LTS: Trước tình trạng học sinh lạm dụng văn mẫu khi làm bài ở nhà, thầy giáo Sông Trà chỉ ra những khó khăn trong việc ra đề Ngữ văn cho học sinh.
Đồng thời, thầy giáo cũng gợi ý cách giáo viên ra những đề mở, gần gũi với học sinh để khuyến khích khả năng sáng tạo cũng như xây dựng tình yêu với môn Văn cho học sinh.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!
Trong phân phối chương trình cải cách giáo dục trước đây và chương trình giáo dục hiện hành ở môn Ngữ văn bậc trung học cơ sở, trung học phổ thông, mỗi năm, học sinh có đến 6 đến 7 bài kiểm tra (thường gọi là bài viết) được tính hệ số 2 (chưa kể đến 2 bài thi học kỳ).
Nếu như các môn học khác, tất cả bài kiểm tra 1 tiết trở lên đều thực hiện tại lớp thì ở môn Ngữ văn có thêm hình thức cho học sinh làm bài viết ở nhà, do tính chất và đặc thù của bộ môn, cần có thời gian để học sinh tìm hiểu, tự viết.
Mỗi năm học thường có 2 bài làm ở nhà chia đều cho từng học kỳ.
Nhiều giáo viên kêu ca về tình trạng học sinh chép văn mẫu khi làm bài ở nhà. (Ảnh minh họa: Thanhnien.vn) |
Thời chúng tôi học phổ thông, mỗi lần thầy cô giáo ra đề văn cho về nhà làm cả tuần, chúng tôi háo hức, phấn khởi lắm. Đi tìm kiếm sách vở, tài liệu có liên quan đọc, suy ngẫm.
Một khi kiến thức đủ đầy, thấm vào trong người thì bắt đầu lập dàn ý rồi viết thành bài. Viết nắn nót, cẩn trọng từng câu, từng chữ.
Có bài, viết đi, viết lại, xé bỏ đến lần thứ 5, thứ 7 mới thấy ưng ý. Nộp bài cho thầy cô giáo xong lại trông mong giáo viên trả bài sớm, nhận xét thật nhiều.
Bây giờ, nhắc lại cách mà chúng tôi làm những bài văn ở nhà thời trước đây, mấy đứa cháu của tôi đều trố mắt ngạc nhiên và cho đó là chuyện cổ tích.
Vì hiện nay, nhiều học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông, không còn khái niệm tìm tài liệu để đọc, viết bài văn bằng suy nghĩ, cảm xúc riêng của mình nữa mà mỗi khi giáo viên cho đề bài về nhà, đợi đến sát ngày nộp bài mới "vắt chân lên cổ", lấy sách văn mẫu, tìm bài viết sẵn trên internet chép vào và đem nộp.
Thầy Bùi Văn Thuận, giáo viên môn Ngữ văn, trường Trung học phổ thông Trường Chinh (Chư Sê - Gia Lai) than:
“Học sinh ở đây lười, chán học văn lắm. Phần lớn bài văn viết ở nhà của em là sản phẩm của người khác.
Chúng tôi toàn phải đọc và chấm các bài văn của những học sinh giỏi, những chuyên gia, hàng giáo sư, tiến sĩ… Biết cho điểm sao bây giờ?”.
Trước khi ra đề văn cho học sinh về nhà làm, tôi thường rất nghiêm nghị:
“Các em phải tự làm, biết cách vận dụng, không được chép trong văn mẫu, nếu em nào vi phạm, tôi sẽ cho điểm kém. Nhưng khi chấm bài, tôi vẫn phát hiện ra nhiều em 'chứng nào tật nấy' ".
Khi trao đổi “vấn nạn” này với nhiều đồng nghiệp ở các trường, địa phương khác, họ cũng đều than ngắn, than dài, học sinh ít có ý thức làm tốt những bài văn ở nhà.
Một số nhà trường, tổ chuyên môn đã điều chỉnh phân phối chương trình môn Ngữ văn theo hướng các bài viết ở nhà chuyển sang viết tại lớp để ngăn chặn tình trạng học sinh lười viết, giỏi chép văn mẫu.
Có giáo viên đã áp dụng cách ra đề làm bài ở nhà theo hướng mở, mới lạ, không có trong văn mẫu.
Cách cho kiểm tra, làm bài ở lớp hết, đã đánh giá đúng và tạo công bằng hơn nhưng lại phá vỡ đi đặc trưng bộ môn, không còn chỗ để các em có điều kiện, thời gian trau chuốt câu chữ, nghiền ngẫm ý tưởng.
Cách ra đề mở, mới lạ, không có trong văn mẫu, cũng là xu hướng dạy học tích cực hiện nay nhằm phát huy tối đa năng lực, phẩm chất của người học.
Song ngặt nỗi, mặt bằng năng lực của học sinh ở nhiều nơi không đồng đều, ra đề khó quá, mới quá, các em dễ chán nản, xa rời môn học.
Tôi thiết nghĩ, hình thức làm bài viết, tập làm văn ở nhà trong chương trình môn Ngữ văn từ lớp 6 đến lớp 12, các nhà trường, tổ chuyên môn, thầy cô giáo cần tiếp tục duy trì.
Giáo viên nên có những yêu cầu, tác động đủ mạnh để các em có ý thức, trách nhiệm cao đối với những bài viết làm ở nhà và tiếp tục đổi mới, cải tiến cách ra đề theo hướng mở, mới lạ nhưng quen thuộc, gần gũi, vừa sức, tạo được hứng thú cho học sinh.