LTS: Bàn về việc lạm thu đầu năm trong trường học, cô giáo Đỗ Quyên đã có bài viết phân tích và cho rằng tình trạng này một phần có nguyên do từ Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT đã quy định nhưng chưa được thực hiện nghiêm.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả!
Năm học mới đến gần, khác với những náo nức, hân hoan của học trò sau hơn hai tháng hè xa trường là nỗi lo đến thắt lòng của các bậc phụ huynh nghèo trước bao khoản đóng góp, chi tiêu cho con.
Thôi thì đủ các khoản phải lo như mua sách vở, bút viết, quần áo, giày dép; đóng tiền học phí, bảo hiểm… Để con đến trường chi phí phụ huynh bỏ ra ít nhất cũng khoảng 2 triệu đồng/học sinh trở lên.
Những gia đình khá giả, số tiền ấy coi như bình thường nhưng với gia đình nghèo khổ, khó khăn quả là một gánh nặng, dù thế, bằng cách này cách khác mọi người vẫn cố lo cho con được đầy đủ.
Bên cạnh niềm vui của học sinh ngày khai trường là nỗi lo của phụ huynh về các khoản thu đầu năm học (Ảnh: laodong.com.vn) |
Con vào học đâu hẳn đã xong. Buổi họp phụ huynh đầu năm luôn là nỗi lo sợ cho nhiều gia đình nghèo khổ bởi ngoài các khoản phải đóng như quy định, giáo viên các lớp thường vận động phụ huynh đóng các khoản phí tự nguyện.
Trong lớp, không ít phụ huynh gia đình khá giả, phần vì mắc bệnh “nổ”, phần vì muốn chứng tỏ sự hào phóng để lấy lòng giáo viên nên ra sức hô hào phụ huynh phải “vì lợi ích của con em mình đừng nên tính toán” và mức phí tự nguyện đưa ra để cào bằng có lớp từ 100- 200 ngàn nhưng có lớp lên đến 300 ngàn/học sinh.
Chúng ta lại bắt đầu mùa chạy trường cho con |
Không ít phụ huynh nghèo méo mặt nhưng lại chẳng thể phản đối vì ngại con mình bị thầy cô để ý.
Nếu ai đó có ý kiến không đồng tình, các trường nói họ chẳng làm sai bởi trường mình luôn thực hiện đúng theo tinh thần của Thông tư 55.
Điều 10 của Thông tư 55 quy định rất rõ “Kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp có được từ sự ủng hộ tự nguyện của cha mẹ học sinh và nguồn tài trợ hợp pháp khác cho Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp”.
Chẳng phải trong cuộc họp, chính phụ huynh ai cũng đồng tình đóng góp, ai cũng nói mình thống nhất với nội dung được triển khai trong cuộc họp đó sao?
Phí tự nguyện thu được ở các lớp sẽ được trích về Ban đại diện phụ huynh trường 30 % hoặc 70% (tùy từng trường thống nhất). Số tiền này, sẽ chi vào việc khen thưởng cho học sinh thường xuyên và định kì ở lớp, thăm học sinh ốm đau, bồi dưỡng cho các em sau các buổi giao lưu, sinh hoạt ngoại khóa, tập dượt văn nghệ, làm học bổng cho học sinh nghèo…
Mặc dù, Điều 10 Thông tư 55 quy định rõ:
“Các khoản ủng hộ không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh như:
Bảo vệ cơ sở vật chất, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp, trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của trường”.
Đồng tiền đã làm tình cảm thầy trò thêm xa cách |
Nhưng không ít trường vẫn tìm cách “lách” để chi bởi ngân sách cấp cho hoạt động của nhà trường thường không đủ.
Đã không ít đơn thư phản ánh về việc lạm thu đầu năm ở các đơn vị trường học nhưng qua thanh tra cũng chẳng phát hiện gì tiêu cực vì theo tinh thần của Thông tư 55 vì các trường vẫn “đúng”.
Bởi thế cái điệp khúc buồn “lạm thu tiền trường đầu năm” liên tục xảy ra mà không có dấu hiệu chấm dứt, nhiều ý kiến cho rằng, cần phải dẹp bỏ Thông tư 55 để các trường học không thể dựa vào sự “ủng hộ tự nguyện” để vận động phụ huynh đóng tiền như hiện nay.