Học trò “tập làm thơ” và những khó khăn của giáo viên

06/04/2017 07:14
Khánh Văn
(GDVN) - Bản thân các thầy cô giáo không phải ai cũng biết làm thơ mà đi dạy học sinh… làm thơ thì làm sao mà dạy nổi. Văn chương đâu phải là ai cũng có thể làm.

LTS: Là một giáo viên dạy Văn và yêu văn chương thơ ca, tác giả Khánh Văn chỉ ra những điều khó khăn của giáo viên trong việc dạy học trò "tập làm thơ".

Tác giả cũng cho rằng sách giáo khoa Ngữ văn trung học cơ sở còn nhiều điều mang tính áp đặt, chưa phù hợp với thực tế.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!

Ngày 16/12/2016, tôi đã có bài viết “Những chuyện "vừa buồn cười vừa tức" ở sách Ngữ văn Trung học cơ sở hiện hành” đăng trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam.

Trong bài viết này, tôi đã tập trung phản ánh một số bất cập trong sách giáo khoa Trung học cơ sở hiện hành. Bài viết cũng đã nhận được nhiều chia sẻ của bạn đọc.

Và, ngày 19/3/2017, cũng trên báo Giáo dục Việt Nam đăng tải tiếp bài viết "Rơi nước mắt thương con vì môn Văn" của hai tác giả Kim Hồng – Hoài An cho ta thấy thêm những bất cập mà hàng ngày thầy cô, học trò phải đối mặt trong quá trình dạy và học Văn ở nhà trường.
  
Là người dạy Văn, yêu thích văn chương và bản thân cũng là Hội viên Hội văn học nghệ thuật (chuyên ngành văn học) nên khi đọc bài viết của Kim Hồng - Hoài An, tôi rất đồng cảm và chia sẻ những khó khăn mà 2 cô đề cập. 

Có lẽ đây cũng là những khó khăn chung đã tồn tại hàng chục năm qua đối với các thầy cô dạy Ngữ văn. 

Bản thân các thầy cô giáo không phải ai cũng biết làm thơ mà đi dạy học sinh… làm thơ thì làm sao mà dạy nổi. Văn chương đâu phải là chuyện thích là làm và ai cũng có thể làm…

Sách giáo khoa Ngữ văn trung học cơ sở còn nhiều điểm bất cập.
Sách giáo khoa Ngữ văn trung học cơ sở còn nhiều điểm bất cập.

Thế nhưng, sách giáo khoa Ngữ văn Trung học cơ sở hiện nay có rất nhiều tiết “Tập làm thơ” được đưa vào giảng dạy chính khóa. 

Ở lớp 6 có 2 bài học về chủ đề này: Tập làm thơ 4 chữ và bài Thi làm thơ 5 chữ; Sang lớp 7 có bài Làm thơ lục bát; Lớp 8 có bài Làm thơ 7 chữ và lên lớp 9 có bài Tập làm thơ 8 chữ

Điều này cũng đồng nghĩa các bài học về chủ đề “Tập làm thơ” được rải đều trong các lớp. Và, càng lên lớp cao thì số tiết càng nhiều hơn cho chủ đề này.
   
Có lẽ, mục tiêu của người viết sách đưa ra quá cao và vượt khả năng của cả người dạy và người học. 

Trong những bài học như thế này, bao giờ cũng có phần luyện tập để học sinh tự làm thơ, có bài nhiều tiết thì yêu cầu học sinh chuẩn bị ở nhà. 

Thế là những “thi sĩ” bất đắc dĩ cố tình “nghĩ” để “sáng tác” vội vàng ra những câu thơ, bài thơ vô cùng độc đáo, sáng tạo. 

Nhiều em học sinh “sáng tác” bằng cách lên google.com tìm những bài thơ đúng với số chữ của bài học thế là lấy chỗ này một vài câu, chỗ khác một vài chữ rồi chắp nối, gán ghép lại để cho ra đời một “thi phẩm”. 

Mặc dù những “thi phẩm” đó phù hợp với số chữ nhưng nội dung thì đọc xong mà hiểu các em viết gì là… "chết liền". Rồi, thầy trò cười trừ với nhau chứ biết làm sao. Bởi vì phần lớn các thầy cô cũng đâu có biết… làm thơ.

Học trò “tập làm thơ” và những khó khăn của giáo viên ảnh 2

Rơi nước mắt thương con vì môn Văn

Nhiều học sinh lớp 6, lớp 7, các em còn “khờ’ và “thật thà” hơn thì về nhà nhờ cha mẹ “làm thơ” giúp. 

