Sau một thời gian đưa ra dự kiến về phương án các môn thi và lắng nghe ý kiến đóng góp sôi nổi, phong phú của dư luận xã hội, đặc biệt giới chuyên môn, đội ngũ thầy giáo, cô giáo, ngày 9/9 vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã đi đến công bố chính thức Phương án tổ chức Kỳ thi trung học phổ thông (THPT) quốc gia từ năm 2015 với các nội dung cơ bản, quan trọng.
Việc thay đổi, cải tiến thi cử lần này được công bố sớm, ngay từ đầu năm học cho thấy sự tiến bộ, trách nhiệm cao từ Bộ GD & ĐT, giảm bớt được những lo lắng từ phụ huynh, học sinh, nhà trường, công tác chuẩn bị, điều chỉnh, thích nghi của thầy cô giáo, học sinh trong quá trình dạy-học- thi cử sẽ tốt hơn nhiều.
Gộp 2 kỳ thi thành 1, nếu được tổ chức, thực hiện thành công sẽ đem lại lợi ích to lớn về nhiều mặt cho học sinh, phụ huynh, Nhà nước và ngành giáo dục nước nhà.
Tuy nhiên về môn thi, cộng điểm học tập lớp 12 vào kết quả thi tốt nghiệp và cách thức tổ chức thi của Phương án, ở góc độ là thầy giáo đang giảng dạy và quản lý trực tiếp gần 20 năm tại trường THPT, tôi vẫn còn đó những băn khoăn, quan ngại...
Trên đây là phần tâm sự của thầy giáo Đỗ Tấn Ngọc, ở Quảng Ngãi với kỳ thi quốc gia, gửi tới tòa soạn cùng với những góp ý mà chúng tôi sẽ đăng tải dưới đây. Sự trăn trở của thầy, là mong muốn có một kỳ thi thật tốt, hiệu quả cao...
Thứ nhất: Về môn thi, theo phương án để được xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng, thí sinh phải thi 4 môn (gọi là 4 môn thi tối thiểu) gồm 3 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 môn tự chọn trong số các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử và Địa lí.
Ngoài 4 môn thi tối thiểu, thí sinh có thể đăng ký thi thêm các môn khác trong số các môn tự chọn để có thêm cơ hội xét tuyển vào đại học, cao đẳng. Như vậy, về số lượng môn thi để xét tốt nghiệp THPT giống như năm ngoái, chỉ khác đưa môn ngoại ngữ thành môn bắt buộc, thí sinh chỉ được tự chọn 1 môn thay vì 2 môn như năm 2014.
Kỳ thi quốc gia: Giải pháp học- thi cho học sinh đang học và thi trượt
(GDVN) -Đã có giải đáp và phương án hoc thi cho học sinh đang học phổ thông; đặc biệt là cho các thí sinh từng thi trượt tốt nghiệp, cũng như đại học các năm đã qua.
Như vậy, những thí sinh muốn xét tuyển vào đại học, cao đẳng, trừ thi khối D, các khối, ngành khác, kể cả ngành, trường đặc thù thì phải thi thêm từ 1 đến 2 môn. Cách thức thi các môn độc lập theo Phương án, có cái được, không gây xáo trộn, tạo sự yên tâm, ổn định trong dạy- học; dễ dàng, thuận lợi trong đánh giá, phân hóa năng lực, trình độ thí sinh qua đề thi.
Tuy nhiên, cái chưa được ở đây là chưa giải quyết được thực trạng học lệch đã, đang diễn ra trong không ít học sinh hiện nay. Vì tư tưởng, tâm lý thực dụng có trong học sinh THPT, nhất là lớp 12 của chúng ta rất lớn. Môn thi chỉ có thế, các cô, cậu học trò chỉ cần đầu tư, chuyên chú học mấy môn để thi tốt nghiệp, xét đại học, cao đẳng là đủ, còn những môn khác, môn “ phụ” thì rất lơ là, học đối phó, thậm chí bỏ luôn, nếu thầy cô, nhà trường cũng dễ dãi, cho qua.
Học sinh học lệch, bên trọng, bên khinh cũng khiến tâm thế, tư tưởng và kể cả chất lượng dạy học của thầy cô giáo các môn được xem là môn “ phụ”, môn không có trọng bắt buộc, lựa chọn…ít, nhiều bị ảnh hưởng, chi phối theo chiều hướng tiêu cực. Trong thực tiễn ở nhà trường phổ thông chúng tôi từng kinh qua, có những điều muốn làm được không hề đơn giản, dễ dàng gì.
Để chống tình trạng học lệch, phải có nhiều biện pháp, trước hết, đó là trách nhiệm, thái độ nghiêm túc, tính đồng bộ trong dạy học, kiểm tra, đánh giá của từng thầy, cô giáo, nhà trường, các địa phương. Nhà trường, giáo viên nhận thức tốt về giáo dục toàn diện, quyết tâm hành động chống học lệch thì liệu có mấy học sinh, lớp học dám lơ là, coi thường những môn không thi?
Nhưng hiện tại, có bao nhiêu trường, bao nhiêu thầy cô giáo đồng bộ, thực hiện nghiêm túc? Về căn cơ, lâu dài, có thể đến năm 2016, mọi cái đã chuẩn bị tốt, cần tiến tới những bài thi tổng hợp, bao quát các môn, mọi kiến thức, kỹ năng thì căn bệnh học lệch ở nhiều học sinh mới bị “khai tử”, có tác động tích cực đến hoạt động giáo dục nhà trường phổ thông.
