Tổng chủ biên Nguyễn Minh Thuyết và ông Ngô Trần Ái, ai trung thực?

02/06/2018 07:40
Hồng Thủy
(GDVN) - Thông tin ông Ngô Trần Ái báo cáo Đoàn giám sát trái ngược với những gì thầy Thuyết nói với VietnamNet, biểu hiện của lợi ích nhóm cần làm sáng tỏ.

Ngày 1/6 Báo VietnamNet đăng bài "Tổng chủ biên nói gì về tham gia viết sách giáo khoa trước khi có chương trình?" phỏng vấn Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông tổng thể.

Làm Tổng chủ biên, không còn thời gian làm việc cho VEPIC?

Báo VietnamNet đặt câu hỏi với Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, rằng: 

"Ông là tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới, nhưng gần đây có thông tin ông viết sách giáo khoa cho Công ty Cổ phần đầu tư xuất bản – thiết bị giáo dục Việt Nam (VEPIC). Điều này có hợp lý không?"

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. Ảnh trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam.
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. Ảnh trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam.

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết trả lời rằng:

"Sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 88 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, để chủ động trong công việc, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã mời một số chuyên gia tham gia các đề tài xây dựng chương trình giả định, nghiên cứu mô hình sách giáo khoa và biên soạn thử một số bài soạn và bản thảo sách.

Là một chuyên gia về giáo dục phổ thông, tôi được mời tham gia các công việc trên. 

Tôi đã hoàn thành các đề tài nghiên cứu về mô hình sách giáo khoa môn Tiếng Việt - Ngữ văn cho Viện Nghiên cứu sách giáo khoa và học liệu của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam; 

Hoàn thành bản thảo sách Tiếng Việt lớp 1 theo mô hình mà tôi đề xuất cho một đơn vị thành viên được Nhà xuất bản Giáo dục  giao nhiệm vụ là Công ty VEPIC.

Tuy nhiên, từ khi nhận lời làm Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới, tôi không còn thời gian để tiếp tục các công việc trên.

Chương trình giả định đang phác thảo cũng được “đóng băng” từ khi Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức các ban phát triển chương trình giáo dục phổ thông vì nó không còn ý nghĩa nữa." [1]

Ảnh chụp chồng bản thảo sách giáo khoa ông Ngô Trần Ái giới thiệu với Đoàn giám sát hôm 7/5, gáy 2 cuốn sách Tiếng Việt lớp 1 tập 1, Tiếng Việt lớp 1 tập 2 đều ghi Nguyễn Minh Thuyết (Tổng chủ biên kiêm chủ biên). Ảnh: GDVN.
Ảnh chụp chồng bản thảo sách giáo khoa ông Ngô Trần Ái giới thiệu với Đoàn giám sát hôm 7/5, gáy 2 cuốn sách Tiếng Việt lớp 1 tập 1, Tiếng Việt lớp 1 tập 2 đều ghi Nguyễn Minh Thuyết (Tổng chủ biên kiêm chủ biên). Ảnh: GDVN.

Như vậy từ câu trả lời của Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết với Báo VietnamNet trên đây có thể thấy:

Một là, hai cuốn Tiếng Việt lớp 1 tập 1, Tiếng Việt lớp 1 tập 2 mà ông Ngô Trần Ái giới thiệu với Đoàn giám sát của Ủy ban hôm 7/5 đúng là do Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết làm chủ biên dựa trên "chương trình giả định".

Ông Ngô Trần Ái còn nêu ra khả năng các thầy "lấy sách Tiếng Việt cũ ra làm theo phương pháp mới".

Hai là, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết khẳng định từ khi nhận lời làm Tổng chủ biên, ông "không còn thời gian để tiếp tục các công việc trên" (viết sách giáo khoa cho VEPIC).

Ba là "chương trình giả định đang phác thảo" (cho VEPIC) cũng được "đóng băng" từ khi Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức các ban phát triển chương trình giáo dục phổ thông "vì nó không còn ý nghĩa nữa".

Tuy nhiên, nội dung thứ 2 và thứ 3 này, ông Ngô Trần Ái đưa ra thông tin hoàn toàn ngược lại với Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết. 

