Hà Nội nên tạm dừng đấu thầu cung cấp sữa học đường, thanh tra toàn bộ đề án

27/09/2018 10:48
Hồng Thủy
(GDVN) - Cần rà soát và vá các lỗ hổng, để 1.293.207 triệu đồng ngân sách không chỉ mang lại lợi ích cho trẻ em thủ đô, mà còn công ăn việc làm cho dân.

Ngày 26/9, Báo Kinh tế & Đô thị - cơ quan ngôn luận của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội có bài viết Sữa học đường: Vì dinh dưỡng và chiều cao của thế hệ tương lai.

Bài báo cho biết, ở Hà Nội, "sữa học đường" là sữa tươi tiệt trùng, có hoặc không đường, được Hà Nội đặt hàng làm riêng cho học sinh Thủ đô, để bổ sung thêm một số vi chất cần thiết mà học sinh mầm non và tiểu học đang thiếu hụt, khác so với những sữa đang bán ngoài thị trường. [1]

Xung quanh loại sữa học đường "chuyên biệt" mà Hà Nội đặt hàng làm riêng cho học sinh Thủ đô, chúng tôi đã nêu ra một số câu hỏi cho Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội trong bài Hà Nội pha thêm những chất gì vào sữa học đường mà sữa ngoài không có?

Được biết, ngày 1/10 Hà Nội sẽ tổ chức đấu thầu nhà cung cấp sữa học đường "chuyên biệt" chưa rõ công thức nào và được Bộ Y tế kiểm định hay chưa, cho 1,3 triệu học sinh Hà Nội.

Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Xuân Tiến chia sẻ với báo giới về đề án sữa học đường tại thủ đô. Ảnh: Kiều Trang / Tạp chí Giáo dục Thủ đô / hanoi.edu.vn.
Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Xuân Tiến chia sẻ với báo giới về đề án sữa học đường tại thủ đô. Ảnh: Kiều Trang / Tạp chí Giáo dục Thủ đô / hanoi.edu.vn.

Chúng tôi nhận thấy chương trình sữa học đường rất nhân văn và nếu triển khai một cách khoa học, nghiêm túc và minh bạch, sẽ mang lại lợi ích không chỉ cho 1,3 triệu trẻ em Hà Nội, mà còn kích thích kinh tế phát triển.

Tuy nhiên, cách triển khai đề án của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đang bộc lộ những bất cập chính sách, thiết nghĩ có thể dẫn đến nguy cơ chương trình sữa học đường bị mất ý nghĩa và mục đích nhân văn ban đầu.

Chính vì vậy, chúng tôi xin mạnh dạn kiến nghị với lãnh đạo Thành ủy, Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội nên chỉ đạo tạm dừng đấu thầu nhà cung cấp sản phẩm sữa học đường, làm rõ các bất cập chính sách và có giải pháp triển khai đề án một cách hiệu quả, minh bạch và bền vững rồi triển khai cũng chưa muộn.

Ấn định tỉ lệ "hỗ trợ" của doanh nghiệp 20% trên giá bán lẻ nên hiểu thế nào?

Xung quanh vấn đề đối tượng thụ hưởng của đề án triển khai chương trình sữa học đường tại Hà Nội, chúng tôi đã phân tích những bất cập và bất thường qua 2 bài viết:

Sữa học đường, không tính kỹ sẽ thành của người phúc ta, mượn hoa dâng Phật, và Hà Nội nên thận trọng, tránh làm biến tướng chương trình sữa học đường.

1 triệu đến 1,3 triệu trẻ em mẫu giáo và tiểu học Thủ đô sử dụng sữa học đường mỗi ngày, 5 ngày / tuần, quả thực đây là một thị trường tiềm năng mà bất cứ doanh nghiệp nào cũng mong muốn có được.

Theo quy định của Luật Đấu thầu về phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất; xét duyệt trúng thầu, chúng tôi nhận thấy sữa học đường là mặt hàng có cùng một mặt bằng về các yếu tố kỹ thuật, tài chính, thương mại. 

