Ung nhọt biên soạn sách giáo khoa đã đến lúc phải cắt bỏ

13/09/2018 06:55
GIÁO SƯ NGUYỄN XUÂN HÃN
(GDVN) - Qua nhiều năm, chúng ta đang loanh quanh và luẩn quẩn trong nhiều dự án sách giáo khoa hàng tỷ USD, nhưng kết quả thì không tương xứng với mong đợi.

LTS: Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc phần cuối của bài viết về vấn đề thay sách giáo khoa mà Giáo sư Nguyễn Xuân Hãn gửi về Tòa soạn.

Sau phần thứ nhất nêu thực trạng với những con số báo động về việc in lại sách giáo khoa mỗi năm, phần thứ hai phân tích các nguyên nhân thay sách giáo khoa liên tục, trong phần này thầy Nguyễn Xuân Hãn chia sẻ một số giải pháp biên soạn bộ sách giáo khoa chuẩn.

Văn phong và nội dung bài viết thể hiện quan điểm, góc nhìn của tác giả. Trân trọng cảm ơn Giáo sư Nguyễn Xuân Hãn và mời quý bạn đọc theo dõi.

Khi chúng tôi đang thực hiện viết bài này thì nghe được ý kiến của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu: “Sách vở tôi học mấy năm sau em tôi vẫn dùng học lại được. Bây giờ mỗi năm một sách khác, tốn tiền nhân dân lắm!...” [1]

Rõ ràng, ý kiến của Chủ tịch Quốc hội khiến cho chúng ta có nhiều suy ngẫm.

Nghiên cứu lại lịch sử giáo dục Việt Nam kể từ 1945 đến nay, chúng tôi nhận thấy:

Dựa trên kinh nghiệm quý báu của nhân loại về biên soạn sách giáo khoa của Anh, Đức, Nga, Mỹ, Pháp – các nước có nền giáo dục tiêu biểu của nhân loại, thực tiễn Việt Nam các Giáo sư Hoàng Xuân Hãn (1945), Giáo sư Nguyễn Văn Chiển, Giáo sư Hoàng Tụy (1955) là những “nhạc trưởng”, chủ trì và biên soạn sách giáo khoa chuẩn, kể cả in ấn trong 6 tháng là xong và được sử dụng ổn định suốt mấy chục năm.

Kinh phí làm sách giáo khoa chuẩn lúc đó rất nhỏ, không đáng kể.

Ung nhọt biên soạn sách giáo khoa đã đến lúc phải cắt bỏ ảnh 1Năm nào cũng in lại sách giáo khoa, những con số biết nói

Học sinh tốt nghiệp đã đóng góp cho việc bảo vệ và xây dựng Tổ quốc, ra nước ngoài học không thua kém với học sinh của bất cứ nước nào.

Hồi đó, việc đào tạo giáo viên giảng dạy sách giáo khoa mới với kiến thức phổ thông yêu cầu tốt nghiệp cấp 1, học thêm và nghiệp vụ sư phạm 6 tháng ra dạy cấp 1; cấp 2 yêu cầu học hết lớp 7, thêm 1 năm ra dạy cấp 2; cấp 3 yêu cầu học hết lớp 10, học thêm 2 năm ra dạy cấp 3.

Khi đất nước thống nhất, kinh nghiệm đào tạo trên vẫn được sử dụng hiệu quả.  

Kể từ năm 1979 đến nay, các kinh nghiệm truyền thống quý báu của nước ta bị vứt bỏ để sao chép cách làm từ bên ngoài, nên gốc tư duy chỉ đạo chưa chuẩn, chưa nói là SAI từ A đến Z.

Không làm được sách giáo khoa chuẩn mấy chục năm qua, giáo dục bất ổn là điều dễ hiểu.

Ai cũng biết Giáo sư Hoàng Tụy là một nhà giáo, nhà khoa học lớn cả đời tâm huyết gắn bó với sự nghiệp giáo dục của Đảng, một trong những người đặt viên gạch đầu tiên cho nền giáo dục nước nhà, vào năm 2005 đã cảnh báo giáo dục nước ta có 3 cục bướu dị dạng [2]:

i/ Biên soạn sách giáo khoa; ii/ học thêm tràn lan; iii/ thi cử nặng nề, trong đó biên soạn sách giáo khoa là cục bướu lớn nhất nguy hiểm nhất, chi phối các cục bướu còn lại.

Chúng ta phải cắt bỏ các cục bướu đó đi để hiện đại hóa giáo dục. [3]

Hiện đại hóa để hội nhập quốc tế, để phát triển mạnh mẽ quy mô, đồng thời nâng cao chất lượng, đó là con đường duy nhất tránh cho giáo dục khỏi tụt hậu xa hơn nữa.

Người xưa từng nói “trăm nghe không bằng một thấy”, nếu so sánh và đối chiếu sách giáo khoa chuẩn, chẳng khó khăn gì.

Chúng tôi đã tiến hành so sánh và đối chiếu nội dung sách giáo khoa của nước ta giai đoạn trước năm 1980 với nội dung sách giáo khoa của các nước Anh, Nga, Mỹ… về các môn tự nhiên Toán, Lý, Hóa… thì thấy về cơ bản là giống nhau.

So sánh sách giáo khoa Toán – Lý - Hóa của Việt Nam trước năm 1980 với sách của thế giới hiện nay: Anh, Mỹ, Nga, Pháp… thì thấy cơ bản giống nhau (Ảnh: tác giả cung cấp).
So sánh sách giáo khoa Toán – Lý - Hóa của Việt Nam trước năm 1980 với sách của thế giới hiện nay: Anh, Mỹ, Nga, Pháp… thì thấy cơ bản giống nhau (Ảnh: tác giả cung cấp).

