Gửi gắm của Giáo sư Trần Hồng Quân tới ngành giáo dục trong năm 2018

16/02/2018 07:22
Thùy Linh (thực hiện)
(GDVN) - Trong năm mới hi vọng những người làm giáo dục chúng ta luôn luôn dồi dào nhiệt huyết, suy nghĩ vận dụng sáng tạo các chủ trương nghị quyết.

LTS: Năm 2017, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã triển khai khá nhiều hoạt động gây được ấn tượng tích cực trong ngành giáo dục cũng như đối với xã hội.

nhân dịp Tết nguyên đán 2018, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với Giáo sư Trần Hồng Quân - nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam để lắng nghe những chia sẻ và dự định của Hiệp hội trong năm Mậu Tuất này.

Phóng viên: Xin Giáo sư cho biết, trong năm 2017 Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã có những đóng góp nào nổi bật đối với công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng?

Giáo sư Trần Hồng Quân: Trong năm 2017, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam (Hiệp hội) đã làm được khá nhiều việc nhằm góp phần tham mưu và phản biện các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước liên quan đến giáo dục đại học, nổi trội nhất có thể nói tập trung vào 3 nhóm chủ đề: 

Một là góp phần thúc đẩy thực hiện tự chủ đại học. Hiệp hội đã tổ chức nhiều hội thảo lớn và các cuộc tọa đàm nhỏ để cùng đề xuất nhiều kiến nghị. 

Hai là nghiên cứu góp ý vào Dự thảo sửa đổi và bổ sung Luật giáo dục đại học, tham gia nhiều hoạt động của Bộ Giáo dục và Đào tạo; của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục và thanh thiếu niên nhi đồng của Quốc hội; tập hợp được nhiều kiến đóng góp của các cơ sở giáo dục đại học và các chuyên gia để báo cáo lên các cơ quan có trách nhiệm. 

Theo giáo sư Trần Hồng Quân, thực hiện tự chủ đại học là một chủ trương lớn mang tầm chiến lược để đổi mới giáo dục đại học. (Ảnh: Thùy Linh)
Theo giáo sư Trần Hồng Quân, thực hiện tự chủ đại học là một chủ trương lớn mang tầm chiến lược để đổi mới giáo dục đại học. (Ảnh: Thùy Linh)

Ba là, Hiệp hội đã đi đầu trong việc giới thiệu tới các trường đại học và toàn xã hội nhận thức về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và cổ vũ hội nhập và cuộc cách mạng này thông qua tổ chức 3 hội thảo quốc tế lớn về vấn đề này lần lượt ở cả 3 miền của đất nước (Bắc, Trung, Nam).

Ngoài ra, Hiệp hội đã cho thành lập các câu lạc bộ các khối trường để tập hợp các trường theo những tổ hợp khác nhau, mở ra các phương thức hoạt động phong phú trong những năm tới. 

Vấn đề tự chủ đại học thời gian gần đây được đặc biệt quan tâm,  xin Giáo sư cho biết ý kiến của mình về vấn đề này nhất là khi năm 2018 Luật giáo dục đại học sửa đổi dự kiến sẽ được thông qua?

Giáo sư Trần Hồng Quân: Thực hiện tự chủ đại học là một chủ trương lớn mang tầm chiến lược để đổi mới giáo dục đại học.

Nó tạo điều kiện và tạo áp lực để phát huy động lực tự thân của các cơ sở đào tạo đại học, thậm chí tác động đến từng khoa, từng bộ môn, từng thầy cô giáo. 

Gửi gắm của Giáo sư Trần Hồng Quân tới ngành giáo dục trong năm 2018 ảnh 2Tự chủ đại học khơi dậy những gì sáng tạo, đổi mới nhất

Nó tháo gỡ các ràng buộc trong quản lý, như là một cuộc giải phóng cho các trường. Và ở mức độ nào đó, đây cũng là một chủ trương xã hội hóa các trường công lập. 

Các trường không nên và sẽ không thể ý lại dựa dẫm khi Nhà nước sẽ từng bước không bao cấp toàn diện và không "bao lo" chi tiết cho các trường mà các trường phải tư lực để tồn tại và phát triển.

Đồng thời trường phải không ngừng canh tân để nâng cao chất lượng đào tạo và năng lực nghiên cứu khoa học mới có sức hấp dẫn và có sức cạnh tranh, phải tạo nhiều nguồn thu và được chủ động sử dụng hợp lý các nguồn thu đó mà không bị ràng buộc theo các nguyên tắc chi tiêu ngân sách nhà nước và luật đầu tư công. 

Có quyền thu hút đầu tư ngoài ngân sách nhà nước từ các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài theo đúng luật pháp để cải thiện điều kiện đào tạo và  nghiên cứu khoa học.

Thực hiện tự chủ rộng rãi sẽ là một cơ hội lớn cũng là một thách thức gay gắt đối với từng trường.

Rồi sẽ có hiện tượng phân hóa, có trường phát triển rất nhanh và có  trường chật vật để tồn tại, thậm chí phải giải thể ,sáp nhập vào các trường khác.

Đối với toàn hệ thống đây cũng là một cơ hội để sàng lọc, sắp xếp lại mạng lưới hợp lý. 
  