Hà Nội nên tạm dừng đấu thầu cung cấp sữa học đường, thanh tra toàn bộ đề án ảnh 2

Hà Nội pha thêm những chất gì vào sữa học đường mà sữa ngoài không có?

Cho nên thông thường nhà thầu nào có giá đề nghị trúng thầu thấp nhất, thì nhà thầu đó sẽ thắng thầu.

Hiểu nôm na, cho dù doanh nghiệp nào trúng thầu, thì sản phẩm cung cấp cho sữa học đường cũng phải đảm bảo tiêu chuẩn của Bộ Y tế đối với sữa tươi tiệt trùng.

(Còn tiêu chuẩn sữa chuyên biệt của Hà Nội chưa được công bố, chưa biết đã được Bộ Y tế phê duyệt hay chưa, nên thiết nghĩ chưa thể xem xét tiêu chuẩn này).

Vì vậy, nhà thầu nào có giá đề nghị trúng thầu thấp nhất với điều kiện đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng, sẽ trở thành đơn vị cung cấp sữa học đường rẻ nhất, ngân sách và chi phí của người dân được tiết kiệm tối đa.

Đó là ý nghĩa của việc đấu thầu.

Nhưng với việc ấn định tỉ lệ "hỗ trợ" của doanh nghiệp là 20% trên giá bán lẻ (tạm tính là 6.875 đồng / 1 hộp sữa tươi tiệt trùng 180 ml), chúng tôi không hiểu việc đấu thầu này còn ý nghĩa gì nữa?

Hơn nữa, với cách Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tham mưu cho Ủy ban Nhân dân, Hội đồng Nhân dân ấn định trước tỉ lệ "hỗ trợ" 20% trên giá bán lẻ như vậy, có khả năng tạo ra con số chênh lệch rất lớn.

Đó là chênh lệch mức chi phí bán hàng của doanh nghiệp trúng thầu giữa kênh truyền thống với bán qua Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội có thể lên tới hàng tỷ đồng mỗi tuần (1,3 tỷ đồng / tuần, đến 5,37 tỷ đồng /tuần, với điều kiện Sở huy động được 1,3 triệu học sinh mẫu giáo và tiểu học Thủ đô tham gia).

Nói cách khác, nếu đấu thầu được triển khai nghiêm túc, khoa học và minh bạch với điều kiện không ấn định tỉ lệ 20% trên giá bán lẻ như hiện nay, khoản tiền chênh lệch này sẽ được giảm trừ vào ngân sách hoặc chi phí cha mẹ học sinh phải bỏ ra, mà doanh nghiệp vẫn có lãi. 

Và chính nó sẽ trở thành động lực để người ta phấn đấu trên 90% trẻ em mẫu giáo và tiểu học Hà Nội sử dụng sữa học đường, trong khi có rất nhiều gia đình ở Hà Nội vẫn sử dụng sữa cho con em mình hàng ngày với sự lựa chọn vô cùng đa dạng và phong phú.

Tự nguyện hay cưỡng bách?

Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Xuân Tiến lý giải, sữa học đường thì phải được uống ở trường. Nếu đem về nhà, trẻ vứt vào thùng rác thì sao?

Hình minh họa, nguồn: VTV.vn.
Hình minh họa, nguồn: VTV.vn.

Cũng chính thầy Tiến tuyên bố, tham gia chương trình sữa học đường hay không là do cha mẹ học sinh hoàn toàn tự nguyện, các em không uống được sữa mà bắt các em uống sữa là không được.

Hai lập luận này mâu thuẫn với nhau. Tại sao thầy Tiến lại lo trẻ mang sữa về nhà vứt vào thùng rác nếu thực sự các cháu có nhu cầu và gia đình tự nguyện tham gia? 

Theo chúng tôi, một là các em không có nhu cầu vì đã uống sữa ở nhà rồi, thậm chí là có những trẻ em chỉ sử dụng được một, một vài loại sữa đã quen, chứ không phải là "sữa riêng của Hà Nội".

Hai là các em không tin vào "sữa chuyên biệt" mới làm chuyện ấy. Không phải cứ pha thêm nhiều vi chất, vitamin là tốt. Các em uống vào bị rối loạn tiêu hóa, táo bón...thì sao? 

