Nhớ những cuốn sách giáo khoa cũ thời bao cấp

24/09/2018 07:03
Nhật Duy
(GDVN) - Đất nước phát triển đi lên, thời bao cấp đói nghèo cũng đã qua mấy chục năm nhưng có nhiều điều trong giáo dục bây giờ không còn được trân quý như thời bao cấp

LTS: Thẳng thắn cho rằng, mỗi năm, lãng phí hàng ngàn tỉ đồng của xã hội không phải lỗi của những cuốn sách giáo khoa mà lỗi tại những người làm ra những cuốn sách giáo khoa đó, tác giả Nhật Duy đã có bài viết chia sẻ.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết. 

Chúng tôi lớn lên và hưởng trọn nền giáo dục thời bao cấp nên có phần khó khăn và vất vả trăm đường, cái gì cũng thiếu thốn nhưng bù lại có nhiều giá trị được đề cao, được lưu giữ mà nhiều khi bây giờ không có được.

Ngày đó, những năm 80 của thế kỷ trước, lũ trẻ chúng tôi bắt đầu bước vào học tập trong một tâm thế chủ động dù kinh tế gia đình luôn khó khăn vô cùng.

Đói nghèo mà tình thầy trò, tình bạn trong nhà trường vô cùng cao đẹp, cách cư xử với nhau đúng mực mà nhân ái, bao dung.

Chính sự thiếu thốn, kham khổ đã giúp cho nhà trường, thầy - trò luôn trân trọng mọi thứ mà mình đang có, trong đó, có những bộ sách giáo khoa cũ được giữ gìn cẩn thận để nhiều thế hệ học trò đều có thể học tập và sử dụng được.

Đã qua lâu rồi thời một bộ sách giáo khoa được truyền nhau học năm này qua năm khác (Ảnh minh họa, nguồn: Internet / Chưa rõ tác giả).
Đã qua lâu rồi thời một bộ sách giáo khoa được truyền nhau học năm này qua năm khác (Ảnh minh họa, nguồn: Internet / Chưa rõ tác giả).

Ngày đó, lũ trẻ trường làng chúng tôi khi ngồi trên ghế nhà trường có lẽ không có đứa nào được sử dụng bộ sách giáo khoa thơm mùi mực mới.

Bởi, lúc bấy giờ sách giáo khoa là do thư viện nhà trường quản lý và cho học sinh mượn để học tập.

Vì vậy, các thầy cô cũng thường hay bố trí một bộ sách giáo khoa đan xen quyển mới, quyển cũ xen lẫn vào nhau.

Nhiều môn học thiếu sách giáo khoa, được thầy cô chỉ định mấy đứa chung một quyển sách, thế là chuyền qua nhau học tập.

Bộ sách giáo khoa mượn không mất tiền nhưng nhà trường yêu cầu giữ gìn sách rất nghiêm ngặt để cuối năm trả lại cho thư viện.

Phần vì sợ thầy cô, phần vì trân trọng những quyển sách của nhà trường để các lớp sau học nữa nên cuối năm học, khi trả lại cho nhà trường thì những cuốn sách giáo khoa vẫn còn nguyên vẹn, dù có cũ hơn nhưng không bao giờ nhàu nát, hay bị xé trang bao giờ.

Nhớ nhất là những ngày đầu năm học, thầy, cô chủ nhiệm dẫn đầu, kéo theo mấy thằng con trai to khỏe nhất lớp lên mượn sách giáo khoa của nhà trường.

Khi về lớp, đứa nào đứa nấy khệ nệ bê từng chồng sách cũ. Rồi đứa nào cũng nôn nóng chờ thầy cô gọi đến tên mình để lên nhận bộ sách giáo khoa cho năm học mới.

Cái cảm giác hồi hộp, nôn nao ấy rất lạ và thích thú của tuổi học trò. Nhất là khi mượn xong rồi, mấy đứa ngồi kế nhau khoe về sự may mắn khi được mượn một vài cuốn sách mới hơn.

Nhớ những cuốn sách giáo khoa cũ thời bao cấp ảnh 2Ai đang bòn rút từng đồng từ túi dân nghèo đằng sau những cuốn sách giáo khoa?

Lúc bấy giờ, học sinh phổ thông học ở trường chỉ có sách giáo khoa, không có sách bài tập và chúng tôi cũng không bao giờ phải học thêm ở trường hay ở nhà thầy cô.

Một điều rất lạ là học sinh rất sợ thầy cô nên thường chú ý học bài không chỉ ở lớp mà ngay cả những bài tập được thầy cô giao về nhà.

Lúc đó, có lẽ vì thiếu các phương tiện giải trí nên những bài đọc thêm cũng được chúng tôi đọc cả. Nhiều đứa còn học thuộc những bài thơ ở phần đọc thêm một cách tự nguyện.

Những buổi chiều khi đi chăn trâu ngoài đồng lại thường cứ cầm cuốn sách Giảng văn để đọc cho nhau nghe mà thấy thích thú trong lòng.

