Hai học trò nghèo sáng chế máy báo lũ tự động

15/08/2017 06:42
Minh Văn Phái
(GDVN) - Thấu hiểu cảnh quê nhà thường xuyên bị lũ lụt sau mưa lớn, hai em Hoàng Thị Diệu Huyền và Phan Thị Minh Trang đã mày mò sáng chế ra máy báo lũ tự động 3 cấp.

Thấu hiểu cảnh quê nhà thường xuyên bị lũ lụt mỗi khi mưa lớn, hai học sinh Hoàng Thị Diệu Huyền và Phan Thị Minh Trang (Trường trung học cơ sở Ngô Thế Lân, huyện Quảng Điền) đã mày mò sáng chế ra chiếc máy báo lũ tự động 3 cấp.

Hôm chúng tôi về Quảng Điền để tìm hiểu chuyện sáng chế máy báo lũ tự động của hai bạn Huyền và Trang, cả hai em vắng nhà theo bố, mẹ đi chăn vịt và mang cá lên bán ở thành phố.

Thấy chúng tôi tò mò, người hàng xóm của Huyền ở thôn Khuôn Phò, xã Quảng Phước giới thiệu gặp thầy Phan Như Thịnh, giáo viên dạy toán - lý, Trường trung học cơ sở Ngô Thế  Lân, người trợ giúp hai em tìm kiếm các thiết bị để sáng chế ra chiếc máy báo lũ tự động.

Thầy Thịnh thông tin, gia đình Huyền và Trang rất hoàn cảnh, bố mẹ đều vất vả một nắng hai sương với ruộng đồng và đầm phá. Tuy vậy, hai bạn là những học sinh giỏi 4 năm liền của trường và đều đam mê sáng tạo khoa học. 

Hai học trò nghèo sáng chế máy báo lũ tự động ảnh 1

Học sinh lớp 12 chế tạo máy chưng cất nước mặn dùng năng lượng mặt trời

Thầy Thịnh kể, giữa năm 2016, trong một giờ học môn vật lý, được nghe Diệu Huyền nêu ý tưởng làm sao cảnh báo tình trạng lũ lụt, tránh thiệt hại về mùa màng, nhà cửa ở quê. Ý tưởng đó đến tai thầy Hiệu trưởng, thế là chiếc máy báo lũ tự động ra đời không lâu sau đó.

Mô hình máy báo lũ tự động 3 cấp có hai bộ phận chính, như khung mô hình làm bằng gỗ, có gắn 3 hộp đèn xoay, một công tắc điện cảm ứng tự chế và một nút nhấn tạm dừng... 

Hệ thống này kết nối hệ thống phao có tiếp điện, tương ứng với ba mức báo động cấp 1, cấp 2, và 3 thông qua một mạch điện xoay chiều 220V.

Đây là nguồn điện sử dụng rất phổ biến và có thể lấy từ bình ắc kết nối qua 1 áp tô mát. Áp tô mát này có nhiệm vụ đóng cắt mạch điện xoay chiều khi quá tải hoặc rò rỉ điện.

Nguyên lý hoạt động của máy là để 3 phao điện vào một thùng nước, tượng trưng cho 3 phao đang thả trên sông. Các phao điện có tiếp điểm gắn cố định nằm trên cạn.

Khi mực nước sông dâng lên mức báo động 1 thì 3 phao đều dâng, nhưng chỉ có phao 1 cho mức báo động 1. Đóng tiếp điểm, 2 phao còn lại không có tác động, đồng thời đèn cảnh báo cấp báo động 1 sáng lên và xoay. 

Nếu nước sông tiếp tục dâng lên, phao 2 tương ứng với mức báo động 2, đóng tiếp điểm, đồng thời đèn cảnh báo mức 2 sáng lên.

Khi mực nước tiếp tục dâng lên nữa, đến mức báo động 3 thì phao 3 tác động; đồng thời đèn cảnh báo mức 3 có tích hợp còi hú vang xa, đánh động cho người dân trong khu vực khẩn cấp có biện pháp phòng tránh kịp thời, nhất là khi nước lũ dâng cao vào ban đêm.

Thầy Thịnh đang vận hành máy báo lũ (Ảnh: tác giả cung cấp)
Thầy Thịnh đang vận hành máy báo lũ (Ảnh: tác giả cung cấp)

Em Hoàng Thị Diệu Huyền cho biết, ưu điểm chiếc máy là chi phí thấp, lắp đặt toàn bộ các thiết bị chưa đến 800 nghìn đồng.

Hệ thống vận hành đơn giản, dễ dàng di chuyển ở mọi địa hình sông, suối, hồ… và hoạt động liên tục 24/24 giờ. Các gia đình dễ dàng lắp đặt sử dụng nhằm chủ động phòng tránh lũ.

Thầy giáo Hồ Danh, Hiệu trưởng Trường trung học cơ sở Ngô Thế Lân, chia sẻ: “Mô hình máy báo lũ 3 cấp bằng đèn báo và chuông của em Huyền và Trang rất ý nghĩa. Nếu sớm áp dụng vào thực tế sẽ giúp người dân nâng cao cảnh giác và chủ động phòng chống lũ lụt hiệu quả. 

Sáng kiến này đã đạt giải ba cuộc thi sáng tạo của học sinh do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức vào tháng 1/2017 và đoạt giải khuyến khích về "Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2017".

Theo thầy Danh, tuy sáng kiến của Huyền và Trang chưa đạt giải cao nhưng lần đầu tiên các em đã đến được với sân chơi lớn, được giao tiếp và trả lời với Ban giám khảo một cách tự tin về các kiến thức khoa học như các bạn đạt giải cao ở thành phố Huế.

“Đó là điều làm tôi tự hào, bởi dù thiệt thòi hơn các bạn trang lứa rất nhiều nhưng Huyền và Trang đã chứng tỏ được sự sáng tạo của mình”, thầy Danh nói.

Minh Văn Phái