Sau khi tan làm ở trường, cô Trần Thu Phương – hiện đang là giáo viên dạy cấp 2 lại lao đầu vào công việc kinh doanh online.
Khi mà đồng lương chính từ nghề giáo không đủ nuôi 2 đứa con đang tuổi ăn học thì công việc bán hàng online mang đến cho cô một nguồn thu nhập kha khá.
Vợ chồng cô Phương đều công tác trong ngành giáo dục ngót nghét đã gần 7 năm. Là những người trẻ, thuộc thế hệ 8X nên cô luôn mày mò công việc làm thêm bên cạnh công việc chính mà cô không thể bỏ đó là nghề giáo.
Một ngày làm việc của cô bắt đầu từ 7h sáng và kết thúc vào 17h chiều. Thời gian nghỉ trưa và buổi tốt hoặc bất kể lúc nào rảnh cô đều dán mắt vào chiếc điện thoại để đăng sản phẩm, trả lời tin nhắn của các khách hàng, gọi điện cho người giao hàng.
Công việc bán hàng online của cô bắt đầu từ tháng 9/2017 – thời điểm sau khi sinh bé thứ hai. Cô nghĩ mình cần phải có một sự thay đổi gì đó để đem lại thu nhập cho gia đình.
Thấy bạn bè bán hàng online nhiều cô cũng bắt đầu tập tành cách nhập hàng, đăng bài lên facebook (mạng xã hội) sao cho hiệu quả, chăm sóc khách hàng và thanh toán.
Thu nhập từ công việc bán hàng online cũng giúp cho cô Phương có một nguồn thu kha khá. |
Thời gian đầu cô cho biết gặp rất nhiều khó: “Hơn 30 tuổi đầu nhưng thực sự là trước đây tôi chưa bao giờ mua bán cái gì. Chính vì thế khi chuyển qua việc kinh doanh online này tôi thấy rất khó khăn.
Khó khăn đầu tiên phải đối mặt đó là cái nhìn của mọi người. Tôi không nói công việc bán hàng online là xấu, nghề giáo là vinh quang nhưng có rất nhiều người nói ra nói vào, bàn tán sau lưng. Sao cô giáo lại đi bán hàng online?
Trên facebook của mình cũng có bạn bè, người thân, đồng nghiệp, có cả phụ huynh với học sinh nữa. Cho nên thời gian đầu đăng lên facebook bán hàng mình cũng rất là ngại và lo không biết mọi người nói thế nào. Nhưng mà cũng không còn cách nào khác”.
Theo cô Phương bán hàng online là một công việc làm thêm rất phù hợp với giáo viên vì đây là công việc tự do.
Trong khi thời gian đứng lớp đã gần hết nửa ngày, lại mệt mỏi, áp lực nên cô không thể làm một công việc chân tay nào.
Sau một thời gian tập làm quen bán hàng online đến nay thu nhập của cô cũng tương đối:“Phải mất gần 2 tháng mới có khách hàng đầu tiên. Nhưng điều khiến tôi thấy vui đó chính là khách hàng đầu tiên của mình lại là một phụ huynh trong lớp.
Chị ấy bảo vì sản phẩm tôi bán chị ấy cũng cần, thêm một phần là cũng muốn giúp cô giáo có đồng ra đồng vào.
Bây giờ. đều đều mỗi tháng tôi cũng có thêm từ 5-6 triệu đồng/ 1 tháng. Cuộc sống vì thế cũng bớt khó khăn đi”.
Cô Phương cũng cho biết: “Sau khi thấy tôi bán hàng có vẻ được nhiều chị em trong trường cũng học hỏi xin kinh nghiệm bán hàng online.
Nghề giáo viên thu nhập như chúng tôi chỉ khoảng 4-5 triệu đồng/ 1 tháng nếu không tìm một công việc làm thêm bên ngoài thì không biết lấy đâu ra tiền để duy trì cuộc sống khi các con cũng phải ăn, phải học.
