LTS: Tranh luận của các chuyên gia, thầy cô giáo về dạy và học môn sử trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã nhận được sự tham gia đông đảo. Nay, các bạn học sinh, sinh viên đã không đứng ngoài cuộc.
Hôm nay, Tòa soạn trân trọng giới thiệu bài viết của em Lê Nguyên Phú, sinh viên năm 3, Khoa Lịch sử, Trường đại học Sư phạm Huế về vấn đề này.
Lịch sử theo cách hiểu thông thường là những gì thuộc về quá khứ và gắn liền với tiến trình phát triển của xã hội loài người.
Đối với mỗi quốc gia, dân tộc, lịch sử được ví như “linh hồn”, là nơi lưu giữ các giá trị truyền thống và tinh hoa văn hóa của mỗi quốc gia, dân tộc.
Chính vì lẽ đó mà lúc sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất quan tâm đến việc học và truyền bá kiến thức lịch sử nước nhà. Trong tác phẩm “Lịch sử nước ta” ngay từ những câu đầu tiên:
“Dân ta phải biết sử ta
Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”
Người đã khẳng định vị trí quan trọng của lịch sử dân tộc. Theo Người học lịch sử trước hết phải “biết” và trên cơ sở ấy để “tường” nghĩa là “hiểu sâu sắc” về nguồn gốc lịch sử của dân tộc để rút ra những bài học kinh nghiệm quý báu cho cuộc sống hiện tại và tương lai.
Vì thế, dạy và học lịch sử giờ đây không phải chỉ là một quá trình ghi nhớ một số sự kiện, một vài chiến công trong tiến trình phát triển của lịch sử dân tộc hay ghi nhớ công ơn của một số người làm nên sự nghiệp to lớn đó, mà còn phải biết tìm hiểu, tiếp nhận những nét đẹp của đạo đức, của đạo lí làm người của dân tộc Việt Nam; vì đó chính là cái gốc của mọi sự nghiệp lớn hay nhỏ của dân tộc không phải chỉ ở thời xưa mà ở cả ngày nay.
Lịch sử luôn đóng trong mình một vai trò rất lớn trong việc giáo dục thế hệ trẻ và không thể thiếu được trong việc học tập của học sinh ngày nay những chủ nhân tương lai của đất nước. Chính vì thế mà môn lịch sử đã được đưa vào giảng dạy ở các cấp bậc học.
Thầy cô giáo cần phải đổi mới cách giảng dạy và kiểm tra đánh giá theo tinh thần dạy học đổi mới. (Ảnh: Internet) |
Nhưng trong những năm trở lại đây học sinh phổ thông đặc biệt là giới trẻ, đều xem môn học lịch sử là nhàm chán và không thiết thực. Tỉ lệ chọn môn sử làm môn thi tốt nghiệp luôn rơi vào tình trạng báo động, có nhiều trường phổ thông không có học sinh nào chọn môn sử làm môn thi tốt nghiệp.
Bản thân em là một sinh viên năm 3 của khoa lịch sử em càng thấu hiểu hơn một thực tế đau lòng khi các môn khoa học xã hội, đặc biệt là môn Sử đang bị xem thường, bị coi là môn học “phụ”. Nhiều bậc phụ huynh chỉ muốn con mình tập trung học các môn: Văn, Toán, Lý, Ngoại ngữ, Anh văn...
Vì cho rằng đó những môn cơ bản để thi vào đại học đạt kết quả tốt, môi trường học tập năng động, cơ hội việc làm được rộng mở. Cho nên họ khuyến khích con em mình tập trung phần lớn thời gian, công sức cho các môn này mà “phớt lờ” đi môn sử.
Mặt khác, những người quản lí, phần nào vẫn chưa xác định được vị trí quan trọng của môn sử trong hệ thống môn học chương trình phổ thông.
Trong khi ở nhiều nước tư bản, môn sử được coi là một trong những môn học cơ bản, là nền tảng để học các môn học khác thì bấy lâu nay ở Việt Nam, môn sử gần như chỉ được coi là môn phụ.
Thi tốt nghiệp THPT năm có năm không có môn sử. Dẫn đến tình trạng năm nào có môn sử trong kỳ thi tốt nghiệp THPT thì học nhưng cũng chỉ học để “đối phó”, học để thi cho qua.
Còn năm nào không có môn sử thì nhiều trường dạy “dồn nén” chương trình để hoàn thành sớm, dạy cho đủ môn để dành thời gian tập trung cho các môn học khác...
