Hà Nội tạm hoãn đấu thầu sữa học đường, tiếp tục làm khó Bộ Y tế

30/09/2018 09:28
Nhật Quang
(GDVN) - Chính đề án của Hà Nội còn không đòi hỏi bất kỳ tiêu chuẩn nào "chuyên biệt, chỉ Hà Nội mới có", tại sao Hà Nội lại làm khó Bộ Y tế, nhân danh Bộ Y tế?

Ngày 28/9 trong cuộc gặp báo chí tại Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, thầy Nguyễn Viết Cẩn - Trưởng phòng Kế hoạch tài chính Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết:

Chương trình đấu thầu nhà cung cấp sữa học đường dự kiến ngày 1/10 sẽ được hoãn đến ngày 10/10 vì bổ sung tiêu chí hồ sơ mời thầu.

Lý do là vì ngày 21/9/2018, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội mới nhận được công văn số 4801/ATTP-KN của Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế về sản phẩm sữa tươi phục vụ chương trình sữa học đường.

Cục An toàn thực phẩm gửi kèm theo công văn số hiệu 437/DDHĐ&NN của Viện Dinh dưỡng ngày 17/9/2018 khuyến nghị bổ sung 3 vi chất.

Bộ Y tế chưa hề phê duyệt công thức sữa chuyên biệt, Hà Nội đã nhân danh Bộ Y tế quảng cáo sữa một tấc lên trời

Ngày 21/9/2018 Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội mới nhận được văn bản của Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế.

Thầy Chử Xuân Dũng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội kiêm Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo đề án sữa học đường Hà Nội giai đoạn 2018-2020 triển khai đề án. Ảnh: Báo Kinh tế & Đô thị.
Thầy Chử Xuân Dũng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội kiêm Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo đề án sữa học đường Hà Nội giai đoạn 2018-2020 triển khai đề án. Ảnh: Báo Kinh tế & Đô thị.

Nhưng ngày 14/9/2018 Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã tổ chức họp báo tại văn phòng sở, do thầy Phạm Xuân Tiến - Phó Giám đốc Sở chủ trì, sữa học đường Hà Nội đã được quảng cáo là "chuyên biệt", giúp tăng chiều cao và phát triển trí tuệ, chỉ Hà Nội mới có...

Báo Kinh tế & Đô thị, cơ quan ngôn luận của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội dẫn lời thầy Phạm Xuân Tiến khẳng định:

Sữa học đường được bổ sung các vi lượng và khoáng chất cần thiết để bảo đảm việc phát triển chiều cao và trí tuệ của học sinh. [1]

Cùng đưa tin về cuộc họp báo này, ngày 14/9 Báo Tuổi trẻ Thủ đô có bài: "Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội sẽ chịu trách nhiệm về chất lượng sữa học đường". Bài báo cho biết:

Để trả lời những lo lắng của phụ huynh, thầy Phạm Xuân Tiến, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết, sữa học đường là loại sữa chuyên biệt, không bán trên thị trường;

Sữa học đường được bổ sung một số vi lượng và khoáng chất cần thiết như: Sắt, can xi, Vitamin A, Vitamin D… bảo đảm việc phát triển chiều cao và trí tuệ của các em học sinh ở lứa tuổi mầm non và tiểu học. [2]

Ngày 25/9 tại cuộc họp báo của Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, thầy Phạm Xuân Tiến một lần nữa nhắc lại những thông tin nói trên, thậm chí thầy Tiến khẳng định rằng sữa này được đặt hàng làm riêng cho Hà Nội. [3]

Hà Nội tạm hoãn đấu thầu sữa học đường, tiếp tục làm khó Bộ Y tế ảnh 2

Hà Nội pha thêm những chất gì vào sữa học đường mà sữa ngoài không có?

Cũng trong cuộc họp báo này, thầy Phạm Xuân Tiến có chia sẻ cách truyền thông đến cha mẹ học sinh cho một vị hiệu trưởng tiểu học:

"Tôi có đến một số trường tiểu học sau khai giảng, tôi hỏi hiệu trưởng là, em có biết cái sữa này, sữa học đường này, nó khác cái gì không?

Hiệu trưởng không nói được.

Tôi bảo, đấy, tại vì họp em không chịu nghe. Sữa này nó khác cơ bản là gì? Nó được bổ sung một số vi lượng và khoáng chất giúp cho trẻ trong độ tuổi phát triển.

Thế nó mới gọi là sữa học đường, chứ không nó gọi là sữa tươi có đường hoặc sữa tươi không có đường, chứ ai gọi là sữa học đường? Đúng không ạ? Rõ ràng là như thế.".

Thầy Phạm Xuân Tiến khẳng định rất chắc chắn:

"Cái này là quy định của Bộ Y tế về thành phần sữa học đường, và đơn vị nào trúng thầu, họ phải nghiên cứu hồ sơ mời thầu dày 1 tập như thế này, tất cả những gì có liên quan.