Ông Ngô Trần Ái khẳng định điều ngược lại, đến ngày 7/5 Giáo sư Thuyết vẫn là tác giả viết sách giáo khoa của VEPIC

Cụ thể, ngày 2/5, ông Ngô Trần Ái - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty VEPIC đại diện doanh nghiệp này ký công văn số 09/CV-VEPIC gửi Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.

Ảnh chụp một phần trang cuối công văn số 09/CV-VEPIC của Công ty Cổ phần đầu tư xuất bản - thiết bị giáo dục Việt Nam gửi Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, do VEPIC cung cấp.
Ảnh chụp một phần trang cuối công văn số 09/CV-VEPIC của Công ty Cổ phần đầu tư xuất bản - thiết bị giáo dục Việt Nam gửi Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, do VEPIC cung cấp.

Trong công văn này, ông Ngô Trần Ái báo cáo Ủy ban như sau:

"Hiện nay có tới 46/56 (80%) tác giả Chương trình giáo dục phổ thông của Bộ Giáo dục và Đào tạo đang là tác giả biên soạn sách giáo khoa của Công ty. 

Có thể nói, cho đến nay, không một nhà xuất bản, không một tổ chức nào ở nước ta có đội ngũ tác giả đông đảo và có uy tín cao như đội ngũ tác giả của Công ty Cổ phần Đầu tư xuất bản – thiết bị giáo dục Việt Nam.

Tổ chức cho tác giả biên soạn sách giáo khoa mới từ khi bắt đầu có Chương trình tổng thể đã ban hành và sau đó là dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông mới (tháng 9/2017).

...Đến nay, bản thảo sách giáo khoa mới của tác giả đã được biên soạn xong bộ sách giáo khoa lớp 1 (Tiếng Việt, Toán, Tự nhiên và Xã hội, Đạo đức, Âm nhạc, Hoạt động trải nghiệm) dựa trên cơ sở Chương trình tổng thể, ban hành và dự thảo Chương trình môn học để góp ý."

Về hoạt động của cá nhân Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Giáo sư Đỗ Đức Thái và Phó giáo sư Mai Sỹ Tuấn, trong phiên làm việc ngày 7/5, ông Ngô Trần Ái đại diện VEPIC báo cáo Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội như sau:

Ông Ngô Trần Ái giới thiệu đội ngũ tác giả viết sách giáo khoa cho VEPIC tính đến tháng 5/2018 với Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng hôm 7/5, ảnh: GDVN.
Ông Ngô Trần Ái giới thiệu đội ngũ tác giả viết sách giáo khoa cho VEPIC tính đến tháng 5/2018 với Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng hôm 7/5, ảnh: GDVN.

"Đáng tự hào vui mừng, là cũng từ nay, báo cáo với chị cũng như các đồng chí lãnh đạo là, đã mời được 230 tác giả có uy tín, chuyên môn học thuật, đó là trí lực, và nhiệt tình nhiệt huyết lắm;

Làm việc chưa có lương, chưa có gì cả, chế độ chưa có gì, nhưng có tâm, có sức viết linh hoạt bền bỉ, như tôi nói bút lực á, và lẽ dĩ nhiên là các đồng chí có sức khỏe nữa.

Với đội ngũ tổng chủ biên, chủ biên, tác giả, tôi xin một vài phút tôi chiếu cái tên, cái danh sách tác giả.

Ví dụ tiếng Việt và ngữ văn, cái này nhiều nhất á, tổng số tác giả là 20 tác giả, giáo sư có 3 người, phó giáo sư có 6, tiến sĩ 6, thạc sĩ 4 và cử nhân là 1.

Cũng có đầy đủ, giảng dạy một số trường đại học chuyên ngành, rồi sở giáo dục, có đủ cả đấy, 20 người.

Người tổng chủ biên xuyên suốt, có nghĩa là ông này ông ấy từ lớp 1 đến lớp 12, có ông tổng chủ biên á, là ông Nguyễn Minh Thuyết, tổng chủ biên xuyên suốt từ lớp 1 đến lớp 12...

