Nguy cơ lộ mật thi học sinh giỏi quốc gia từ chính thành viên soạn đề

17/03/2019 08:12
An Bình
(GDVN) - Dư luận lo lắng Bộ Giáo dục "lặp lại vết xe đổ" trong việc một số người vừa nằm trong hội đồng soạn thảo đề thi vừa là người luyện thi học sinh giỏi quốc gia.

Có tiếp tục "lặp lại vết xe đổ"?

Đầu năm học 2018-2019, Thanh tra Bộ Giáo dục và Ðào tạo đã có kết luận thanh tra một số vấn đề liên quan Cục Quản lý chất lượng trong đó chỉ ra hàng loạt sai phạm trong tổ chức kỳ thi học sinh giỏi quốc gia các năm 2015, 2016, 2017.

Trong đó, hiện tượng đáng chú ý nhất đó là có những người vừa tham gia làm đề, vừa tham gia bồi dưỡng, tập huấn cho đội tuyển dự thi của các tỉnh, thành phố.

Ví dụ: Trường trung học phổ thông chuyên Lương Văn Tụy (tỉnh Ninh Bình), năm 2017 có 12 người; Trường trung học phổ thông chuyên Bắc Giang (tỉnh Bắc Giang), năm 2017 có 21 người; Trường trung học phổ thông chuyên Lê Hồng Phong (thành phố Hồ Chí Minh), năm 2016 có 7 người... là thành viên ra đề đề xuất, hội đồng ra đề thi tham gia tập huấn, ôn luyện học sinh giỏi.

Trong khi đó, số lượng đề đề xuất của một số môn dùng cho thi học sinh giỏi quốc gia khá ít như: Ngữ văn (hai đề), Tin học (ba đề), Tiếng Pháp (bốn đề)...

Đến kỳ thi học sinh giỏi quốc gia trung học phổ thông quốc gia năm 2019 vừa diễn ra từ ngày 13 đến 15/1 với hơn 4.500 thí sinh tham dự.

Mặc dù, Bộ Giáo dục và Ðào tạo khẳng định, quá trình tổ chức thi chặt chẽ, nghiêm ngặt với nhiều yêu cầu cao, nhưng sau khi kết thúc, dư luận xã hội có những băn khoăn, lo lắng việc Bộ "lặp lại vết xe đổ" trong đó có việc một số người vừa nằm trong hội đồng soạn thảo đề thì vừa là người “luyện” thi học sinh giỏi quốc gia. 

Trường trung học phổ thông chuyên Lam Sơn (Ảnh: An Bình).
Trường trung học phổ thông chuyên Lam Sơn (Ảnh: An Bình).

Những lo ngại của dư luận về việc này không phải là không có lý khi mới đây, nguồn tin của phóng viên có được cho hay, tại Trường trung học phổ thông chuyên Lam Sơn, Thanh Hóa có trường hợp giáo viên vừa là thành viên nằm trong hội đồng soạn thảo đề thi vừa là giáo viên bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi quốc gia môn Sinh học dự thi năm 2019.

Cụ thể, thầy Lê Hồng Điệp, giáo viên chuyên Sinh, Trường trung học phổ thông chuyên Lam Sơn có 8 học sinh tham dự kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm 2019.

Giáo viên này cũng đồng thời là người bồi dưỡng học sinh giỏi quốc gia, nhưng vẫn được tham gia vào hội đồng soạn thảo đề thi học sinh giỏi quốc gia năm 2019.

Về việc này, hôm 14/3, trao đổi với phóng viên thầy Lê Hồng Điệp xác nhận thông tin trên là có thật, đồng thời cho biết, việc được điều động tham gia hội đồng soạn thảo đề thi với tư cách phản biện là do thực hiện theo yêu cầu của cấp trên.

Từ ví dụ trên cho thấy, với việc số lượng đề đề xuất ít, trong khi người liên quan ra đề lại là người tập huấn, bồi dưỡng cho đội tuyển tham dự kỳ thi học sinh giỏi tại tiềm ẩn nguy cơ lộ bí mật, thiếu khách quan.

Một số ý kiến cho rằng, việc Bộ Giáo dục và Đào tạo có dấu hiệu thực hiện không đúng quy định, quy chế thi học sinh giỏi quốc gia, đồng thời tỏ vẻ nghi ngại về tính khách quan của kỳ thi này.

