Lòng yêu nước trong “Tâm hồn cao thượng”

18/03/2017 07:17
Nguyễn Thị Lan Hương
(GDVN) - Khi nào những giá trị cơ bản của một con người được chú trọng trong giáo dục và trong xã hội thì chúng ta có niềm tin vào sự tiến bộ của xã hội đó.

LTS: Nhân dịp Trí Việt tổ chức tái bản cuốn sách “Tâm hồn cao thượng” của Edmondo De Amicis và tổ chức hành trình “Người Việt và Tâm hồn cao thượng”, tác giả Nguyễn Thị Lan Hương chia sẻ đôi điều về cuốn sách.

Từ đó, tác giả cho rằng việc giáo dục con trẻ về lòng yêu nước về lịch sử đất nước không phải cái gì quá to tát mà bằng những điều giản dị về sự tử tế trong cuộc sống hàng ngày.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!

Công ty Trí Việt tổ chức tái bản cuốn sách “Tâm hồn cao thượng” của Edmondo De Amicis và tổ chức hành trình “Người Việt và Tâm hồn cao thượng” để mọi người cùng đọc, chia sẻ và bình luận cách đưa những nguyên lý răn dạy con trẻ rất thiết thực của Edmondo vào cuộc sống của học sinh Việt Nam [1].  

Ông Nguyễn Văn Phước (ngoài cùng bên trái)- Chủ tịch Trí Việt First News tặng sách cho các nghệ sĩ.
Ông Nguyễn Văn Phước (ngoài cùng bên trái)- Chủ tịch Trí Việt First News tặng sách cho các nghệ sĩ.

Trong lòng tôi mừng lắm, bởi tôi tin một điều là, khi nào những giá trị cơ bản của một con người được chú trọng trong giáo dục và trong xã hội, thì chúng ta có niềm tin vào sự tiến bộ của xã hội đó.

Cuốn sách này là một trong 15 cuốn sách đi cùng với gia đình tôi sang Mỹ. Cuốn sách tôi đọc suốt tuổi thơ những năm 80, con tôi đọc những năm 2000, nhưng chúng tôi luôn yêu quý và giữ gìn cuốn sách như một tài sản của mình.

Trong bài viết này, tôi muốn chia sẻ những cảm nhận về cách dạy tình yêu đất nước với con trẻ, một điều quan trọng nhất của mọi quốc gia, hi vọng sẽ giúp ích phần nào cho định hướng phương pháp dạy học trong thời gian tới.

Khi tôi lần đầu đọc cuốn truyện này, sách ố vàng và chữ đen sì có thể cậy được than đen.  

Nhưng câu chuyện đã khơi gợi nhiều điều tốt đẹp trong tâm hồn trẻ thơ trong tôi đến độ tôi không thể dừng được những giọt nước mắt chảy dài trong suốt thời gian đọc.  

Tôi đã đọc đi đọc lại cuốn truyện và nhận ra được tác giả đã dạy con trẻ về tình yêu đất nước thông qua những câu chuyện rất ngắn, rất thật và đầy tình người.  

Trong cả cuốn truyện, lòng yêu nước được thể hiện dưới 3 góc độ:

1. Lòng yêu nước được xuất phát từ yêu thương cha mẹ, anh chị em, bạn bè, thầy cô giáo… và luôn sống thật thà, không hèn nhát, biết giúp đỡ mọi người xung quanh

Lòng yêu nước trong “Tâm hồn cao thượng” ảnh 2

Hành trình “Người Việt và Tâm hồn cao thượng” bắt đầu

Edmondo đã đưa những ví dụ rất gần với con trẻ, yêu nước là thật thà, vì chỉ có những con người dũng cảm, dám đối mặt với sự thật khi còn nhỏ thì khi lớn, mới không thể là người hèn nhát.  

Trong câu chuyện, vào đầu năm học, cha của nhân vật đã viết thư cho con mình với “hình ảnh các em bé đi đến trường học như một đạo quân lớn, để khuyên con mình “Đừng bao giờ là một người lính nhát gan”.  

Edmondo quan niệm rằng lười biếng cũng là hèn nhát, vì thiếu chí khí, thiếu quyết tâm trong bổn phận học tập
” [2]

Khi đọc những bức thư mà cha mẹ gửi cho con, động viên con học hành và thể hiện tình yêu thương không điều kiện với con mình, điều tôi tự hỏi mình, làm sao đứa con đó lại không yêu thương cha mẹ, yêu thương đất nước mình được?  

Đất nước, Tổ quốc là gì, nếu không phải là cha mẹ, là mái nhà, là những góc phố tuổi thơ, là tình yêu vô bờ bến của những người xung quanh mình đối với các em nhỏ? 

Vậy, có là khó quá khi chúng ta phải dạy môn Giáo dục công dân nữa hay không? 

Hay chúng ta có thể “nhân bản” hóa môn học qua những câu chuyện về con người, về cha mẹ và tình yêu quê hương đất nước, thông qua những ví dụ gần gũi mà Edmondo đã kể cho cả thế giới hơn một thế kỷ trước? 

