Cô thầy làm việc quá tải, nỗi lòng của người trong cuộc

17/11/2015 06:47
Nguyễn Hưởng
(GDVN) - Trong tâm thức người Việt bao đời nay cho rằng nghề giáo là một nghề nhàn nhã nhưng thực tế không chắc đã vậy, nhất là nhìn vào những năm gần đây...

LTS: Qúy độc giả đang theo dõi bài viết của thầy Nguyễn Hưởng, đến từ Kiên Giang đưa ra lý do khiến giáo viên Việt Nam đang phải làm việc quá tải. 

Hướng tới kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tác giả mong muốn ngành giáo dục cần có những chấn chỉnh phù hợp và tìm giải pháp tháo gỡ để công việc của các thầy cô đỡ vất vả. 

Tòa soạn trân trọng gửi tới độc giả bài viết. 


Ngày 06 tháng 11 năm 2015, chữ “quá tải” trên Google có 7.650.000 kết quả (0.22 giây)! 

Có lẽ ai cũng biết “quá tải là quá định mức cho phép để một đối tượng hoạt động bình thường và sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng”: điện quá tải gây cháy nổ, xe quá tải gây tai nạn, học quá tải khiến trẻ mụ mẫm, làm việc quá tải thì hao phí trí lực mà lại tạo ra sản phẩm tồi. 

Bài viết này mong muốn xác định nguyên nhân khiến giáo viên làm việc quá tải và tìm giải pháp tháo gỡ.

Cô thầy làm việc quá tải, nỗi lòng của người trong cuộc ảnh 1
Tại sao giáo viên làm việc quá tải? (Ảnh: tuoitre.vn)

Trong tâm thức người Việt bao đời nay cho rằng nghề giáo là một nghề nhàn nhã. Thực ra để có được vốn kiến thức và kỹ năng đáp ứng đòi hỏi đa dạng của học sinh, thì một nhà giáo phải đọc và nghiền ngẫm thật nhiều như một học giả. 

Họ làm việc nhiều nhưng không thấy mồ hôi đẫm áo: nhàn là thế! Nhắc tới chữ học giả, tôi chợt nhớ rằng người Hy Lạp xưa cũng định nghĩa “học giả là người có cuộc sống an nhàn (scholastes: one who lives at ease)”. 

Thế rồi khoảng thập niên 80 đất nước định hướng công nghiệp hóa, y khoa và bách khoa trở thành nam châm thu hút tinh hoa (theo tư duy giáo dục Việt Nam thời đó), sư phạm là lựa chọn cuối cùng. 

Nghĩ rằng giáo viên không đủ năng lực tự thân thực hiện nhiệm vụ, các nhà lãnh đạo hướng đến giải pháp “bắt tay chỉ việc”, nghĩa là tạo sẵn thao tác giáo dục chi tiết để giáo viên cứ theo đó mà làm. 

Không có đủ lãnh đạo để bắt tay chỉ việc cho hết thảy giáo viên, thế là kiếp nạn hồ sơ sổ sách tràn lan xuất hiện. Sợ trái ý cấp trên, lãnh đạo cơ sở buộc giáo viên làm theo từng chữ văn bản chỉ đạo. 

Mỗi khi có thanh tra thì giáo viên vất vả chỉnh chu hồ sơ sổ sách, nhiều giáo án đẹp đến độ như “lộng kiếng” từng trang. Giáo viên bị cuốn vào đó.

Để thúc đẩy thực hiện một tư tưởng chỉ đạo tất phải có phong trào thi đua. Vậy tại sao những cuộc thi phong trào không đem lại hiệu quả mà ngược lại, trở thành gánh nặng cho giáo viên? 

Cô thầy làm việc quá tải, nỗi lòng của người trong cuộc ảnh 2

Bỏ chấm điểm tiểu học, giáo viên quá tải là đúng nhưng là do cấp quản lý

(GDVN) - Đúng ở đây không phải là vì Thông tư 30 gây áp lực cho giáo viên, mà bởi sự chỉ đạo của các nhà quản lí ở địa phương từ Sở giáo dục về đến Phòng giáo dục...

