Nhiều thầy cô mải thi chủ nhiệm giỏi mà quên cả lớp của mình

17/10/2016 07:05
Phan Tuyết
(GDVN) - Không ít người mãi lo việc tham dự các cuộc thi mà sao nhãng bài dạy, bỏ bê lớp chủ nhiệm.

LTS: Bàn về công tác thi giáo viên dạy giỏi ở các địa phương hiện nay, cô giáo Phan Tuyết cho rằng mục đích tổ chức các hội thi là đúng đắn nhưng với cách tổ chức như hiện nay mới chỉ dừng lại ở tính hình thức.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả!

Vài năm trở lại đây, ngành Giáo dục lại triển khai thêm hội thi giáo viên chủ nhiệm giỏi dành cho giáo viên chủ nhiệm các cấp học phổ thông với mục đích, thông qua các hội thi này để tìm và vinh danh những giáo viên làm công tác chủ nhiệm lớp tốt.

Từ đó, trao đổi và phổ biến kinh nghiệm đến toàn thể giáo viên trong ngành cùng học hỏi, giúp cho công tác chủ nhiệm của các giáo viên ngày một hiệu quả hơn.

Thế nhưng với cách tổ chức, với những quyền lợi mà giáo viên được hưởng sau khi đã bỏ nhiều công sức mới có được thì hội thi giáo viên chủ nhiệm giỏi đang là gánh nặng đè trên vai tất cả giáo viên làm công tác chủ nhiệm ở các trường.

Một tiết dạy trong cuộc thi giáo viên dạy giỏi (Ảnh: tienphong.vn).
Một tiết dạy trong cuộc thi giáo viên dạy giỏi (Ảnh: tienphong.vn).

Không ít người tìm mọi cách từ chối, né tránh, đùn đẩy cho đồng nghiệp… bởi thế, đôi khi người được cử đi thi lại không phải nhân tố tốt nhất của từng trường.

Điều này không chỉ làm giảm chất lượng hội thi mà cái nhìn của giáo viên về danh hiệu giáo viên chủ nhiệm giỏi cũng không được mấy phần ngưỡng mộ.

Hội thi giáo viên chủ nhiệm giỏi được tổ chức 2 năm một lần ở cấp huyện thị, 3 năm một lần ở cấp tỉnh.

Giáo viên tham gia hội thi này phải có đủ các điều kiện như là giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp trường 2 lần trở lên, có sáng kiến kinh nghiệm về công tác chủ nhiệm… vì thế hàng năm, từng trường học đều tổ chức hội thi nhưng thực chất chỉ là bình bầu trong các tổ chuyên môn, lập danh sách đưa lên nhà trường, tiến hành bỏ phiếu trên toàn thể hội đồng.

Nhiều thầy cô mải thi chủ nhiệm giỏi mà quên cả lớp của mình ảnh 2

Bội thực các cuộc thi và ý kiến của một thầy Phó Hiệu trưởng

Nếu để giáo viên tự nguyện “tranh tài” chắc chẳng có ai muốn xung phong đi thi nên nhiều trường học đã đưa chỉ tiêu về các tổ.

Mỗi tổ bầu chọn từ 1 đến 2 giáo viên, lập danh sách đưa lên nhà trường. Ngày cấp tổ, phần lớn giáo viên đều né tránh vì họ sợ đậu cấp trường sẽ lọt vào danh sách thi cấp thị.

Hội thi cấp thị diễn ra 3 vòng, vòng đầu xét sáng kiến kinh nghiệm của giáo viên. Theo nhiều giáo viên bật mí, muốn có sáng kiến kinh nghiệm cứ mở google đánh đại vài cái tên là có hằng hà sa số sáng kiến để lựa chọn.

Qua vòng sáng kiến, giáo viên dự thi phải trải qua vòng thi năng lực gồm hàng loạt các câu hỏi về chế độ chính sách của nhà giáo, các công văn, Thông tư đang thực hiện, một số quy định của ngành ở địa phương…

Đây là vòng thi, giáo viên phải bỏ công sức nhiều nhất để học thuộc tên, nội dung, ngày tháng ban hành, có hiệu lực… từng công văn, Thông tư.

Vòng thứ 3, giáo viên trực tiếp bốc thăm để trả lời các câu hỏi tình huống mà ban giáo khảo đã chuẩn bị trước.

Không ít người bị rớt ở vòng thi này bởi cách giải quyết tình huống của họ đưa ra lại không có được sự đồng tình của các vị giám khảo ấy.

Chuyện giám khảo hội thi giáo viên chủ nhiệm giỏi cũng có nhiều điều đáng bàn. Giám khảo chủ yếu là Ban Giám hiệu, chuyên viên cấp phòng.

Người đã không còn làm công tác chủ nhiệm gần 20 năm, người chưa một lần làm công tác chủ nhiệm lớp…

Về lý thuyết, họ có thể rất giỏi nhưng về kinh nghiệm thực tế có khi chỉ là số 0, việc những vị giám khảo này “cầm cân nảy mực” đã cho những kết quả đôi khi rất bất ngờ.

Nhiều nhân tố ưu tú của các trường bị rớt sau câu xử lý tình huống được xem là chưa đạt, không ít giáo viên ở trường chỉ là một chủ nhiệm thường thường nhưng biết ứng biến trong câu trả lời tình huống lại đậu một cách vẻ vang.

Nhiều thầy cô mải thi chủ nhiệm giỏi mà quên cả lớp của mình ảnh 3

“Nên thay kỳ thi giáo viên dạy giỏi bằng một hình thức khác”

Có được danh hiệu rồi, những giáo viên được phát mỗi người một tờ giấy khen (không phần thưởng đính kèm), được ghi danh hiệu vào hồ sơ cá nhân, hồ sơ nhà trường.

Chỉ bấy nhiêu thôi nhưng công sức của những thầy cô đi thi, của từng trường bỏ ra không phải là ít.

Từ việc chuẩn bị hồ sơ, học thuộc các văn bản, công văn, Thông tư, viết sáng kiến kinh nghiệm, tập trả lời các câu hỏi tình huống… không ít người mãi lo thi thố đã sao nhãng cả việc đầu tư cho từng bài dạy, bỏ bê lớp chủ nhiệm…

Có thể thấy, mục đích tổ chức hội thi giáo viên chủ nhiệm giỏi là đúng đắn nhưng với cách tổ chức các hội thi hiện nay ở một số địa phương trong cả nước mới chỉ dừng lại ở việc hình thức.

Điều này, đang tạo áp lực không nhỏ cho chính các giáo viên làm công tác chủ nhiệm.

Phan Tuyết