Nghịch lý, nhiều phụ huynh thích nghèo!

10/09/2015 05:30
Phan Tuyết
(GDVN) - Cuốn sổ hộ nghèo bỗng chốc biến thành món quà “đặc ân” mà nhiều người mong muốn có được, có rồi lại không muốn rời bỏ.

LTS: Những năm gần đây, do đời sống của một bộ phận người dân trở nên khá giả. Không ít người muốn san sẻ phần nào vật chất với những người không may, bất hạnh... Vì thế trong mỗi năm học, có nhiều nhà hảo tâm đến trường liên hệ phát quà, tài trợ học bổng cho học sinh nghèo.

Cũng chính vì điều này mà nhiều phụ huynh cứ muốn bám riết lấy cái “nghèo”, cô giáo Phan Tuyết nhìn thấy điều này mỗi khi đầu năm học tới. 

Tòa soạn trân trọng gửi tới tòa soạn bài viết. 


Vào đầu mỗi năm học, giáo viên thường phải làm công tác chủ nhiệm điều tra cơ bản về tình hình học sinh lớp mình. 

Để nắm chắc thông tin về gia đình các em, nhiều thầy cô đã phô tô mẫu phiếu gửi về để phụ huynh chỉ việc điền các thông tin vào đó như gia đình có bao nhiêu anh chị em? 

Nghề nghiệp của cha mẹ, có thuộc diện nghèo, cận nghèo hay khó khăn…. Thật bất ngờ, khi cầm trên tay những tờ phiếu có chữ kí của cha mẹ các em thì nhiều lớp có tới gần ½ số phụ huynh ghi gia đình mình nghèo, có hoàn cảnh khó khăn vào đó…

Nhiều giáo viên đã bị lạc vào “mê hồn trận đói nghèo” mà phụ huynh của mình giăng ra nên không thể nào phân biệt được chính xác đâu là nghèo thật và đâu là nghèo giả. 

Nếu là hộ nghèo, cận nghèo đã có sổ làm cơ sở, những hộ ghi khó khăn biết căn cứ nào để làm chứng? Không ít thầy cô đã làm cuộc thẩm tra ngay tại lớp để nắm lại thông tin thì thật bất ngờ được các em bật mí nhiều chuyện xung quanh việc giàu nghèo. 

Vì sao phụ huynh lại thích nghèo? (Ảnh minh họa của laodong.com.vn)
Vì sao phụ huynh lại thích nghèo?  (Ảnh minh họa của laodong.com.vn)

Có em nói nhà mình nghèo nhưng bị bạn bè tố: “Bạn ấy nói láo đó cô, nghèo mà ngày nào đi học cũng ăn hàng 20 nghìn”. Thấy thế, cu Tuấn chống chế: “Mẹ bảo nếu cô hỏi phải nói nhà mình nghèo để cô còn cho nhận quà nữa”. 

Có em bản lĩnh hơn khi bị bạn tố đã bật ngược lại “Nhà con nghèo thật mà. Mẹ con phải đi mượn tiền mua đồ nữa. Có nhiều người đến nhà đòi nợ lắm”. Dù mới học lớp 3, có em đã biết nhận xét: “Nghèo mà mẹ bạn ngày nào cũng đi đánh bài”… 

Vì sao nhiều phụ huynh cứ thích nhận gia đình mình nghèo, khó khăn nhưng thực tế chưa đến mức như vậy? Bởi hàng năm, thường có nhiều hội từ thiện, có nhiều học bổng hỗ trợ cho những học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn. 

Phần quà nhận được khi thì chục cuốn vở, cái cặp, một ít đồ dùng học tập, lúc vài ba trăm nghìn, rồi quà dịp Trung thu, dịp lễ Tết… Một số phụ huynh không thật thà còn tiêm nhiễm vào đầu các em những điều chưa thật, chỉ khổ cho giáo viên phải tìm mọi cách để điều tra, xác minh lại. 

Nghịch lý, nhiều phụ huynh thích nghèo! ảnh 2

Mỗi hộ nghèo được vay 25 triệu đồng để xây, sửa nhà

(GDVN) - Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011 - 2015.

Nhưng không phải lúc nào cũng chính xác, vì thế đã có không ít lần, học sinh ấy lên nhận quà gia đình khó khăn đã bị nhiều phụ huynh khác phản đối vì “Nhà đó mà khó khăn nỗi gì, vợ chồng có thu nhập ổn định, ít con và trong nhà có đầy đủ tiện nghi”.

Chuyện ở trường, còn mệt như thế, chuyện ở các thôn xóm, làng xã, còn mệt hơn nhiều.

Một số cán bộ thôn cũng đau đầu khi bình xét hộ nghèo trong thôn của mình vì nhu cầu của mọi người thì nhiều, phần trăm hộ nghèo lại ít. 

Đã có không ít chuyện buồn xảy ra khi hộ nghèo thật sự bị lọt sổ và hộ khá hơn lại được xét là nghèo bởi không biết chọn ai nên đành bỏ phiếu.

Thế rồi có hộ gia đình khá hơn nhưng có đông bà con thân thuộc ủng hộ thì sẽ đương nhiên chiến thắng. Nghe có vẻ nghịch lý nhưng thực tế thật đúng như vậy. 

Xung quanh chuyện giàu nghèo cũng có những điều nghe xong đáng suy ngẫm khi các cuộc họp cử tri từ cấp cơ sở đến cấp huyện thị dù được thông báo nhiều lần, đưa giấy mời đến từng nhà nhưng người dân cũng chỉ đi dự rất ít, hay những cuộc họp thôn, khu phố để nghe phổ biến về các chủ trương chính sách cũng rất ít người tham gia nhưng “cuộc họp bình xét hộ nghèo trong thôn thì chẳng cần nói nhiều, cũng không sót một hộ nào cả”. Một cán bộ khu phố chia sẻ.

Họ giành giật, đấu đá, dèm pha nhà này, công kích nhà kia để giành cho được cuốn sổ chứng nhận hộ nghèo. Cũng đã có không ít trưởng thôn vì tư lợi riêng đã thiên vị cho người trong dòng tộc mình được hưởng hộ nghèo.

Cuốn sổ hộ nghèo bỗng chốc biến thành món quà “đặc ân” mà nhiều người mong muốn có được, có rồi lại không muốn rời bỏ.

Sống phải biết vươn lên, hộ nào may mắn thoát nghèo phải lấy đó làm mừng nhưng trên thực tế còn không ít người luôn muốn sở hữu hai từ ấy để được hưởng lợi từ những chính sách ưu đãi của Nhà nước và của một số mạnh thường quân.

Phan Tuyết