Ông Ngô Trần Ái giới thiệu bản thảo sách giáo khoa mới do VEPIC mời các thành viên ban phát triển chương trình viết, với Đoàn giám sát hôm 7/5, ảnh: GDVN.
Ông Ngô Trần Ái giới thiệu bản thảo sách giáo khoa mới do VEPIC mời các thành viên ban phát triển chương trình viết, với Đoàn giám sát hôm 7/5, ảnh: GDVN.

Toán, tổng chủ biên xuyên suốt là giáo sư tiến sĩ khoa học Đỗ Đức Thái, anh ấy cũng nổi tiếng trong ngành Toán. Có 13 người, 1 giáo sư, 2 phó giáo sư, 3 tiến sĩ, 1 thạc sĩ.

Môn Khoa học tự nhiên là nó đông nhất, vì nó Lý, Sinh, lên cấp 2 Lý, Hóa, Sinh vào trong 1 quyển sách.

Và 3 môn này, môn tự nhiên, gọi là môn tự nhiên, 40, 1 giáo sư, 15 phó giáo sư, 15 tiến sĩ 18 thạc sĩ và 1 cử nhân.

Tổng chủ biên xuyên suốt là Phó giáo sư Mai Sỹ Tuấn, từ lớp 1 Cuộc sống quanh ta đến lớp 12, thầy Tuấn cũng là một thầy rất là giỏi.

...Trên cái chương trình tổng thể Bộ đưa lên mạng để góp ý, chúng tôi soạn ra các bài của sách lớp 1 trước.

Lớp 2, lớp 6 có làm không? Có, nhưng mà chưa ra, mới làm một số bài, một số chương, một số đề cương để thảo luận.

Còn lớp 1 thì, nếu theo Quốc hội thì (lùi) từ 1 đến 2 năm, Bộ trưởng quyết định (lùi) 1 năm, có nghĩa là bây giờ tháng Tư rồi thì sang năm phải có sách cho Bộ trưởng duyệt. Còn đúng 10 tháng nữa.

10 tháng nữa biết bao nhiêu việc phải làm, cho nên chúng tôi cũng mạnh dạn, các thầy cứ soạn sách thử đi, ví dụ Tiếng Việt có 2 quyển, có 2 tập 1 và tập 2 này, chút nữa tôi sẽ gửi cho đoàn.

...Chiến lược là soạn thảo lớp 1 trước, lớp 2 lớp 6 cũng có làm rồi. Lớp 2 lớp 6 không làm từ bây giờ thì sao kịp?"

Có thể tóm tắt báo cáo của ông Ngô Trần Ái thế này:

Tính đến thời điểm báo cáo Đoàn giám sát của Ủy ban ngày 7/5, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Giáo sư Đỗ Đức Thái, Phó giáo sư Mai Sỹ Tuấn vẫn nằm trong 46/56 thành viên ban phát triển chương trình tổng thể (18) và chương trình môn học (38) của Bộ Giáo dục và Đào tạo có tên trong danh sách đội ngũ tác giả sách giáo khoa của VEPIC.

Tổng chủ biên Nguyễn Minh Thuyết và ông Ngô Trần Ái, ai trung thực? ảnh 6

Báo cáo của ông Ngô Trần Ái thách thức uy tín, liêm chính của Tổng chủ biên

Công việc viết sách giáo khoa của VEPIC bắt đầu từ tháng 9/2017, đến nay mới xong bộ sách lớp 1, đang tiếp tục viết sách lớp 2 và lớp 6 (bao gồm môn Khoa học tự nhiên của Phó giáo sư Mai Sỹ Tuấn). 

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết vẫn đảm nhiệm vai trò tổng chủ biên kiêm chủ biên sách Tiếng Việt - Ngữ văn của VEPIC xuyên suốt từ lớp 1 đến lớp 12.

Điều đó có nghĩa là không có bất kỳ sự "đóng băng" nào trong hoạt động biên soạn sách giáo khoa cho VEPIC của nhóm Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Giáo sư Đỗ Đức Thái, Phó giáo sư Mai Sỹ Tuấn cùng 43 cộng sự còn lại trong ban phát triển chương trình cho đến ngày 7/5.

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cũng rất khéo léo khi nói rằng: "từ khi nhận lời làm Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới, tôi không còn thời gian để tiếp tục các công việc trên."

