Với ý thức cao trong việc bảo vệ môi trường, hai em học sinh ở vùng quê bên phá Tam Giang tỉnh Thừa Thiên Huế đã có cách làm hay khi tận dụng những vật dụng phế thải để làm thành những món đồ thủ công mỹ nghệ đẹp mắt.
Những món quà xinh xắn do các em làm ra còn truyền đi thông điệp với cộng đồng hãy cùng chung tay bảo vệ môi trường.
Hình ảnh 2 em Thư và Thuận đang tận dụng những vật phế thải để làm ra các món đồ thủ công mỹ nghệ. (Ảnh: tác giả cung cấp). |
Trường trung học cơ sở Nguyễn Khoa Thuyên chúng em thuộc địa bàn xã Hương Phong (Hương Trà – Thừa Thiên Huế) có khu du lịch Cồn Tè, Rú Chá thu hút nhiều khách du lịch và nghỉ dưỡng.
Tuy mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho địa phương nhưng lượng rác thải lớn đang làm ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường xung quanh chúng em.
Từ đó, hai của em Phan Thị Anh Thư (lớp 7/1) và em Nguyễn Thị Thuận (lớp 9/1) - Trường trung học cơ sở Nguyễn Khoa Thuyên đã có ý tưởng chọn đề tài “Đèn trang trí từ vật dụng phế thải” được Ban giám khảo Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng tỉnh Thừa thiên Huế lần thứ X năm 2017 đánh giá cao về bảo vệ môi trường.
Tâm sự của em Nguyễn Thị Thuận, học sinh thu gom vật dụng phế thải về để làm đồ mỹ nghệ: “Bọn em nghĩ rằng rác thải có một số cái có thể tận dụng được để làm ra nhiều thứ nhằm bảo vệ môi trường, có thể phục vụ cho nhiều dịp lễ, tặng cho bạn bè, tặng cho thầy cô giáo hoặc tặng cho các bà mẹ trong những dịp lễ”.
"Cậu bé Google" trở thành nhà vô địch "Đường lên đỉnh Olympia 2017' |
Từ suy nghĩ đó, hai em Nguyễn Thị Thuận (lớp 9) và Phan Thị Anh Thư (lớp 7) - học sinh Trường trung học cơ sở Nguyễn Khoa Thuyên, xã Hương Phong, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế đã dùng đôi bàn tay khéo léo để làm cho rác thải mang một đời sống khác.
Những vỏ lon, khuy lon, chai nhựa, được Thuận và Thư cùng với sự hướng dẫn của cô giáo các em đã làm ra những chiếc đèn ngủ, đèn trang trí trong gia đình, cặp đựng sách vở của học sinh, giỏ xách tay, lọ cắm hoa, hộp đựng bút, ví đựng tiền, rèm treo cửa, đồ chơi trẻ em như xe ô tô… và những vật dụng trang trí đa dạng và hết sức bắt mắt khác.
Em Nguyễn Thị Thuận cho biết thêm: “Những vật thải bỏ đó rất là dễ kiếm, chúng em thấy người ta vứt ra ở môi trường là đi nhặt lại kèm theo một số vật dụng rẻ tiền, đủ khả năng tài chính của bọn em: chỉ, hạt cườm hay những hạt ngọc để trang trí thêm nhằm tạo sự bắt mắt cho sản phẩm”!
Cô giáo Nguyễn Thị Kim Anh - Giáo viên Trường trung học cơ sở Nguyễn Khoa Thuyên, giáo viên hướng dẫn 2 học sinh thực hiện công trình tâm sự:
“Thấy các em có những suy nghĩ như vậy, tôi nghĩ ngay đến những sản phẩm thân thiện với môi trường và từ những hiểu biết chuyên môn của mình, tôi đã hướng dẫn các em làm những vật dụng phục vụ cho cuộc sống”.
Với sự sáng tạo và đôi bàn tay khéo léo, những sản phẩm đèn trang trí từ vật dụng phế thải của hai em Nguyễn Thị Thuận và Phan Thị Anh Thư đã đạt giải Nhất cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng thị xã Hương Trà và giải khuyến khích Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2017 và giải ba năm 2016.
Hơn nữa, những sản phẩm từ vật dụng phế thải này còn tạo nên sự đồng cảm lớn trong thế hệ trẻ về nâng cao ý thức bảo vệ môi trường sống.
Hình cô Kim Anh cùng 2 em Thư và Thuận bên những món đồ thủ công mỹ nghệ tự sáng chế (Ảnh: tác giả cung cấp). |
Thầy giáo Nguyễn Văn Tương - Hiệu trưởng Trường trung học cơ sở Nguyễn Khoa Thuyên nhấn mạnh: “Đề tài và sản phẩm năm nay cũng góp phần giúp các em nhận thức được ý thức về môi trường: lượm nhặt các phế thải để làm những sản phẩm có kinh tế cho xã hội và đồng thời giáo dục các em, để các em thường xuyên bảo vệ môi trường ở nhà trường cũng như ở gia đình và thôn xóm”.
Qua đề tài và sản phẩm năm nay góp phần giúp cho các em nhận thức được việc cần phải lượm nhặt những vật dụng phế thải để làm những sản phẩm có kinh tế cho xã hội vừa giáo dục cho các em thường xuyên bảo vệ môi trường.
Từ đề tài “Đèn trang trí từ vật dụng phế thải”, sản phẩm của các em không những làm giảm lượng rác thải ra môi trường, tạo ra những sản phẩm thủ công mỹ nghệ có ích mà còn góp phần tuyên truyền vận động các em học sinh trong nhà trường và mọi người xung quanh cùng chung tay bảo vệ môi trường vì một tương lai không rác thải.
Những món đồ mỹ nghệ từ vật dụng phế thải này còn được xem như những công trình khoa học nhỏ, thể hiện sức sáng tạo và kỹ năng của học sinh vùng ven phá Tam Giang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Những việc làm nhỏ nhưng mang ý nghĩa trách nhiệm lớn đối với cộng đồng cho sự chung tay bảo vệ môi trường sống.