Đâu là lý do thực sự để Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội mới phải buộc các em "uống sữa dưới sự giám sát của thầy cô", nếu không phải là mục tiêu trên 90% trẻ em mẫu giáo và tiểu học Thủ đô tiêu thụ sữa học đường mỗi ngày?

Ngoài nhiệm vụ canh các em uống hết sữa học đường, các thầy cô giáo tới đây còn nhiệm vụ thu gom vỏ sữa, ép và đóng lại (thành bánh?), thậm chí làm luôn nhiệm vụ thay mặt Bộ Y tế thử sữa.

"Giáo viên thậm chí phải uống sữa trước các cháu vì nếu có bị gì, các cô bị trước", đó là lời thầy Phạm Xuân Tiến. Không biết các thầy cô giáo Thủ đô sẽ nghĩ gì, khi đảm nhiệm thêm vai trò thử sữa và thu gom rác?

Tại sao Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội muốn bỏ hết trứng vào một giỏ?

Hơn 4 nghìn tỷ đồng là một con số lớn. 1,3 triệu học sinh sử dụng sữa tươi mỗi ngày là một thị trường vô cùng hấp dẫn đối với doanh nghiệp. 

Hà Nội nên tạm dừng đấu thầu cung cấp sữa học đường, thanh tra toàn bộ đề án ảnh 4

Sữa học đường, không tính kỹ sẽ thành của người phúc ta, mượn hoa dâng Phật

Đáng lẽ hoàn toàn có thể chia nhỏ đề án này thành các gói thầu khác nhau để đa dạng hóa nguồn cung;

Làm như vậy sẽ tạo sự cạnh tranh lành mạnh để nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ, hạ giá thành và tránh độc quyền nguồn cung cấp.

Nhưng Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã tham mưu cho Ủy ban Nhân dân, Hội đồng Nhân dân thành phố cách làm ngược lại.

Thứ nhất, cơ chế tài chính thực hiện Đề án Chương trình Sữa học đường được Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội phê duyệt trong Quyết định số 4019/QĐ-UBND ngày 6/8/2018, quy định:

Trên địa bàn 10 quận (Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Tây Hồ, Cầu Giấy, Hoàng Mai, Long Biên, Nam Từ Liêm), ngân sách quận đảm bảo kinh phí hỗ trợ.

Trên địa bàn 20 quận, huyện, thị xã còn lại, ngân sách Thành phố bổ sung kinh phí để thực hiện hỗ trợ.

Luật Đấu thầu quy định, bên mời thầu là cơ quan, tổ chức có chuyên môn và năng lực để thực hiện các hoạt động đấu thầu, bao gồm:

a) Chủ đầu tư hoặc tổ chức do chủ đầu tư quyết định thành lập hoặc lựa chọn;

b) Đơn vị dự toán trực tiếp sử dụng nguồn vốn mua sắm thường xuyên;

c) Đơn vị mua sắm tập trung;

d) Cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc tổ chức trực thuộc do cơ quan nhà nước có thẩm quyền lựa chọn.

10 quận nội thành (có số học sinh thuộc diện đối tượng thụ hưởng đông hơn), ngân sách quận đảm bảo kinh phí hỗ trợ thì lẽ thường phải do ủy ban nhân dân quận đó là bên mời thầu, tổ chức đấu thầu cung cấp sữa học đường trên địa bàn quận mình.

Lẽ thường chia nhỏ các gói thầu để phân tán rủi ro, tăng cường cạnh tranh lành mạnh, đồng thời thúc đẩy các doanh nghiệp vừa và nhỏ có cơ hội phát triển, nhưng không hiểu tại sao Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội lại làm hết và chỉ chọn 1 nhà cung cấp? Làm như vậy có trái Luật Đấu thầu không?

Thứ hai, VOV ngày 5/6/2017 có bài "60% nguyên liệu sữa tươi phải nhập từ nước ngoài", dẫn lời ông Lê Văn Thông, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội chăn nuôi Gia súc lớn, cho biết:

“Sản lượng sữa tươi nguyên liệu sản xuất đạt gần 800.000 tấn/ngày nhưng mới đáp ứng khoảng 39 - 40% nhu cầu tiêu thụ sữa của người tiêu dùng trong nước, trên 60% còn lại phải nhập từ bên ngoài.”