Tại sao không phải là quý thầy chính thức chấm dứt hợp tác với VEPIC khi đảm nhiệm chức vụ Tổng chủ biên, Chủ biên chương trình môn học để đảm bảo đúng tính khách quan, minh bạch mà chỉ "không tiếp tục các công việc nói trên"?

Phải chăng bởi ngộ nhỡ ông Ngô Trần Ái trưng hợp đồng, bằng chứng ra thì lúc đó phải ăn nói làm sao?

Hơn nữa, nếu ràng buộc giữa quý thầy với VEPIC vẫn còn, lấy gì đảm bảo những chương trình được quý thầy "giả định" khi viết sách giáo khoa cho VEPIC sẽ không bị đưa vào chương trình chung của quốc gia?

Thông tin ông Ngô Trần Ái báo cáo Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đặc biệt quan trọng, vì nó liên quan đến tính liêm chính, công bằng và có dấu hiệu của lợi ích nhóm trong lĩnh vực làm chương trình - sách giáo khoa.

Nếu thông tin ấy là đúng, đó là sự vi phạm trắng trợn chính những chuẩn mực mà Sổ tay thực hiện Dự án Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông (RGEP) mà Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ ký ban hành, sau khi thống nhất với Ngân hàng Thế giới.

Tổng chủ biên Nguyễn Minh Thuyết và ông Ngô Trần Ái, ai trung thực? ảnh 7

Đã và đang có “cuộc vận động chỉ định thầu” bộ sách giáo khoa mới?

Nay ông Ngô Trần Ái giữ quyền im lặng, còn Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết không đưa ra được bằng chứng nào thuyết phục để chứng minh cho lập luận của mình, thiết nghĩ Bộ Giáo dục và Đào tạo cần sớm vào cuộc.

Thông tin ông Ngô Trần Ái và Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết nêu ra đang ngược nhau, và không thể có chuyện hai thông tin này cùng đúng.

Cả hai vị đều là nhà giáo, hơn nữa quý thầy đã đưa ra 2 trong 5 phẩm chất mà "người học sinh mới" phải đạt được là trung thực, trách nhiệm;

Vậy thì đây là lúc quý thầy Ngô Trần Ái, Nguyễn Minh Thuyết, Đỗ Đức Thái, Mai Sỹ Tuấn và 43 vị còn lại trong danh sách của VEPIC cần lên tiếng rõ ràng để chứng minh sự trung thực, trách nhiệm cần phải có trong vai trò Tổng chủ biên, chủ biên và người làm sách giáo khoa.

Ngày 19/11/2015 Báo Infonet đăng bài: Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết: "Dân bình luận nhiều Bộ trưởng trả lời như học sinh tiểu học".

Nội dung bài viết phỏng vấn Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết về phần trả lời chất vấn của một số Bộ trưởng trước Quốc hội. Giáo sư bình luận:

"Các vị Bộ trưởng dứt khoát phải nắm vững công việc của ngành mình. Ngay như Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo hôm 16/11 cũng trả lời loanh quanh mãi. 

Chủ tịch Quốc hội phải gặng hỏi:“Chương trình mới có còn môn Lịch sử không?”, nhưng Bộ trưởng vẫn không nói được là có hay không, mà chỉ nói là sẽ báo cáo ban này ban kia. 

Chỉ trả lời có mấy câu hỏi đơn giản như thế mà không trả lời được thì không biết các vị Bộ trưởng điều hành công việc ngành mình như thế nào?" [2]

Nay trên cương vị Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, những câu hỏi chúng tôi đặt ra với Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết rất rõ ràng, cụ thể, hy vọng quý thầy hãy trả lời thẳng, chứ không "loanh quanh" như Giáo sư đã từng nhận xét phần trả lời của Bộ trưởng Giáo dục.

Nguồn: 

[1]http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/nguoi-thay/chuong-trinh-giao-duc-pho-thong-moi-da-duoc-tham-dinh-454315.html

[2]http://infonet.vn/gs-nguyen-minh-thuyet-dan-binh-luan-nhieu-bo-truong-tra-loi-nhu-hs-tieu-hoc-post182789.info

Hồng Thủy