LTS: Thời điểm kết thúc năm học, nhiều trường chuẩn bị lễ tổng kết và vinh danh những học sinh có thành tích xuất sắc trong năm học.
Nhân dịp này, thầy giáo Đỗ Tấn Ngọc cho rằng các trường học nên tặng sách cho học trò như một phần thưởng thay vì chỉ là những cuốn vở như trước đây.
Thầy Ngọc cho rằng đây là một trong những cách khuyến khích học trò đọc sách và nâng cao văn hóa đọc cho cộng đồng.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Lễ tổng kết năm học một phần không thể thiếu đối với hoạt động giáo dục của nhà trường phổ thông trong từng năm học.
Đến thời điểm này, các nhà trường đang ráo riết chuẩn bị mọi thứ cho Lễ tổng kết năm học.
Những em lớp nhỏ, các học sinh chăm ngoan, có kết quả học tập, rèn luyện khá, tốt, đạt học sinh tiên tiến, học sinh giỏi thì rất háo hức, mong chờ tới ngày ấy.
Còn các em chưa ngoan, lười học, ham chơi, kết quả thấp, có nguy cơ thi lại, ở lại lớp, rèn luyện trong hè thì xấu hổ, buồn rầu, tìm cách né tránh, muốn trốn dự tổng kết năm học.
Nhà trường nên tặng sách cho học trò như là một phần thưởng cho học sinh xuất sắc. (Ảnh do tác giả cung cấp) |
Nhằm ngăn chặn tình trạng học sinh vắng mặt trong lễ tổng kết hàng loạt, có nhà trường phải quy định thêm trong nội quy (nếu vắng không có lý do sẽ hạ hạnh kiểm, nếu lớp nào vắng quá nhiều thì cắt danh hiệu thi đua tập thể lớp) và thường xuyên nhắc nhở, răn đe các em.
Bởi vì, một buổi lễ quan trọng, đầy ý nghĩa, có tính đánh giá, tổng kết cả một chặng đường dài, lại thiếu vắng quá nhiều học sinh, chủ thể trung tâm.
Đọc tên, vinh danh, phát thưởng, trao học bổng dành cho các tập thể lớp, các cá nhân có thành tích xuất sắc, nổi bật trong học tập và rèn luyện là thời khắc mà các em hồi hộp, phấn khởi, hãnh diện nhất.
Có em hụt hẫng, tiếc nuối vì nhà trường không vinh danh, trao phần thưởng hết mà giao cho giáo viên chủ nhiệm trao thưởng tại lớp, do số lượng học sinh được khen thưởng nhiều quá.
Bây giờ, hầu hết các nhà trường, cá nhân, tổ chức thường phát thưởng, trao học bổng cho các em bằng vở tập và tiền mặt.
Ít hay nhiều tùy thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh của từng trường. Cách làm này gọn nhẹ và thiết thực.
Còn thời chúng tôi học phổ thông, thời bao cấp khốn khó, phần thưởng dành cho học sinh khá, giỏi có phần ít ỏi, thảm thương hơn, chỉ một vài quyển vở và sách (sách khoa học, sách truyện, thơ, giấy in xấu, chữ nhỏ, trình bày đơn giản) mà thôi.
"Thực thực, hư hư" chuyện khen thưởng cuối năm ở cấp Tiểu học |
Nhưng, thứ mà chúng tôi ấn tượng, khắc ghi và nâng niu gìn giữ cẩn thận đến tận hôm nay là những quyển sách - phần thưởng ngày ấy.
Về nhà, mừng vui, khấp khởi khoe với bố mẹ xong, chúng tôi lấy chúng ra đọc ngấu nghiến, đọc say mê, đọc đi đọc lại nhiều lần mà không biết chán, có những bài thơ, câu chuyện hay chúng tôi thuộc làu, nhớ mãi đến tận bây giờ.
Phải chăng, những cuốn sách - phần thưởng một thời phổ thông, đã đánh thức, khơi nguồn tình yêu ham đọc sách suốt bao nhiêu năm qua trong chúng tôi?
Dẫu cho cuộc sống, môi trường giáo dục ngày nay có nhiều đổi thay song những giá trị, tác dụng vô cùng to lớn của sách đối với hành trang tri thức, đời sống chúng ta, nhất là giới trẻ, thanh thiếu niên, học sinh luôn bất biến.
Từ đây, tôi thiết nghĩ, tại sao, trong phần phát thưởng của lễ tổng kết năm học, nhà trường, các tổ chức, cá nhân, lại không có thêm những cuốn sách hay, phù hợp với tâm lý lứa tuổi để trao tặng cho các em.
Nó phù hợp với chủ trương thúc đẩy phong trào đọc, hình thành thói quen đọc trong nhà trường và cộng đồng của Bộ Giáo dục và Đào tạo được cụ thể hóa trong Công văn số 6841/BGDĐT-GDTX, năm 2015.
Thưởng vở tập, các em dùng ghi chép bài vở cho năm học tới, thưởng bằng tiền mặt, các em và phụ huynh dùng vào nhiều mục đích khác nhau (nhưng chưa chắc đã mua sách để đọc).
Thưởng sách, các em có thêm sách, các em sẽ đọc, các đối tượng khác cùng đọc.
Đọc sách nhiều “mở rộng trước mắt tôi những chân trời mới”. (Go-rơ-ki). Mùa hè giới trẻ dành nhiều thời gian cho đọc sách thì tốt, bổ ích biết mấy.
Phần thưởng tổng kết cuối năm học có thêm những cuốn sách cho học trò là một cách làm lan tỏa, nhân rộng hơn nữa phong trào đọc sách ở mọi lúc, mọi nơi, trong bối cảnh tỉ lệ người đọc sách ở Việt Nam rất thấp (chỉ 0,8 đầu sách/ người/ năm).