Thế là có rất nhiều những “bài thơ” ca ngợi về mẹ, về cha, về thầy cô, thậm chí là cả thơ tình được đọc trong giờ học.

Tuy nhiên, giữa những câu văn vần được sắp xếp và yêu cầu của thơ ca nó hoàn toàn khác xa nhau. 

Thơ ca không chỉ là tấm lòng, là tình cảm mà ở đó còn yêu cầu sáng tạo về câu chữ, về tứ, về nghệ thuật…

Vì thế mà trong văn bản "Tiếng nói của văn nghệ", Nguyễn Đình Thi viết:

"Tác phẩm nghệ thuật nào cũng xây dựng bằng những vật liệu mượn ở thực tại. Nhưng nghệ sĩ không những ghi lại cái đã có rồi mà còn muốn nói một điều gì mới mẻ.

Anh gửi vào tác phẩm một lá thư, một lời nhắn nhủ, anh muốn đem một phần của mình góp vào đời sống chung quanh". 

Rõ ràng yêu cầu của văn chương không hề dễ dàng thì chuyện bắt tất cả học sinh cùng làm thơ là một điều khiên cưỡng.

Không hiểu sao những bài học như thế này đã tồn tại hàng chục năm qua, cho dù năm nào cũng đổi mới, cũng giảm tải…?
   
Chuyện các em tiếp cận với thi ca là việc đương nhiên trong triết lí giáo dục hiện đại.

Bởi thông qua những bài thơ hay giúp các em nhận thức, cảm thụ những cái hay, cái đẹp của thi phẩm mà các thi nhân đã gửi gắm vào trong đó. 

Vì thế, việc sách giáo khoa Ngữ văn hiện hành ở cấp Trung học cơ sở có nhiều bài học “Tập làm thơ” là quá tầm với với cả thầy và trò. 

Bởi chúng ta chỉ nên hướng tới mục tiêu là “Nhận diện thể thơ” hoặc “các kĩ năng cảm thụ” văn chương ở cấp Trung học cơ sở để các em tập làm quen và nếu em nào có thiên hướng văn chương thì các em có thể sáng tác.

Những chuyện "vừa buồn cười vừa tức" ở sách Ngữ văn Trung học cơ sở hiện hành

(GDVN) - Trong chương trình giáo dục Trung học cơ sở hiện hành, nhiều bài trong sách Ngữ văn "đánh đố" học sinh, cần sớm được điều chỉnh.

Trong mỗi bài học như thế, chỉ cần có câu khuyến khích các em sáng tác chứ không thể là Tập làm thơ như sách giáo khoa hiện hành đang áp dụng.

Vẫn biết rằng nước ta có truyền thống thơ ca, có nhiều người thích thơ ca.

Bởi từ khi vừa lọt lòng mẹ, chúng ta đã được nghe những lời ru, những câu dân ca ngọt ngào, đằm thắm. 

Trong cuộc sống hàng ngày ta vẫn thấy ông bà, cha mẹ ta thường vận những câu ca dao, câu Kiều để ứng đáp với các hoàn cảnh. 

Thế nhưng, giữa yêu thích và làm được thơ lại là hai thái cực hoàn toàn khác nhau.

Có những người thuộc hàng ngàn bài thơ nhưng không thể làm nổi một câu thơ, có những người viết cả trăm bài thơ cũng không thể thành nhà thơ, nhưng có người cả đời chỉ làm một vài bài thơ nhưng lại khẳng định được tên tuổi và vị trí của mình với thời gian. 

Trường hợp này ta đã bắt gặp nhiều trong thơ ca hiện đại như: Đoàn Phú Tứ, Hồng Nguyên…

Nói thế để cho ta thấy rằng chuyện thơ ca không dễ chút nào. Chuyện biết làm thơ và nổi tiếng từ nhỏ ở thời hiện đại thì nền thơ ca Việt Nam mới chỉ phát hiện và dừng lại với nhà thơ Trần Đăng Khoa mà thôi.

Chúng ta đã nói nhiều về tình trạng bất cập trong việc dạy và học Văn ở các trường phổ thông hiện nay. 

Ngoài các yếu tố xã hội, sự truyền thụ của thầy cô thì một nguyên nhân không thể phủ nhận được đó là sự áp đặt của sách giáo khoa hiện hành và những bất cập trong công tác hướng dẫn, chỉ đạo của cấp trên.

Khánh Văn