Tay dù trắng, đẹp đời trong trắng...

15/11/2016 06:46
Hương Sư cư sĩ
(GDVN) - Đã gần nửa cuộc đời gắn với nghề dạy học, nhưng không hiểu sao, mỗi năm đến Ngày Nhà giáo Việt Nam, lòng tôi cứ man mác buồn.

LTS: Báo điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được bức tâm thư của một ông giáo già có bút danh Hương Sư cư sĩ chia sẻ cùng tòa soạn tâm tư, nỗi buồn sâu lắng của thầy trước ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11) sắp diễn ra. 

Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả. 

Tôi được đến trường khi cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn ác liệt nhất.

Sự sống con người cũng như việc học của lũ trẻ chúng tôi gần như diễn ra trong hầm hào dưới lòng đất suốt ngày đêm. 

Mặc dù luôn cận kề cái chết, nhưng chúng tôi vẫn chăm ngoan, học giỏi.

Ôi! Cái thời “mang mũ rơm đi học đường dài” sao mà thân thương, ngọt ngào đến vậy. 

Dạy dỗ chúng tôi là các thầy cô, già có, trẻ có nhưng một lòng vì con trẻ. Họ có thể không được học hành, đào tạo bài bản như bây giờ nhưng đạo đức, tấm lòng với học trò còn hơn cha mẹ. 

Mặc dù cuộc sống của thầy cô vô cùng thiếu thốn về vật chất nhưng vị thế xã hội của họ rất đặc biệt, rất được mọi người tôn trọng. 

Tôi nhớ vào giai đoạn cuối thập kỷ 60 đầu thập kỷ 70 của thế kỷ XX, các thầy cô dẫu có lương của nhà nước trả nhưng những người dân quê vì muốn con “hay chữ” nên tranh nhau nuôi thầy. 

Nhà tôi đông miệng ăn, nhân lực lao động ít nhưng cũng giành nuôi một thầy giáo cấp I, một ông giáo trẻ, mới tốt nghiệp sư phạm được bổ về dạy ở quê tôi. 

Nhà chật nhưng bố tôi vẫn bố trí cho thầy một chỗ ngủ tươm tất nhất và cách biệt với sinh hoạt của gia đình. 

Thầy quê ở thị trấn cùng huyện với tôi, mặc dù còn trẻ nhưng rất dân dã, luôn muốn được “ba cùng” với gia đình phụ huynh, song tuyệt đối, ông nội tôi và bố tôi không bao giờ để thầy xuống nhà ngang, xuống bếp. 

Mỗi năm đến Ngày Nhà giáo Việt Nam, lòng tôi cứ man mác buồn (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)
Mỗi năm đến Ngày Nhà giáo Việt Nam, lòng tôi cứ man mác buồn (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)

Lối thầy thường đi lại, bố tôi bắt con cái quét tước sạch sẽ, không cho ai phơi phóng tấm áo manh quần nào.
 
Đến bữa ăn, thầy được dọn một mâm riêng, chỉ mình thầy ngồi ăn, không ai được phép léng phéng tới gần. 

Thức ăn rất đạm bạc, canh rau khoai, rau muống luộc, thỉnh thoảng có đĩa trứng bác với nước cơm hoặc đĩa cá đồng nhưng bao giờ cũng được bày lên cái mâm đồng được đánh sáng bóng, cái mâm thường chỉ được dùng lúc giỗ chạp. 

Lúc thầy ăn, bố tôi thường bắt tôi hoặc em gái tôi đứng ở chỗ khuất ngó chừng, đợi khi thầy ăn xong là dọn mâm, lấy tăm, khăn lau và nước uống cho thầy dùng.

Tối đến, thầy chong ngọn đèn phòng không thắp bằng dầu hỏa ánh sáng le lói để  soạn bài; anh em chúng tôi cũng chung một ngọn đèn như thế ngồi học ở một góc khác. 

Tay dù trắng, đẹp đời trong trắng... ảnh 2

Với các thầy cô, đảo đã là nhà, học trò, nhân dân và chiến sĩ là gia đình lớn

(GDVN) - Ngày 11/11, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh gặp mặt 42 giáo viên tiêu biểu vùng biển đảo được tuyên dương trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô".

