Buổi sinh hoạt khoa học “Một tầm nhìn và cách hiện thực hóa tầm nhìn Giáo dục”, được nhóm Cánh Buồm tổ chức vào sáng 21/11 tại tòa nhà Dolphin Plaza, 28 Trần Bình, quận Cầu Giấy, Hà Nội đã thu hút rất nhiều các chuyên gia hàng đầu trong ngành giáo dục như: Nhà thơ Hoàng Hưng, TS Mạc Văn Trang, GS Phạm Khiêm Ích, GS Nguyễn Đình Cống, Nhà biên soạn Nguyễn Thế Anh…. tới dự và chia sẻ quan điểm cách dạy trẻ.
Nghệ thuật giảng dạy là nghệ thuật tổ chức sự tự học
Năm 2009, nhà giáo dục lão thành Phạm Toàn khởi xướng và tập hợp một số giáo viên trẻ đầy nhiệt huyết ở Hà Nội, nhận sự hỗ trợ, cố vấn của các nhà giáo lớn tuổi và được Nhà xuất bản Tri thức đỡ đầu đã cho ra đời nhóm biên soạn Cánh Buồm.
Trước sự thất vọng của xã hội đối với một nền giáo dục phát triển không giống ai kéo dài đã quá lâu, nhóm Cánh Buồm chủ trương không phản biện và càng không than vãn mà “cái gì làm được thì làm luôn”. Làm thì phải có định hướng và định hướng chấn hưng nền giáo dục nước nhà của Cánh Buồm là hiện đại hóa giáo dục.
Theo nhà giáo Phạm Toàn, nhóm Cánh Buồm định hướng TỰ HỌC là năng lực sống mà nhà sư phạm phải dùng cả hai tay để dâng lên thanh thiếu niên Việt Nam. (Ảnh: Thùy Linh) |
Hiện đại hóa không phải là bắt chước theo nước ngoài, dù là nước tiên tiến. Văn hóa phải có hồn cốt dân tộc, để không cho ra lò những sản phẩm lai căng. Hiện đại hóa phải bắt đầu với trẻ em lớp Một và bắt đầu với việc tổ chức cho các em biết tự học – năng lực tự học.
Việc một nhóm làm sách độc lập cho ra mắt bộ sách giáo khoa lớp Một theo phương pháp giáo dục hiện đại được nhiều người xem như dấu hiệu mở đầu cho một nỗ lực cải cách giáo dục toàn diện, bắt đầu từ bậc phổ thông cơ sở.
Thầy Phạm Toàn lấy ví dụ minh họa, thay cho lối học ê a đánh vần và đọc ngắc ngứ, trẻ em lớp Một sẽ chủ động học những thao tác nghiên cứu ngữ âm tiếng Việt từng được tiến hành bởi các nhà ngôn ngữ học kể từ thế hệ Alexandre de Rhodes – ba thao tác đó là: phát âm – phân tích âm – tự ghi (và tự đọc).
Và cứ thế, sách Cánh Buồm đã kích thích tính tự học của học sinh theo một hướng cần tiến hành sớm nên theo sách ngay từ lớp Ba, đã có thể cho học sinh tổ chức hội thảo về những đề tài hấp dẫn các em.
Tới lớp Bốn, các em đã học viết đoạn văn và bài văn, trẻ em càng tham gia hình thức hội thảo ở trình độ cao hơn nhưng lại dễ dàng hơn.
Sách Cánh Buồm khác gì với những SGK trong quá khứ?
Nhóm Cánh Buồm tự nhận nhiệm vụ giải quyết việc cải cách bộ sách giáo khoa hiện hành với mong muốn “giảm tải” cho học sinh.
Bộ sách Văn và Tiếng Việt bậc Tiểu học của nhóm Cánh Buồm (Ảnh: Thùy Linh) |
Sách Cánh Buồm đi theo hướng: bỏ cái cũ, làm một cái mẫu tổ chức việc học từ bậc tiểu học những môn học khó nhất, đó là: Tiếng Việt, Văn, Lối sống và môn Lịch sử.
(a) Môn Tiếng Việt
Nhiệm vụ môn Tiếng Việt là tạo ra ở học sinh một phương pháp ngôn ngữ học để các em nghiên cứu vật liệu tiếng mẹ đẻ, để có năng lực dùng ngôn ngữ chính xác, phong phú trong việc học cũng như trong đời sống hàng ngày.
Lớp Một – Ngữ âm học: nghiên cứu ngữ âm tiếng Việt để tự biết cách ghi, do đó mà tự biết cách đọc, và đến cuối lớp Một thì có năng lực đọc thầm – năng lực của con người có văn hóa đọc.
