Học sinh nghèo đã "vượt khó", học sinh giàu có "vượt sướng" được không?

23/05/2017 06:33
Sông Trà
(GDVN) - Nhiều con trẻ nhà giàu, thành phố lớn đang phải “vượt sướng” mới mong theo kịp con trẻ nhà nghèo, vùng nông thôn từng ngày “vượt khó” để khẳng định mình.

LTS: Phản ánh thực tế thời gian gần đây, số lượng học sinh nghèo, vùng khó khăn có thành tích học tập cao ngày càng nhiều, thầy giáo Sông Trà chỉ ra một số lý do khiến các em thành công trong học tập và cuộc sống.

Đồng thời, thầy cũng nhắn nhủ các học sinh ở thành phố lớn cần biết "vượt sướng" ngay từ bậc tiểu học để tự mình khẳng định được bản thân.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Cuối tháng 5, các trường phổ thông trong cả nước khép lại năm học bằng Lễ tổng kết đầy ý nghĩa.

Đây là kịp để thầy và trò đánh giá, nhìn nhận lại chặng đường vất vả, nhọc nhằn đã qua.

Đồng thời, vinh danh, biểu dương những tập thể, học sinh đạt được nhiều thành tích xuất sắc, nổi bật, nhất là các em nhà nghèo, hoàn cảnh khó khăn có nhiều cố gắng, nỗ lực, phấn đấu… trong học tập và rèn luyện. 

Điều đáng mừng, số học sinh loại giỏi, số em đạt giải cao trong kỳ thi chọn học sinh giỏi, thi khoa học kỹ thuật các cấp… thuộc diện con em nhà nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, đến từ các vùng thôn quê, trường huyện, tỉnh lẻ, bây giờ có xu hướng nổi trội, nhiều hơn học sinh ở các thành phố lớn, con em gia đình khá giả… 

Thầy Lê Văn Linh với học sinh Trường chuyên Lê Khiết, Quảng Ngãi cùng nhau nỗ lực cho kì thi sắp tới. (Ảnh do tác giả cung cấp)
Thầy Lê Văn Linh với học sinh Trường chuyên Lê Khiết, Quảng Ngãi cùng nhau nỗ lực cho kì thi sắp tới. (Ảnh do tác giả cung cấp)

Kể cả, tới thời điểm công bố kết quả điểm thi tốt nghiệp và đại học hằng năm, mọi người không khỏi xúc động và cảm phục trước những kết quả, thành tích học tập, thi cử xuất sắc của nhiều cô, cậu học trò nhà nghèo, từ các vùng nông thôn, tỉnh lẻ còn gian khó. 

Vậy đâu là những lý do để các em nhà nghèo, địa phương khó khăn có sự bức phá, ngoạn mục đến thế?  

Do điều kiện cuộc sống và học tập còn khó khăn, thiếu thốn nên nhiều con trẻ, học sinh ở tỉnh lẻ, vùng nông thôn có tính tự lập và vượt khó rất cao. 

Các em luôn có động lực phấn đấu, rèn luyện bản thân để thoát nghèo, thoát khổ, để đỡ đần, phụ giúp gia đình. 

Mặt khác, ở thôn quê, tỉnh lẻ, học sinh ít bị ảnh hưởng từ nhiều mối quan tâm khác như các em ở các thành phố lớn, chẳng hạn học thêm tiếng Anh, tin học, tham gia các hoạt động vui chơi giải trí…

Học sinh nghèo đã "vượt khó", học sinh giàu có "vượt sướng" được không? ảnh 2

Chàng trai 9X vừa học giỏi, vừa là tấm gương tiêu biểu của “việc tử tế”

Các em cũng ít bị tiêm nhiễm những thói hư, thật xấu, tệ nạn của xã hội hơn. 

Những năm gần đây, cách ra đề kiểm tra của nhà trường, đề thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo có điều chỉnh, đổi mới theo hướng không đánh đố, bám sát chuẩn kiến thức - kỹ năng, có sự phân loại.

Cho nên nhiều con em ở nông thôn, tỉnh lẻ với bản tính thông minh, chịu khó, chỉ cần chăm chỉ, siêng năng tự học và bám sát chương trình, sách giáo khoa ở các môn thuộc khối mình thi là có cơ hội học tốt, đỗ đạt cao, thậm chí đỗ thủ khoa. 

Hơn nữa, nhiều tỉnh lẻ, bây giờ điều kiện sống không quá khó khăn, lạc hậu, những dịch vụ internet, báo chí, sách vở ... cũng phát triển khá mạnh, giúp các em tiếp cận, học hỏi ngày càng tốt hơn.

Ở một góc nhìn khác tôi cho rằng, yếu tố cha mẹ, gia đình hiện nay có tầm ảnh hưởng rất quan trọng đến việc hình thành nhân cách, ý chí, ý thức của học sinh, đặc biệt các con trẻ ở gia đình có mức sống khá, nơi có điều kiện sống tốt, các thành phố lớn. 

Các bậc phụ huynh thường chiều chuộng, con muốn gì được nấy, tạo tâm lý dựa dẫm, ỷ lại, thích hưởng thụ, được bảo bọc quá mức ở con trẻ. 

Nhiều con trẻ nhà giàu, thành phố lớn đang phải “vượt sướng” mới mong theo kịp con trẻ nhà nghèo, vùng nông thôn từng ngày “vượt khó” đã, đang khẳng định mình trong học tập và cuộc sống tương lai. 

Trong điều kiện cuộc sống càng đầy đủ, tốt hơn, quy mô gia đình ít con, từ 1 đến 2 đứa, các bậc cha mẹ nên thay đổi nếp nghĩ.

Cha mẹ đừng bảo bọc, làm mọi thứ cho con mà hãy luôn xây dựng, hình thành, thổi vào con cái của mình tính tự lập và biết “vượt sướng” ngay từ các lớp tiểu học. 

Sông Trà