Chính những cuốn sách giáo khoa cũ đã nuôi dưỡng tâm hồn, khát vọng cho bao đứa trẻ nghèo ngày đó vươn lên trong học tập.

Bây giờ, sách giáo khoa được Nhà xuất bản in đẹp sặc sỡ, màu sắc hài hòa, bìa đều bóng loáng và hình như học sinh không mấy khi phải học sách cũ.

Chỉ những em thật sự khó khăn mới phải học lại một số cuốn sách cũ của anh chị khóa trước.

Nhưng, cũng chỉ có một số sách giáo khoa cấp 2-3 thì dùng lại được, sách tiểu học thì gần như là học xong một năm rồi bỏ.

Phần vì sách bây giờ dù hình thức rất đẹp nhưng được đóng rất dở, chỉ học một thời gian ngắn là đã hư hỏng, phần vì điều kiện kinh tế của các gia đình khấm khá hơn, phần vì nhiều cuốn sách giáo khoa được in sẵn yêu cầu để học sinh làm trực tiếp trên sách.

Một số cuốn như tiếng Anh, Tin học, Mỹ thuật lại hay thay đổi hàng năm nên chỉ có giá trị sử dụng trong năm học.

Những loại sách bài tập bây giờ đủ đầy tất cả các môn. Nhiều cuốn còn gợi ý hay giải sẵn bài tập cho học sinh… nên học sinh “lợi” đủ đường.

Nhớ những cuốn sách giáo khoa cũ thời bao cấp ảnh 3Giờ đây, nhiều thư viện trong nhà trường tủ sách dùng chung đã mốc meo

Bây giờ, Thư viện các trường học ở thành phố, thậm chí ở nông thôn cũng được trang bị khá hiện đại.

Sách tham khảo được mua ê hề về hàng năm nhưng lại vắng bóng bạn đọc và cũng chẳng còn phải cho học sinh mượn sách nữa.

Nhân viên thư viện nhà trường giờ đây hình như cũng nhàn hạ hơn rất nhiều, mỗi ngày vào trường chỉ mở cửa phòng, quét dọn một chút rồi mở máy vi tính xem phim, đọc báo.

Nhiều bộ sách giáo khoa, sách tham khảo thì cứ nằm yên vị trên kệ sách từ năm này sang năm khác. Nên dù sách có ngả màu nhưng vì chưa sử dụng nên vẫn còn nguyên vẹn như ngày mới mua về.

Nhìn những kệ sách mới được đầu tư hàng chục triệu mỗi năm mà thấy tiếc ngẩn ngơ.

Những ngày qua, dư luận đã nói nhiều về tình trạng lãng phí sách giáo khoa hàng năm mà chúng tôi cảm thấy xót xa.

Đất nước còn nghèo, đa phần phụ huynh ở nông thôn, miền núi còn vô cùng khó khăn nhưng mỗi năm học phải bỏ ra mấy trăm ngàn đồng để mua sách giáo khoa cho con em mình rồi cuối năm bán được vài ngàn đồng phế liệu.

Giá như, các nhà biên soạn sách giáo khoa, Nhà xuất bản Giáo dục thiết kế toàn bộ sách giáo khoa không yêu cầu học sinh làm trực tiếp lên sách.

Giá như, sau mỗi năm học, các trường học vận động học sinh tặng lại sách cũ và khi chuẩn bị năm học mới thì thông báo, phổ biến cho phụ huynh, học sinh biết để đến mượn lại thì đỡ lãng phí biết chừng nào.

Đằng này, nhiều khi vận động học sinh tặng sách nhưng không thông báo đến học sinh hoặc vào năm học mới thông báo, thành ra sách tặng của học sinh cứ bỏ lăn lóc ở góc phòng thư viện một thời gian rồi cân phế liệu.

Ung nhọt biên soạn sách giáo khoa đã đến lúc phải cắt bỏ

Làm như vậy, nó vừa lãng phí mà lại phản cảm vô cùng khi hô hào học sinh tặng sách mà những cuốn sách đó lại không đến tay được học sinh nghèo.

Đất nước phát triển đi lên, thời bao cấp đói nghèo, khổ cực cũng đã qua được mấy chục năm rồi nhưng có nhiều điều trong giáo dục bây giờ không còn được trân quý như thời bao cấp.

Mỗi cuốn sách giáo khoa mang đến cho học sinh những kiến thức phổ thông, những bài học làm người, biết yêu cái đẹp, biết kiệm cần để vươn lên trong cuộc sống. Nhưng, số phận những cuốn sách giáo khoa thì lại bị chìm nổi, vùi dập.

Mỗi năm, lãng phí hàng ngàn tỉ đồng của xã hội không phải lỗi của những cuốn sách giáo khoa mà lỗi tại những người làm ra những cuốn sách giáo khoa đó.

Nhật Duy