Lớp Hai – Từ vựng học: nghiên cứu sự phát sinh và phát triển của Từ tiếng Việt từ khi dùng tín hiệu để “nói” cho đến khi xuất hiện từ thuần Việt, tiến lên những dạng phát triển của từ thuần Việt (từ ghép, từ láy) và sự mở rộng sang từ Hán Việt và từ mượn.
Lớp Ba – Cú pháp học: nghiên cứu câu tiếng Việt trên hai phương diện: “vỏ ngoài” cấu trúc Chủ-Vị của câu, và cấu trúc logic bên trong của câu, nhờ đó mà biết tạo ra những câu không thể sai cú pháp đồng thời có cách diễn đạt minh bạch, uyển chuyển, văn minh.
Lớp Bốn – Văn bản học: nghiên cứu và tạo ra bài văn tiếng Việt. Những tích lũy từ ngữ (lớp Hai và Ba) và những tập luyện về logic (lớp Ba) sẽ được dùng vào việc viết văn bản.
Việc học viết bài văn chia làm hai giai đoạn: viết đoạn văn như một bài văn thu nhỏ để tập tìm ý và xử lý ý; và chuyển đoạn văn thành bài văn.
Lớp Năm – Hoạt động ngôn ngữ: ứng dụng tổng hợp năng lực ngôn ngữ học vào các dạng hoạt động ngôn ngữ trong đời sống, bao gồm ngôn ngữ khoa học, ngôn ngữ hành chính, và ngôn ngữ xã giao trong đời sống, hàng ngày.
(b) Môn Văn
Môn Văn Cánh Buồm có nhiệm vụ lấy văn chương làm vật liệu mẫu để tạo ra ở học sinh một cơ sở năng lực nghệ thuật, thay cho cái “năng lực văn” nhại lại những cảm thụ của người khác.
Năng lực nghệ thuật của học sinh đều phải do học sinh làm ra, chứ không qua nghe-nhìn dửng dưng.
Lớp Một – đồng cảm: học sinh làm lại những hoàn cảnh đem đến cho nhà văn một lòng đồng cảm với thân phận con người – nhờ đó mà nhà văn và người nghệ sĩ có được cảm hứng sáng tạo nghệ thuật. Cách tạo lòng đồng cảm cho trẻ em diễn ra bằng những trò chơi đóng vai.
Lớp Hai – Tưởng tượng: cũng giống nhà văn, sau khi có cảm hứng liền “lao vào sáng tác”, khi đó dù muốn dù không, dù có ý thức hay vô thức, người sáng tạo đều cần đến những thao tác bắt buộc. Thao tác đầu tiên và quan trọng nhất, đó là tưởng tượng.
Học sinh lớp Hai tập làm lại thao tác đó theo định nghĩa hành dụng (định nghĩa bằng việc làm) tưởng tượng là làm việc thầm trong đầu.
Lớp Ba – Liên tưởng: những sản phẩm tưởng tượng ban đầu còn chưa đủ ý, chưa diễn đạt hết ý tưởng của nhà văn hoặc người nghệ sĩ. Sự gọt giũa nhào nặn sẽ khiến cho hình tượng mang một ý nghĩa khác với hình tượng “thô” ban đầu. Việc làm đó của người đi trước sẽ được học sinh lớp Ba tập luyện khi học thao tác liên tưởng.
Lớp Bốn – sắp xếp (bố cục): Một hình tượng còn phải nằm trong một toàn cảnh liên quan đến các nhân vật và những tình tiết khác – chưa kể là với những vật liệu khác nhau đòi hỏi cách sắp xếp khác nhau tạo nên những thể loại khác nhau – công việc này được học sinh lớp Bốn làm lại trong thao tác sắp xếp..
Lớp Năm – các dạng hoạt động nghệ thuật: Bốn lớp đầu của bậc tiểu học cung cấp cho trẻ em một năng lực nghệ thuật gồm một lý tưởng và một ngữ pháp nghệ thuật.
Lên lớp Năm, các em mang hành trang đó áp dụng vào các hình thức nghệ thuật cơ bản: âm nhạc, nhảy múa, tạo hình, thơ trữ tình, văn tự sự, và kịch.
(c) Môn Lối sống
Thay thế cho môn Đạo đức, hoặc Luân lý, hoặc Giáo dục Công dân, nhóm Cánh Buồm tổ chức cho học sinh tự xây dựng và cùng xây dựng một cung cách sống khác chắt lọc thành môn Giáo dục Lối sống (gọi tắt là môn Lối sống).
