Những hành động tiếp tay cho bạo lực học đường

24/10/2016 08:33
Bùi Minh Tuấn
(GDVN) - “Hiền dữ phải đâu là tính sẵn, phần nhiều do giáo dục mà nên”.

LTS: Vấn nạn bạo lực học đường vẫn càng ngày càng diễn biến phức tạp, tiêu điểm là các vụ học sinh đánh nhau tung clip lên mạng, và mới đây bức xúc hơn là vụ phụ huynh xông vào trường đánh giáo viên.

Thầy giáo Bùi Minh Tuấn (trường Trung học Phổ thông Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An) có bài viết cho rằng chính cách hành xử giữa người lớn với nhau và việc giáo dục đạo đức cho học sinh là những nguyên nhân chính khiến bạo lực học đường vẫn chưa có chiều hướng suy giảm.

Tòa soạn trân trọng gửi tới độc giả!

Thời gian qua, bạo lực học đường có chiều hướng gia tăng đã trở thành vấn nạn gây nhức nhối trong dư luận xã hội.

Những vụ bạo lực diễn ra cả trong và ngoài trường học mà “người trong cuộc” là những người đang trong độ tuổi cắp sách tới trường đã gióng lên một hồi chuông cảnh tỉnh bởi những “lỗ hổng” về đạo đức trong một bộ phận học sinh, đồng thời đặt ra cho những người có trách nhiệm với thế hệ trẻ nhiều vấn đề cần suy nghĩ.

Nhìn từ vụ việc một phụ huynh là giáo viên ở Đà Nẵng hành hung đồng nghiệp và gây rối tại trường vì bức xúc khi phát hiện con mình bị giáo viên đánh gây ra vết xước trên má, có thể nhận thấy, chính lối hành xử lệch chuẩn mang tính bạo lực của người lớn đã vô tình “tiếp tay” cho nạn bạo lực học đường gia tăng.

Nhiều vụ ẩu đả bắt nguồn từ những lý do vu vơ không đáng để tạo ra xung đột như: thấy “ngứa mắt” thì đánh, đánh vì cho là bị “nhìn đểu”, đánh vì thấy bạn… xinh và học giỏi.

Vũ khí được sử dụng trong các cuộc đánh nhau cũng “phong phú” không kém. “Hiền” thì dùng “võ mồm”, nặng hơn thì túm tóc, cào cấu, xé quần áo giữa đám đông.

Ở cấp độ cao hơn vũ khí được sử dụng là: giày, dép, guốc, gậy gộc, gạch đá, dao lam, ống túyp nước…

Bạo lực học đường làm gia tăng bất ổn xã hội, thiếu niềm tin vào giáo dục (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn).
Bạo lực học đường làm gia tăng bất ổn xã hội, thiếu niềm tin vào giáo dục (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn).

Hầu hết trong bản nội quy của các nhà trường đều nghiêm cấm hành vi đánh nhau và đưa ra những hình thức kỷ luật nghiêm khắc đối với các học sinh vi phạm như: ghi học bạ, buộc thôi học nhưng nạn bạo lực học đường vẫn có chiều hướng gia tăng.

Hàng loạt vụ học sinh đánh nhau trong thời gian qua cho thấy sự “xuống dốc” trong đạo đức, lối sống, nhân cách của một bộ phận học sinh; những bài học luân lý sơ đẳng “thương người như thể thương thân”, ứng xử hòa nhã đã bị bỏ qua, thay vào đó là những hành động vô cảm.

Những hành vi bạo lực, hành hạ bạn diễn ra một cách ngang nhiên giữa thanh thiên bạch nhật và ở bất cứ nơi công cộng nào: trong lớp học, trước cổng trường, trong công viên, giữa đường phố…

Trong một số vụ ẩu đả còn thấy cảnh một số học sinh khác ngồi xem, “cổ động” cho vụ ẩu đả với thái độ dửng dưng, bình thản, thậm chí còn lấy điện thoại ra quay phim chụp ảnh rồi tung lên mạng để mua vui và làm nhục người khác.

Trong nhà trường hiện nay, câu “tiên học lễ, hậu học văn” vẫn được treo một cách trang trọng, nhưng trên thực tế, việc “học lễ” của một bộ phận học sinh hiện nay đang bị xem nhẹ.

Từ hàng loạt vụ bạo lực học đường thời gian qua có thể thấy đã có một “lỗ hổng” khá lớn trong công tác giáo dục đạo đức, lối sống trong học sinh của các nhà trường.

Những kiến thức “nền” để xây dựng nhân cách từ các môn học: đạo đức, giáo dục công dân không lan tỏa trong nhận thức của một bộ phận học sinh hiện nay.