Khi đi làm rồi mình mới biết có rất nhiều áp lực đè nặng lên đôi vai. Không chỉ là bài toán lương lậu mà còn áp lực từ công việc.
Điều khiến tôi chạnh lòng là thu nhập từ nghề tay trái lại cao hơn nghề tay phải. Nó thực sự khiến tôi suy nghĩ rất nhiều”.
Đối với một sinh viên mới ra trường như Trần Phương Thảo áp lực về thu nhập còn lớn hơn cô Phương nhiều.
Lương dạy hợp đồng thấp, công việc làm thêm thì không có, Thảo cho biết cô phải dạy kèm gia sư một tuần 6 buổi.
Đi dạy cả ngày, tối về tranh thủ bữa cơm rồi lại đi gia sư. Về đến nhà thì sửa soạn giáo án cho ngày hôm sau.
Có những lúc Thảo mệt nhoài và thực sự nghiêm túc nghĩ đến việc bỏ nghề và tìm một công việc nào đó có thu nhập tốt hơn.
Một bên là cơm, áo, gạo, tiền; một bên là nhiệt huyết và tình yêu con trẻ luôn khiến các cô giáo trẻ như Phương Thảo có nhiều suy tư. |
Trong lứa sinh viên tốt nghiệp cùng Thảo có những bạn dạy hợp đồng được một thời gian thì gia đình thu xếp cho về quê lấy chồng. Bạn thì rẽ ngang công việc kinh doanh, bạn thì đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản.
Áp lực giữa một bên là cơm, áo, gạo, tiền một bên là là sự nhiệt huyết, tận tụy và yêu thương con trẻ. Hai luồng tư tưởng này khiến cho giáo viên bị áp lực tâm lý, không ít các thầy cô rơi vào trạng thái bị trầm cảm.
Trần Phương Thảo cho biết: “Cuộc sống sau khi ra trường khiến em và nhiều bạn bị vỡ mộng vì nó không được màu hồng như trong tưởng tượng của mình khi đang còn là sinh viên.
Với mức lương hiện giờ của em rất khó để có thể duy trì cuộc sống nhưng hiện tại em cũng không có một công việc làm thêm ổn định.
Nói những điều này khi mình còn trẻ thì có thể bảo em là thiếu ý chí, thiếu nhiệt huyết. Nhưng cuộc sống nó thực sự khắc nghiệt lắm”.
Chốt lại vấn đề cô Phương chia sẻ rất chân thành: “Nhiều khi chúng tôi nói vui với nhau? Giáo viên mình cũng rất cần thiết có một buổi khám sức khỏe và tinh thần. Vì chúng tôi tin rằng phải có đến khoảng 40% giáo viên sẽ mắc các bệnh như trầm cảm, suy nhược vì áp lực.
Đấy có thể là những chia sẻ vui của mọi người vì thực sự bọn tôi cũng không được chính sách đấy nhưng nó chứa đựng đầy tâm tư của anh em giáo viên.
Mỗi tháng khi lương về chúng tôi nào phải lo tiền học cho con, tiền sinh hoạt gia đình, ma chay, cưới hỏi”.
Theo công bố của Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam về đề tài nghiên cứu “Giải pháp cải cách công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên phổ thông” cho biết mỗi giáo viên phổ thông phải làm tới 10 đầu việc, thời gian lao động 60-70 giờ/tuần. Cấp tiểu học, số giờ làm việc trong một tuần cao hơn khoảng 1,5 lần so với quy định của Nhà nước (nhà nước quy định 40 giờ/tuần), cấp trung học cơ sở là gấp 1,7 lần, trung học phổ thông là 1,8 lần, trong khi có đến 50% giáo viên được hưởng lương dưới mức bình quân. Ngoài những công việc trên, giáo viên còn phải học tập, bồi dưỡng và tự bồi dưỡng để phát triển chuyên môn, tham gia các cuộc thi giáo viên giỏi các cấp, các hoạt động xã hội, văn nghệ thể thao... Thực tế này đã nói lên phần nào về sự quá tải trong lao động sư phạm. |