Đối với mỗi con người dù khi còn bé hay đến lúc đã trưởng thành thì việc ăn uống, học tập, làm việc điều độ, có khoa học sẽ giúp cho bản thân đảm bảo về sức khỏe và hiệu quả công việc cũng tốt hơn.
Con người lại không phải là cỗ máy nên cũng cần thiết có những nhu cầu tối thiểu hàng ngày như vui chơi, giải trí, giao lưu với mọi người xung quanh mình.
Thế nhưng, nhìn từ thực tế, chúng ta thấy một số thầy cô, học sinh đang trong tình trạng quá tải cho cả việc dạy và việc học của mình.
Một số thầy cô dạy thêm như những cỗ máy, còn học sinh thì như những con robot tuân theo một lịch học dày đặc mà nhà trường, cha mẹ đã lên sẵn lịch trình.
Vòng xoáy học thêm đang khiến cho học trò mất đi tuổi thơ của mình. ( Ảnh minh họa: Báo Lao động) |
Ra Giêng, cũng là lúc mà học sinh cuối cấp không còn lý do gì để có thể vui chơi cùng chúng bạn được nữa. Nhất là các kỳ kiểm tra, kỳ thi đang đến cận kề
Vì thế, đây là thời điểm mà các nhà trường, thầy cô đưa ra một lịch học dày đặc. Lịch học chính khóa được đôn lên để kết thúc sớm nhằm chuẩn bị ôn tập cho kỳ thi chuyển cấp.
Cha mẹ học sinh cũng bắt đầu nghĩ đến việc thúc giục con em mình học tập nhiều hơn trước đây. Những học sinh ở các thành phố- nơi mà tỉ lệ chọi thường cao hơn thì thời điểm này bắt đầu bước vào thời kỳ cao điểm.
Các em học tập chính khóa ở nhà trường hết 6 buổi, các buổi còn lại được nhà trường xếp lịch học thêm kín mít.
Chính vì vậy, những em nhà gần trường thì tranh thủ buổi trưa chạy về ăn cơm rồi buổi chiều tiếp tục vào học. Những em nhà xa thì ăn tạm cái gì đó cho qua bữa ở căn tin hoặc quán xá gần trường rồi chờ đến chiều học tiếp.
Như vậy, lịch học cả tuần kín mít ở trường cũng đã đủ cho nhiều em liêu xiêu, mệt mỏi bởi lịch học và chế độ ăn uống thất thường hàng ngày.
Thế nhưng, buổi tối nhiều học sinh vẫn được cha mẹ đưa đến nhà thầy cô hoặc các trung tâm gia sư để …học tiếp.
Nhiều thầy cô vẫn lấy nhiều lý do khác nhau để kéo học sinh đến học tiếp với mình hoặc cha mẹ thấy con em mình học tập như vậy chưa đủ để thi nên đăng ký thêm ở các trung tâm dạy thêm vào các buổi tối.
Tâm lý của các nhà trường, thầy cô và cha mẹ học sinh bây giờ rất lạ. Nhiều khi chẳng bao giờ nghĩ đến tâm lý, cảm xúc và sức khỏe của học trò, của con em mình mà cứ luôn đề cao thành tích, lợi ích và mục tiêu mà mình đặt ra.
Đối với nhà trường, thường các Ban Giám hiệu rất sợ chất lượng thi của trường mình thấp hơn các đơn vị khác thì sẽ ảnh hưởng đến uy tín của nhà trường.
Hơn nữa, việc dạy thêm, học thêm thì vất vả là chuyện của giáo viên, của học trò.
Càng dạy thêm nhiều thì số tiền phần trăm trích lại cho Ban Giám hiệu càng tăng lên. Bởi, việc dạy và học thêm được tổ chức dài ngày, số lượng học nhiều sẽ có 2 cái lợi mà các thành viên lãnh đạo nhà trường đương nhiên được hưởng.
Thứ nhất là nâng cao được chất lượng, điểm số của việc dạy và học của nhà trường sau mỗi kỳ thi. Thứ hai là số tiền được trích lại sau mỗi mùa thi cũng nhiều hơn.