Thỉnh thoảng, bố tôi vào xem chúng tôi học và hỏi có điều gì chưa hiểu, bài tập nào không làm được.

Nếu có, bố tôi dắt anh em chúng tôi vào chỗ thầy làm việc để xin phép thầy cho chúng tôi hỏi bài. 

Mặc dù sống trong nhà với nhau đã thân thuộc, nhưng bao giờ bố tôi cũng bắt chúng tôi khoanh tay cúi chào và cứ giữ nguyên tư thế ấy mà hỏi thầy những điều chưa hiểu. 

Lúc đầu, thầy cũng tỏ ra rất ngại ngùng vì cái cung cách khách khí, lễ nghĩa đó, song về sau, thầy hiểu ra và quen dần. 

Thầy của chúng tôi cũng con nhà nghèo, mới ra trường lương thấp lại phải gửi tiền về quê nuôi em nên tư trang, quần áo cũng rất ít. 

Thầy chỉ có hai bộ sơ mi mặc thay đổi khi lên lớp, về nhà cởi ra treo lên cái mắc áo làm bằng tay tre, cẩn thận vuốt các nếp nhăn và mặc bộ đồ ngủ bằng vải nâu. 

Khi rỗi, thầy ra cuốc đất trồng rau, chăm sóc vườn. Chủ nhật, thầy cùng gia đình tôi ra ruộng tập cày cấy, be bờ, tát nước.

Thầy có dáng dấp con nhà nông nhưng nói năng rất nhỏ nhẹ, đi đứng khẽ khàng. Có một điều khiến tôi rất ngạc nhiên là suốt những năm thầy trọ ở nhà tôi, chưa bao giờ tôi thấy được việc đi tiểu tiện của thầy.  

Mặc dù thời đó, ở nông thôn việc tiểu tiện thì hết sức thoải mái, vườn rộng, tiện đâu xả đấy.

Về sau khi đã lớn khôn, học lên các cấp trên, các thầy cô cũng có người thế này, người thế khác, thậm chí có một số người có những hành vi, cách cư xử không được mô phạm nhưng hình ảnh người thầy thời tiểu học ở trọ nhà tôi vẫn luôn hiện lên trong tâm trí tôi. 

Bởi thế, khi tốt nghiệp phổ thông, thi vào đại học, tôi đã chọn thi vào đại học sư phạm, những mong nối được chí các thầy cô của mình để phục vụ thế hệ trẻ và được hưởng cái vinh quang của nghề nhà giáo mà người đi trước đã được hưởng.

Khốn nỗi, khi chúng tôi bước vào cổng trường đại học thì cũng là giai đoạn gian khổ nhất của đất nước, giai đoạn chót của thời bao cấp. 

Trường lớp tềnh toàng, chủ yếu là tranh tre, mái lá, cái ăn, cái ở như trại nuôi gia súc, gia cầm. Cơm canh “toàn quốc” với loại “bo bo” (mì hạt) vốn được nhập về để chăn nuôi, còn cả vỏ trấu. 

Cuộc sống của sinh viên vô cùng dặt dẹo, nhếch nhác. Cuộc sống của các thầy cô cũng chẳng hơn gì. Cơm chẳng đủ ăn, áo không đủ mặc, suốt ngày lo cái ăn và chất đốt, gặp bất cứ thứ gì có thể đốt cháy được là nhặt về đưa vào bếp. 

Thậm chí đến ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, một thầy giáo lão thành, rất được mọi người tôn kính về chuyên môn và nhân cách, đã hài hước phát biểu trước đồng nghiệp và sinh viên rằng: mỗi thầy cô giáo bây giờ không còn là tấm gương sáng nữa mà đang mờ dần trong khói bếp của đủ loại chất cháy!

Tuy nhiên sức mạnh của truyền thống tôn sư trọng đạo vẫn giúp thầy trò chúng tôi gắng gượng dạy và học một cách tương đối nghiêm túc và sống tử tế với  nhau.  

