Không nên lạm dụng các sự kiện nóng trong các đề Ngữ văn

02/02/2017 06:36
Bùi Minh Tuấn
(GDVN) - Vấn đề nêu ra chưa được kiểm chứng kỹ càng có thể làm giảm hiệu quả hoạt động sư phạm trong khâu kiểm tra đánh giá năng lực nhận thức của học sinh.

LTS: Trong thời gian vừa qua, xu hướng đưa những sự kiện “nóng” vào trong đề văn nghị luận xã hội được nhiều giáo viên dạy Văn lựa chọn.

Thầy giáo Bùi Minh Tuấn cho rằng nếu các thầy cô giáo không có sự chọn lọc các vấn đề cẩn thận để ra đề thì sẽ gây ra những tác dụng không mong muốn.

Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả!


Thời gian qua, việc đưa các sự kiện, hiện tượng xã hội “nóng”, thu hút sự quan tâm, chú ý của nhiều người vào đề thi nghị luận xã hội đã trở thành một xu hướng được nhiều giáo viên lựa chọn khi ra đề thi kiểm tra môn Ngữ văn

Việc lựa chọn những hiện tượng nghị luận phù hợp sẽ kích thích sự tìm tòi, suy nghĩ sáng tạo trong việc trình bày quan điểm, suy nghĩ của bản thân hướng tới các giá trị “chân, thiện, mỹ”. 

Tuy nhiên, nếu lạm dụng mà không có sự cân nhắc, chọn lọc kỹ lưỡng các sự kiện, hiện tượng khi đưa vào đề thi, có thể gây ra những tác dụng ngược không mong muốn.

Trong cấu trúc đề thi môn Ngữ văn ở phần làm văn, cùng với nghị luận văn học, nghị luận xã hội là một trong hai phần quan trọng nhằm kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh. 

Ở kiểu bài nghị luận xã hội có hai dạng đề cơ bản: Nghị luận về một hiện tượng đạo lý và nghị luận về một hiện tượng đời sống. 

Trước đây, nghị luận về một hiện tượng đạo lý thường chiếm ưu thế khi đề bài thường yêu cầu học sinh trình bày quan điểm, suy nghĩ về một ý kiến, một nhận định, một câu tục ngữ, ca dao hoặc một câu danh ngôn nào đó.

Thời gian gần đây, dạng đề văn nghị luận xã hội lại có phần chiếm ưu thế hơn khi ngày càng xuất hiện những đề bài yêu cầu học sinh bày tỏ ý kiến, quan điểm của cá nhân về một hiện tượng, sự kiện xảy ra trong đời sống xã hội. 

Những sự kiện, hiện tượng được đưa vào đề thi thường mang tính thời sự, thu hút được sự quan tâm chú ý của dư luận. 

Học sinh làm bài kiểm tra môn Ngữ văn tại lớp. (Ảnh tác giả cung cấp)
Học sinh làm bài kiểm tra môn Ngữ văn tại lớp. (Ảnh tác giả cung cấp)

Khi người ra đề lựa chọn được những vấn đề nổi bật trong đời sống xã hội, có ý nghĩa nhất định sẽ là cơ hội để học sinh thoát ly các bài văn mẫu, thể hiện chính kiến, quan điểm riêng của bản thân.

Việc này cũng sẽ tạo ra sự tương tác với các vấn đề xảy ra trong đời sống xã hội từ đó có định hướng phù hợp về nhận thức và hành động. 

Chẳng hạn, những vấn đề như: Ô nhiễm môi trường; an toàn giao thông; lối sống bàng quan, vô cảm trong một bộ phận giới trẻ... 

Có thể nhận thấy, những tác dụng tích cực từ việc đưa các vấn đề thời sự “nóng” vào trong đề Văn là không cần bàn cãi. 

Tuy nhiên, cách thức đưa vấn đề như thế nào để tránh được những hệ lụy, thậm chí là phản tác dụng thì cần phải cân nhắc, lưu ý. 

Thời gian qua, đã xuất hiện tình trạng các đề văn nghị luận xã hội chạy theo các vấn đề “nóng” trong xã hội mà không có sự chọn lọc kỹ càng từ người ra đề.

