LTS: Trước một số bức xúc của giáo viên về việc dự giờ, thao giảng mang tính hình thức và gây căng thẳng, mệt mỏi cho cả giáo viên và học sinh, thầy giáo Đỗ Tấn Ngọc cho rằng việc thao giảng cụm sẽ giúp giáo viên học hỏi được nhiều.
Theo đó, thầy Ngọc chia sẻ câu chuyện về hoạt động thao giảng cụm tại Quảng Ngãi để bạn đọc tham khảo.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Bảy năm nay, các môn học ở bậc trung học phổ thông của tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức và duy trì tốt hoạt động thao giảng cụm.
Các trường gần nhau về mặt địa lý thì hình thành một cụm. Mỗi cụm có cụm trưởng, cụm phó để chủ trì, theo dõi, đôn đốc.
Mỗi học kỳ hoặc năm học, tổ chức thao giảng cụm một lần. Mỗi trường, tổ, nhóm chuyên môn thay phiên nhau đăng cai tổ chức thao giảng, trao đổi, thao luận về các bài dạy, chuyên đề…
Thao giảng cụm giúp giáo viên học hỏi được nhiều. (Ảnh minh họa: baoquangngai.vn) |
Mới đầu, nhiều giáo viên cho rằng hình thức thao giảng, sinh hoạt chuyên môn cụm như thế này chỉ là hình thức, lãng phí và gia tăng thêm áp lực, căng thẳng cho giáo viên và học sinh.
Nhưng sau một thời gian, với cách thức tổ chức bài bản, chu đáo của các cụm thao giảng, tất cả thầy, cô giáo phải thừa nhận rằng: nó thực sự hiệu quả, có tác dụng tích cực đối với công việc dạy học của giáo viên.
Thầy Nguyễn Đắc Vương, tổ trưởng tổ xã hội, trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (thành phố Quảng Ngãi) cho biết:
“Giáo viên chúng tôi rất hứng thú khi tham gia hoạt động chuyên môn này. Mấy năm học gần đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo liên tục có nhiều cải tiến, đổi mới về phương pháp dạy học, như bài học minh họa, nghiên cứu bài học theo chủ đề, tích hợp liên môn…”
Thực tế cho thấy, không ít giáo viên, nhóm, tổ chuyên môn ở đây và các địa phương khác còn khá túng lúng, bỡ ngỡ, mơ hồ khi tiếp cận, thực hiện những cái mới mẻ này thì đây là “sân chơi” tập thể bổ ích để giúp giáo viên các bộ môn được trao đổi, chia sẻ, học hỏi góp phần tháo dỡ bớt khó khăn, vướng mắc, thêm tự tin, vững vàng trong dạy học.
Cô Nguyễn Thị Thành, Hiệu trưởng, trường THPT Phạm Kiệt thuộc huyện miền núi Ba Tơ (Quảng Ngãi) phân trần:
“Những cái mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo đề ra, chỉ qua mấy cuốn tài liệu, vài buổi tập huấn, bồi dưỡng thường xuyên thì khó có giáo viên, tổ, nhóm chuyên môn nào “thấm nhuần”, vận dụng tốt được ngay, giữa lý thuyết và thực tế luôn luôn có một khoảng cách rất xa.
Trường chúng tôi thuộc diện trường vùng sâu, vùng xa, ít học sinh, mỗi bộ môn chỉ có 2, 3 giáo viên, thậm chí có 1 giáo viên, việc trao đổi, học hỏi về chuyên môn lẫn nhau gặp nhiều khó khăn.
Mừng là có hoạt động sinh hoạt chuyên môn, thao giảng cụm này đã giúp giáo viên trường tôi và các trường miền núi của Quảng Ngãi được trau dồi, học tập, không bị “tụt hậu” quá xa trước những yêu cầu mới so với đội ngũ giáo viên các trường ở đồng bằng, thành phố”.
Bên cạnh kết quả đã được, hoạt động sinh hoạt chuyên môn, thao giảng cụm vẫn còn một số “hạt sạn” cần khắc phục, điều chỉnh trong thời gian tới.
Thầy T.Q.N, một cụm trưởng, bộ môn Toán, của một trường THPT ở thành phố Quảng Ngãi chỉ rõ:
“Tính hiệu quả và tác dụng của nó không thể phủ nhận, phương pháp dạy học của nhiều thầy, cô giáo được cải thiện, nâng lên rõ rệt.
Tuy nhiên, một số cụm khâu tổ chức thảo luận sau các tiết thao giảng còn đơn giản, rời rạc, chưa có người “cầm trịch” để chỉ ra, chốt lại những hướng đi thống nhất, cơ bản cho từng kiểu bài dạy học.
Một số giáo viên được phân công thao giảng, khâu thiết kế giáo án đến tiến trình bài dạy vẫn “lối cũ, ta về”, nặng về thuyết giảng, không thấy “cái chất” mới, nét khác biệt của bài học minh họa, nghiên cứu bài học theo chủ đề, tích hợp liên môn so với cách dạy truyền thống.
Hy vọng, các cụm thao giảng sẽ nhìn thấy hạn chế ấy và sớm điều chỉnh, thay đổi”.