Hết công văn này đến thông tư nọ nghiêm cấm việc dạy thêm.
Rồi người người cũng lên án chuyện dạy thêm, thế nhưng vì sao tình trạng dạy thêm vẫn không thể chấm dứt?
Nguyên nhân đưa ra thì nhiều, nào do chương trình quá tải, nào do thi cử không sát thực tế (học một đằng thi một nẻo), do sự kì vọng quá lớn của ba mẹ hay do các trường học (đặc biệt là cấp tiểu học) không cho học sinh yếu ở lại mà cứ cố tình “lùa” học sinh lên lớp bằng mọi cách.
Vòng xoáy học thêm đang khiến cho học trò mất đi tuổi thơ của mình. ( Ảnh minh họa: Báo Lao động) |
Riêng các trường trung học cơ sở và trung học phổ thông cứ vin vào lý do chuẩn bị kiến thức cho những kì thi quan trọng nên nhà trường sẽ dạy phụ đạo tập trung.
Thương và lo cho con, cha mẹ nào nỡ không đăng kí cho con theo học thêm ở trường?
Cơ hội để nhà trường tổ chức dạy thêm trong trường
Vào đầu năm học, hầu như trường học nào chẳng làm công việc khảo sát chất lượng học sinh.
Hoàn toàn mâu thuẫn với kết quả chất lượng cuối năm phần lớn chỉ xếp loại khá-giỏi (đã được tổng kết trước đó chỉ 2 tháng).
Có thể nói, tỉ lệ học sinh khá giỏi không nhiều, chủ yếu là học sinh yếu, kém và trung bình.
Nhưng có thể nói, chất lượng khảo sát này phản ánh khá trung thực năng lực học tập của từng học sinh một cách chính xác.
Kết quả khảo sát được thông báo về gia đình, thế là dù muốn, dù không, cha mẹ các em buộc phải đến trường xin cho con được học phụ đạo.
Đây chính là lý do mà nhiều trường học đã huy động được 100% học sinh tham gia học thêm tại trường một cách hợp pháp (nhu cầu của chính phụ huynh).
Thế là hằng ngày, các em tiểu học tan trường vào lúc 4 giờ 30 phút, giải lao 30 phút là tiếp tục vào học đến 6 giờ 30 mới bắt đầu ra về.
Khi học trò trở thành nạn nhân của việc dạy thêm, học thêm |
Học sinh cấp học lớn hơn lại học theo môn. Có em đăng kí vài ba môn, thế nên học xong môn này, học tiếp môn kia và bao giờ cũng thế khi trở về đến nhà trời cũng đã khuya lơ khuya lắc.
Chất lượng của những tiết dạy thêm kiểu tập trung
Chưa có ai khảo sát để có kết quả chính xác nhất những tiết dạy học thêm ở trường đạt chất lượng thế nào.
Một lớp học khoảng dăm chục học sinh, thời gian học tối đa là 90 phút, nếu tính trung bình thì mỗi học sinh chỉ được thầy cô dành cho khoảng gần 2 phút.
Với thời lượng ít ỏi như thế, các em sẽ học thêm được những gì?
Chuyện giáo viên kèm học sinh yếu kém hay bồi dưỡng học sinh giỏi trong lớp học thêm với chừng ấy thời gian là không thể.
Vậy nên phương pháp giáo viên áp dụng để dạy mọi đối tượng chỉ là giảng giải và thuyết trình, học trò chỉ là lắng nghe và ghi chép.
Kiến thức dạy chủ yếu là bài mới sẽ học vào ngày hôm sau và những kiến thức sẽ có trong đề kiểm tra và đề thi sắp tới.
Chất lượng thật của học sinh chẳng biết có được cải thiện hay không nhưng chất lượng những bài thi, bài kiểm tra thì được nâng lên và chuyển biến rõ rệt.
Thế nhưng đừng vì những điểm số cao để nghĩ rằng các con đã học tốt. Nếu thấy con luôn đạt điểm cao để nghỉ học thêm thì tức khắc chất lượng học tập của chính các em lại rớt thê thảm.
Đây chính là nguyên do mà học sinh cứ phải đi học thêm một cách miệt mài mà không bao giờ dám nghỉ.
Dẹp kiểu dạy thêm trá hình ở trường bằng cách nào?
Câu hỏi được đặt ra nhưng câu trả lời là vô cùng khó.
Học thêm từ 5 tuổi là do phụ huynh |
Bởi vì, nhà trường mở lớp dạy thêm theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ban hành về quy định dạy thêm, học thêm “Đối tượng học thêm là học sinh có nhu cầu học thêm, tự nguyện học thêm và được gia đình đồng ý…
Học sinh có nguyện vọng học thêm phải viết đơn xin học thêm gửi nhà trường; cha mẹ học sinh hoặc người giám hộ có con em xin học thêm trực tiếp ký, ghi cam kết với nhà trường về dạy thêm, học thêm vào đơn xin học thêm và chịu trách nhiệm thực hiện cam kết”.
Phụ huynh xin cho con học thêm đương nhiên đã viết đơn đầy đủ.
Hàng sấp tờ đơn đã được kí chất đầy trong tủ nhà trường.
Thế là nhà trường có đủ bằng chứng, chứng minh rằng mình mở lớp dạy thêm hợp pháp, đúng đối tượng và được phụ huynh đồng thuận.
Vậy sẽ lấy lý do gì để dẹp kiểu dạy thêm trá hình này đây?
Đây cũng chính là lý do dù bị phản ánh nhưng tình trạng dạy thêm trong nhà trường vẫn không cách nào dẹp được.