Quy định ấy là quy định của Bộ Y tế, chứ không phải là, Sở Giáo dục làm sao làm được?

Mà tôi nói, đến Sở Y tế cũng không đưa ra được thành phần, mà phải là Viện Dinh dưỡng của Bộ Y tế đưa ra thành phần, mà quyết định (là) của Bộ Y tế, chứ không phải là Sở Giáo dục đâu.".

Những lời quảng cáo nói trên dựa vào những thứ hoàn toàn không có thật, mục đích là để trấn an cha mẹ học sinh, nhưng làm sao có thể yên tâm với một công thức sữa "chuyên biệt" không có thật như vậy.

Chính phủ và Hà Nội không đòi hỏi sữa học đường phải "chuyên biệt"

Chúng tôi đã đem thắc mắc nói trên trao đổi với Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, rằng cả 2 công văn của Cục An toàn thực phẩm và Viện Dinh dưỡng đều không có bất kỳ thông tin nào cho thấy Bộ Y tế phê chuẩn công thức sữa học đường chuyên biệt của Hà Nội.

Thầy Phạm Xuân Tiến cho biết:

"Hình như là có văn bản của Bộ Y tế giao cho Cục An toàn thực phẩm. Em gọi cho anh Cẩn (thầy Nguyễn Viết Cẩn - Trưởng phòng Kế hoạch tài chính Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội) nhé."

Hà Nội tạm hoãn đấu thầu sữa học đường, tiếp tục làm khó Bộ Y tế ảnh 3

Hà Nội nên tạm dừng đấu thầu cung cấp sữa học đường, thanh tra toàn bộ đề án

Liên hệ với thầy Nguyễn Viết Cẩn, chúng tôi được thầy cho biết, Hà Nội có 2 công văn gửi Bộ Y tế về tiêu chuẩn sữa học đường.

Công văn đợt 1 Sở Giáo dục và Đào tạo xin ý kiến Bộ Y tế về các tiêu chuẩn chi tiết về sản phẩm sữa phục vụ chương trình Sữa học đường để Sở đi thẩm giá, xây dựng hồ sơ mời thầu.

Công văn trả lời thứ nhất về sản phẩm sữa tươi phục vụ chương trình sữa học đường, chính là sữa tươi tiệt trùng theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm sữa dạng lỏng QCVN 5-1:2010/BYT.

Lần thứ 2 khi chuẩn bị làm hồ sơ mời thầu, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội kiêm Trưởng ban chỉ đạo đề án sữa học đường Ngô Văn Quý có văn bản gửi Bộ Y tế để hỏi về tiêu chuẩn sữa học đường.

Bộ Y tế giao cho Viện Dinh dưỡng nghiên cứu đề xuất.

Ngày 21/9/2018 Hà Nội nhận được trả lời từ Cục An toàn thực phẩm kèm theo đề xuất bổ sung 3 vi chất của Viện Dinh dưỡng, đây là lý do Hà Nội tạm hoãn đấu thầu nhà cung cấp sữa học đường từ 1/10 sang 10/10 để bổ sung hồ sơ mời thầu.

Có điều lạ là, Quyết định số 1340/QĐ-TTg mà Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình sữa học đường không có bất kỳ đòi hỏi nào rằng sản phẩm sữa phục vụ chương trình này phải "chuyên biệt", ngoài sữa tươi (chứ không phải sữa bột pha nước, còn gọi là sữa hoàn nguyên, sữa tiệt trùng).

Chính phủ chỉ giao Bộ Y tế xây dựng và ban hành các quy định về sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường, định mức, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 5450/QĐ-BYT ngày 28/9/2016 của Bộ Y tế về việc Quy định tạm thời đối với sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường;

Trong đó, sản phẩm sữa tươi tiệt trùng phục vụ chương trình sữa học đường chỉ cần đảm bảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm sữa dạng lỏng QCVN 5-1:2010/BYT là được.

Còn việc có cần bổ sung vi chất nào hay không, thì phải chờ Viện Dinh dưỡng nghiên cứu, đề xuất. Hiện Bộ Y tế chưa phê duyệt đề xuất nào như vậy từ Viện Dinh dưỡng.

Trẻ em cần sữa tươi tiệt trùng sạch là đủ, tại sao Hà Nội cứ phải tìm sữa chuyên biệt? Ảnh minh họa: VTV.vn.
Trẻ em cần sữa tươi tiệt trùng sạch là đủ, tại sao Hà Nội cứ phải tìm sữa chuyên biệt? Ảnh minh họa: VTV.vn.