Bản thân tin rằng những cuộc thi phong trào chất lượng có càng nhiều càng tốt. Cơ quan quản lý như một siêu thị cần đủ mặt hàng, còn các cơ sở giáo dục là người mua hàng.

Siêu thị phải làm khâu nghiên cứu thị trường để chọn đúng mặt hàng cần bán. Khách hàng phải biết chọn mặt hàng cần thiết cho mình.

Cần phải thấy rằng một số cuộc thi không phải mang tính chất phong trào.

Bản chất của một cuộc thi phong trào là giáo dục, là nhằm kích thích cho một mặt yếu nào đó trở nên mạnh, và đối tượng còn yếu mặt nào thì cần phải tham gia mặt đó. 

Lãnh đạo cơ sở thường nghĩ ngược lại: Tập trung đầu tư mặt mạnh để lấy giải, còn mặt yếu thì tham gia đối phó. 

Cuối cùng, không như mong muốn của lãnh đạo cấp trên là khuyến khích đối tượng còn yếu tham gia, các cơ sở tham gia 100% các cuộc thi, bất chấp quá tải. Giáo viên bị cuốn vào đó.

Từ hai nguyên nhân cơ bản trên, bản thân xin đề nghị hai hướng giải pháp sau đây:

1. Tạo điều kiện để giáo viên thực hiện được tư tưởng chỉ đạo“mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”.

Chúng ta biết rằng, để có một tiết dạy tốt giáo viên phải bỏ ra 3 tiết: 1 tiết chuẩn bị, 1 tiết thực dạy và 1 tiết rút kinh nghiệm sau khi dạy. 

Cô thầy làm việc quá tải, nỗi lòng của người trong cuộc ảnh 3

Thông tư 30: “Giáo viên quá tải, Học sinh lười học” đã thỏa đáng chưa?

(GDVN) - “Hầu hết giáo viên và phụ huynh học sinh cho biết từ ngày áp dụng Thông tư 30, con em họ lười học hẳn đi”, căn cứ nào để đưa ra nhận xét như vậy?

Một giáo viên trung học phổ thông dạy 17 tiết x 3 x 45 phút = 38 giờ, thêm 2 giờ sinh hoạt chuyên môn, như thế một tuần làm việc 40 giờ. 

Xin đừng nghĩ giáo viên có cuộc sống an nhàn, mà hiểu rằng chính những thời khắc tĩnh lặng đó mới nảy sinh sáng tạo.

Lãnh đạo nhà trường cần nhìn thoáng hơn về hồ sơ sổ sách, vì máy móc và áp đặt sẽ giết chết sự sáng tạo; lấy việc dự giờ trên lớp và tiếp xúc học sinh làm trọng tâm quản lý quá trình dạy học, lấy sự tôn trọng lẫn nhau làm phương châm lãnh đạo. Giáo viên và lãnh đạo ngành giáo dục là đồng nghiệp.

2. Các cấp Sở, Phòng cần rà soát đánh giá, lập danh sách những cuộc thi trong các phong trào thi đua, nêu đầy đủ mục đích, yêu cầu, kế hoạch thời gian thực hiện gửi các trường học.

Điều cốt yếu là yêu cầu lãnh đạo cơ sở xác định rõ phải tham gia những cuộc thi phong trào nào mà cơ sở còn yếu, bắt buộc tham gia bao nhiêu phần trăm các cuộc thi trong danh sách, không được tham gia nhiều hơn cũng như ít hơn các cuộc thi đã được xác định. 

Cuộc thi thường phải có giải thưởng để động viên người tham gia, nhưng không nên lấy thành tích đó làm tiêu chí thi đua giữa các cơ sở để tránh “bệnh thành tích”. 

Bản chất các cuộc thi phong trào không chú trọng thành tích mà nhằm động viên người tham gia, giá trị của nó nằm ở tiến trình chứ không phải kết quả. Tham gia đầy đủ các phong trào thi đua không có nghĩa là tham gia tất cả các cuộc thi.

Tóm lại, để tránh tình trạng giáo viên làm việc quá tải, các cấp lãnh đạo cần thay đổi cách nhìn đối với giáo viên và các phong trào thi đua.

Nguyễn Hưởng