Ma trận dạy ngoại ngữ liên kết trong các trường Tiểu học ở Hà Nội

06/12/2016 07:19
Trinh Phúc
(GDVN) - “Cái mác chương trình dạy ở Hà Nội sẽ giúp các cơ sở ngoại ngữ dễ dàng mở rộng thị trường ra các tỉnh nên dù tốn kém doanh nghiệp cũng sẵn sàng chi phí".

LTS: Có quý phụ huynh nào biết Hà Nội đang cùng lúc triển khai gần 10 chương trình ngoại ngữ ở bậc tiểu học không?.

Bằng cách nào Sở Giáo dục & Đào tạo Hà Nội kiểm soát được chất lượng dạy và học ngoại ngữ ở tiểu học hiện nay, khi mà thủ tục cấp phép "dễ như ăn kẹo"?

Chưa kể, chi phí học tập khá đắt đỏ và hầu như phụ huynh nào cũng phải cho con học, dù là gắn mác "tự nguyện".

Từ hôm nay, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải loạt bài về sự bát nháo liên kết dạy và học ngoại ngữ ở các trường này tại Thủ đô.

Học phí từ bình dân đến cao cấp

Theo quy định của ngành giáo dục, ngoại ngữ nói chung và tiếng Anh nói riêng thì từ lớp 3 mới có ở chương trình học chính thức.

Tuy nhiên, ngay từ khi vào lớp 1, các em học sinh trên địa bàn thành phố Hà Nội đã được học ngoại ngữ với danh nghĩa dạy tiếng Anh liên kết.

Trường tiểu học Thanh Xuân Trung đang thực hiện giảng dạy 3 chương trình ngoại ngữ (ảnh Trinh Phúc).
Trường tiểu học Thanh Xuân Trung đang thực hiện giảng dạy 3 chương trình ngoại ngữ (ảnh Trinh Phúc).

Theo tìm hiểu của phóng viên, ở bậc tiểu học Hà Nội, ngoài chương trình ngoại ngữ của Bộ Giáo dục & Đào tạo được giảng dạy từ lớp 3 thì có gần 10 chương trình khác đang được triển khai.

Có thể nhắc đến một số cái tên tiêu biểu như: Chương trình Family&Friends; BME – KIDs; Our Discovery Island của Language Link; E – Connect; Phonic Learning Box-UK; E-Study, DynEd; Victoria…

Ma trận dạy ngoại ngữ liên kết trong các trường Tiểu học ở Hà Nội ảnh 2Bộ trưởng Giáo dục thừa nhận Đề án Ngoại ngữ 2020 thất bại

Có chương trình cả giáo viên nước ngoài và người Việt giảng dạy nhưng có chương trình chỉ có giáo viên người Việt.

Nói về dạy liên kết ngoại ngữ, một giáo viên ở quận Thanh Xuân (đề nghị giấu tên) cho rằng:

"Sở Giáo dục & Đào tạo Hà Nội cho phép dạy liên kết ngoại ngữ trong trường tiểu học.

Các chương trình đều được sở cấp phép nên chúng tôi có đầy đủ căn cứ pháp lý để triển khai".

Qua tìm hiểu từ cán bộ, giáo viên trong ngành giáo dục ở Hà Nội có thể thấy thực trạng dạy liên kết ngoại ngữ hiện mỗi nơi một kiểu.

“Sở cấp phép cho các chương trình, hiệu trưởng các trường thấy phù hợp là liên kết.

Đề án được lập theo mẫu sẵn, việc xin phép cũng đơn giản” – một giáo viên ở quận Đống Đa cho biết.

Như thế, các chương trình ngoại ngữ liên kết được cấp phép đến nay "đếm vội" gần một chục và có dấu hiệu tiếp tục tăng, nhiều doanh nghiệp đang đổ xô vào lĩnh vực này.

Anh Trần Văn Q., nhân viên kinh doanh của một trung tâm ngoại ngữ cho biết:

“Các chương trình tiếng Anh liên kết được cấp phép giảng dạy ở Hà Nội sẽ còn tăng mạnh trong thời gian tới.

Vì, một chương trình liên kết được cấp phép giảng dạy tại Hà Nội không chỉ mang lại lợi nhuận mà còn tăng uy tín cho chương trình đó.

Sau khi có cái mác giảng dạy ở Hà Nội, các doanh nghiệp sẽ mở rộng thị trường kinh doanh về các tỉnh, thành phố khác.

Nên có tốn kém chi phí đi chăng nữa, các doanh nghiệp cũng sống chết chạy được chương trình để được đưa vào giảng dạy ở Hà Nội”.

Qua tìm hiểu từ phụ huynh và giáo viên có thể thấy, mỗi chương trình có mức học phí khác nhau, từ bình dân đến cao cấp.

Cụ thể, Chương trình BME – KIDs với mức học phí khoảng 140.000 đồng/tháng;

Language Link với giáo trình "Our Discovery Island", có mức học phí khá đắt, 6 triệu đồng/học sinh/năm.