2. Lòng yêu nước là một bổn phận, và được xây dựng từ tình yêu với những điều đúng đắn, từ những câu chuyện và con người anh hùng trong lịch sử đất nước.

Điều này bao gồm từ những hành vi nhỏ nhất, những bổn phận phải làm ở ngoài đường phố.

Lòng yêu nước trong “Tâm hồn cao thượng” ảnh 3

Giáo dục tạo nên sự trưởng thành về tư duy của thanh thiếu niên


Khi còn nhỏ, mỗi đứa trẻ được yêu thương, được chăm sóc, tự khắc, cũng có những tình thương yêu tương tự với cha mẹ và mọi người xung quanh.  

Điều cơ bản trong tình yêu thương con trẻ đó là việc cần được yêu thương một cách đúng đắn, từ những điều đúng đắn, và hầu như trong mọi trường hợp, nó cần có những anh hùng, những ví dụ cụ thể để noi theo. 

Với đứa trẻ, hầu hết cha mẹ chính là những anh hùng, là những ví dụ mà con trẻ học hàng ngày, rồi sau đó là đến học ở thầy cô, bạn bè cùng lớp.  

Trong một bức thư gửi con mình, cha của nhân vật trong “Tâm hồn cao thượng” có hỏi con trai “Tại sao con yêu đất nước của con?”.

Và ông đã lý giải rằng, “Vì con yêu thành phố quê hương của con” và xác định cho con mình “những bổn phận phải làm ở ngoài đường phố” [3].  

Người cha đã chỉ cho con mình biết việc tỏ ra có giáo dục ở nơi công cộng là tôn trọng quê hương mình: 

Trình độ giáo dục của một dân tộc có thể đánh giá qua thái độ của con người trên đường phố.

Ở đâu mà thấy cảnh thô lỗ diễn ra ngoài đường phố thì có thể chắn chắn là sẽ thấy cảnh thô lỗ diễn ra trong các gia đình vậy” [3].

Những bổn phận ngoài đường phố không chỉ dừng lại ở hành xử có giáo dục, mà Edmondo còn hướng dẫn cho con trẻ việc “Đừng quen thói dửng dưng đi qua trước người nghèo khổ, phải biết giúp đỡ cụ già không nơi nương tựa, bà mẹ không có bánh ăn, đứa bé đang đói, đứa con mất mẹ, và nhắc rằng đó là những đức hạnh không thể bỏ qua” [3].

Lòng yêu nước trong “Tâm hồn cao thượng” ảnh 4

Yêu thương học trò – Câu chuyện của nhân bản và triết lý giáo dục

Ôi, thật giản dị và vĩ đại nhường nào cho những ông bố và bà mẹ đã nuôi dạy được con cái theo những chỉ dấu đạo đức làm người! 

Khi tôi và con đi trên đường Sài Gòn những năm tháng 2000, đối mặt với những người phụ nữ và trẻ em không nhà cửa, lang thang đi ăn xin, tôi luôn phân vân giữa việc giúp đỡ họ chút ít để cầm cự trước cơn đói và tinh thần cảnh giác vì sợ “mình bị lừa” và tiếp tay cho những người lạm dụng trẻ em đi ăn xin.  

Nhưng chính con tôi đã là một tấm gương dạy tôi về tình thương yêu con người, khi cháu tự lấy tiền của mình ra cho mẹ con những người ngồi ở góc phố.  

Khi được hỏi là sao con không ngại nếu mình bị “lừa đảo”, cháu đã nói với tôi thế này:

Mẹ ơi, con đã nhìn thấy cảnh họ khổ, con giúp họ được đôi chút, và dù có thể con bị lừa khi giúp họ, nhưng ít nhất, con biết là con đã làm điều con cần làm”.

Lòng yêu nước có gì lớn hơn chính là tấm lòng yêu thương người khác, ngoài bản thân mình và gia đình mình? 

Làm sao có thể kêu gọi lòng yêu nước khi chúng ta không thể dám tin, dám thương những đồng bào của mình, nhất là khi họ đang ở trong những đau khổ cùng cực? 

Nếu nhìn điều này rộng ra, con trẻ được dạy và thấu hiểu lòng yêu thương con người như vậy, khi lớn, chắc chắn sẽ không dám làm bất kỳ điều gì xấu cho mình, cho gia đình và cho nhân dân mà họ đang phụng sự. 

Và có lẽ, hóa ra, người cần phải học về lòng yêu nước để phụng sự nhân dân và đất nước mình có lẽ lại chính là người lớn, và là chính chúng ta cần học từ con trẻ!

3. Lòng yêu nước là yêu bình đẳng, yêu tất cả mọi người xung quanh mình bất kể họ xuất phát từ đâu, có nguồn gốc nào, và đặc biệt phải biết yêu thương và trân quý những người lính, những người con vĩ đại đã cống hiến thân mình để bảo vệ Tổ Quốc

Trong “Tâm hồn cao thượng”, lòng yêu nước đã được mô tả qua hai câu chuyện được đọc hàng tháng.  