Một người kiêm nhiều vai sẽ không khách quan

Tại Điều 19, hội đồng soạn thảo đề thi, Thông tư số 22/VBHN-BGDĐT ngày 25/8/2014 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành quy chế thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia nói rõ:

“Mỗi môn thi có một tổ ra đề thi gồm tổ trưởng, các ủy viên soạn thảo đề thi và các ủy viên phản biện đề thi.

Thành viên tổ ra đề thi là các chuyên gia khoa học, nghiên cứu viên, chuyên viên, giảng viên đại học, giáo viên giỏi cấp trung học phổ thông đáp ứng đầy đủ các yêu cầu quy định tại khoản 2 và khoản 3, Điều 11 của quy chế này.

Nguy cơ lộ mật thi học sinh giỏi quốc gia từ chính thành viên soạn đề ảnh 2Người "đóng nhiều vai" trong kỳ thi học sinh giỏi khá phổ biến biến ở địa phương

Ngoài ra, các giáo viên giỏi cấp trung học phổ thông tham gia hội đồng soạn thảo đề thi phải là người thuộc biên chế của trường trung học phổ thông chuyên và không có học sinh dự thi tại năm tham gia hội đồng soạn thảo đề thi”.

Như vậy, với quy định nói trên, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thực hiện không đúng quy chế thi học sinh giỏi quốc gia do Bộ ban hành nhìn từ ví dụ trường hợp thầy Lê Hồng Điệp và một số trường hợp khác theo kết luận của Bộ Giáo dục và Đào tạo như đã nêu trên?

Bình luận về sự việc nói trên, hôm 14/3, trao đổi với phóng viên, ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội cho biết, đây là việc làm sai nguyên tắc.

“Phải kiểm soát vấn đề một người kiêm hai vai (vừa trong hội đồng soạn thảo đề thi vừa kiêm bồi dưỡng học sinh giỏi) giống như việc kiểm soát quyền lực để tránh bị lạm dụng.

Theo nguyên tắc chung, người hướng dẫn, huấn luyện, bồi dưỡng thi, có học sinh tham gia thi không thể là người tham gia làm đề thi.

Quy định như vậy để đảm bảo tính khách quan trong thực hiện công việc”, ông Lê Như Tiến nói.

Vị nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội lo ngại rằng, nếu người tham hội đồng soạn thảo đề thi nhưng lại là người bồi dưỡng học sinh giỏi, hoặc có học sinh tham gia thi ở bộ môn đó thì rất có thể có sự “trùng hợp dạng đề” giữa việc làm đề và việc dạy bồi dưỡng học sinh giỏi.

“Thậm chí có thể xảy ra trường hợp giáo viên đảm bảo đỗ (có giải) 100% nếu người ta vừa nằm trong hội đồng soạn thảo đề thi vừa là người tham gia bồi dưỡng học sinh giỏi.

Biết đâu đó, trong số thí sinh này có người nhà, con cái của anh thì sao?

Không chỉ riêng ngành giáo dục mà ngành nào cũng vậy. Tôi lấy ví dụ trong ngành Nội vụ, nếu có con em tham gia thi tuyển công chức thì bố mẹ hoặc người thân sẽ không phải là người nằm trong hội đồng chấm thi hoặc ban giám khảo. Do đó, với cách làm trên, rất có khả năng xảy ra tiêu cực trong thi cử.

Còn nếu làm trái nguyên tắc này thì anh đã vi phạm quy chế, nguyên tắc thi cử, có dấu hiệu thiếu khách quan và công bằng”, ông Lê Như Tiến nhận định.

Từ những phân tích trên, ông Lê Như Tiến cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành để tránh tình trạng một người kiêm hai vai trong thi học sinh giỏi quốc gia.

“Anh đã là cầu thủ thì anh thôi làm trọng tài và ngược lại. Nếu cứ vừa đá bóng, vừa thổi còi thì làm sao đảm bảo tính khách quan được? Do đó, Bộ cần quyết liệt xử lý vấn đề này”, ông Lê Như Tiến đề nghị.

Tài liệu tham khảo:

http://www.nhandan.com.vn/giaoduc/item/38976202-nhieu-ban-khoan-trong-to-chuc-thi-hoc-sinh-gioi-quoc-gia.html

An Bình