Thứ hai: về cộng điểm kết quả học tập, theo phương án, Bộ GD & ĐT vẫn tiếp tục lấy kết quả học tập các môn văn hóa cuối năm lớp 12 tham gia vào việc công nhận tốt nghiệp THPT như kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014 đã làm.
Về mặt lý thuyết, nó có ý nghĩa rất tốt, hình thành học sinh chúng ta ý thức phấn đấu, học tập căn cơ, toàn diện ngay trong quá trình học, tránh biểu hiện học lệch, học tủ, kết quả học tập cao có nhiều lợi thế trong lúc thi cử.
Rõ ràng, khi kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia được tổ chức chặt chẽ, nghiêm túc hơn do các trường ĐH,CĐ đảm nhiệm phần nhiều, tỉ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp ở nhiều trường, địa phương sẽ thấp, không cao chót vót như mấy năm nay thì liệu việc đánh giá, cho điểm của nhà trường, thầy cô giáo có đảm bảo tính đồng bộ, nghiêm túc, chính xác, khách quan như bình thường hay không?
Đại học Hoa Sen sẽ hoạt động minh bạch, công khai hơn
(GDVN) - Nếu được chấp thuận, HĐQT mới của trường Đại học Hoa Sen sẽ hoạt động công khai, minh bạch, nhất là thu nhập của lãnh đạo và ngân sách của nhà trường.
Ai dám chắc, một số nhà trường, thầy cô sẽ không còn “ bệnh” thành tích, không “thương” học trò của mình để rồi dễ dãi, nhẹ nhàng trong việc cho, nâng điểm các bộ môn văn hóa, đẩy các con điểm lên cao….đến trời, học sinh tha hồ…hưởng lợi, nhất là các trường THPT ngoài công lập.
Quan ngại này của chúng tôi hoàn toàn có cơ sở. Vì trước đây, Bộ Giáo dục có quyết định tuyển thẳng vào đại học đối với học sinh có kết quả học lực loại giỏi và thi tốt nghiệp loại giỏi. Khi người ta đã biết lợi ích lớn đó nên đã thi nhau nhờ, cậy, dàn xếp với giáo viên, nhà trường cho điểm thật cao, xếp loại thật thoáng, số học sinh được tuyển thẳng đại học các năm sau nhiều đến bất thường. Thấy không ổn trong thực hiện quyết định trên, mấy năm sau, Bộ Giáo dục cho bỏ.
Để chống tiêu cực có thể nảy sinh trong việc đánh giá, cho điểm học sinh lớp 12 năm nay, trước hết đó là trách nhiệm, lương tâm của thầy cô giáo, nhà trường. Nói không với bệnh thành tích, gian dối trong thi cử, không thể là những lời nói suông, trên giấy hay hội nghị mà bằng những việc làm đúng đắn của nhà trường, thầy cô giáo, góp phần đánh giá đồng bộ, khách quan, chính xác giữa các trường, các địa phương.
Nếu ai cũng chỉ nghĩ cho học sinh mình, địa phương mình không thôi thì muôn năm nữa nền giáo dục này vẫn cứ vậy, những điểm mới, điểm tích cực của cấp trên đưa xuống triển khai sẽ sớm tàn lụi. Về phía Sở Giáo dục khi phát hiện thấy một số trường có kết quả đánh giá học lực học sinh lớp 12 cao một cách bất thường cần có ngay động thái kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý. Cứ để cho cơ sở giáo dục bên dưới tự tung, tự tác thì e không ổn.
Thứ ba: Về cách thức tổ chức coi thi và chấm thi do Các trường ĐH,CĐ và các Sở GD & ĐT. Chắc chắn, phần nhiều học sinh lớp 12 sẽ chọn thi ở các cụm, trường ĐH,CĐ vừa để công nhận tốt nghiệp THPT vừa để xét ĐH, chỉ số ít học sinh sẽ đăng ký thi tốt nghiệp THPT ở địa phương.
Vấn đề đặt ra ở đây là làm sao đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, nghiêm túc giữa 2 địa điểm thi khác nhau về khâu coi thi và chấm thi. Theo tôi, ở các cụm, trường ĐH, CĐ thì tương đối ổn. Nhưng ở các Hội đồng coi thi tại địa phương thì lại rất đáng lo, vì dễ có chuyện mỗi địa phương không giống ai, mỗi hội đồng một vẻ. Coi thi dễ dãi, tiêu cực, chấm thi thông thoáng… dẫn đến kết quả thi hai nơi có khác biệt lớn. Điểm thi ở địa phương thì cao, điểm thi ở đại học thì thấp…tạo nên sự thiếu công bằng.
Nếu các trường Cao đẳng, trung cấp có xét tuyển thí sinh ở nơi này cũng gặp khó, coi chừng em học được, thi được lại không có cơ hội bằng những em học thường, thi thường.
Do vậy, Bộ GD &ĐT cần có sự họp bàn, thống nhất, quán triệt cho thật kỹ lưỡng, ở các hội đồng thi tại địa phương cần tăng cường công tác thanh tra hơn, có nhiều biện pháp xử lý chặt chẽ hơn để đảm bảo kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế ở mọi nơi.