Trừ một số cơ sở đào tạo mang tính đặc thù thì tất cả các trường khác đều cần phải thực hiện cơ chế tự chủ và như vậy sẽ tạo ra một sự năng động mới của toàn hệ thống và từng bước tạo ra sinh khí mới để phát triển.

Ta thấy, Chính phủ đặc biệt quan tâm, đã có nhiều văn bản quan trọng và xây dựng lộ trình để thực hiện tự chủ đại học một cách phổ biến trong hệ thống.
  
Về phía Quốc hội cũng đang hết sức quan tâm sửa đổi Luật giáo dục Đại học để tạo cơ sở pháp lý liên quan đến tự chủ đại học.

Những bước tiến và sự tác động mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi ngành giáo dục nói chung và bản thân các trường đại học nói riêng phải thay đổi như thế nào để thích ứng và cung cấp các sản phẩm có chất lượng cho thị trường lao động? 

Giáo sư Trần Hồng Quân:
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang tạo ra  sự sôi động toàn thế giới, người ta dự báo rất nhiều sự phát triển đặc biệt với tốc độ nhanh chưa từng có, tác động mạnh mẽ vào kinh tế, xã hội, chính trị và an ninh; và cũng có thể đem lại không ít hệ lụy. Các nước hết sức khẩn trương vào cuộc và tăng tốc chạy đua.

Gửi gắm của Giáo sư Trần Hồng Quân tới ngành giáo dục trong năm 2018 ảnh 3Dấu ấn trong năm 2017 và dự kiến năm 2018 của Hiệp hội

Riêng Việt Nam, dù trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba chúng ta vẫn còn một khoảng cách tụt hậu rất xa so với các nước phát triển, tuy vậy do tính chất của cách mạng công nghiệp lần thứ tư về cơ bản dựa trên yếu tố trí tuệ hơn là dựa trên cơ sở vật chất kỹ thuật có sẵn.

Từ nội dung của cuộc cách mạng này đã tạo ra sự bình đẳng về cơ hội phát triển giữa các quốc gia. 

Cho nên Việt Nam vẫn có cơ hội để đi tắt bắt kịp các nước khác nếu ta phát triển tốt yếu tố con người có trí tuệ. Đây là sứ mệnh lịch sử của giáo dục Đại học nước ta .

Chúng ta đã từng, hay đúng hơn là đang có một cuộc chạy đua vô vọng để rút ngắn khoảng cách quá xa với tốc độ quá chậm so với những các đi trước. Dân tộc Việt Nam thông minh hiếu học cần cù.

Ta điều hành đất nước kiểu gì, điều hành nền giáo dục kiểu gì mà dân tộc ta cứ phải chịu cái nhục lạc hậu kéo dài, bị xếp vào nhóm bốn nước chậm phát triển trong Hiệp hội Asean. 

Cơ hội mới từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là thời cơ vàng. Nếu bỏ lỡ là có tội với non sông. Mong rằng ta không chỉ nói đến cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong các bài diễn văn như kiểu thời thượng mà phải có chiến lược và chương trình hành động chính sách cụ thể từ tầm vĩ mô để quyết vươn lên.

Khối các trường đại học với tư cách là tập hợp đội ngũ trí thức to lớn nhất, là lực lượng dễ tiếp cận với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chúng ta phải có hành động cụ thể: thay đổi mục tiêu, chương trình, phương pháp đào tạo; xây dựng các hướng hoạt động khoa học phù hợp để nhập cuộc, đối phó và khai thác cuộc cách mạng lần này.

Năm mới đã đến, qua Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư có nhắn nhủ gì tới lãnh đạo ngành giáo dục, thưa ông?

Giáo sư Trần Hồng Quân:
Năm 2017 là một năm nước ta gặp nhiều khó khăn, tổn thất nhiều do thiên tai và các khó khăn khác nhưng đã đạt được những thành quả hết sức quan trọng , đặc biệt là đã đạt được tất cả các chỉ tiêu kinh tế mà Quốc hội đã quyết định từ đầu năm.

Gửi gắm của Giáo sư Trần Hồng Quân tới ngành giáo dục trong năm 2018 ảnh 4Đề xuất tăng học phí Đại học lên 2,5 lần 

Điều đáng vui mừng nhất chính là chiều hướng đổi mới tư duy ở tầm vĩ mô thể hiện qua các nghị quyết của Trung ương 5 vàTrung ương  6 (thiết thân với giáo dục là Nghị quyết 19) cùng hàng loạt các chủ trương của Chính phủ, của Quốc hội, tạo sự chuyển động đáng mừng.

Nhưng mừng nhiều mà lo nhiều hơn vì ở ta từ tư duy đến  chủ trương cụ thể là cả một khoảng cách và từ chủ trương cụ thể đến thực hiện lại có một khoảng cách xa hơn. 

Trong năm mới hi vọng những người làm giáo dục chúng ta luôn luôn dồi dào nhiệt huyết, suy nghĩ vận dụng sáng tạo các chủ trương nghị quyết, tìm các giải pháp thích hợp để có thể thực hiện tốt, hành động có hiệu quả dù là còn nhiều khó khăn khách quan cũng như khó khăn từ cơ chế.

Xin trân trọng cảm ơn và chúc sức khỏe Giáo sư Trần Hồng Quân.

Thùy Linh (thực hiện)