LTS: Nhu cầu học hỏi để mở mang, trau dồi kiến thức cho bản thân là một nhu cầu đáng được khuyến khích và không nên bị cấm cản.
Tuy nhiên khi dạy thêm, học thêm của học sinh hiện nay có tác động tiêu cực nhiều hơn tích cực đến cả nền giáo dục quốc dân, bản thân người học và gia đình các em thì đông đảo dư luận, đặc biệt nhiều giáo viên cũng lên tiếng cho rằng nên hạn chế vấn nạn này.
Cô giáo Mai Lan (một giáo viên ở Cao Bằng) đã có bài viết nêu lên nguyên nhân và đề ra giải pháp cho vấn đề trên.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả!
Dạy thêm, học thêm luôn là vấn đề thu hút sự quan tâm của xã hội.
Trước đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã cấm dạy thêm, học thêm, tuy nhiên lệnh cấm dường như không có hiệu quả vì "Bộ" ở quá xa.
Học sinh Việt Nam quá khổ do vừa phải học trên trường vừa phải học thêm (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn). |
Nay thành phố Hồ Chí Minh cương quyết trong việc cấm dạy thêm, học thêm nên nhiều giáo viên, cán bộ quản lý trường cũng mạnh dạn dám nêu lên quan điểm của mình.
Giáo viên dạy kém và chương trình nặng thúc đẩy học thêm “nở rộ”
Tôi là một giáo viên nhưng trước tiên cũng là một phụ huynh.
Thời học sinh tôi không được đi học thêm do bố mẹ không quan tâm và gia đình không có điều kiện, nhưng rất ngưỡng mộ các bạn được đi học thêm vì các bạn tự tin, học tốt và sau này đa số có công việc tốt.
Vì vậy, như bao phụ huynh khác tôi cũng quan tâm đến sự nghiệp học của con mình.
Con tôi (khi đó mới học lớp 7) nói với tôi:
"Mẹ ơi, cô giáo dạy môn... nói rất nhiều nhưng chúng con chẳng hiểu bài, có vài lần con và các bạn hỏi lại cô thì cô không giải đáp được, lại còn có ý nói con xỏ xiên. Con muốn đi học thêm với cô T. vì các bạn nói cô T. dạy hay, hiểu bài”, vì thế tôi đã cho con đi học thêm.
Con tôi chọn cô giáo mà cháu tin tưởng để học thêm, việc học thêm giúp cháu hiểu rõ kiến thức, tự tin và phấn chấn hơn rất nhiều.
Qua thực tế của con tôi, qua những gì đã và đang diễn ra hàng ngày, gồm cả những mặt tiêu cực, tích cực của dạy thêm, học thêm, tôi cho rằng nếu chỉ cấm mà không giải quyết được các nguyên nhân dẫn đến học thêm, dạy thêm thì ở một góc độ nào đó, lệnh cấm cũng mang tính tiêu cực, không thuyết phục và làm tổn thương đến các nhà giáo tâm huyết!
“Có tăng lương cho giáo viên thì dạy thêm học thêm vẫn tồn tại” |
Trong trường hợp của con tôi, nếu cháu được học cô T. thì đã không đi học thêm và khi đó nếu cấm cô T. dạy thêm thì con tôi sẽ rất thất vọng.
Như vậy, một trong những nguyên nhân mà chúng ta chưa đề cập đến chính là chất lượng giáo viên không đồng đều làm học sinh và phụ huynh thiếu tin tưởng và buộc phải học thêm.
Ngoài ra, theo tôi việc dạy thêm, học thêm còn do một nguyên nhân quan trọng nữa là do chương trình học "quá nhiều thứ" ngay từ bậc Tiểu học.
Rất nhiều kiến thức mà ngay cả giáo viên dạy cũng lắc đầu, không hiểu học sinh để làm gì nhưng vẫn phải miễn cưỡng dạy cho đủ số tiết, gây mệt mỏi cho cả giáo viên, học sinh
Ví dụ trong chương trình Tiểu học, môn Khoa học lớp 5 - “Bài 1: Sự sinh sản” chỉ ra:
“Mục tiêu:
- Dựa vào sơ đồ, trình bày được quá trình hình thành bào thai.
- Nêu được những việc nên làm, không nên làm để chăm sóc sức khỏe cho bào thai và phụ nữ mang thai...
Thảo luận: Các hiện tượng dưới đây thường xảy ra vào những tháng nào của thai kì?
- Sẩy thai
- Đẻ non
Vào những tháng này, phụ nữ mang thai cần lưu ý điều gì?”
Và để đánh giá theo Thông tư 30, đáng lẽ chúng ta nên giảm tải những bài như trên để có thể tăng thời gian thực hành bên ngoài cho các em thì học sinh lại phải “gánh” thêm nhiều môn như "Giáo dục kĩ năng sống", "Giáo dục lối sống", đồng nghĩa các em phải ngồi "nghiên cứu" nhiều hơn trên lớp.
Nghĩa là do các em phải học quá nhiều thứ mà thời gian để học những kiến thức quan trọng, cần phải đạt như Toán, Tiếng Việt không còn được đảm bảo.
Phụ huynh cũng băn khoăn tại sao con học cả ngày hai buổi trên trường mà về nhà phép tính đơn giản cũng không làm nổi hay giải thích tại sao thầy giải như thế thì cũng không biết!
