Sáng 26/7, Bộ GD&ĐT tổ chức hội nghị tổng kết năm học 2015-2016, dự kiến phương hướng nhiệm vụ năm học 2016-2017 đối với giáo dục chuyên nghiệp.
Hội nghị được tổ chức trực tuyến tại 63 điểm cầu ở các tỉnh, thành phố. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga chủ trì hội nghị tại điểm cầu Hà Nội.
Tuyển sinh, phân luồng Trung cấp chuyên nghiệp tiếp tục gặp nhiều khó khăn
Theo báo cáo tổng kết, kết thúc năm học 2015-2016, cả nước có 482 cơ sở đào tạo Trung cấp chuyên nghiệp. Trong đó, trường Trung cấp chuyên nghiệp: 245 trường; trường cao đẳng đào tạo Trung cấp chuyên nghiệp: 183 trường; trường đại học đào tạo Trung cấp chuyên nghiệp: 27 trường; các cơ sở đào tạo Trung cấp chuyên nghiệp: 27 cơ sở.
Quy mô trung bình học sinh năm học 2015-2016 là 346.580 học sinh, giảm gần 60.310 học sinh so với năm học 2014-2015 (406.891 học sinh).
Cần đẩy mạnh công tác phân luồng, hướng nghiệp và đào tạo theo nhu cầu xã hội. |
Tại hội nghị, ông Phạm Như Nghệ - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chuyên nghiệp (Bộ GD&ĐT) cho biết, công tác tuyển sinh Trung cấp chuyên nghiệp tiếp tục gặp nhiều khó khăn hơn so với các năm học trước.
Số thí sinh nhập học vào các cơ sở đào tạo Trung cấp chuyên nghiệp trong năm 2015 là 143.135 học sinh, đạt 51% so với 280.640 tổng chỉ tiêu được xác định.
Nhiều cơ sở giáo dục có đào tạo Trung cấp chuyên nghiệp tuyển sinh không đủ chỉ tiêu, đặc biệt có hơn 20 cơ sở không tuyển được học sinh Trung cấp chuyên nghiệp trong năm 2015.
Bộ Giáo dục mong muốn được tiếp quản hệ thống giáo dục nghề(GDVN) - Chuyển phần lớn bộ máy, nhân sự của Tổng cục Dạy nghề thuộc Bộ Lao động Thương binh và Xã hội hiện nay về Bộ GD&ĐT. |
Bộ GD&ĐT cho biết, công tác tuyên truyền nhằm nâng cao hiệu quả tuyển sinh, phân luồng, hướng nghiệp đã được chú trọng bằng nhiều hình thức phong phú, linh hoạt; công tác phân luồng đã cho thấy dấu hiệu tốt (số thí sinh tốt nghiệp THCS vào học Trung cấp chuyên nghiệp là 30.907 học sinh, chiếm 22%, tăng hơn 10.000 so với năm 2014).
Tuy nhiên, nhìn chung, công tác phân luồng học sinh sau THCS vào học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa được chú trọng đúng mức; thiếu các chính sách, cơ chế và thiếu sự phối hợp tốt giữa các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp ở trung ương và địa phương để khuyến khích người học tốt nghiệp THCS vào học ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nên kết quả tuyển sinh, phân luồng, hướng nghiệp còn rất hạn chế.
Đại diện nhiều địa phương đều có những trăn trở về công tác phân luồng, hướng nghiệp và tuyển sinh Trung cấp chuyên nghiệp.
Ông Vũ Văn Trà - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng cho rằng: Nếu có chỉ đạo thống nhất từ Bộ GD&ĐT, thực hiện điều tiết ngay từ chỉ tiêu vào THPT và chỉ tiêu vào Đại học, Cao đẳng sẽ thực hiện được phân luồng và tránh lãng phí trong đào tạo.
Bên cạnh đó, đại diện Sở GD&ĐT Đà Nẵng đề nghị cần kiên quyết thực hiện đến năm 2017, các trường Đại học không đào tạo Trung cấp chuyên nghiệp, tiến tới dần giảm chỉ tiêu đào tạo Trung cấp chuyên nghiệp ở trường Cao đẳng.
Hướng đi nào cho giáo dục chuyên nghiệp?
Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga khẳng định: Quan điểm của Bộ GD&ĐT luôn coi giáo dục chuyên nghiệp là cấp bậc học rất quan trọng trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Kiến nghị giao Bộ Giáo dục quản lí đào tạo nghề nghiệp(GDVN) - Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam vừa có ý kiến gửi Thủ tướng Chính phủ về kiến nghị liên quan tới quản lí Giáo dục nghề nghiệp. |
Để nâng cao chất lượng giáo dục chuyên nghiệp, Thứ trưởng nhấn mạnh cần phải cập nhật chương trình, đổi mới phương pháp giảng dạy phù hợp và tiếp tục mở rộng, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp nhằm tranh thủ các nguồn lực đầu tư, tăng cường hợp tác, trao đổi kinh nghiệm với các nước để nâng cao chất lượng đào tạo các trình độ phù hợp với khu vực và quốc tế.
Ngoài ra, sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường với doanh nghiệp, người sử dụng lao động là không thể thiếu trong đào tạo Trung cấp chuyên nghiệp.
Về vấn đề phân luồng, theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, điều quan trọng nhất vẫn là thực hiện quy hoạch toàn hệ thống, cả giáo dục phổ thông và giáo dục đại học. Cần đẩy mạnh công tác phân luồng, hướng nghiệp và đào tạo theo nhu cầu xã hội.
Song song với việc phân luồng học sinh vào các chương trình để lấy bằng trung cấp thì cần tập trung mở các khóa đào tạo kỹ năng gắn với việc làm và thu nhập.
Liên quan đến đổi mới hệ thống giáo dục chuyên nghiệp, theo Thứ trưởng, hiện nay, khi xây dựng khung trình độ quốc gia, chúng ta sẽ bàn lại cơ cấu hệ thống, để làm sao hệ thống Trung cấp chuyên nghiệp phát triển và đào tạo đúng lực lượng lao động có kỹ năng theo nhu cầu sử dụng lao động hiện nay. Khi đó, tên bằng cấp không mang nhiều nội hàm về ý nghĩa giá trị.