Thành ra,vài thành viên Ban Giám hiệu không cần làm gì mà được hưởng những thành quả từ cấp dưới và học trò của mình nên trường nào cũng ráo riết cho việc dạy thêm, học thêm.
Đối với giáo viên trong trường thì bắt buộc phải thực hiện theo kế hoạch của nhà trường. Dù muốn, dù không thì những thầy cô dạy lớp cuối cấp phải ôn tập cho học trò của mình.
Phần vì kế hoạch, phần cũng vì dạy thêm sẽ tăng thêm thu nhập hàng tháng cho thầy cô giáo.
Vì thế, dù quy định là giáo viên trung học phổ thông dạy 17 tiết/ tuần, giáo viên trung học cơ sở 19 tiết/ tuần nhưng khi dạy thêm nhiều thầy cô xung phong dạy càng nhiều, càng tốt.
Một số thầy cô thấy dạy ở trường chưa đủ, lại muốn kéo học trò đến nhà mình dạy thêm nữa. Tất nhiên, khi thầy cô muốn mở lớp dạy thêm ở nhà thì họ cũng tìm nhiều lý do để thuyết phục phụ huynh và học trò của mình.
Chúng tôi thấy một số thầy, cô giáo còn trẻ, khỏe, nếu tính cả số tiết dạy chính và dạy thêm thì cao hơn gấp nhiều lần định mức quy định của ngành giáo dục.
Nhiều thầy cô ban ngày dạy chính, dạy thêm ở trường, tối về dạy ở nhà hoặc đến dạy thêm ở trung tâm đến 2 ca nữa.
Thử hỏi với một tần suất làm việc như vậy thì thầy cô còn đâu sức khỏe và cảm xúc cho những bài dạy của mình? Thế nhưng, một số thầy cô đã và đang làm được.
Tâm lý phụ huynh thì khi con bước vào lớp cuối cấp thường rất lo lắng, luôn tìm mọi cách để con mình học thêm càng nhiều càng tốt.
Phần nhiều phụ huynh quan niệm việc học thêm không lợi cái này thì lợi cái khác bởi một số trường trung học phổ thông và đại học có điểm thi rất cao.
Không học thêm thì không thể thi vào được bởi mục tiêu của phụ huynh thường muốn con mình thi đậu vào các trường lớn, có uy tín để đảm bảo cho tương lại sau này.
Vì thế, ngoài sự chăm sóc từ miếng ăn, giấc ngủ, đưa đón, đầu tư tiền bạc thì thường không yêu cầu con em mình làm cái gì…ngoài học.
Nhiều cha mẹ buổi tối đưa con đi học, khi con vào trung tâm là lúc cha (mẹ) vào các quán cà phê ngồi đợi con suốt cả buổi học. Bởi, cha mẹ thường thương con, miễn sao con mình chịu học là mừng, mọi vất vả, lo toan đều chấp nhận và gánh được cả.
Đối với học sinh thì gần như không có quyền lựa chọn hay phản kháng lại nhà trường và cha mẹ của mình. Các em phải chấp hành mệnh lệnh như một cái máy.
Mọi lý do phản kháng đều bị phản bác và quy vào tội ý thức học tập kém, không lo tương lai, không biết thương cha mẹ. Càng là học sinh ở thành phố, con nhà có điều kiện, có địa vị thì lịch học càng dày đặc và thường được cha mẹ “quan tâm” nhiều hơn.
Bởi, tiền bạc ngày nay đối với một số phụ huynh không là vấn đề gì nên họ có thể đầu tư tất cả vì tương lai của con em mình mà không hề đắn đo, hay tiếc nuối điều gì.
Một khi nhà trường, thầy cô vì thành tích, vì thu nhập, cha mẹ vì tương lai của con em mình thì học trò đương nhiên sẽ trở thành…nạn nhân.
Và, bức tranh dạy thêm, học thêm ngày càng “đậm nét” hơn bao giờ hết.
Tuổi thơ của các em học sinh liệu có còn không khi suốt ngày chạy theo lịch trình đã được vạch sẵn của thầy cô và cha mẹ của mình?
Suốt ngày chỉ có học và học như vậy thử hỏi làm sao các em không đuối sức, không có nhiều kỹ năng để bước vào đời?