Đề án thực hiện chương trình sữa học đường trên địa bàn Hà Nội được ban hành kèm theo Quyết định số 4091/QĐ-UBND ngày 6/8/2018 của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội chỉ yêu cầu tuân thủ tiêu chí theo Quyết định số 5450/QĐ-BYT và QCVN 5-1:2010/BYT.

Chính đề án của Hà Nội còn không đòi hỏi bất kỳ tiêu chuẩn nào "chuyên biệt, chỉ Hà Nội mới có", sao đồng chí Trưởng ban chỉ đạo đề án sữa học đường của Hà Nội lại đi hỏi Bộ Y tế?

Xin đừng làm khó Bộ Y tế.

Việc này chỉ mang lại lợi ích cho nhà thầu, tăng lượng sữa bán ra chứ chẳng mang lại lợi ích gì cho học sinh, trẻ em Thủ đô.

Những vấn đề cần làm sáng tỏ

Như vậy có mấy vấn đề đặt ra, thiết nghĩ Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội nên sớm trả lời dư luận.

Thứ nhất, cả Quyết định 1340/QĐ-TTg Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình sữa học đường lẫn Quyết định 4091/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội phê duyệt đề án sữa học đường đều không yêu cầu sữa tươi phục vụ chương trình phải là "sữa chuyên biệt";

Vậy tại sao Hà Nội cứ phải đi tìm sữa "chuyên biệt" để đặt hàng riêng? Tại sao Hà Nội thích tự làm khó mình và làm khó Bộ Y tế về một công thức viển vông nào đó?

Thứ hai, tại sao khi chưa có quyết định nào từ Bộ Y tế về "sữa chuyên biệt", Hà Nội đã quảng bá rầm rộ về một loại sữa "đặt hàng làm riêng cho học sinh thủ đô", khác sữa tươi thông thường, có thể tăng chiều cao...?

Thậm chí cuộc họp báo ngày 14/9 Hà Nội đã có những quảng cáo này, trong khi ngày 17/9 Viện Dinh dưỡng mới đưa ra "khuyến nghị" 3 vi chất để Cục An toàn thực phẩm báo cáo lãnh đạo Bộ Y tế.

Hà Nội tạm hoãn đấu thầu sữa học đường, tiếp tục làm khó Bộ Y tế ảnh 5

"Đừng nghĩ nhà tôi giàu có, uống gì loại sữa đấy, nhầm hết"

Khuyến nghị của Viện Dinh dưỡng là kết quả của một...cuộc họp ngày 28/8/2018 và nghiên cứu tài liệu của Tổ chức Y tế thế giới, lấy gì đảm bảo đó là những vi chất học sinh Hà Nội đang cần?

Thứ ba, ngày 21/9/2018 Hà Nội nhận được văn bản trả lời của Cục An toàn thực phẩm kèm theo công văn của Viện Dinh dưỡng về khuyến nghị bổ sung 3 vi chất. 

Tại sao trong cuộc giao ban báo chí ngày 25/9/2018 của Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội không công bố hoãn đấu thầu từ 1/10 sang 10/10 để bổ sung hồ sơ mời thầu, mà phải đợi đến ngày 28/9/2018 mới thông báo?

Thứ tư, vấn đề quan trọng nhất là, lý do nào khiến Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho rằng công văn số 4801/ATTP-KN ngày 21/9/2018 của Cục An toàn thực phẩm, công văn số 437/DDHĐ&NN ngày 17/9/2018 của Viện Dinh dưỡng có giá trị pháp lý để bổ sung tiêu chuẩn hồ sơ mời thầu?

Đó không phải quyết định của Bộ Y tế, nói cách khác, Bộ Y tế chưa hề cấp phép cho công thức sữa học đường "chuyên biệt" nào mà Hà Nội mong muốn.

Nếu học sinh sử dụng có vấn đề gì về sức khỏe, ai chịu trách nhiệm và chịu trách nhiệm như thế nào?

Thứ năm, từ việc Hà Nội cố gắng đi tìm một công thức sữa học đường "chuyên biệt" chỉ Hà Nội mới có, cho đến việc suy luận và áp dụng 2 văn bản trả lời của Cục An toàn thực phẩm và Viện Dinh dưỡng như một sự bảo đảm của Bộ Y tế, phải chăng là một kế hoạch được sắp sẵn từ trước, một hoạt động vận động chính sách của nhà thầu nào đó?

Nguồn:

[1]http://kinhtedothi.vn/sua-hoc-duong-duoc-dam-bao-nghiem-ngat-ve-chat-luong-325218.html

[2]https://tuoitrethudo.com.vn/so-gd-dt-ha-noi-se-chiu-trach-nhiem-ve-chat-luong-sua-hoc-duong-d2055257.html

[3]https://vnexpress.net/tin-tuc/giao-duc/ha-noi-ho-tro-hon-1-200-ty-dong-lam-sua-rieng-cho-hoc-sinh-thu-do-3815071.html

Nhật Quang