Đó là khẳng định của Phó Giáo sư Nguyễn Mạnh Toàn – Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng tại buổi ký kết thỏa thuận hợp tác với Ngân hàng Chính sách xã hội về việc “hỗ trợ tiền lãi cho, sinh viên thuộc đối tượng hộ nghèo, sinh viên mồ côi vay vốn để đi học” ngày 18/9.
Đại diện Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng và Ngân hàng Chính sách xã hội ký kết thỏa thuận về hỗ trợ sinh viên nghèo. Ảnh: TT |
Theo thỏa thuận này, nhà trường sẽ hỗ trợ trả lãi tiền vay tín dụng cho các sinh viên thuộc diện chính sách như trên đang theo học tại Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng bắt đầu từ khóa 43K (tuyển sinh năm 2017).
Thời gian hỗ trợ theo chương trình đào tạo nhưng không quá bốn năm. Thỏa thuận này sẽ có hiệu lực kể từ hôm nay (18/9) và các tân sinh viên sẽ là những đối tượng đầu tiên được hưởng chính sách hỗ trợ ưu việt này.
Thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng |
Đại diện Ngân hàng Chính sách xã hội cho biết, đây là trường đại học đầu tiên trong cả nước thực hiện hỗ trợ toàn bộ tiền lãi vay cho sinh viên vay vốn tại ngân hàng.
“Mô hình này nếu được phát triển mạnh mẽ sẽ có nhiều sinh viên thuộc diện khó khăn vững tin để vay vốn trang trãi chi phí học tập, xem đây là cơ hội lớn để theo đuổi ước mơ, hoài bão của đời mình”, vị này nói.
Chia sẻ thêm về những hoạt động của trường, thầy Toàn nói, nhằm động viên và chia sẻ với các sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, thời gian qua, nhà trường đã quan tâm, giúp đỡ các em bằng nhiều chính sách.
Như trích từ nguồn kinh phí của nhà trường và huy động tài trợ của cộng đồng doanh nghiệp, các thế hệ cựu sinh viên để cấp học bổng, nơi ở, điều kiện học tập, sinh hoạt và việc làm cho sinh viên...
“Năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động, thực hiện tự chủ tài chính của trường.
Theo đó, học phí của sinh viên từ khóa tuyển sinh năm 2017 (khóa 43) của nhà trường có sự điều chỉnh tăng lên so với các khóa trước đó.
Đây là điều kiện rất quan trọng để các trường đại học tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị, đổi mới chương trình giảng dạy theo hướng hội nhập”, thầy Toàn cho biết.
Tuy vậy, để việc điều chỉnh tăng học phí từ khóa 43 không có những tác động lớn đến các sinh viên thuộc gia đình chính sách, hộ nghèo và các em mồ côi cha mẹ thì nhà trường đã xây dựng và thực thi nhiều chính sách hỗ trợ.
Cụ thể như: học phí đối với sinh viên thuộc diện gia đình chính sách được giữ nguyên như các khóa trước (như các trường chưa thực hiện thí điểm tự chủ). Đồng thời, hỗ trợ miễn giảm 100%, 70% và 50% học phí theo quy định.
Đối với các sinh viên nghèo, mồ côi cha mẹ, ngoài các học bổng khuyến khích học tập và các nguồn học bổng tài trợ của các cơ quan, doanh nghiệp và cựu sinh viên.
Từ năm 2017, nhà trường hỗ trợ toàn bộ lãi vay cho sinh viên khi các em vay tiền để trang trãi chi phí học tập tại Ngân hàng Chính sách xã hội trong bốn năm học tập. Với mức hỗ trợ tối đa lên đến hơn 8,9 triệu đồng/sinh viên/khóa học.
“Đây là nỗ lực rất lớn của nhà trường nhằm thực hiện mục tiêu không để sinh viên nghèo phải từ bỏ ước mơ theo đuổi việc học tại Trường Đại học kinh tế Đà Nẵng do mức học phí của trường cao hơn so với các trường đại học công lập khác trong khu vực khi thực hiện đề án thí điểm tự chủ đại học.
Việc hỗ trợ trả lãi suất vay vốn tín dụng sẽ giúp sinh viên và gia đình giảm bớt phần nào ghánh nặng, yên tâm hơn trong học tập”, thầy Toàn cam kết.