Nhiều năm Trường ĐH Kinh tế Quốc dân chỉ tuyển sinh theo 3 phương thức

23/04/2024 08:55
Lưu Diễm
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Năm 2023, xét theo thang điểm 30, ngành có điểm xét tuyển cao nhất toàn Trường Đại học Kinh tế Quốc dân là Thương mại điện tử.

Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (tên tiếng Anh là National Economics University - NEU) là một trường đại học định hướng nghiên cứu đầu ngành trong khối các trường đào tạo về Kinh tế, Quản lý và Quản trị kinh doanh ở Việt Nam, nằm trong nhóm đại học trọng điểm quốc gia Việt Nam.

Trường Đại học Kinh tế Quốc dân có địa chỉ trụ sở tại số 207 Giải Phóng, phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Hiện, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Đức Thọ giữ chức Chủ tịch Hội đồng trường; và Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Chương là Hiệu trưởng nhà trường.

Về lịch sử phát triển, ngày 25/01/1956 theo Nghị định số 678-TTg, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân được thành lập với tên gọi đầu tiên là Trường Kinh tế Tài chính, nằm trong hệ thống đại học nhân dân Việt Nam trực thuộc Thủ tướng Chính phủ.

Đến năm 1985, Bộ trưởng Bộ đại học và Trung học chuyên nghiệp (nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo) ra Quyết định số 1443/QĐ-KH đổi tên trường thành Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.

Theo thông tin được công bố trên website nhà trường, chiến lược phát triển giai đoạn 2021-2030 của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân có sứ mệnh:

Tiên phong trong đổi mới, phát triển và phổ biến tri thức về kinh tế, quản lý và quản trị kinh doanh, thu hút và đào tạo nhân tài, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, phụng sự sự nghiệp phát triển bền vững của đất nước;

Đào tạo ra các nhà lãnh đạo và những doanh nhân hàng đầu của Việt Nam;

Trung tâm nghiên cứu xuất sắc, đề xuất xây dựng đường lối, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và tư vấn giải pháp cho các địa phương, tổ chức, doanh nghiệp.

Những thay đổi trong tuyển sinh đáng chú ý

Theo thống kê của phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam qua Đề án tuyển sinh của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, từ năm 2020 – 2024, phương thức tuyển sinh đại học chính quy của trường có một số thay đổi.

Về phương thức xét tuyển, năm 2020 và năm 2021, trường thực hiện 03 phương thức tuyển sinh là: Xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; Xét tuyển kết hợp theo Đề án tuyển sinh của trường; Xét tuyển dựa trên kết quả Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông với 9 tổ hợp xét tuyển gồm: A00, A01, B00, C03, C04, D01, D07, D09, D10.

Vào năm 2022, nhà trường bổ sung thêm một phương thức là: Xét tuyển theo kết quả thi đánh giá tư duy của Đại học Bách Khoa Hà Nội.

Tuy nhiên, năm 2023 và 2024, nhà trường bỏ phương thức xét tuyển theo kết quả thi đánh giá tư duy của Đại học Bách Khoa Hà Nội, tiếp tục thực hiện theo 03 phương thức tuyển sinh như các năm trước đó.

Các phương thức tuyển sinh Trường Đại học Kinh tế Quốc dân từ năm 2020 đến năm 2024 như sau:

STT
Tên phương thức tuyển sinh
Năm 2024
Năm 2023
Năm 2022
Năm 2021
Năm 2020
1
Xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo
x
x
x
x
x
2
Xét tuyển kết hợp theo Đề án tuyển sinh của trường
x
x
x
x
x
3
Xét tuyển theo kết quả Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông
x
x
x
x
x
4
Xét tuyển theo kết quả thi đánh giá tư duy của Đại học Bách Khoa Hà Nội
x

Đáng chú ý, năm 2024, trường dành đa số chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển kết hợp theo đề án tuyển sinh của trường, chỉ tiêu các phương thức tuyển sinh của trường được dự kiến như sau:

Theo Đề án tuyển sinh của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, trong 6 năm trở lại đây, nhà trường đã mở thêm nhiều ngành đào tạo mới, nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực của xã hội trong tình hình hiện nay.

Năm 2018, nhà trường mở thêm 10 ngành học, bao gồm: Công nghệ thông tin, Khoa học quản lý, Logistics và chuỗi cung ứng, Luật kinh tế, Quan hệ công chúng, Quản lý công, Quản lý đất đai, Quản lý dự án, Quản lý tài nguyên và môi trường và Thương mại điện tử.

Đến năm 2020, trường bắt đầu tuyển sinh mới ngành Kiểm toán. Tiếp tục trong năm 2021, trường mở thêm 1 ngành là Kinh doanh nông nghiệp.

Từ năm 2022 đến nay, nhà trường không mở thêm ngành mới nào.

