Nếu Hà Nội chọn thi tổ hợp để tuyển sinh vào 10 thì cần làm những việc sau đây!

16/08/2018 06:21
Thùy Linh
(GDVN) - Khi lựa chọn phương án thi tuyển sinh này, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cần sớm đưa ra một số đề thi tổ hợp để học sinh, phụ huynh nắm được.

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học 2018-2019 cấp trung học cơ sở do Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tổ chức, ông Phạm Quốc Toản - Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định Chất lượng Giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết, đơn vị này đã xây dựng dự thảo 3 phương án tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2019-2020.

Phương án thứ nhất, học sinh sẽ thi 4 bài độc lập gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ; bài thi còn lại thuộc một trong các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục Công dân. Bài thi thứ tư do Sở GDĐT Hà Nội công bố vào cuối tháng ba hằng năm.

Phương án thứ hai sẽ giữ nguyên phương án tuyển sinh năm học 2018-2019, tức là tổ chức thi tuyển kết hợp xét tuyển (thi hai môn Văn và Toán). 

Phương án thứ ba
, học sinh làm 3 bài thi, gồm 2 bài độc lập là Toán, Ngữ văn và một bài tổ hợp.

Trong đó, tổ hợp một gồm 4 môn: Ngoại ngữ, Vật lý, Lịch sử và Giáo dục Công dân; tổ hợp hai gồm 4 môn: Ngoại ngữ, Địa lý, Hóa học và Sinh học.

Với phương án này, thực chất học sinh sẽ thi 6 môn.

Thông tin này nhanh chóng nhận được sự quan tâm của những người làm công tác giáo dục, đặc biệt là những phụ huynh sắp có con thi chuyển cấp lên lớp 10.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, khi lựa chọn phương án thi tuyển sinh có bài thi tổ hợp, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cần sớm đưa ra một số đề thi tổ hợp để học sinh, phụ huynh nắm được. (Ảnh minh họa: Báo Hà Nội mới)
Theo Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, khi lựa chọn phương án thi tuyển sinh có bài thi tổ hợp, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cần sớm đưa ra một số đề thi tổ hợp để học sinh, phụ huynh nắm được. (Ảnh minh họa: Báo Hà Nội mới)

Chia sẻ với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội đồng giáo dục trường Trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) nhận định:

“Hiện nay do tỷ lệ đỗ tốt nghiệp trung học phổ thông cao, nhiều người cho rằng nên bỏ kỳ thi này. 

Quan điểm của tôi là có học thì phải có thi, như vậy mới có kết quả. Không những kiểm tra hằng ngày, hằng tháng, mà sau hết một cấp học cũng phải có thi và đánh giá kiến thức học sinh tích lũy được.

Và có tác dụng định hướng cho việc dạy và học nhằm đảm bảo trình độ đồng đều cho học sinh ở các vùng miền, khu vực trên cả nước. 

Nhưng hiện nay, việc học của chúng ta vì điểm số chứ chưa quan tâm đúng mức đến việc phát triển bản thân con người trong khi đó chương trình giáo dục phổ thông mới đặc biệt chú trọng đến phẩm chất, năng lực. 

Chính vì vậy, điều quan trọng lúc này là phụ huynh và thầy cô cần làm sao để đưa việc học trở thành tự giác, chủ động cho học sinh”. 

Nếu Hà Nội chọn thi tổ hợp để tuyển sinh vào 10 thì cần làm những việc sau đây! ảnh 2Nghiêm cấm ép buộc, vận động học sinh không thi lớp 10

Nhìn lại nhiều năm qua học sinh trung học cơ sở không thi tốt nghiệp và chỉ chăm chú học 2 môn Văn và Toán để thi tuyển sinh vào lớp 10, thầy Lâm cho rằng, các môn còn lại (trừ Văn, Toán) các em bỏ bê, thậm chí chỉ học đối phó còn giáo viên vì bệnh thành tích mà vẫn phải cho học sinh điểm cao. 

Điều này là nguy hiểm, chương trình đào tạo con người toàn diện của chúng ta sẽ bằng 0.

Do đó, khi Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đưa ra 3 phương án tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2019-2020 để lấy ý kiến, thầy Lâm nghiêng về phương án thứ ba là thi thêm bài thi tổ hợp. 

Mục đích của thi tổ hợp là thầy và trò đều phải học, từ lớp 6 cho đến lớp 9, học đều các môn để bước vào kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. 

Tuy nhiên, với phương án này nhiều phụ huynh e ngại rằng con cái họ phải học quá nhiều, áp lực nặng do đó, thầy Lâm kiến nghị:

Khi lựa chọn cách tuyển sinh này thì Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cần sớm đưa ra một số đề thi tổ hợp để học sinh, phụ huynh thấy rằng đề thi không đòi hỏi học sinh phải học thuộc lòng hay cần phải đi học thêm mà quan trọng là rèn cách tư duy buộc các em phải có thói quen tự học. 

Cũng theo thầy Lâm, nếu chỉ chăm chú thi Văn, Toán như cách tuyển sinh vào lớp 10 hiện nay sẽ không đáp ứng được yêu cầu phát triển con người toàn diện. 

Còn theo phương án thứ nhất mà Sở đưa ra, thầy Lâm nhận định, cách tuyển sinh như vậy đã động chạm tới việc học toàn diện của học sinh nhưng do chỉ chọn 1 môn (ngoài Toán, Văn, Ngoại ngữ) nên xác suất học toàn diện của học sinh là rất thấp. 

Thùy Linh