lại cho trường giải quyết bởi đơn thư vượt cấp. Vì thế, những tiêu cực xảy ra nhưng giáo viên không dám tố cáo.

Mỗi năm, phòng về thanh, kiểm tra vài lần, mỗi lần về là giáo viên lại phải tất bật lo chuẩn bị hồ sơ sổ sách vô bổ để đối phó. 

Có nơi, hiệu trưởng còn chủ động thu tiền giáo viên để đón đoàn thanh, kiểm tra. Thành ra, mỗi lần thanh tra về phòng là mỗi lần giáo viên ngao ngán. 

Nhiều đoàn thanh, kiểm  tra chỉ khổ kinh phí của đơn vị lại phải chi ra đón tiếp. Lúc thì thanh tra, kiểm tra chuyên môn, lúc thì tài chính, phổ cập, ngoài giờ, cảnh quan sư phạm…

Vì thế có người nói rằng càng cần cấp phòng giám sát "ông vua con". Nhưng thực tế giám sát đâu chẳng thấy, chỉ thấy phòng "che chở" cho họ.

Bởi vậy, giải tán cấp phòng giáo dục cũng phải được triển khai đồng thời với các giải pháp chính sách thi tuyển hiệu trưởng.

Giải tán phòng giáo dục có những lợi ích gì? ảnh 5

4 nguyên tắc và 8 giải pháp tinh giản biên chế giáo dục

Hàng năm, khi tuyển dụng hay xét thuyên chuyển giáo viên ở một số nơi thì luôn xảy ra tiêu cực. 

Dù văn bản quy định là phòng giáo dục tham mưu cùng với phòng nội vụ nhưng vì có nhiều phòng, nhiều lãnh đạo quá nên mỗi suất tuyển dụng hay được thuyên chuyển luôn được “nâng giá” lên, vì thế thêm cấp lãnh đạo chỉ thêm hao tổn tiền bạc của giáo viên. 

Bởi chuyên viên tổ chức của phòng giáo dục là người biết trước trường nào thiếu, chỗ nào có thể chuyển đến được nên phần nhiều công tác nhân sự đều phải “chạy” qua vị này.

Thành thử thêm lãnh đạo phòng giáo dục lại nhũng nhiễu và tiêu cực thêm.

Bỏ phòng giáo dục được không và có lợi gì?

Chúng tôi khẳng định là bỏ được. Thời đại công nghệ thông tin thì các văn bản, kế hoạch sở chuyển trực tiếp về các trường học qua hòm thư điện tử. 

Thêm cấp phòng lại thêm ý kiến chỉ đạo khác nhiều khi không thống nhất.

Khi tập huấn chuyên môn chỉ cần cử đại diện các trường về sở tập huấn, sau đó về triển khai lại cho anh em trong tổ, trong trường. 

Thực tế hiện nay, tập huấn qua cấp phòng về đến trường thì tinh thần đổi mới của Bộ đã gần hết. 

Vì phần nhiều phân công lãnh đạo đi tập huấn mà lãnh đạo thì có quan hệ nhiều, đang tập huấn lại lo giải quyết chuyện này, chuyện kia, lo điện thoại chỉ đạo… nên đâu có tập trung lĩnh hội được được nội dung tập huấn. 

Mỗi năm, có vài lần họp như triển khai đầu năm học, sơ kết, tổng kết cuối năm thì sở có thể triệu tập ban giám hiệu các trường tập trung về sở họp. Tỉnh nào rộng thì có thể họp theo cụm, vừa đơn giản mà hiệu quả, giảm được họp hành.

Về quản lí nhân sự, phòng nội vụ và ủy ban nhân dân cấp quận huyện đảm nhận bởi nhiều cơ quan cùng chồng lấn một nhiệm vụ chỉ gây khó dễ cho nhau, nhũng nhiễu giáo viên và các giáo sinh mới ra trường. 

Phân bổ tài chính hàng năm không cần thông qua phòng giáo dục, vừa mất thời gian mà lại thêm lãng phí và nảy sinh tiêu cực. 

Hiện nay, chúng ta đang nói nhiều đến tự chủ trong giáo dục. Vì thế, hãy giao quyền tự chủ về cho các trường.

Hàng năm, khi phát hiện hoặc thấy có dấu hiệu tiêu cực thì thanh tra nhà nước của ủy ban nhân dân huyện vào cuộc.

Mỗi năm, ngân sách nhà nước phải trả lương cho hàng chục ngàn lãnh đạo, chuyên viên phòng giáo dục cùng hàng loạt các chi phí trực tiếp, gián tiếp của nhà nước và các đơn vị cơ sở dành cho phòng giáo dục là một điều lãng phí vô cùng lớn. 

Trong khi, chỉ cần các bộ phận của sở giáo dục, phòng tài chính, phòng nội vụ và các ban giám hiệu nhà trường ráng thêm một chút công việc thì trường đỡ áp lực và hiệu quả công việc lại cao hơn. 

Sở giáo dục khỏi phải chỉ đạo qua trung gian, các ủy ban nhân dân cấp quận huyện cũng đỡ phải chi phí thêm một khoản ngân sách.

Phòng giáo dục tồn tại thì những hiệu quả công việc cũng mờ nhạt, lại tốn kém. Vì thế, các cơ quan chức năng cần xem và điều chỉnh các văn bản hiện hành cho phù hợp và nên “giải tán” phòng giáo dục càng sớm càng tốt.

Tài liệu tham khảo:

[1]http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chinh-tri/1-vu-co-den-19-ham-vu-pho-413768.html

[2]http://www.sggp.org.vn/hon-22-trieu-hoc-sinh-sinh-vien-ca-nuoc-du-le-khai-giang-nam-hoc-moi-465799.html

Nguyễn Nguyên