Ảnh minh họa bài viết "Huyện Ba Vì: Chăn nuôi bò sữa vẫn gặp khó" đăng trên Báo Hà Nội Mới ngày 30/6/2018. Với đề án hàng nghìn tỷ đồng, Hà Nội hoàn toàn có thể tạo rất nhiều công ăn việc làm cho nông dân nuôi bò sữa, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển mà vẫn đảm bảo tốt mục tiêu nhân văn của chương trình sữa học đường.
Ảnh minh họa bài viết "Huyện Ba Vì: Chăn nuôi bò sữa vẫn gặp khó" đăng trên Báo Hà Nội Mới ngày 30/6/2018. Với đề án hàng nghìn tỷ đồng, Hà Nội hoàn toàn có thể tạo rất nhiều công ăn việc làm cho nông dân nuôi bò sữa, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển mà vẫn đảm bảo tốt mục tiêu nhân văn của chương trình sữa học đường.

Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tống Xuân Chinh cho biết: ngành chăn nuôi bò hiện nay của Việt Nam chưa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thịt và sữa cho hơn 90 triệu người dân.

Ông Chinh cho rằng, Việt Nam cần và phải phát triển nhanh hơn, nhiều hơn về đàn bò sữa và sản lượng sữa. Theo đó ông đề xuất, thời gian tới Nhà nước cần khuyến khích mọi thành phần kinh tế đầu tư vào chăn nuôi bò sữa với quy mô lớn và áp dụng công nghệ cao;

Cần phát triển chuỗi dịch vụ chế biến và kinh doanh ở tất cả các khâu trong chuỗi giá trị sữa, đáp ứng nhu cầu về sữa ngày càng caoo của người tiêu dùng. [3]

Đề án triển khai chương trình sữa học đường của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cũng đặt ra tiêu chí lựa chọn nhà cung cấp sữa, rằng:

Khuyến khích các doanh nghiệp có phương án và tổ chức thực hiện sản xuất chế biến sữa trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Như vậy, nếu tách thành các gói thầu nhỏ thì không chỉ giúp phân tán rủi ro, chống độc quyền, cạnh tranh lành mạnh và kích thích kinh tế chăn nuôi và sản xuất sữa nguyên liệu của Hà Nội nói riêng, trong nước nói chung phát triển;

Cách làm này còn đảm bảo sự chặt chẽ, đồng thời ngăn ngừa được rủi ro dồn hết trứng vào một giỏ;

Bởi lẽ với lượng tiêu thụ 1 triệu đến 1,3 triệu hộp sữa tươi tiệt trùng 180 ml / ngày trong khi nguồn sữa tươi nguyên liệu mới chỉ đáp ứng được 30% đến 40%, doanh nghiệp trúng thầu không đủ nguồn cung sữa tươi nguyên liệu phải nhập khẩu;

Trong khi đó đã từng có những hộ nông dân nuôi bò sữa lại phải đổ đi, vì không bán được, do không nằm trong mạng lưới của doanh nghiệp, không được hỗ trợ hay cam kết về đầu ra.

Nguy cơ của các doanh nghiệp vừa và nhỏ

Ngày 25/9, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Phạm Xuân Tiến chia sẻ với báo giới về đề án này, rằng:

Hà Nội nên tạm dừng đấu thầu cung cấp sữa học đường, thanh tra toàn bộ đề án ảnh 6

"Đừng nghĩ nhà tôi giàu có, uống gì loại sữa đấy, nhầm hết"

"Mỗi tháng, phụ huynh học sinh đóng tiền uống sữa học đường hết khoảng 70.000 đồng. Số tiền này tôi vẫn nói vui là bằng giá của 2 bát phở ăn buổi sáng. 