Hơn nữa chương trình và sách giáo khoa môn lịch sử mặc dù đã có nhiều đổi mới về kênh hình kênh chữ song vẫn còn nặng về các sự kiện, năm, tháng khiến học sinh khó ghi nhớ.
Phương pháp giảng dạy nhiều thầy cô giáo bộ môn lịch sử còn rất khô khan, thiếu hấp dẫn, khiến cho học sinh ít mặn mà với môn học này.
Nhiều tiết học, giáo viên chỉ nói lại theo sách giáo khoa đã viết sẵn, thiếu sự sinh động nên không phát huy được tính tích cực cho học sinh. Cho nên đừng nói là học sinh mà đến những người yêu thích môn lịch sử cũng cảm thấy nhàm chán với môn học này.
Có ai nghĩ rằng, một lúc nào đó, chúng ta sẽ không có thày dạy sử?
(GDVN) - Mỗi môn học đều có những vai trò của nó, Sử cũng thế, vậy cớ sao phải đưa ra những môn chính và môn phụ? Để đến hôm nay, những hệ lụy đã bắt đầu...
Chính phương pháp giảng dạy của giáo viên, cách nhìn nhận và đối xử thiếu công bằng của phụ huynh, học sinh và của cả xã hội cùng với xu thế phát triển của một nước đang phát triển đã làm cho môn lịch sử không được đánh giá đúng giá trị của nó, không được đặt vào vị trí xứng đáng mà nó phải có…để rồi việc dạy và học lịch sử ngày càng tụt dốc.
Số đông giáo viên dạy lịch sử đã và đang gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Với đồng lương còn khiêm tốn, lại không có thu nhập thêm từ việc dạy thêm như những môn tự nhiên nên một số giáo viên dạy sử tìm cách kiếm tiền bằng nhiều cách khác thì thời gian đâu để đầu tư cho tiết dạy.
Trong khi đó, một số giáo viên thật sự tâm huyết với sự nghiệp trồng người, yêu cầu nghiêm khắc đối với học sinh thì vấp phải sự “phản ứng” của chính những đồng nghiệp trong trường mình cũng như sự thiếu quan tâm của xã hội.
Họ cho rằng, với môn sử, chỉ cần trang bị cho các em vài ba bài học để đối phó là đủ rồi, còn học là phải học những môn “hót” mới có tương lai hơn.
Nhưng ít ai trong chúng ta thử hình dung rằng nếu lớp trẻ lớn lên mà "mù sử" hay chỉ hiểu biết lơ mơ về lịch sử và văn hóa dân tộc, không biết đến các giá trị văn minh nhân loại, không thấm nhuần các giá trị truyền thống, trong đó có chủ nghĩa yêu nước, tinh thần dân tộc, thì làm sao có thể vượt qua những cám dỗ và rào cản của cuộc sống hiện đại.
Cho nên em thiết nghĩa rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên đưa môn Sử vào hệ thống các môn thi bắt buộc; quý thầy cô giáo cần phải đổi mới cách giảng dạy và kiểm tra đánh giá theo tinh thần dạy học đổi mới.
Thông qua những sự kiện, mẩu chuyện, hình ảnh minh họa... mà giáo viên diễn đạt, sẽ giúp học sinh lắng nghe và hiểu tường tận những kiến thức lịch sử, từ đó học sinh sẽ yêu thích bộ môn lịch sử một cách tự nhiên hơn.
Trong giảng dạy lịch sử giáo viên nên sử dụng sơ đồ tư duy để tổng hợp kiến thức bài học một cách ngắn gọn nhất. Đặc biệt, cần tổ chức các hoạt động ngoại khóa lịch sử và ứng dụng công nghệ thông tin, trình chiếu, minh họa các đoạn phim tư liệu, kể các câu chuyện thật về nhân vật lịch sử sẽ giúp học sinh thấu hiểu sâu sắc hơn về những trang sử hào hùng của dân tộc, từ đó làm cho bài học lịch sử trở nên sinh động và quấn hút với học sinh hơn.
Các nhà giáo dục, các bậc phụ huynh và các em học sinh cần có cái nhìn đúng đắn hơn về ý nghĩa, vị thế và tác dụng của dạy học lịch sử đối với sự phát triển xã hội. “Xin đừng coi môn Lịch sử là môn phụ và hãy trả lại vị trí cho nó!”. Có như thế mới thay đổi quan niệm và cách dạy, cách học môn Sử ở trường phổ thông hiện nay.