Nhiệm vụ của môn Lối sống là huấn luyện trẻ em một tinh thần và năng lực sống đồng thuận trong cộng đồng.
Nhóm Cánh Buồm không định nghĩa đồng thuận bằng lý thuyết dài dòng, mà định nghĩa bằng việc làm để học sinh SỐNG trong những yếu tố tạo thành sự ĐỒNG THUẬN: cùng lao động theo cương vị khác nhau; cùng chia sẻ những giá trị tinh thần có thể khác nhau; cùng phát hiện và tháo ngòi xung đột.
Lớp Một – sống tự lập: Mục tiêu của lớp Một là tổ chức cho trẻ em sống tự lập. Chúng ta không tổ chức việc đó như một thứ “quy chế”.
Trái lại, ngay từ lớp Một, trẻ em phải biết nhà trường em đang học là một xã hội với ba thành phần: Giáo viên; phụ huynh; và học sinh.
Cần tổ chức cho trẻ em sống tự lập trong bối cảnh đồng thuận giữa ba thành phần đó. Và sản phẩm sống tự lập của trẻ em sẽ là “phép thử” sự đồng thuận ở cộng đồng trường học đó có đúng nghĩa hay chỉ là hình thức.
Lớp Hai – sống đồng thuận trong cộng đồng: Lên lớp Hai, học sinh được học những nguyên tắc lớn về cuộc sống của cộng đồng.
Từ trải nghiệm lớp Một – tổ chức sự đồng thuận giữa giáo viên, phụ huynh và học sinh để các em được cái quyền sống tự lập (cái quyền mà có khi chính các em cũng từ chối) – học sinh đến với những nguyên tắc chung sống cộng đồng. Từ lớp này, nguyên lý đồng thuận sẽ được các em nhìn nhận một cách có ý thức hơn so với ở lớp Một.
Lớp Ba – sống đồng thuận trong gia đình: mục tiêu của giáo dục Lối sống ở lớp Ba là giáo dục cách sống đồng thuận trong gia đình. Đó cũng chính là một cộng đồng, ở đó cùng lao động, cùng chia sẻ giá trị tinh thần, và nguyên tắc phát hiện – tháo ngòi xung đột được thể hiện một cách hết sức nhân bản.
Lớp Bốn – sống đồng thuận trong Tổ quốc và nội dung Lớp Năm – sống đồng thuận trong nhân loại là những nội dung nhóm Cánh Buồm chưa biên soạn xong vì nhiều nguyên nhân.
(d) Môn Lịch sử
Sách Lịch sử do nhóm Cánh Buồm biên soạn có đặc điểm là chỉ rõ ra những việc làm của học sinh khi các em học Lịch sử. Các giáo viên từ đây có thể căn cứ vào việc làm của học sinh đã cho sẵn trong sách giáo khoa để tổ chức các tiết học Lịch sử. Có bốn việc làm của học sinh khi học Lịch sử:
Việc 1: Tiếp nhận sử liệu: Sử liệu được tiếp nhận như là những “vật tự nó” đối với mọi người. Việc đọc, và nhất là đọc thầm, được dùng để học sinh tự làm việc này.
Việc 2: Nhập thân vào sử liệu: Công việc này sẽ tiến hành thuận lợi vì học sinh học Văn Cánh Buồm đều được luyện các thao tác tưởng tượng qua trò chơi đóng vai, qua kịch câm và kịch nói. Học sinh sẽ vào vai các nhân vật lịch sử trong những bối cảnh có kịch tính.
Việc 3: Bài học lịch sử của em: Phải có những bài tập để học sinh tự rút ra bài học lịch sử chứ không chép những kết luận do giáo viên hoặc sách đưa ra. Ví dụ: Em đi thăm đền thờ Hai Bà Trưng ở Hạ Lôi, em khấn Hai Bà một điều gì, em ghi lời khấn đó vào vở…
Việc 4: Góc sưu tầm của em: Đây chính là phần tự học thêm, các tài liệu sưu tầm đi từ tranh ảnh, phim, cho đến những tư liệu nghiên cứu. Một khi học sinh ngay từ bậc tiểu học đã thích sưu tầm tư liệu lịch sử cho riêng mình, thì chắc chắn các em sẽ tiếp tục hứng thú và kỹ năng đó khi học lên cấp trên.