Ra trường, hầu hết sinh viên chúng tôi được phân công vào miền Nam dạy học. Trường lớp, điều kiện ăn ở có khá hơn nhưng vẫn chưa thoát khỏi vòng túng thiếu. 

Song dẫu thế nào thì chúng tôi vẫn giữ được tư cách, khuôn mẫu truyền thống trong ứng xử sư phạm, ít nhiều vẫn được xã hội tôn trọng. 

Tay dù trắng, đẹp đời trong trắng... ảnh 3

Người thầy đặc biệt!

(GDVN) - Dù sức khỏe thầy Phùng Phước Nguyên không tốt nhưng bao giờ thầy cũng rất đúng giờ, “cháy” hết mình trong các buổi lên lớp.

Bởi thế, được phân tem phiếu mua được hàng công nghệ phẩm như chiếc lốp xe đạp, cái đèn pin, dăm thước vải hay cây kim, cuộn chỉ, nếu không dùng đến cũng không dám ra chợ đen bán mà phải bán rẻ cho con buôn. 

Bấy giờ hoạt động buôn bán bị coi thường, thậm chí còn bị nhà nước cấm. Giấy rách phải giữ lấy lề, phải giữ tư cách người thầy!

Đến thời đổi mới, mở cửa, cuộc sống dễ thở dần. Ai cũng vui mừng, phấn khởi. Đặc biệt nhà giáo thì càng phấn khởi bởi “có thực mới vực được đạo”! Cuộc sống vật chất được nâng cao chắc là đạo học sẽ được hưng thịnh. 

Thế nhưng, qua một thời gian ngắn thì thấy hình như không phải thế. Học trò bỏ học ngày càng nhiều, giáo viên bỏ nghề không phải ít. 

Mặt trái của kinh tế thị trường thời sơ khai đã len lỏi những tiêu cực của nó vào cửa sổ học đường.

Dạy thêm, học thêm phát triển.

Các khoản thu ngày càng nhiều.

Thầy cô giáo không chỉ có nhiệm vụ giảng dạy mà còn phải làm cái việc rất phản cảm của nhân viên thuế vụ.

Đã có không ít trường hợp, trong giờ học, học sinh số nào đã nộp tiền xây dựng trường thì được ngồi bàn ghế đàng hoàng, số chưa nộp tiền thì phải quỳ, mặc dù bàn ghế mới được mua về chất đầy phòng kho.

Thầy không dạy mà chỉ đay nghiến học trò về việc chưa nộp tiền. 

Thầy cô có muốn làm thế đâu. Nhưng tỉnh, huyện, xã, ban giám hiệu giao chỉ tiêu và đốc thúc ráo riết. 

Cực chẳng đã mà phải làm thế vì không làm thế không xong! Hệ lụy của những việc làm đó thì khôn cùng. 

Tay dù trắng, đẹp đời trong trắng... ảnh 4

Là giáo viên sao lại hành xử như vậy?

(GDVN) - Đây là những hành động thể hiện sự xuống cấp về mặt đạo đức, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh người làm giáo dục.

Đã có những chuyện cười ra nước mắt. Trong giờ giải lao ở một trường THPT nọ, một nhóm học sinh gặp thầy giáo không chào.

Thầy chất vấn tại sao? Học trò điềm nhiên trả lời: Trong học phí cả rồi thầy ạ!

Chưa yên! Lại chỉnh lý sách giáo khoa, lại cải cách chương trình, lại áp dụng hết mô hình này đến mô hình khác của nước ngoài rồi lại thêm phổ cập, xóa mù, xây dựng trường chuẩn quốc gia hết giai đoạn này đến giai đoạn khác...

Hoạt động của ngành cứ rối bòng bong, thầy và trò giống đèn cù, bị xoay như chong chóng. Cực vậy nhưng lương thưởng chẳng ăn thua, hầu như không đủ sống. 

Thế là phải bò ra dạy thêm. Rồi vì mưu sinh mà xảy ra bao nhiêu là tiêu cực, nghề giáo luôn phải chịu áp lực của dư luận xã hội. 