Dạy thêm là một hoạt động kinh tế ngầm, cần phải cấm! |
Có lẽ, nguyên nhân chính là con học quá nhiều lý thuyết mà không có thực hành nên không hiểu cặn kẽ những gì mình được học… kết cục là mệt mỏi ở trường và lại tiếp tục chịu áp lực khi về nhà.
Còn khi được đi học thêm, do chỉ học lại những kiến thức Toán, Tiếng Việt mà con chưa hiểu hoặc thậm chí dạy trước chương trình nên con không còn bị áp lực, mẹ kiểm tra bài con tự tin trả lời, vậy là không thể bỏ học thêm.
Giải pháp hạn chế vấn nạn dạy thêm
Với mong muốn chấm dứt dạy thêm, học thêm bậc Tiểu học, tôi xin gửi tới Bộ Giáo dục những ý kiến như sau:
Thứ nhất, về chương trình học, Sách giáo khoa hiện nay nên cắt giảm mạnh, tinh lược để giáo viên được chủ động hơn khi dạy học thay vì sắp sẵn nội dung từng mục, từng bước lên lớp, từng câu hỏi như hiện nay.
Một nội dung quá chi tiết như vậy không thể phù hợp với tất cả đối tượng học sinh ở các vùng miền, nó giống như kiểu ép tất cả mọi đối tượng là học sinh vào một cái khuôn (trong khi chúng ta đang hướng đến dạy học phân hóa, cá nhân hóa học sinh trong lớp).
Điều đó làm cho giáo viên bị động, chỉ cố gắng "chạy theo" cho đúng "quy trình bài giảng", đủ kiến thức mà không được phép điều chỉnh, lược bỏ những kiến thức, bài không cần thiết với học sinh.
Hay nói cách khác, giáo viên đang dạy theo kiểu đúng, đủ sách và đương nhiên học sinh cũng phải học kiểu học thuộc, đọc chép.
Để giảm bớt chương trình và tăng các hoạt động trải nghiệm, theo tôi thời khóa biểu buổi sáng của các em chỉ cần Toán, Tiếng Việt, Ngoại ngữ, Thể dục thể thao và xen kẽ môn Lịch sử, Địa lí.
Làm sao đẩy lùi được vấn nạn dạy thêm, học thêm? |
Buổi chiều học theo hình thức nhóm, câu lạc bộ (thể thao, mĩ thuật, kĩ thuật, khoa học, nghệ thuật, ngoại khóa theo chuyên đề) và một tiết bắt buộc thực hành vệ sinh trường lớp, nhà vệ sinh, chăm sóc khuôn viên, cây trồng, thực hành phân loại rác và xử lý rác hàng ngày.
Việc dạy học kết hợp các hoạt động Giáo dục đa dạng và gần gũi đời sống như vậy thì mới tạo được môi trường học tập năng động, cởi mở, thân thiện,
Từ đó, tạo điều kiện phát triển toàn diện cho trẻ, thuận lợi và phù hợp cho việc nhận xét theo Thông tư 30. Nếu không, giáo viên chỉ có thể ngồi nghĩ ra để nhận xét chứ không thể chỉ quan sát học sinh ngồi học trong lớp từ sáng đến chiều mà nhận xét được năng lực phẩm chất.
Thứ hai, cách kiểm tra, ra đề cần thay đổi theo hướng phát huy kĩ năng người học.
Đề kiểm tra hiện nay ở các môn Tiếng Việt, Khoa học, Lịch sử và Địa lí chủ yếu là học thuộc, môn Toán cũng phải thuộc rất nhiều công thức, quy tắc.
Ví dụ bài kiểm tra Lịch sử 5 (không được mở sách) câu 2/4:
Hoàn thành bảng sau về những sự kiện chính và ý nghĩa lịch sử trong lịch sử dân tộc ta từ năm 1930 đến 1976 (cho sẵn 6 mốc thời gian) có thể thay bằng việc học sinh mở sách để tra cứu, tìm thông tin và tự lập bảng.
Hoặc môn Toán không bắt buộc phải thuộc quy tắc mà chỉ cần chú trọng thành thạo các phép tính cộng trừ nhân chia, cách tính nhẩm và biết vận dụng quy tắc, công thức.
Thứ ba, cuộc thi giáo viên dạy giỏi chỉ mang tính hình thức chứ không có giá trị nâng cao chất lượng dạy học.
Việc thi và công nhận giáo viên dạy giỏi như hiện nay đã bộc lộ rõ giờ giảng chỉ do công sức giáo viên (nhóm giáo viên) nghiên cứu một hoặc hai bài giảng theo đúng "quy trình lên lớp" mà không biết rõ đối tượng học, từ đó khuôn sáo, hình thức, mang tính “diễn” là chính.
Dạy thêm như quả táo có độc, nhìn bề ngoài bổ dưỡng, nhưng ăn vào là gặp nguy |
Vì vậy, cần bỏ hẳn cách đánh giá giáo viên qua giờ thao giảng, thay vào đó đánh giá bằng chất lượng học sinh của chính giáo viên đó.
Khi chất lượng học sinh được chú trọng thì đương nhiên phụ huynh, học sinh được quyền đánh giá hoặc chọn giáo viên và như vậy thì sẽ chẳng có học sinh đi học thêm cung như phụ huynh cho con đi học thêm!
Một "giáo viên dạy giỏi" mà học sinh vẫn phải đi học thêm, giáo viên vẫn phải dạy thêm thì cần giải đáp nghiêm túc câu hỏi: "Giáo viên dạy giỏi gì?"