Ngoài ra cò phải kể đến các chương trình ngoại ngữ khác như Phonics Learning Box-UK, E-Study, DynEd, Victoria, …với các mức học phí dao động từ 100.000 đồng lên đến 300.000 đồng/tháng.

Sản phẩm của vận động hành lang?

Tất cả các chương trình học ở trên đều được quảng cáo mang đến một cách học mới.

Các giáo trình đều được giới thiệu là biên soạn bởi các trường đại học hàng đầu của Mỹ, Anh.

Đội ngũ giáo viên là người bản xứ có phương pháp dạy học tiên tiến.

Tuy nhiên, khi trao đổi với các giáo viên ngoại ngữ về điểm khác nhau giữa các chương trình tiếng Anh trên thì đều nhận được cái lắc đầu. 

Cô Nguyễn T. H cho rằng:

“Thật khó để phân biệt sự khác nhau trong chương trình ngoại ngữ liên kết.

Điểm khác biệt có thể thấy nếu chương trình mức học phí cao thì mỗi lớp học có từ 25 đến 30 em học sinh.

Trong khi, chương trình có mức học phí thấp thì lớp học đông từ 40 đến 50 em học sinh.

Ngoài ra với mức học phí đắt, số tiết có giáo viên người nước ngoài sẽ nhiều hơn.

Trong khi đó, mức học phí thấp tương ứng với số tiết có giáo viên nước ngoài sẽ ít, thậm chí không có giáo viên nước ngoài”.

Ở một khía cạnh khác, theo tìm hiểu của phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, cùng một chương trình nhưng khi giảng dạy tại Trường  Tiểu học Nam Thành Công, quận Đống Đa thì mức  thu học phí là 140.000 đồng/học sinh/tháng.

Nhưng sang Trường Tiểu học Trung Yên, quận Cầu Giấy mức học phí lại giảm xuống còn 120.000 đồng/học sinh/tháng.

Ma trận dạy ngoại ngữ liên kết trong các trường Tiểu học ở Hà Nội ảnh 3

GS.Nguyễn Lân Dũng: Muốn kết quả tốt, cả ngành giáo dục phải cố gắng, trung thực

Sang quận Long Biên, mức học phí lại  chỉ là 100.000 đồng/tháng.

Trong nhiều chương trình tiếng Anh được cấp phép, lý do các trường lựa chọn chương trình để đưa vào giảng dạy cũng đầy cảm tính.

Một Hiệu trưởng(đề nghị giấu tên) tâm sự với phóng viên:

"Sở cho phép mỗi trường tối đa được chọn hai chương trình tiếng Anh để dạy liên kết.

Nên trường chúng tôi chọn chương trình là DynEd và Language Link.

Lúc đầu, nhiều phụ huynh cho rằng, trường nghèo mà chơi sang.

Nhưng quan điểm của chúng tôi, nếu không chọn chương trình Language Link để giảng dạy thì phụ huynh có điều kiện đưa con em bỏ trường công ra trường tư học hết".

Liên quan đến việc dạy học ngoại ngữ, trao đổi với phóng viên về vấn đề này, ông Phạm Gia Hữu, Trưởng phòng Giáo dục & Đào tạo quận Thanh Xuân tiết lộ rằng:

“Về căn cứ pháp lý thì yên tâm, bởi tất cả các chương trình đều có sự cho phép từ Sở và được tiến hành giảng dạy theo quy định pháp luật.

Ở địa bàn quận Thanh Xuân, hiện chúng tôi áp dụng nhiều chương trình và tất cả đều có hồ sơ chứng minh về mặt pháp lý”.

Trong khi những người trong ngành giáo dục tỏ ra lạc quan về dạy liên kết ngoại ngữ, thì không ít phụ huỵnh kêu trời về thực trạng tiếng Anh liên kết.

Anh Nguyễn P.C có con học ở quận Long Biên chia sẻ suy nghĩ của mình về dạy liên kết ngoại ngữ với phóng viên (ảnh Trinh Phúc).
Anh Nguyễn P.C có con học ở quận Long Biên chia sẻ suy nghĩ của mình về dạy liên kết ngoại ngữ với phóng viên (ảnh Trinh Phúc).

Anh Nguyễn P.C có con học tại một trường tiểu học ở quận Long Biên than thở với phóng viên rằng: “Mình không tiếc tiền để đầu tư, nhưng con mình mới vào lớp 1 đã học chương trình ngoại ngữ liệu có theo kịp. Trong khi số tiền thì quá đắt”.

Trước thực trạng trên, chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, nguyên Đại biểu Quốc hội Bùi Thị An cho rằng: “Nếu quả thực, Hà Nội một lúc tồn tại nhiều chương trình như vậy thì loạn thật! Không biết học sẽ quản lý việc dạy và học như thế nào”.

Trinh Phúc