Những hoạt động, phong trào của các tổ chức Đoàn - Đội trong nhà trường chưa thể hiện tính chiều sâu và phát huy hiệu quả trong việc định hướng học sinh hướng tới những giá trị thẩm mỹ trong cuộc sống.

Trong bối cảnh tình trạng bạo lực học đường có nhiều nguy cơ bùng phát, lẽ ra, môi trường học đường phải thực sự thân thiện, tích cực nhưng vẫn còn tồn tại hiện tượng một số giáo viên sử dụng phương pháp “thương cho roi, cho vọt” với học sinh.

Theo quan điểm cá nhân, trong bất cứ hoàn cảnh nào, việc sử dụng đòn roi hay những hành vi bạo lực của giáo viên đối với học sinh là không thể chấp nhận, ít nhiều thể hiện sự bất lực của giáo viên trong quá trình giáo dục học sinh.

Trong vụ việc diễn ra tại trường Tiểu học – Trung học Cơ sở Đức Trí (Đà Nẵng) thu hút sự quan tâm của dư luận thời gian qua, hành động đánh học sinh của giáo viên là khó có thể chấp nhận.

Bởi, vết xước trên má học sinh chỉ là tổn thương nhẹ về thể chất, nhưng những ám ảnh, tổn thương về tâm lý thì có thể sẽ còn dai dẳng, nhất là khi học sinh ở cấp Tiểu học còn nhiều non nớt.

Không những thế, hành vi bạo lực của cô giáo diễn ra trước sự chứng kiến của nhiều học sinh khác lại càng phản giáo dục, có thể gieo vào tâm trí các em những suy nghĩ tiêu cực, nuôi “mầm” bạo lực về sau.

Trong vụ việc trên, cách hành xử của vị phụ huynh cũng là giáo viên với đồng nghiệp của mình cũng hoàn toàn sai trái.

Thay vì tìm hiểu nguyên nhân, bình tĩnh phối hợp với giáo viên để cùng giải quyết sự việc, vị phụ huynh này lại có những hành vi bạo lực, thiếu kiểm soát trước sự chứng kiến của nhiều giáo viên và học sinh khác.

Hành động đó không những làm xấu hình ảnh của người giáo viên mà còn dung dưỡng, làm phát sinh những suy nghĩ lệch lạc, thói quen giải quyết vụ việc bằng bạo lực cho ngay chính con em mình.

Thực tế cho thấy, hiện tượng học sinh đánh nhau thời gian qua có sự “đồng phạm” từ phía gia đình.

Nhiều bậc phụ huynh hiện nay do mải chạy theo những cuộc mưu sinh, kiếm tìm các giá trị vật chất mà buông lỏng việc quản lý giờ giấc sinh hoạt, theo dõi sự thay đổi trong tâm sinh lý của con mình, thiếu những uốn nắn kịp thời khi con có dấu hiệu phát sinh những hành vi sai trái.

Không ít bậc phụ huynh đã trở thành những “tấm gương mờ” cho con khi vợ chồng hàng ngày mâu thuẫn, cãi cọ, xô xát nhau.

Một số phụ huynh lại có cách dạy con “phản khoa học”, người viết bài này đã chứng kiến cảnh một vị phụ huynh quát mắng con khi con bị bạn bắt nạt: “Sao mày ngu vậy? Nó mà đánh mày thì mày phải biết mà đánh lại chứ!”(?).

Những cách hành xử như trên đã sớm gieo vào đầu óc non nớt của trẻ những tư tưởng bạo lực.

Những hành động tiếp tay cho bạo lực học đường ảnh 2

Vì sao bạo lực học đường chưa có hồi kết?

Thủ phạm của những vụ bạo lực học đường liên tiếp xảy ra trong thời gian qua đều có một điểm chung đó là thiếu kỹ năng sống.

Kỹ năng sống chính là khả năng ứng xử phù hợp theo những chuẩn mực nhất định trong một môi trường cụ thể thích hợp với hoàn cảnh.

Việc giáo dục kỹ năng sống cho học sinh là cả một quá trình dưới sự tác động, định hướng của các nhân tố: gia đình, nhà trường và xã hội, trong đó, nhân tố gia đình và nhà trường có vai trò quyết định.

Trở lại với câu chuyện đáng buồn xảy ra ở trưởng Tiểu học – Trung học Cơ sở Đức Trí (Đà Nẵng), cả giáo viên và phụ huynh đại diện cho hai môi trường giáo dục quan trọng đều đã sử dụng vũ lực để giải quyết vấn đề thì làm sao có thể nêu gương để con trẻ noi theo?

Lại chợt nhớ tới câu nói nổi tiếng của Bác Hồ, đồng thời là một chiêm nghiệm sâu sắc về giáo dục đạo đức, nhân cách con người: “Hiền dữ phải đâu là tính sẵn, phần nhiều do giáo dục mà nên”.

Bùi Minh Tuấn