Lưu ý, các sách giáo khoa của ta từ năm 1980 đến nay, tôi đã so sánh, đối chiếu thấy không tương thích về nội dung từ 1 đến 3 năm và hỗn loạn về cách viết, chỉnh thể khoa học bị đảo lộn, hàng loạt các sai phạm về nội dung, sách giáo khoa hiện hành được ví như “nồi cơm sống rất khó chữa”. [4]

Là người làm nghiên cứu, chúng tôi xin lỗi bạn đọc để nói thẳng rằng, sách giáo khoa hiện nay dùng để dạy người ngoài hành tinh!

Sau khi tốt nghiệp phổ thông với sách giáo khoa kể trên về các môn tự nhiên Toán, Lý, Hóa… xin khẳng định là sinh viên đủ kiến thức vào học chung tại các trường: Đại học tổng hợp Paris, Đại học tổng hợp Cambridge, Đại học tổng hợp New York, Đại học tổng hợp Beijing…

Riêng nội dung các môn khoa học xã hội hiện nay lại rất xa với các sách giáo khoa trước đây.

Ví dụ môn Văn, trước đây còn dạy tìm đại ý một đoạn văn, một tác phẩm hay dàn ý của bài thì nay không thấy…

Thực tế, nhiều sinh viên làm khóa luận hay nghiên cứu sinh làm luận án nhưng lỗi chính tả, ngữ pháp và lỗi diễn đạt rất nhiều, người khác đọc không hiểu.

Trong khi đó, “mục tiêu của học sinh cấp trung học cơ sở là học sinh biết làm tất cả các thể thơ của truyền thống… xong cấp trung học phổ thông là các em biết viết tin, viết phóng sự, bình luận, biết đủ các kĩ năng để viết các thể loại báo chí. Môn Văn hết cấp phổ thông các em cũng có thể thành những “nhà thơ”, “nhà báo”. [5]

Ung nhọt biên soạn sách giáo khoa đã đến lúc phải cắt bỏ ảnh 3Chương trình, sách giáo khoa mới và những con số nhảy múa

Môn Văn rất quan trọng, nhưng lại bị tách nhập 1 => 3 =>1 giữa môn (Ngữ Văn) thành các môn (Văn, Tiếng Việt, Làm văn) sau lại nhập làm một (Báo Thanh Niên, 20/12/2004).

Học sinh trung học cơ sở ngôn ngữ tiếng Việt còn chưa chắc, nói gì đến học thơ Đường luật, mà lại là thơ dịch mới thật phi lý. (Báo Vnexpress 23/2/2005).

Xin lưu ý rằng, người dân biết và nói tiếng Việt thậm chí nói rất hay, chưa hẳn họ đã đến trường.

Giữa thực tế xã hội kiến thức căn bản cần thiết và nội dung giảng dạy ở trường sao vênh nhau như trái đất với sao Hỏa vậy? 

Vì thế, chúng tôi kiến nghị hãy tập hợp các sách giáo khoa của 5 nước tiên tiến kể trên với sách giáo khoa của ta trước đây, mời một nhóm chuyên gia toàn quốc khoảng 40 người, so sánh và đối chiếu, ta sẽ có cách làm hay;

Chúng ta sẽ có những bộ sách giáo khoa “chuẩn” nhất, mà không phải quá tốn kém như những dự án sách giáo khoa hàng tỷ USD mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã và đang tiến hành triển khai mấy chục năm qua.

Người ta nói “biên soạn” sách giáo khoa chứ không ai “sáng tác” sách giáo khoa.

Theo thiển nghĩ của tôi, thời gian làm sách giáo khoa chuẩn trong vòng một năm kinh phí khoảng 100 tỷ, thậm chí ít hơn cũng làm được, để triển khai đồng bộ vào trong hệ thống giáo dục năm sau đó như thế hệ đi trước đã từng làm.

Bộ sách giáo khoa chuẩn mực, in đẹp và phải luật hóa trong Luật Giáo dục, và có chế tài ít nhất 12 năm mới được xem xét in lại một lần;

Các loại sách tham khảo cũng phải được được Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định phê duyệt mới được dung trong trường học, như các nước trên thế giới đã làm!

Cách làm mới sách giáo khoa chuẩn mực, ổn định lâu dài, thống nhất và đồng bộ như vậy mới có thể đảm bảo sẽ thực hiện được ý nguyện của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, thật sự giải thoát được gánh nặng cho dân.

Giáo dục từ lâu được xem là quốc sách, là rường cột của sự hưng vong hay thành bại của một quốc gia.

Qua nhiều năm, chúng ta đang loanh quanh và luẩn quẩn trong nhiều dự án sách giáo khoa hàng tỷ USD, nhưng kết quả thì không tương xứng với mong đợi.

Đã đến lúc chúng ta cần bắt tay hành động, hướng tới các bộ sách giáo khoa chuẩn, nhằm ổn định nền giáo dục nước nhà.

Tài liệu tham khảo: 

[1] http://toquoc.vn/Thoi_su/chon-phuong-an-thi-tot-nghiep-thpt-can-trung-cau-dan-y-de-hop-long-dan-355660.html

[2] http://vietsciences.free.fr/vongtaylon/hoangtuy/catbobakhoiudidang.htm

[3] http://vietsciences.free.fr/vongtaylon/hoangtuy/catbobakhoiudidang.htm

[4]  Đại Đoàn Kết 27/9 và 1/10/2002, và Văn Nghệ 12/10/2002

[5] http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Chuong-trinh-Ngu-van-moi-se-kho-va-nang-kien-thuc-hon-rat-nhieu-post183290.gd

GIÁO SƯ NGUYỄN XUÂN HÃN