Hiện Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đang làm các thủ tục đấu thầu, vì vậy chưa thông tin đến phụ huynh hãng nào sẽ cung cấp sữa", theo Báo Điện tử VTV. [2]

Phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam tham gia cuộc họp báo này, tường thuật lời thầy Tiến:

“Chúng tôi tin chắc phải là các hãng sữa lớn mới đảm nhận được chương trình. Bởi một ngày, nếu 90% học sinh tham gia thì phải một triệu hộp sữa/ngày.

Chắc chắn đó phải là các hãng sữa lớn mà các hãng sữa lớn, họ rất quan tâm đến chất lượng, an toàn thực phẩm.

Vì nếu có trường hợp bị làm sao, hãng sữa sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều. Hãng sữa nào phải chờ kết quả thì mới thông tin được.” [4]

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội là đơn vị được Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội giao chủ trì việc triển khai thực hiện đề án, đóng vai trò quan trọng trong hoạt động đấu thầu.

Phát biểu nêu trên của Phó giám đốc Phạm Xuân Tiến cho thấy, dường như mục tiêu tốt đẹp dưới đây nêu ra trong Đề án sẽ không còn tồn tại: Khuyến khích các doanh nghiệp có phương án và tổ chức thực hiện sản xuất chế biến sữa trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ không có nghĩa là họ thiếu quan tâm hoặc ít quan tâm đến chất lượng, an toàn thực phẩm hơn các hãng sữa lớn.

Nếu nhận thức và hành động như cách Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội triển khai chương trình sữa học đường, thì các doanh nghiệp sữa vừa và nhỏ làm gì còn "cửa"?

Hà Nội nên tạm dừng đấu thầu cung cấp sữa học đường, thanh tra toàn bộ đề án ảnh 7

Hà Nội nên thận trọng, tránh làm biến tướng chương trình sữa học đường

Một là họ muốn tham gia thì chỉ còn cách trở thành nhà thầu phụ cho "doanh nghiệp lớn" nào đó, hai là chấp nhận đánh mất một thị trường vô cùng tiềm năng. 

Bởi lẽ, 1,3 triệu trẻ em Hà Nội đã sử dụng 5 hộp sữa học đường mỗi tuần, thì lượng sữa các em sử dụng ở nhà sẽ giảm đi. 

Hơn nữa, nguy cơ các doanh nghiệp sữa vừa và nhỏ bị "bóp chết" do vô tình hay hữu ý, sẽ ngày càng lớn, bởi "doanh nghiệp lớn" trúng thầu, được ngân sách trợ giá bán sữa độc quyền và rẻ hơn thị trường, thì các doanh nghiệp nhỏ làm sao sống nổi?

Chính vì vậy, chúng tôi mạo muội kiến nghị với lãnh đạo Thành ủy, Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội nên chỉ đạo dừng việc đấu thầu nhà cung cấp sữa học đường và cho thanh tra toàn bộ đề án;

Trước mắt cần rà soát các bất cập chính sách, xác định các giải pháp cụ thể để 1.293.207 triệu đồng ngân sách bỏ ra không chỉ mang lại lợi ích cho trẻ em thủ đô, mà còn công ăn việc làm cho nông dân Hà Nội.

Với số ngân sách ấy, không chỉ học sinh Hà Nội được uống sữa trợ giá, mà còn được quyền lựa chọn nhiều sản phẩm của nhiều nhà cung cấp khác nhau, chứ không phải tất cả dồn vào túi một doanh nghiệp thắng thầu; các doanh nghiệp đều được hưởng lợi và tạo ra nhiều công ăn việc làm mới cho nông dân.

Nguồn:

[1]http://kinhtedothi.vn/sua-hoc-duong-vi-dinh-duong-va-chieu-cao-cua-the-he-tuong-lai-326104.html

[2]https://vtv.vn/giao-duc/tien-uong-sua-hoc-duong-moi-thang-chi-bang-2-bat-pho-2018092600541994.htm

[3]https://vov.vn/kinh-te/thi-truong/60-nguyen-lieu-sua-tuoi-phai-nhap-tu-nuoc-ngoai-632125.vov

[4]http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Dung-nghi-nha-toi-giau-co-uong-gi-loai-sua-day-nham-het-post191184.gd

Hồng Thủy