Đó là câu chuyện “Cậu bé đánh trống người Xacđênha”, trong trận chiếu đấu bị trúng đạn nhưng vẫn cố làm tròn nhiệm vụ nên đã phải cưa chân, và trên bàn mổ, em không hề kêu một tiếng.

Lòng yêu nước trong “Tâm hồn cao thượng” ảnh 5

Ba câu chuyện bàn về sự tử tế trong giáo dục của Mỹ hôm nay

Và đó là câu chuyện “Cậu bé trinh sát người Lômba”, chẳng ở trong quân đội, nhưng đã hy sinh tính mạng trong khi đi do thám tình hình địch cho nghĩa quân.  

Hình ảnh em nhỏ bé được cuốn trong lá cờ ba màu của Tổ quốc, nét mặt mỉm cười, sung sướng và tự hào vì đã dâng hiến đời mình cho xứ sở Lômbacđia thân yêu của mình” [4]. 

Có hình ảnh nào đẹp hơn khi nhìn thấy những người con anh hùng, đã sống và đã chết vì quê hương, vì đất nước mình như Edmondo đang kể cho các em nhỏ như trên? 

Yêu nước là yêu những con người tận tụy hy sinh và cống hiến cho đất nước.  
Tất cả những người lính, dù bất kể hoàn cảnh nào, họ đã sống và hy sinh đời mình cho Tổ quốc, họ cần được tôn vinh, cần được xưng danh tôn trọng.  

Việc thể hiện tình yêu thương, tôn vinh người lính, có những chính sách đãi ngộ họ và gia đình họ, trong bất kỳ giai đoạn nào của lịch sử giữ nước và bảo vệ đất nước, cũng là cần thiết và hợp đạo lý yêu nước.

Khi tôi có dịp tham dự một đám tang của cựu quân nhân Mỹ, mặc dù ông đã rời khỏi quân ngũ rất lâu, những nghi thức của quân đội dành cho ông vẫn đầy sự trang trọng.  

Quốc kỳ Mỹ được quấn quanh quan tài, đại diện quân đội bắn súng chào tiễn đưa người con nước Mỹ, và hơn hết, dòng chữ “Trách nhiệm - Danh dự và Tổ quốc” (“Duty – Honor – Country”) được gắn trên quan tài của người lính.  

Đến lúc chết, người lính cũng không hề quên bổn phận của mình với đất nước! 

Đất nước chúng ta còn nhiều khó khăn, nhưng chúng ta cũng không quên, và không bao giờ quên những công lao của những người con đất Việt đã ngã xuống để bảo vệ đất nước, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ.  

Những câu chuyện về những người con anh hùng, về lịch sử Việt Nam sẽ không thể và không nên làm cho con trẻ thấy nhàm chán khi học.  

Tôi rất đau lòng khi đọc tin nói rằng Lịch sử là một trong những môn mà học sinh không thích học nhất!

Làm sao có thể nói đến yêu nước, khi con trẻ không biết và không hiểu rõ lịch sử đất nước?  

Đây không phải lỗi của thế hệ trẻ. Đây là lỗi của người lớn, của chúng ta, khi không thể truyền tải ý nghĩa của lịch sử đến với thế hệ sau. 

Lòng yêu nước, xin đừng biến nó thành một khẩu hiệu xa xôi, mà hãy đưa vào trái tim thơ ngây của con trẻ về tình người, về những đức tính tốt đẹp như thật thà, dũng cảm, yêu thương, bao dung.  

Điều này không hề xa lạ với người Việt chúng ta, vì ông cha ta cũng từ ngàn năm, dạy con mình những triết lý sống tốt đẹp như:

Bầu ơi, thương lấy bí cùng.Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”, hay như “Chị ngã, em nâng”, và như với cha mẹ “Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”…

Thật thú vị dù là ai, ở quốc gia nào, họ đều kêu gọi về tinh thần yêu nước của nhân dân mình, họ đều nhắc đến “Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho bạn, mà hãy hỏi bạn đã làm gì cho Tổ quốc” [5].

Lòng yêu nước không phân biệt tuổi tác, màu da, dân tộc. Và chỉ có lòng yêu nước mới làm cho dân tộc vững mạnh và trường tồn.  

Hãy giúp con trẻ hiểu và yêu nước, từ những câu chuyện của “Tâm hồn cao thượng”.

Tài liệu tham khảo:

[1] http://tuoitre.vn/tin/van-hoa-giai-tri/20170228/hanh-trinh-nguoi-viet-va-tam-hon-cao-thuong-da-bat-dau/1272317.html

[2] Trích dẫn trang 11, Những Tấm lòng cao cả, Người dịch Hoàng Thiếu Sơn, NXB Văn học 2006

[3] Trích dẫn trang 12-13, Những Tấm lòng cao cả, Người dịch Hoàng Thiếu Sơn, NXB Văn học 2006

[4] Trích dẫn trang 13-14, Những Tấm lòng cao cả, Người dịch Hoàng Thiếu Sơn, NXB Văn học 2006

[5] https://vi.wikiquote.org/wiki/John_F._Kennedy

Nguyễn Thị Lan Hương