Vị thế của “nghề vinh quang nhất trong những nghề vinh quang” bị hạ thấp dần. Đạo lý “tôn sư trọng đạo” ngày càng bấp bênh, nhợt nhạt. Cuộc sống tinh thần của nhà giáo ngày càng bế tắc trong mọi nẻo đường đời.

Tệ hại hơn, gần đây, trong học đường, ngoài xã hội xảy ra không ít chuyện đau lòng liên quan đến thầy trò.

Thầy cô hành hung học sinh; học sinh, phụ huynh đánh thầy cô; rồi tệ hơn, thầy hiếp dâm học trò, thầy đánh bạc, nghiện ma túy, cô giáo có những quan hệ xã hội bất chính, thậm chí là làm tiền. 

Nhà giáo dính vào tệ nạn xã hội ngày càng nhiều. Sự suy đồi đã đến mức, một ông hiệu trưởng như Sầm Đức Xương lại trở thành ma cô dắt gái cho những quan chức cỡ bự hư hỏng. [1], [2]. 

Tay dù trắng, đẹp đời trong trắng... ảnh 5

Những câu chuyện thật như đùa chỉ Hà Tĩnh mới có

(GDVN) - Có những chuyện đùa như thật nhưng cũng có những chuyện thật… như đùa. Đó là hai chuyện xảy ra gần đây ở Hà Tĩnh, khiến dư luận bất bình.

Chưa hết! Mặc dù Sầm Đức Xương và Nguyễn Trường Tô đã bị pháp luật hiện hành trừng phạt một cách đích đáng nhưng mới đây lại rộ lên thông tin về việc nhiều giáo viên mầm non, tiểu học tại Thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh bị lạm dụng điều động một cách trái phép để làm việc công nhưng thực chất là để tiếp khách, phục vụ cho mục đích vui chơi giải trí của quan chức tại địa phương này. 

Sự việc xảy ra ngay trước thời điểm chuẩn bị tổ chức lễ kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam năm 2016, khiến cho dư luận xã hội đang ngày một nóng lên, chắc chắn sẽ có ảnh hưởng không nhỏ đến sự tôn vinh của Đảng và Nhà nước đối với thầy cô giáo trong dịp này [3], [4]. 

Rõ ràng, đây là những biểu hiện mới nhất sự sa sút thảm hại của tinh thần “tôn sư trong đạo” và dĩ nhiên là sự suy đồi đáng báo động đỏ của đạo học!

Vì vậy, những năm gần đây, hễ đến ngày Nhà giáo Việt Nam, tôi lại càng buồn. Một nỗi buồn nặng trĩu bởi những sa sút đầy chua xót nói trên chứ không mang mang, man mác như xưa. 

Và mỗi lần như vậy, tôi lại nhớ đến những vần thơ tâm huyết của nhà giáo, GS.Phan Đình Diệu mừng thọ thầy giáo của mình là GS.Nguyễn Thúc Hào thượng thọ 80 tuổi năm nào để tự động viên:

Một tấm gương trong giữ vẹn tròn,

Sá bao công lội suối trèo non.

Tay dù trắng, đẹp đời trong trắng,

Lòng vẫn son, bền chí sắt son.

Từng trải nắng mưa, lo nghiệp lớn,

Giờ vui mây nước, mảnh tình con.

Đời còn sương bụi bao mờ tỏ,

Xin hãy long lanh ánh nguyệt tròn.


Tài liệu tham khảo

[1].     http://vnexpress.net/tin-tuc/phap-luat/cuu-hieu-truong-sam-duc-xuong-nhan-an-9-nam-tu-2198680.html 

[2].      http://www.tienphong.vn/xa-hoi/chu-tich-tinh-song-buong-tha-nhu-the-nao-505943.tpo

[3].     http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/dieu-dong-giao-vien-nu-di-tiep-khach-chuyen-binh-thuong-2016111110394565.htm

[4].     http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/ngay-20-11-ha-tinh-giai-thich-chuyen-dieu-giao-vien-tiep-ruou-cho-khach-339320.html

Hương Sư cư sĩ