Sách của nhóm Cánh Buồm đặc biệt quan tâm đến tiếng cười của trẻ
Theo nhà giáo Phạm Toàn, trẻ em khi sinh ra, bản thân chúng không được lựa chọn hoàn cảnh ra đời và cả tương lai của chúng.
Chính vì vậy, người lớn cần phải biết trân trọng con trẻ, đừng biến chúng thành bậc thang để mình leo lên mà hãy để chúng phát triển tự nhiên. Chắc chắn rằng, phải có trẻ con thì mới có Hiệu trưởng, Bộ trưởng, Thủ tướng.
Trong khi hiện nay người lớn đang hành hạ trẻ em hết mức. Người lớn bắt con trẻ học giỏi nhưng không giúp chúng cách học như thế nào, trẻ em hiện nay hầu như không có tiếng cười thậm chí ngay trong chính lớp học, trong chính ngôi nhà của mình.
Lò giáo dục sẽ biến trẻ thành học trò giỏi nhưng không có tuổi thơ, thành người thành đạt nhưng không có hạnh phúc. (Ảnh: Thùy Linh) |
Vậy việc quan trọng nhất mà người lớn cần làm đó là tìm cách học cho trẻ và kèm theo tiếng cười chứ đừng biến thành những lò giáo dục mà học sinh khi vào thì tươi tắn khỏe mạnh đến khi bước ra thì nhợt nhạt, đau khổ.
Bởi lẽ, lò giáo dục sẽ biến trẻ thành học trò giỏi nhưng không có tuổi thơ, thành người thành đạt nhưng không có hạnh phúc.
Tại buổi trao đổi, GS Phạm Khiêm Ích cho rằng, con người là một sinh vật tò mò đặc biệt là trẻ con cái gì cũng hỏi, hỏi liên tục. lúc nhỏ thì hỏi đó là cái gì?
Lớn dần thì đặt câu hỏi “tại sao” và càng lớn thì câu hỏi “làm thế nào” lại được hình thành. Cho nên, bắt buộc người lớn phải dạy trẻ một cách đúng đắn nếu không sẽ dẫn trẻ vào tử lộ.
Muốn có sự thay đổi này thì những người làm công tác giáo dục cần thay đổi định nghĩa của mình. Đừng dạy trẻ thành người "quân tử" nhưng vô dụng, đừng dạy trẻ thành người "thành đạt" nhưng mắc chứng bệnh vô cảm và đừng dạy trẻ thành người “thánh thiện” nhưng vô ích. Bởi những điều này không xứng đáng với con người sống một cuộc đời tự nhiên.
Đồng tình với quan điểm này, TS Mạc Văn Trang cho rằng hãy để nhu cầu tự nhiên của trẻ được thực hiện đúng, được hướng dẫn theo quy trình.
Hiện nay, các bậc phụ huynh cứ sốt xình xịch về việc học của con. Cô giáo dạy ở trường, bố mẹ dạy ở nhà, ấy thế mà vẫn bắt con trẻ đi học thêm. Chính điều này đã gây nên tình trạng rối loạn trí tuệ của chúng. Chỉ có khả năng tự học, tự tìm kiếm mới khiến trẻ ham học.
Trong khi đó GS Nguyễn Đình Cống – Nguyên giảng viên Đại học Xây Dựng cho rằng: “Người lớn không nên dạy trẻ phải hơn bạn này, bạn kia mà phải dạy trẻ biết vượt qua chính mình và hơn bản thân.
Để có một trẻ con tốt thì phải có người bố tốt, vì vậy chúng ta nên đào tạo người lớn tốt cái đã rồi hãy dạy trẻ con học theo. Chính vì vậy, chúng ta muốn có một thế hệ trẻ giỏi thì chúng ta phải có một đội ngũ nhà giáo giỏi…”.
Kết thúc buổi sinh hoạt, nhà giáo Phạm Toàn khẳng định lại một lần nữa, tầm nhìn của nhóm Cánh Buồm định hướng TỰ HỌC là năng lực sống mà nhà sư phạm phải dùng cả hai tay để dâng lên thanh thiếu niên Việt Nam.
Nhà giáo Phạm Toàn tha thiết: "Tôi hy vọng tôi còn được sống đủ để viết nốt bộ sách giáo khoa của tám năm phổ thông. Nhưng tôi phải giả định là tôi không sống được nhiều nữa nên bây giờ tôi hy vọng và tin tưởng vào những người tiếp nối.
Cái khó nhất là phải dạy lại người lớn. Để cải cách giáo dục thì phải cải tạo chính người lớn: người làm chính sách, người làm sư phạm, người soạn sách, người đứng lớp".