Đặc biệt, cần cẩn thận hơn khi lựa chọn những vấn đề liên quan đến đời sống riêng tư, những phát ngôn “gấy sốc” của các diễn viên, nghệ sỹ hay những người bỗng dưng “nổi tiếng” bất đắc dĩ. 

Chẳng hạn, cách đây vài năm hiện tượng “ca sỹ” Lệ Rơi hay câu nói của một người mẫu về việc “không có tiền thì cạp đất mà ăn”... được đưa vào đề thi đã gây ra những phản ứng từ phía dư luận xã hội. 

Những vấn đề, sự kiện xảy ra trong cuộc sống vốn đa dạng phong phú với đủ các sắc thái, cung bậc hay, dở, tốt xấu. 

Cũng là những vấn đề “nóng” nhưng sự việc người dân “hôi bia” ở Đồng Nai trước đây khi đưa vào đề thi thì nhận được những phản ứng tích cực, còn việc đưa những nhân vật như “Bà Tưng”, Ngọc Trinh vào đề thi lại gây ra những phản ứng trái chiều. 

Không nên lạm dụng các sự kiện nóng trong các đề Ngữ văn ảnh 2

Tâm và tầm người ra đề Ngữ văn

(GDVN) - Bao giờ cái tâm và cái tầm của người làm đề hòa hợp để có được đề bài đúng, đề bài được nhiều người yêu thích?

Có thể thấy, mọi sự lạm dụng đều có thể dẫn tới những hệ lụy tiêu cực.

Nhất là khi những vấn đề đó lại liên quan đến đề thi của học sinh trong môi trường học đường vốn yêu cầu cao về tính chuẩn mực và mô phạm. 

Khi người ra đề chưa có sự chọn lọc trong việc sử dụng các vấn đề, sự kiện làm chất liệu trong các đề thi hoặc những sư kiện, vấn đề nêu ra chưa được kiểm chứng kỹ càng có thể làm giảm hiệu quả hoạt động sư phạm trong khâu kiểm tra đánh giá năng lực nhận thức, cảm thụ vấn đề của học sinh. 

Nhất là khi phần lớn học sinh chưa đủ “độ chín” cần thiết về vốn sống, kinh nghiệm sống, gặp những đề thi đặt ra các vấn đề phản cảm, nghèo nàn về tính giáo dục, hướng thiện sẽ có thể khiến học sinh hình thành những suy nghĩ, quan niệm lệch lạc. 

Trong hoạt động dạy và học ở nhà trường phổ thông, công tác kiểm tra, đánh giá là hoạt động then chốt. Đề thi có chất lượng sẽ tác động tích cực tới công tác quan trọng này. 

Với môn Ngữ văn, thông qua các đề thi, việc hình thành cho học sinh thói quen biết quan tâm, bày tỏ nhận thức, suy nghĩ của bản thân về các vấn đề xảy ra trong đời sống xã hội là cần thiết. 

Không nên lạm dụng các sự kiện nóng trong các đề Ngữ văn ảnh 3

Thông tin chính thức về kỳ thi quốc gia 2017

Tuy nhiên, vì phạm vi, mục tiêu, đối tượng giáo dục trong nhà trường có những nét đặc thù riêng mà việc lựa chọn các sự kiện, hiện tượng cho học sinh bàn luận trong các đề văn nghị luận xã hội cần thận trọng. 

Những sự kiện, vấn đề được lựa chọn đưa vào đề thi cần hội đủ các tiêu chí cần thiết như: Mang tính thời sự; có sức lan tỏa, ảnh hưởng tới nhiều người; đảm bảo yêu cầu về tính thẩm mỹ, tính giáo dục; phù hợp với lứa tuổi học sinh. 

Các đề thi không nên chạy theo những sự kiện, hiện tượng nhất thời hay những giá trị chưa được khẳng định. 

Tóm lại, để có được những đề thi có chất lượng, phụ thuộc rất nhiều vào nhận thức thấu đáo, sự am tường và khả năng bao quát, nhận định của những giáo viên trực tiếp ra đề.

Bùi Minh Tuấn