Hà Giang nên nhớ rằng thi trắc nghiệm không thể có chuyện “học tài thi phận”

17/07/2018 06:54
Thùy Linh
(GDVN) - Chuyện năm nay Hà Giang có một vài thí sinh trội lên, có điểm cao nhất nước cũng là dễ hiểu. Nhưng bất thường ở chỗ, tỉ lệ thí sinh điểm cao lại chiếm đa số.

Từ năm 2017, kỳ thi trung học phổ thông quốc gia “2 trong 1” được giao cho các địa phương chủ trì.

Việc này nhận được sự ủng hộ của dư luận, khi giảm áp lực đi lại cho thí sinh và người nhà, nhưng lại khiến không ít người lo về chuyện thiếu công bằng trong một kỳ thi quan trọng.

Đặc biệt, đã có nhiều băn khoăn về việc “nơi coi lỏng, nơi coi chặt” để học sinh đỗ tốt nghiệp, đỗ đại học, cao đẳng...

Năm nay, để đảm bảo có một kỳ thi công bằng, chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra hàng loạt giải pháp, trong đó có việc tăng cường vai trò giám sát của các giám thị đến từ trường đại học và đội ngũ an ninh. 

Việc Hà Giang có kết quả thi cao bất thường có nguyên nhân từ đâu vẫn đang là câu hỏi lớn khi chưa có kết luận của thanh tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo, địa phương và các cơ quan chức năng. 

Hình ảnh ngôi trường trung học phổ thông Chuyên Hà Giang - nơi có nhiều thí sinh đạt điểm cao trong kỳ thi quốc gia 2018. Ảnh: Huyên Nguyễn
Hình ảnh ngôi trường trung học phổ thông Chuyên Hà Giang - nơi có nhiều thí sinh đạt điểm cao trong kỳ thi quốc gia 2018. Ảnh: Huyên Nguyễn

Trước thông tin điểm thi thử tại trường rất thấp nhưng khi thi tham dự kỳ thi quốc gia gia 2018 nhiều thí sinh của trường chuyên Hà Giang có điểm rất cao, thậm chí đạt xấp xỉ điểm tuyệt đối, về vấn đề này, trao đổi với báo chí sáng 16/7, bà Nguyễn Thị Thu Hằng – Phó Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông chuyên Hà Giang cho biết: 

“Học tài thi phận nên kết quả thi cử rất khó nói. Điểm thi thử không thể khẳng định bất cứ điều gì. Có những em thi thử điểm rất thấp nhưng thi thật điểm cao và ngược lại. Chúng tôi trân trọng năng lực của các em dù tốt hay chưa thực sự tốt”. [1]

Tuy nhiên, chia sẻ với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - nguyên phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) khẳng định:

“Nếu thi tự luận thì còn có thể có tỷ lệ học tài thi phận vì thí sinh học tủ, học trúng đề còn thi trắc nghiệm chắc chắn không có chuyện học tài thi phận. Bởi lẽ kiến thức đề trắc nghiệm dàn trải khắp chương trình học (cả lớp 11 và lớp 12)”. 

Ông Khuyến nói thêm, ngày xưa, những người thi đỗ Trạng Nguyên đâu phải ở kinh đô, mà đến từ một trường hẻo lánh nào đó.

Hà Giang nên nhớ rằng thi trắc nghiệm không thể có chuyện “học tài thi phận”  ảnh 2Điểm thi cao bất thường ở Hà Giang, lỗ hổng có thể có ở khâu nào?

Nên chuyện năm nay Hà Giang có một vài thí sinh trội lên, có điểm cao nhất nước cũng là dễ hiểu. Nhưng bất thường ở chỗ, tỉ lệ thí sinh điểm cao lại chiếm đa số. 

“Lâu nay, tiêu cực trong thi cử chúng ta vẫn chỉ nghĩ là thí sinh bảo bài, tung đáp án, nhòm bài của nhau nhưng nguyên nhân trong vụ việc ở Hà Giang tôi nghĩ có thể đến từ quy trình tổ chức thi không nghiêm túc chứ tiêu cực không phải ở phía thí sinh”, ông Khuyến nhận định. 

Do đó, ông Khuyến cho rằng, cách tốt nhất những người có trách nhiệm của Hà Giang lúc này là nên thành thật, làm kiên quyết và không xuê xoa, vì nó liên quan đến quyền lợi, sự công bằng cho hàng triệu thí sinh trên cả nước. 

Bàn về trách nhiệm khi xảy ra tiêu cực trong thi cử, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến bày tỏ quan điểm:

“Nếu đã quyết tâm giao việc tổ chức kỳ thi cho Sở thì người đứng đầu của tỉnh – tức chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh cần phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ.

Còn các thành viên khác thì sẽ chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.

Nếu người đứng đầu tỉnh thấy được trách nhiệm của mình trước Chính phủ, họ sẽ có những biện pháp huy động bộ máy công quyền của mình để làm tốt nhiệm vụ”.

Tiến sĩ Khuyến cũng nhấn mạnh, cần phải đẩy mạnh sự giám sát của xã hội, đặc biệt của các cơ quan báo chí, chứ không chỉ dựa vào giám sát trong nội bộ ngành. Và khi các địa phương được giao nhiệm vụ tổ chức kỳ thi thì trách nhiệm giải trình của địa phương phải rất cao.

Địa phương phải chấp nhận sự giám sát từ phía xã hội, chấp nhận công khai các hoạt động của mình.

Tài liệu tham khảo: 

[1]: https://laodong.vn/giao-duc/truong-thpt-chuyen-ha-giang-noi-gi-ve-luc-hoc-cua-3-hoc-sinh-co-ket-qua-cao-nhat-ca-nuoc-618841.ldo

Thùy Linh