Cũng theo Đề án tuyển sinh năm 2024 của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm của trường ở mức cao.

Thống kê kết quả khảo sát về tỷ lệ sinh viên có việc làm trong khoảng thời gian 12 tháng kể từ khi được công nhận tốt nghiệp của trường cho thấy, nhiều ngành có tỷ lệ này cao là: Thương mại điện tử, Quan hệ công chúng, Kế toán, Marketing, Quản trị kinh doanh,....

Kết quả khảo sát về tỷ lệ sinh viên có việc làm trong khoảng thời gian 12 tháng kể từ khi được công nhận tốt nghiệp được xác định theo một số ngành của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân
Kết quả khảo sát về tỷ lệ sinh viên có việc làm trong khoảng thời gian 12 tháng kể từ khi được công nhận tốt nghiệp được xác định theo một số ngành của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân

Biến động chỉ tiêu tuyển sinh và điểm chuẩn qua các năm

Thống kê về tổng chỉ tiêu tuyển sinh của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho thấy, chỉ tiêu của trường tăng đều qua các năm.

Tổng chỉ tiêu tuyển sinh của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân và chỉ tiêu các ngành học xét tuyển theo phương thức dựa trên kết quả Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông qua các năm
Tổng chỉ tiêu tuyển sinh của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân và chỉ tiêu các ngành học xét tuyển theo phương thức dựa trên kết quả Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông qua các năm

Theo số liệu nêu trong đề án tuyển sinh, có thể thấy, tổng chỉ tiêu tuyển sinh của toàn trường tăng dần qua từng năm trong giai đoạn 2020-2024. Năm 2020, tổng chỉ tiêu tuyển sinh là 5800. Vào năm 2021, nhà trường tăng thêm 200 chỉ tiêu tuyển sinh. Sang đến năm 2022, con số này tăng lên 6100 chỉ tiêu. Đến năm 2023, tổng chỉ tiêu tuyển sinh của nhà trường là 6200 chỉ tiêu.

Mới đây, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã công bố Đề án tuyển sinh năm 2024. Theo đó, nhà trường giữ nguyên tổng chỉ tiêu tuyển sinh là 6200, bằng với số chỉ tiêu trong năm học trước đó.

Theo đó, dự kiến năm 2024, ngành học có số lượng chỉ tiêu tuyển sinh cao nhất toàn trường là Tài chính - Ngân hàng với 320 chỉ tiêu. Kế tiếp đó là ngành Quản trị kinh doanh với 280 chỉ tiêu. Sau đó đến lần lượt là các ngành: Kế toán với 240 chỉ tiêu, Kinh tế phát triển với 230 chỉ tiêu,...

Về điểm chuẩn, trong năm học 2023-2024 vừa qua, xét trên thang điểm 30, ngành có điểm xét tuyển cao nhất của toàn trường là Thương mại điện tử (đạt 27.65 điểm). Ngược lại, ngành Quản lý công và chính sách công bằng tiếng Anh là ngành có điểm chuẩn thấp nhất (đạt 26.1 điểm).

Bên cạnh đó, qua các mùa tuyển sinh của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, ngành Kinh doanh quốc tế, Quản trị kinh doanh và Kế toán là ba trong những ngành học có điểm chuẩn nằm trong top cao nhất toàn trường.

Dưới đây là biểu đồ so sánh biến động điểm trúng tuyển giữa một số ngành học trong 4 năm trở lại đây dựa trên phương thức xét tuyển kết quả Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông:

Điểm chuẩn các ngành học “hot” của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân thay đổi qua 4 năm
Điểm chuẩn các ngành học “hot” của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân thay đổi qua 4 năm

Từ năm 2020 đến năm 2021, ngành Kinh doanh quốc tế có điểm chuẩn tăng dao động từ 27.8 đến 28.15 điểm.

Ngành Quản trị kinh doanh và Kế toán cũng có điểm chuẩn tương đối cao trong năm 2020, lần lượt là 27.2 và 27.15 điểm. Hai ngành này đều có sự tăng nhẹ về điểm chuẩn trong năm 2021; tương ứng là 27.75 điểm đối với Quản trị kinh doanh và 27.65 điểm đối với Kế toán.

Riêng trong năm 2022, điểm chuẩn của các ngành lại có sự giảm nhẹ so với năm trước đó. Cụ thể, Kinh doanh quốc tế giảm 0.15 điểm so với năm 2021 (đạt 28 điểm). Tiếp theo sau đó là ngành Quản trị kinh doanh (27.45 điểm) và ngành Kế toán (27.4 điểm).

Năm học 2023-2024, điểm chuẩn đầu vào của ngành Kinh doanh quốc tế là 27.5 điểm; Quản trị kinh doanh là 27.25 điểm và đối với ngành Kế toán là 27.05 điểm.

Lưu Diễm