LTS: Sau bài viết "Nên chọn ban đại diện cha mẹ học sinh của lớp, trường như thế nào" của tác giả Kiên Trung đăng trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam (ngày 13/3/2018), với mong muốn đưa ra những quan điểm và tranh luận về vấn đề này, tác giả Mai Hoa đã có bài viết.
Tôn trọng những ý kiến đánh giá đa chiều của tác giả, Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết này.
Trước đây là chuyện lạm thu, mới đây nhất là chuyện người trong Ban đại diện phụ huynh hành xử không phải với giáo viên nhà trường. Tác giả Kiên Trung có bài viết trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam “Nên chọn ban đại diện cha mẹ học sinh của lớp, trường như thế nào?”.
Tác giả cho rằng “các phụ huynh và nhà trường, thầy cô giáo chủ nhiệm cần định hướng, chọn lựa kỹ hơn, tốt hơn những cha mẹ học sinh tham gia vào ban đại diện cha mẹ học sinh tại buổi họp phụ huynh học sinh đầu năm học”.
Đây cũng chính là mong muốn của khá nhiều phụ huynh và những người quan tâm đến giáo dục hiện nay.
Thế nhưng nghe ý kiến của tác giả Kiên Trung cũng đủ biết tác giả không phải là “người trong cuộc” tức là người của ngành giáo dục mới nói thế.
Bởi, bất kể ai là giáo viên cũng đều hiểu được rằng dù “mình chọn lựa kỹ hơn, tốt hơn những cha mẹ học sinh tham gia vào ban đại diện cha mẹ học sinh” nhưng những người này không nằm trong “vòng ngắm”, không lọt “mắt xanh” hiệu trưởng cũng bằng không.
Một thực tế nghiễm nhiên đang diễn ra ở nhiều trường, chọn phụ huynh đại diện cho trường đâu phải giáo viên muốn chọn ai cũng được.
Nhiều trường phải theo sự “định hướng” từ trên để những phụ huynh “tiềm năng”, những phụ huynh có thể “thuần phục” được bầu vào Ban đại diện còn phục vụ cho những kế sách mà hiệu trưởng sẽ đưa ra không bị “lọt lưới”.
Với trường tiểu học, chọn Ban đại diện phụ huynh còn có thể “bị nhầm” chứ cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông gần như chọn đúng 100%.
Nói là “chọn nhầm” là ở góc nhìn của phụ huynh và “chọn đúng” tức là đúng với góc nhìn của hiệu trưởng.
Chỉ cần vài cuộc điện thoại trao đổi giữa các hiệu trưởng với nhau thì tức khắc từ hoàn cảnh kinh tế, tính tình, cách làm việc của vị.
Hội trưởng phụ huynh sẽ được huỵch toẹt một cách chi tiết, rõ ràng. Khi có được thông tin, hiệu trưởng chỉ cần thông qua giáo viên để định hướng chọn người này bỏ người kia là có được một danh sách Ban đại diện hội phụ huynh như ý.
Thế nên nhiều người dám khẳng định “Hiệu trưởng nào thì Ban đại diện phụ huynh ấy” chẳng sai chút nào.
Bạn không tin ư?
Những chuyện xảy ra về tình hình lạm thu trong thời gian đầu năm học vừa qua đã minh chứng cho những lời nhận định ấy.
Hiệu trưởng nào thì Ban đại diện phụ huynh đấy (Ảnh minh họa: ndiep). |
Nếu Ban đại diện phụ huynh mà công tâm, làm đúng trách nhiệm đứng ra bảo vệ quyền lợi của phụ huynh thì liệu có để xảy ra việc thu chi vô tội vạ các khoản tiền ở nhiều trường học như thế?
Nhưng điều này đã ít xảy ra. Bởi vì những phụ huynh công tâm, luôn đấu tranh vì quyền lợi của phụ huynh lại ít có cơ hội trở thành Ban đại diện cha mẹ học sinh trường.
Hoặc có cũng chỉ là thành viên cho đủ số lượng vì mọi khoản thu chi chỉ có Hội trưởng và nhà trường quyết định.
Ai cũng muốn “Chọn lựa những phụ huynh làm việc nhiệt tình, trách nhiệm, có hiểu biết luật pháp, hiểu biết về lĩnh vực giáo dục, có uy tín và khả năng thuyết phục, giải quyết tốt các sự việc, tình huống xảy ra liên quan đến phụ huynh, học sinh, thầy cô giáo và nhà trường”.
Nhưng, người không muốn là hiệu trưởng giáo viên có dám trái lệnh không? Đương nhiên là không.
Bởi thế trước khi lên án, đòi tẩy chay Ban đại diện cha mẹ học sinh, ngành giáo dục phải chọn cho được người thực tài, thực tâm mới trao quyền lãnh đạo trong giáo dục. Đến lúc đó thì Ban đại diện cha mẹ học sinh sẽ lại hoạt động đúng mục tiêu, tôn chỉ đã đề ra.